Author

TTCD

TTCD has 72 articles published.

Hiểu về các hình thái quyền lực

in Chính Sách/Cộng Đồng

Quyền lực là khả năng của con người hành động và gây ảnh hưởng đến người khác. Khi nói đến quyền lực người ta thường nhìn nhận nó một cách tiêu cực, nhưng quyền lực cũng là một thứ vô cùng hấp dẫn và con người có xu hướng sử dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho bản thân mình, cũng như gây ảnh hưởng đến người khác. Chính vì vậy, việc hiểu về quyền lực và cách sử dụng quyền lực rất quan trọng.

Ảnh: Nhân dân nhiều khi không biết quyền lực mình có (nguồn: internet)

Theo “Powercube về các hình thái quyền lực” thì quyền lực được chia làm ba loại. Thứ nhất là quyền lực hữu hình (visible power), là loại quyền lực được tạo bởi vị trí, chức danh, và được quy định bởi thể chế chính trị và xã hội, ví dụ như chính phủ, quốc hội, hoặc tòa án. Những người được bầu giữ các chức vụ chính thức nắm giữ quyền lực hữu hình, ví dụ như các đại biểu quốc hội thì có quyền lập pháp, nội các chính phủ có quyền hành pháp và tòa án có quyền tư pháp. Tương tự như vậy, trong một cơ quan, giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng có quyền lực hữu hình. Trong gia đình dòng tộc thì trưởng họ có quyền lực hữu hình.

Thứ hai là quyền lực ẩn (hidden power), đó là khả năng gây ảnh hưởng đến nội dung hoặc quá trình ra quyết định/cách thức ra quyết định – nói một cách khác là ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của các cơ quan. Ví dụ, tại một bệnh viện, một nhân vật cùng phe với giám đốc chỉ được dưới 50% số phiếu tín nhiệm vào chức trưởng khoa. Trong lần lấy phiếu tín nhiệm lại, Giám đốc họp mặt các trưởng phòng và phát tờ phiếu đã ghi sẵn tên của người cần lấy tín nhiệm, nếu ai không tín nhiệm thì gạch. Tất nhiên, với quy định này, Giám đốc và người được đưa ra lấy phiểu tín nhiệm biết ngay ai đã đưa bút lên gạch. Chỉ bằng một “quy định rất công khai” đó thôi, người ta đã dọa được những người sợ bị trù dập và họ đã có được hơn 50% phiếu tín nhiệm.trong lần bỏ phiếu lại, và được bổ nhiệm.

Đôi khi, “quyền lực ẩn” còn được thể hiện qua các rào cản vô hình, hoặc có tính hệ thống để cản trở sự tham gia hoặc ý kiến của một nhóm đối tượng nhất định nào đó. Ví dụ, quy định ngôn ngữ cuộc họp là tiếng Kinh, đồng nghĩa loại bỏ những người không nói tiếng Kinh, như người dân tộc thiểu số, ra khỏi bàn nghị sự. Hoặc trong những cuộc đối thoại chính sách qui định chọn những người nói năng lưu loát, cũng đồng nghĩa loại đi những người nghèo, thực sự đang là đối tượng bị tác động bởi chính sách nhưng có thể lại không phải là người giỏi ăn nói.   

Thứ ba là quyền lực vô hình (invisible power), là quyền lực tạo bởi niềm tin/chuẩn mực, một tư tưởng, một giá trị, hoặc một thái độ nào đó làm người dân không nhận thức được quyền của họ. Người dân tin rằng việc người khác thống trị hoặc bóc lột họ là điều tự nhiên, bình thường, từ đó họ không đòi hỏi, hoặc thậm chí đặt câu hỏi về tình trạng bất công phải sống. Paulo Freire gọi đây là “văn hóa của im lặng”, là hậu quả của việc nhập tâm hóa việc bị đàn áp.

Vào năm 2010, một người dân thành phố Hồ Chí Minh kiện sở giao thông công chính vì đã làm đường quá lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông. Việc một người dân dám kiện “nhà nước” đã làm “rung động giới luật gia Việt Nam”. Sở dĩ vụ việc này gây xôn xao vì trước đó, chưa có người dân nào dám kiện cơ quan nhà nước. Niềm tin “cơ quan nhà nước là luôn đúng/bất khả xâm phạm” là quyền lực vô hình, khiến người dân không bao giờ nghĩ đến việc kiện sở này ban kia dù họ sai

Một ví dụ điển hình khác, đó là người nhập cư, họ tin rằng chỉ những người ở thành phố mới có quyền hưởng các dịch vụ công, như y tế, giáo dục và nước sạch, những người từ “tỉnh lẻ” như họ chỉ là người ở đậu, “công dân hạng hai” nên họ coi sự bất bình đẳng ngay trên đất nước của mình như một điều hợp lý. Họ ngoan ngoãn nộp tiền điện, nước cao hơn, đóng học phí khủng vì cho con đi học “trái tuyến” hoặc phải gửi về quê cho “đúng tuyến”, chấp nhận gia đình chia rẽ.

