Hiểu về các hình thái quyền lực

in Chính Sách/Cộng Đồng

Quyền lực là khả năng của con người hành động và gây ảnh hưởng đến người khác. Khi nói đến quyền lực người ta thường nhìn nhận nó một cách tiêu cực, nhưng quyền lực cũng là một thứ vô cùng hấp dẫn và con người có xu hướng sử dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho bản thân mình, cũng như gây ảnh hưởng đến người khác. Chính vì vậy, việc hiểu về quyền lực và cách sử dụng quyền lực rất quan trọng.

Ảnh: Nhân dân nhiều khi không biết quyền lực mình có (nguồn: internet)

Theo “Powercube về các hình thái quyền lực” thì quyền lực được chia làm ba loại. Thứ nhất là quyền lực hữu hình (visible power), là loại quyền lực được tạo bởi vị trí, chức danh, và được quy định bởi thể chế chính trị và xã hội, ví dụ như chính phủ, quốc hội, hoặc tòa án. Những người được bầu giữ các chức vụ chính thức nắm giữ quyền lực hữu hình, ví dụ như các đại biểu quốc hội thì có quyền lập pháp, nội các chính phủ có quyền hành pháp và tòa án có quyền tư pháp. Tương tự như vậy, trong một cơ quan, giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng có quyền lực hữu hình. Trong gia đình dòng tộc thì trưởng họ có quyền lực hữu hình.

Thứ hai là quyền lực ẩn (hidden power), đó là khả năng gây ảnh hưởng đến nội dung hoặc quá trình ra quyết định/cách thức ra quyết định – nói một cách khác là ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của các cơ quan. Ví dụ, tại một bệnh viện, một nhân vật cùng phe với giám đốc chỉ được dưới 50% số phiếu tín nhiệm vào chức trưởng khoa. Trong lần lấy phiếu tín nhiệm lại, Giám đốc họp mặt các trưởng phòng và phát tờ phiếu đã ghi sẵn tên của người cần lấy tín nhiệm, nếu ai không tín nhiệm thì gạch. Tất nhiên, với quy định này, Giám đốc và người được đưa ra lấy phiểu tín nhiệm biết ngay ai đã đưa bút lên gạch. Chỉ bằng một “quy định rất công khai” đó thôi, người ta đã dọa được những người sợ bị trù dập và họ đã có được hơn 50% phiếu tín nhiệm.trong lần bỏ phiếu lại, và được bổ nhiệm.

Đôi khi, “quyền lực ẩn” còn được thể hiện qua các rào cản vô hình, hoặc có tính hệ thống để cản trở sự tham gia hoặc ý kiến của một nhóm đối tượng nhất định nào đó. Ví dụ, quy định ngôn ngữ cuộc họp là tiếng Kinh, đồng nghĩa loại bỏ những người không nói tiếng Kinh, như người dân tộc thiểu số, ra khỏi bàn nghị sự. Hoặc trong những cuộc đối thoại chính sách qui định chọn những người nói năng lưu loát, cũng đồng nghĩa loại đi những người nghèo, thực sự đang là đối tượng bị tác động bởi chính sách nhưng có thể lại không phải là người giỏi ăn nói.   

Thứ ba là quyền lực vô hình (invisible power), là quyền lực tạo bởi niềm tin/chuẩn mực, một tư tưởng, một giá trị, hoặc một thái độ nào đó làm người dân không nhận thức được quyền của họ. Người dân tin rằng việc người khác thống trị hoặc bóc lột họ là điều tự nhiên, bình thường, từ đó họ không đòi hỏi, hoặc thậm chí đặt câu hỏi về tình trạng bất công phải sống. Paulo Freire gọi đây là “văn hóa của im lặng”, là hậu quả của việc nhập tâm hóa việc bị đàn áp.

Vào năm 2010, một người dân thành phố Hồ Chí Minh kiện sở giao thông công chính vì đã làm đường quá lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông. Việc một người dân dám kiện “nhà nước” đã làm “rung động giới luật gia Việt Nam”. Sở dĩ vụ việc này gây xôn xao vì trước đó, chưa có người dân nào dám kiện cơ quan nhà nước. Niềm tin “cơ quan nhà nước là luôn đúng/bất khả xâm phạm” là quyền lực vô hình, khiến người dân không bao giờ nghĩ đến việc kiện sở này ban kia dù họ sai

Một ví dụ điển hình khác, đó là người nhập cư, họ tin rằng chỉ những người ở thành phố mới có quyền hưởng các dịch vụ công, như y tế, giáo dục và nước sạch, những người từ “tỉnh lẻ” như họ chỉ là người ở đậu, “công dân hạng hai” nên họ coi sự bất bình đẳng ngay trên đất nước của mình như một điều hợp lý. Họ ngoan ngoãn nộp tiền điện, nước cao hơn, đóng học phí khủng vì cho con đi học “trái tuyến” hoặc phải gửi về quê cho “đúng tuyến”, chấp nhận gia đình chia rẽ.

Ba hình thái quyền lực này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ ở một nước châu Phi, một tập đoàn tư nhân chuyên về khai thác khoáng sản và trở nên vô cùng giàu có. Ông chủ tập đoàn nhờ những đóng góp/từ thiện đã có được một chân trong hội đồng thành phố – có nghĩa ông ta có được quyền lực hữu hình. Với cương vị là một thành viên trong hội đồng, ông loại bỏ vấn đề về đất đai khu mỏ ra khỏi chương trình nghị sự – có nghĩa ông đã dùng “quyền lực ẩn” để bảo vệ lợi ích của mình. Sau nhiều năm không được bàn đến, khu mỏ trở thành “vùng cấm bàn luận” và hình thành một niềm tin “Khu mỏ là bất khả xâm phạm” – đây chính là “quyền lực vô hình”. Và như thế, mặc dù người dân tranh nhau từng mét đất, dẫn nhau ra tòa vì từng mét đất nhưng họ không bao giờ chất vấn về hàng nghìn hecta đất đang được tập đoàn  khai thác mỏ quản lý.

Trong một nước dân chủ thì “quyền lực hữu hình” được bảo vệ nhờ một nhà nước tam quyền phân lập (ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp hoạt độc độc lập, kiểm soát lẫn nhau). Người dân có những không gian dân sự tự do để học và thực hành các quyền của mình, trong đó có quyền giám sát nhà nước. Khi đó, “quyền lực ẩn” mới bị hạn chế và không ai có thể thể tạo ra “quyền lực vô hình” bằng cách tuyên truyền, tẩy não hoặc tạo ra thói quen bắt người dân tin vào những trật tự xã hội bất công, hoặc định hướng có lợi cho một nhóm xã hội nào đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*