Tinh thần công dân: Nền tảng cho xã hội nhân văn

Tinh thần công dân: Nền tảng cho xã hội nhân văn

in Cộng Đồng

Cụm từ “tinh thần công dân” (civility) có lịch sử trên 2,500 năm, khởi nguồn từ các thành phố nhỏ ở Địa Trung Hải cổ đại và dần lan rộng ra khắp thế giới. Từ một khái niệm khá hẹp dưới thời lãnh chúa ở Châu Âu Trung cổ để chỉ cách ứng xử của người công dân, khái niệm này được mở rộng đáng kể trong thời kỳ đầu hiện đại khi văn hoá nhân loại tập trung vào các giá trị và vẻ đẹp của con người. Thời kỳ này đã định hình các phẩm chất và cách hành xử của người dân trong một nước và đặt nền móng cho các phong tục tập quán của thời đại ngày nay. Tinh thần công dân thường đi kèm với các phẩm chất được tôn vinh khác như lịch sự, trách nhiệm, và văn minh. Tinh thần công dân nhiều khi được coi là một dạng bổn phận: bổn phận của một người công dân.

Khởi nguồn của khái niệm Tinh thần công dân

Khái niệm “tinh thần công dân” khởi nguồn từ những năm 509 trước Công nguyên khi người Roman thành lập nền cộng hoà của mình. Từ “civility” xuất hiện theo thời gian từ từ “civis”, có nghĩa là công dân, lúc bấy giờ để chỉ những người đàn ông có bất động sản. Nó phát triển thành “civitas”, nghĩa là quyền và nghĩa vụ của công dân, và sau đó là “civilitas”, có nghĩa là nghệ thuật và khoa học về quyền công dân. “Civility” hay “civilitas” là cách ứng xử của người công dân tốt, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân cho cộng đồng chung.

Trong giai đoạn này, người công dân có phẩm chất là những người tham gia hội họp và bỏ phiếu cho người lãnh đạo: lãnh sự, đồng tu, người chủ, người kiểm duyệt, và giám mục. Luật bảo vệ quyền bỏ phiếu của người dân, họ không phải chiều theo ý của các thế lực chuyên chế. Nhiệm vụ của người dân được quy định rõ ràng – họ phục vụ trong các nhóm và quân đoàn với các công dân khác, và tự chuẩn bị vật dụng cho mình – khiên, kiếm, giáo và mũ bảo hiểm.

Cũng khoảng năm 500 TCN tại Hy Lạp cổ đại, Hy Lạp đã chuyển sang chế độ dân chủ, nơi các công dân nam giới gặp nhau, thảo luận, tranh luận, và bỏ phiếu trong hội đồng và tạo ra chính sách công. Thế giới chính trị và dân sự này của người Hy Lạp và La Mã cổ đại chính là nền tảng cho xã hội của chúng ta bây giờ.

Tinh thần công dân trở thành nền tảng cho con người nhân văn

Khái niệm “tinh thần công dân” được đưa vào tiếng Anh vào khoảng thế kỷ 12-15 bởi Eleanor xứ Aquitaine, hoàng hậu Pháp và nữ hoàng Anh. Khác với thời La Mã cổ đại, lúc này tinh thần công dân trở thành cách hành xử đúng đắn giữa các lãnh chúa và những người tự do phục vụ họ, đó là sự tôn trọng, hợp tác, phục vụ, quyền và nghĩa vụ qua lại, và cách nói năng và ăn vận phù hợp.

Khái niệm này phát triển lên một cấp độ mới trong thời kỳ Phục hưng, kỷ nguyên của khoa học và sự khai sáng. Phục hưng là thời đại của chủ nghĩa nhân văn nơi xã hội tập trung vào con người, có ý thức cao về các giá trị nhân văn, và cổ vũ các thành tựu và vẻ đẹp của con người. Người đàn ông có học thức được mô tả là người biết cách ứng xử, lịch sự, nói năng lễ độ, có phong thái quý tộc, biết yêu cái đẹp, nhạy cảm và tôn trọng người khác, được đào tạo trong nhân văn, hành động vì danh dự và bổn phận, thận trọng và cởi mở trong suy nghĩ.

Tại thời điểm này, tinh thần công dân ngày càng trở nên quan trọng và được coi là nền tảng cho tính nhân văn trong con người. Việc thực hành tinh thần công dân giúp chúng ta nuôi dưỡng lòng nhân từ, điều cao quý nhất của việc làm người. Nó có nghĩa là công dân hành xử theo cách tốt nhất mà họ có thể, một cách cao quý, văn minh, và nhân văn.

Tinh thần công dân trở thành giá trị phổ quát trên toàn thế giới

Hàng loạt các phong trào dân quyền diễn ra vào cuối thế kỷ 18, mà điển hình là Cách mạng Mỹ,  Cách mạng Pháp, sự ra đời của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, Dự luật Quyền Mỹ, và Tuyên ngôn Pháp quyền của Người và Công dân Pháp, thể hiện tầm quan trọng của quyền công dân. Thế kỷ 19, chính phủ Pháp đưa giáo dục công dân vào trường học và tin rằng điều này sẽ giúp tạo nên những người trẻ có tinh thần công dân, biết hành xử đúng mực, có đạo đức nghề nghiệp, và đáp ứng kỳ vọng của xã hội. Thế kỷ 20 chứng kiến sự thành lập và bùng nổ của xã hội dân sự tại Mỹ kể từ sau các phong trào chủ nghĩa xã hội (socialism), các giá trị hợp tác lên ngôi thay vì cạnh tranh, tập thể thay vì cá nhân, và cộng đồng thay vì tư nhân. Thế kỷ 20 cũng chứng kiến sự ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc.

Hiện nay, một người có tinh thần công dân được coi là người biết quan tâm tới cộng đồng của mình và biết nhìn người khác với lòng nhân từ và niềm tin rằng hạnh phúc và bình an của người đó cũng quan trọng như hạnh phúc và bình an của chính mình. Chúng ta phải đối xử với người khác vì muốn tốt cho chính họ chứ không phải vì muốn lợi dụng họ cho lợi ích của bản thân. Nói cách khác, chúng ta phải hành xử với lòng thấu cảm và sự nhân từ. Tinh thần công dân và cách hành xử đúng thuộc về phạm trù không thể cưỡng ép bằng pháp luật được, chỉ có ý thức của chúng ta về đạo đức, về những gì là đúng, có trách nhiệm, và tử tế quyết định hành vi của chúng ta. Xã hội nào càng dựa vào khả năng tự quyết và tự điều chỉnh của cá nhân nhiều, xã hội đó càng văn minh và càng ít phải phụ thuộc vào luật lệ, cưỡng chế, xung đột, và kiện tụng. Tinh thần công dân, do đó, là gốc rễ cho một xã hội nhân văn và văn minh.

Bài tiếp theo: Các điều kiện khả thể để thúc đẩy tinh thần công dân

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*