Ba hình thái quyền lực này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ ở một nước châu Phi, một tập đoàn tư nhân chuyên về khai thác khoáng sản và trở nên vô cùng giàu có. Ông chủ tập đoàn nhờ những đóng góp/từ thiện đã có được một chân trong hội đồng thành phố – có nghĩa ông ta có được quyền lực hữu hình. Với cương vị là một thành viên trong hội đồng, ông loại bỏ vấn đề về đất đai khu mỏ ra khỏi chương trình nghị sự – có nghĩa ông đã dùng “quyền lực ẩn” để bảo vệ lợi ích của mình. Sau nhiều năm không được bàn đến, khu mỏ trở thành “vùng cấm bàn luận” và hình thành một niềm tin “Khu mỏ là bất khả xâm phạm” – đây chính là “quyền lực vô hình”. Và như thế, mặc dù người dân tranh nhau từng mét đất, dẫn nhau ra tòa vì từng mét đất nhưng họ không bao giờ chất vấn về hàng nghìn hecta đất đang được tập đoàn  khai thác mỏ quản lý.

Trong một nước dân chủ thì “quyền lực hữu hình” được bảo vệ nhờ một nhà nước tam quyền phân lập (ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp hoạt độc độc lập, kiểm soát lẫn nhau). Người dân có những không gian dân sự tự do để học và thực hành các quyền của mình, trong đó có quyền giám sát nhà nước. Khi đó, “quyền lực ẩn” mới bị hạn chế và không ai có thể thể tạo ra “quyền lực vô hình” bằng cách tuyên truyền, tẩy não hoặc tạo ra thói quen bắt người dân tin vào những trật tự xã hội bất công, hoặc định hướng có lợi cho một nhóm xã hội nào đó.

Sống thật để làm người Việt tốt

in Chính Sách/Cộng Đồng

Ẩn trong vẻ lạnh lùng, vô cảm thậm chí cáu gắt khó chịu của mỗi người Việt Nam là một con người khác. Con người của sự chia sẻ, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, lúc khó khăn. Những đức tính này được hun đúc, bồi đắp qua hàng nghìn năm chống lại sự đô hộ của người Tàu phía Bắc không dễ gì phai nhạt. Nhưng tại sao con người thật thà, chất phác, tốt tính đó của người Việt ngày nay bị che khuất bởi những lớp vỏ xấu xí? Tại sao những nghi kỵ, lừa lọc, chụp giật, tư lợi trở nên phổ biến?

Một nhà văn kỳ cựu đã từng nói, ngày đầu đi kháng chiến vui lắm. Dọc đường hành quân, những người lính trẻ hát “Thiên thai” hay “Suối mơ” thật lãng mạn. Cuộc chiến chinh là một bản hùng ca của dân tộc. Mặc những gian khổ, bệnh tật, hy sinh, nhưng từng bước hành quân vẫn lung linh bầu trời tổ quốc trong tim. Văn nghệ sĩ, trí thức, thanh niên lên đường vì chủ nghĩa yêu nước. Họ chiến đấu và hy sinh vì độc lập cho dân tộc, và tự do cho nhân dân. Đây cũng chính là lý do làm cho cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam có tính chính danh, và chính nghĩa, và quy tụ được toàn bộ người Việt Nam trong cũng như ngoài nước.

Tiếc thay, trong quá trình đi tìm độc lập và thống nhất đất nước, chúng ta đã không coi trọng tự do cá nhân. Những khẩu hiệu “hy sinh quyền lợi cá nhân để phụng sự cho lợi ích tập thể” đã dẫn đến những chính sách sai lầm trong quá khứ. Các chương trình như cải cách ruộng đất, xóa bỏ chùa chiền, công hữu hóa tài sản đã làm tổn thương nền tảng xã hội và đạo đức của dân tộc. “Thiên thai”, “Suối mơ” không còn được hát nữa, thay vào đó là “Cùng nhau đi hồng binh” hay “Tiếng hát ngày thứ Bảy cộng sản”. Sự khát khao độc lập, tự do của dân tộc được khoác lên mình một chiếc áo mới, với sứ mệnh mới: bảo vệ Chủ nghĩa xã hội. Con người Việt Nam tự tạo cho mình một cái vỏ bọc, để tránh những quy chụp “tư sản”, “không có tính giai cấp” thậm chí “phản cách mạng”.

