Chính trị và bất bình đẳng

Chính trị và bất bình đẳng: Một góc nhìn của Nancy Fraser

in Chính Sách

Theo Nancy Fraser thì gần đây có một sự tương phùng giữa chính trị căn tính (identity politics) nhấn vào sự thừa nhận (recognition) và sự lên ngôi của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) nhấn vào vai trò độc tôn của thị trường. Trong quá trình này, thay vì sự ghi nhận bổ sung cho sự tái phân phối (redistribution) thì các phong trào xã hội mới (đặc biệt theo trường phái đa dạng văn hóa và tôn trọng sự khác biệt) đã thay thế chính trị tái phân phối. Đây là sai lầm đáng tiếc vì chính trị căn tính ngầm định là bình đẳng đã được thiết lập trong dòng chính và vấn đề là chỉ một số người (phụ nữ, dân tộc, LGBT, PwD) đang bị gạt ra bên ngoài cần được bao gộp vào. Điều này ko giải quyết được vấn đề bất bình đẳng vì nó có thể chỉ là vận động cho một xã hội phân biệt chủng tộc “khoan dung/chứa được” người da màu, hoặc một văn hóa kỳ thị đồng tính cho phép người LGBT tham gia. Chính vì vậy điều quan trọng là phải tưởng tượng ra một xã hội khác, một văn hóa khác và điều này thì chính trị căn tính không làm được. 

Đối với Nancy Fraser thì chính trị căn tính không phải kêu gọi thừa nhận sự khác biệt về căn tính/đặc điểm của một nhóm nào đó (đồng tính, phụ nữ, dân tộc thiểu số) mà là quá trình xác lập vị thế (status) bình đẳng của cá nhân/nhóm trong quan hệ xã hội. Như vậy, Nancy Fraser không ủng hộ chính trị căn tính (identity politics) mà bà ủng hộ chính trị vị thế (status politics). “Chính trị của sự thừa nhận là xác lập vị thế bình đẳng chứ không phải là phê chuẩn đặc điểm nhóm”.

Nancy Fraser
Nancy Fraser không ủng hộ chính trị căn tính (identity politics) mà bà ủng hộ chính trị vị thế (status politics)

Việc thay thế chính trị căn tính bằng chính trị vị thế rất quan trọng vì nó giải quyết hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất, nó giải hủy sự cực đoan hóa của chính trị căn tính, đó là chuẩn  mực hóa các đặc điểm của nhóm và ép buộc mọi người phải theo chuẩn mực. Trong trường hợp cực đoan, nó có tính áp chế, phân loại và loại trừ những người không có/không muốn theo các đặc điểm/chuẩn mực nhóm. Thứ hai, việc tập trung vào việc “được thừa nhận” sẽ chỉ coi trọng thái độ và hành vi cá nhân trong quan hệ, vấn đề tâm lý và diễn ngôn trôi nổi trong xã hội. Còn khi tập trung vào “vị thế” thì vô hình chung sẽ phải tập trung vào mạng lưới và thể chế để giải quyết sự bất bình đẳng trong tham gia, trong tiếng nói, trong lợi ích. Việc này cũng giúp cho chính trị thừa nhận với chính trị tái phân phối dễ lồng ghép với nhau hơn (vì đều tập trung vào thể chế).

Theo Fraser, công lý không nên có một định nghĩa cố định mà nó nên được hiểu một cách linh hoat trong mối liên hệ với một số câu hỏi như “điều khoản thể chế quy định sự tương tác trong xã hội có công bằng không? “Khung cấu trúc-thể chế của xã hội – cái mà quyết định luật lệ cho tương tác xã hội, có cho phép mọi người tham gia như là đồng đẳng trong xã hội? Hay nó đã thể chế hóa sự có lợi và bất lợi để ngăn cản nhóm người nào đó tham gia bình đẳng? Các khuôn mẫu văn hóa đã được thể chế hóa có tạo ra thứ bậc cao thấp không, thứ bậc mà ngăn cản sự tham gia bình đẳng? Cấu trúc kinh tế của nó có tạo ra phân chia giai cấp, cái mà cũng ngăn cản sự tham gia bình đẳng?

Như vậy, Fraser cho rằng công lý luôn luôn là vấn đề của thể chế và cấu trúc xã hội. Một vấn đề cá nhân, nếu có thể truy nguyên nhân gốc rễ về thể chế hoặc cấu trúc xã hội thì đó là vấn đề của công lý. Ngược lại, nếu vấn đề của nhiều người mà không truy được về thể chế và cấu trúc thì đó cũng không phải là vấn đề của công lý, mà chỉ là vấn đề của cá thể. Theo Fraser, chính trị thừa nhận (recognition) và chính trị phân phối (redistribution) không giải thích hết được vấn đề công lý trong thời buổi hiện tại, chính vì vậy bà đang đưa thêm khía cạnh thứ ba vào, đó là chính trị đại diện (representation). Có thể thấy, thừa nhận (recognition) là từ khía cạnh văn hóa, phân phối (redistribution) là khía cạnh kinh tế, còn đại diện (representation) là từ khía cạnh chính trị, nó nói về mức độ tham gia vào các tiến trình ra quyết định chính trị của các nhóm người.

Như vậy, Nany Fraser cho rằng sự đan cài giữa bất bình đẳng kinh tế với văn hóa và diễn ngôn là tối cần thiết. Theo bà thì khi nói về nhà nước phúc lợi (welfare state) chúng ta không chỉ nói về ai có/được nhận cái gì mà còn phải nói về ai có quyền diễn dịch người dân cần cái gì. Chính vì vậy chính trị căn tính không giải quyết được vấn đề  bất công mà cần phải kết hợp cả chính trị tái phân phối và chính trị đại diện để có thể cải tổ cấu trúc thể chế, tạo ra một xã hội bình đẳng hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*