Xã hội dân sự cần thiết cho người yếu thế

in Cộng Đồng

Các nhà kinh tế nói rằng để biết mức sống của một khu dân cư chỉ cần ra chợ. Nếu chợ sầm uất, hàng hóa đề huề thì cư dân ở đó có mức sống sung túc. Nếu chợ tiêu điều, mua bán cầm chừng thì cuộc sống ở đó khó khăn. Tương tự như vậy, các nhà bảo vệ quyền con người cho rằng để biết một quốc gia có dân chủ, bình đẳng và bảo vệ nhân quyền hay không chỉ cần xem họ đối xử với người thiểu số như thế nào. Nếu pháp luật và xã hội không có phân biệt đối xử, mọi người đều bình đẳng thì quốc gia đó thực sự tôn trọng quyền con người. Ngược lại, nếu vẫn tồn tại định kiến và kỳ thị với người thiểu số, thì quốc gia đó đang còn nhiều việc phải làm.


Ảnh: đại diện nhóm khuyết tật góp ý sửa đổi hiến pháp
(Nguồn: iSEE)

Bất cứ một xã hội nào đều được xây dựng và phát triển dựa trên tinh thần và nội dung của Hiến pháp. Chính vì vậy, chỉ cần phân tích Hiến pháp là phần nào hiểu được quốc gia đó đang đối xử với người thiểu số như thế nào.

Việt Nam đang xin ý kiến nhân dân về bản thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi và đây là một cơ hội hoàn thiện nền tảng cho một xã hội công bằng. Những người thiểu số và yếu thế như người dân tộc thiểu số, người có HIV, người di cư, phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật, người đồng tính, song tính và chuyển giới có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình. Tuy nhiên, việc lấy được ý kiến của họ không phải dễ dàng vì những lý do chủ quan và khách quan.

Chính quyền địa phương hay các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thành niên có các thành viên thuộc nhóm thiểu số. Tuy nhiên, vì là thiểu số nên đôi khi họ bị lãng quên hoặc coi là không chính yếu cần xin ý kiến. Do những rào cản về vận động hay ngôn ngữ mà người khuyết tật hay phụ nữ dân tộc thiểu số thường bị bỏ qua trong các cuộc tham vấn. Những người đang phải đối mặt với định kiến kỳ thị trong xã hội như người có H hay người đồng tính, song tính và chuyển giới không phải dễ dàng xuất hiện để tham gia và đưa ra nhu cầu chiến lược của mình. Tương tự như vậy, người nhập cư do không có hộ khẩu nên nghiễm nhiên gạt ra khỏi các cuộc họp của “nhân dân” để góp ý cho Hiến pháp. Vì thế, việc thông qua chính quyền địa phương hay các đoàn thể để lấy ý kiến nhân dân thường vắng mặt nhóm đối tượng nhân dân yếu thế này.

Nhận biết được điều này nên Hiến pháp các nước thường đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân. Từng cá nhân riêng lẻ thuộc cộng đồng yếu thế rất khó đưa ra ý kiến của mình nhưng một tập thể có tổ chức, có mục đích bảo vệ quyền lợi của thành viên thì chắc chắn sẽ làm sứ mệnh đại diện tốt hơn. Khi đó, những người đại diện cho các nhóm người yếu thế, các nhóm lợi ích sẽ có nguồn lực và năng lực để tìm hiểu thông tin, phân tích vấn đề và đưa ra kiến nghị từ góc nhìn của mình. Đây chính là quá trình cần thiết để các nhà lập pháp và xã hội hiểu vấn đề thấu đáo hơn, để cân bằng lợi ích phát triển tốt hơn.

Gần đây, các tổ chức phi chính phủ đứng ra tổ chức lấy ký kiến trực tiếp các  nhóm đối tượng thiểu số thiệt thòi là cần thiết và giàu tính nhân văn. Đây là những bước đi đầu tiên để tiếng nói của những người thiểu số thiệt thòi được lắng nghe. Việc này thể hiện vai trò không thể thiếu của các tổ chức xã hội dân sự. Như vậy, Hiến pháp sửa đổi cần đảm bảo quyền tự do lập hội để trong tương lai ngoài các tổ chức phi chính phủ sẽ có Hội của những người yếu thế thiệt thòi như Hội của người có H, Hội của người Đồng tính, song tính và chuyển giới, Hội của người dân tộc thiểu số, Hội của người di cư…. Họ sẽ tham gia như một phần của xã hội dân sự bảo vệ quyền của người thiểu số, người yếu thế. Đây chính là điều kiện để phát triển một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Ngày 12 tháng 1 năm 2013 các tổ chức phi chính phủ và các mạng lưới xã hội dân sự khởi động quá trình lấy ý kiến góp ý cho Hiến pháp sửa đổi của bẩy nhóm thiểu số và thiệt thòi. Trong đó, Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường (iSEE), mạng lưới CIFPEN và trung tâm DECEN lấy ý kiến của người dân tộc thiểu số; Trung tâm ICS và mạng lưới quyền tình dục (SRA) lấy ý kiến của người đồng tính, song tính và chuyển giới; Live and learn, CSAGA, CCIHP và mạng GPAR lấy ý kiến của thanh niên; CGFED, CSAGA, mạng gencomnet và mạng Dovipnet lấy ý kiến của phụ nữ; Mạng VNP-PLUS lấy ý kiến của người có H; CDI, CCIHP, Light và mạng CSO-CSR lấy ý kiến của người di cư; và IDEA, DRD và mạng SRA lấy ý kiến của người khuyết tật.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*