Có nhiều lý giải cho rằng khi chúng ta làm kháng chiến, để phát huy sức mạnh tập thể, trăm người như một, thì hy sinh tự do cá nhân là điều cần thiết. Lịch sử là lịch sử, và không có điều “giá như” hoặc “nếu điều đó xảy ra”. Quan trọng, trong thời bình khi thế giới đã thay đổi, Việt Nam đã thay đổi, chúng ta, những con người đang sống trong thời đại này phải hành động để sau này con cháu không phải đặt câu hỏi “giá như” và “nếu điều đó xảy ra” nữa.

Việt Nam trong thế kỷ 21 có hướng nhìn ra biển. Chúng ta nhìn ra biển, vì biển chính là cánh cửa đưa Việt Nam vào với thế giới. Khoa học, công nghệ, và toàn cầu hóa đã làm điều không thể trong hàng nghìn năm qua thành điều có thể trong ngày nay. Từ thời bắc thuộc (111 trước Tây lịch đến 931 sau Tây lịch) cho đến thời độc lập sau này, Việt Nam thường nhìn về phương Bắc. Nhìn về phương Bắc, vì chúng ta đã thấm nhuần văn hóa và tư tưởng Nho giáo và tin rằng, phương Bắc là đúng. Ai học được văn hóa, khoa học từ phương Bắc là người giỏi, ai không học được là người dốt. Chúng ta nghĩ và tư duy trong chính cái khuôn mẫu do chúng ta du nạp, và cảm thấy an toàn trong cái lồng kính đó.

Ngày nay, chúng ta hiểu thế giới đa dạng hơn rất nhiều những gì đến từ phương Bắc. Chúng ta hiểu, Việt Nam có thể nhìn về hướng Đông, Tây và Nam để tích hợp trí tuệ của nhân loại, và quan trọng hơn củng cố nền độc lập quốc gia. Sau hơn một nghìn năm bị đô hộ, và hơn một nghìn năm gìn giữ, độc lập dân tộc đâu phải là điều nhỏ để chúng ta đánh mất. Quan trọng hơn, độc lập phải mang lại tự do, và tự do cần thiết để gìn giữ độc lập.

Con người phải tự do sống thật là mình, nói những điều mình suy nghĩ, và làm những điều mình tin là đúng. Nếu chúng ta phải nói, phải nghe những điều chúng ta không tin thì thật là bất hạnh. Con người chất chứa đầy những mâu thuẫn, là con người của đau khổ. Nhìn vào những khuôn mặt đó, chúng ta không thấy nụ cười, mà chỉ là những nếp nhăn ưu phiền, lo âu và bất lực. Về vật chất, đâu có khổ như thời kháng chiến, mà sao bây giờ mặt chúng ta lại úa tàn hơn?

Hãy sống tự do để chúng ta gỡ bỏ những vỏ bọc làm người Việt xấu xí, sống vì nhau như những ngày xưa. Hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất: đừng nói dối và đừng đồng ý với lời nói dối. Khi đó, những vỏ bọc xấu xí sẽ tự rơi, vì chúng chỉ bám được vào ta khi ta còn nói dối.

Hãy mỉm cười và bắt đầu làm những điều tốt đẹp, không chỉ cho bản thân, gia đình, hàng xóm của mình, mà cho tất cả mọi người.

Sống thật, sống tốt cũng chính là sống có ích nhất cho đất nước mình lúc này!

Bóc mẽ quyền lực

in Chính Sách/Cộng Đồng

Quyền lực, về bản chất là khả năng hành động của A gây ảnh hưởng lên B. Nói cách khác, A chỉ có quyền lực khi B tin rằng A có quyền lực, và B phục tùng quyền lực của A. Ví dụ, công an có quyền điều hành giao thông, quyền này được ghi trong luật giao thông. Ai tham gia giao thông cũng biết điều đó, và họ tuân thủ quyền lực của công an giao thông bằng cách di chuyển theo hiệu lệnh. Nếu người dân vì một lý do nào đó không tuân theo điều mặc định đó, quyền lực của công an giao thông chỉ còn trên giấy tờ.

Ảnh: thí nghiệm của TS. Milgram gây chấn động thế giới (nguồn: internet)

Như vậy, con người nhận biết “quyền lực” thông qua những biểu trưng quyền lực. Ví dụ, biểu trưng quyền lực của công an là bộ đồng phục màu xanh (cho công an khu vực) và màu vàng (cho công an giao thông). Chỉ cần nhìn thấy một “bóng áo vàng”, người tham gia giao thông nghĩ ngay đến quyền lực “vung dùi cui chỉ đường” hoặc “phạt vi phạm giao thông” của người mặc đồng phục.

Các nhà khoa học làm một thí nghiệm bằng cách cho một thanh niên trông giống sinh viên, ăn mặc “bụi phủi” và một người đàn ông trung niên, ăn mặc giống một doanh nhân thành đạt đi bộ băng qua đường trong khi đèn vẫn đỏ. Họ muốn biết có bao nhiêu người đang đứng đợi sẽ phạm luật bằng cách đi theo cậu sinh viên hoặc ông doanh nhân. Thật thú vị, số người đi theo người đàn ông trông giống doanh nhân cao gấp 3,5 lần số người đi theo cậu sinh viên. Điều này chứng tỏ, con người dễ dàng bị ảnh hưởng và làm theo những người được coi là “khả kính”, cho dù điều đó phạm luật.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học để một chiếc xe hiệu Lexus sang trọng và một chiếc xe cà tàng hiệu Volga đứng đợi đèn giao thông trước ngã tư. Khi đèn chuyển từ đỏ qua xanh, chiếc xe thí nghiệm vẫn đứng yên không chạy. Điều thú vị là trong trường hợp chiếc Volga cà tàng, 100% xe đứng sau ngay lập tức bấm còi inh ỏi, thậm chí có hai trường hợp không chịu được húc thẳng vào đuôi chiếc Volga. Trong trường hợp xe Lexus, 50% kiên nhẫn đợi một cách kính trọng, không hề bấm còi cho đến khi chiếc Lexus từ từ lăn bánh. Rõ ràng, sự sang trọng của chiếc Lexus có ảnh hưởng đến thái độ của con người.

Nhưng có lẽ, một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất thế giới về tâm lý học là của Tiến sĩ Milgram. Ông mời hai người tình nguyện làm thí nghiệm về “khả năng học và tác dụng của hình phạt”. Mỗi lần trả lời sai, người học sẽ bị phạt bằng cách dí điện và lần sau tăng 15 volt so với lần trước. Trong thí nghiệm, khi cường độ dòng điện là 15-50 volt, người học sẽ thấy khó chịu, 75-105 volt thì càu nhàu thành tiếng, 120-150 volt thì kêu rên là đau, 165-180 volt thì la hét và đòi dừng thí nghiệm, 195-300 volt thì ù đầu và tuyên bố không trả lời bất cứ câu hỏi nào nữa, 315-400 volt, gần như tê liệt và xin được giải thoát, 415-450 volt, nằm im bất tỉnh.

Có bao nhiêu người tình nguyện tham gia thí nghiệm dí điện người học 30 lần đến mức đỉnh điểm là 450 volt không hề dừng lại? Khi được hỏi, sinh viên khoa tâm lý học của Đại học Yale cho rằng sẽ có 1-2% người chơi dí đến mức 450 volt, còn 39 nhà tâm thần học được hỏi thì nói có khoảng 1 trong 1000 người dí đến 450 volt. Nhưng kết quả thực tế cho thấy, không ai dừng lại khi người học van xin hoặc la hét đau đớn, và có tới 66% (hai phần ba) người dậy dí điện đến mức cuối cùng 450 volt, khi người học bất tỉnh!

Tại sao con người lại nhẫn tâm với đồng loại của mình đến vậy, và tại sao họ lại tuân thủ một cách mê muội theo chỉ dẫn của Tiến sĩ Milgram? Đây chính là biểu hiện của việc phục tùng quyền lực, khi người dậy (là một tình nguyện viên) tin vào sự đúng đắn của vị tiến sĩ khoa học, và làm theo những gì ông ta nói. Tất nhiên, trong thí nghiệm này người học (người bị dí điện) là nhân viên phòng thí nghiệm, và tất cả các biểu hiện như kêu xin, và bất tỉnh chỉ là diễn kịch, nhưng người dậy không biết.

Qua các thí nghiệm này, chúng ta hiểu quyền lực hay biểu trưng của quyền lực có sức mạnh ghê gớm thế nào. Nó cảnh báo, những ai mang trên mình biểu trưng quyền lực phải thận trọng, nếu không sẽ gây hại một cách vô thức cho người khác. Ví dụ, công an dọa trẻ em nếu không khai trộm tiền sẽ bị bỏ tù, dẫn đến việc các em tự tử; hoặc giáo viên dọa học sinh, dẫn đến việc các em bỏ học.

Bên cạnh đó, nó cũng cảnh bảo người dân cần phải biết rõ quyền con người của mình để không hoảng sợ khi đối mặt với những biểu trưng của quyền lực, và bị họ lạm dụng. Đây cũng chính là lý do cần có những cơ quan giám sát quyền lực độc lập để kiểm soát việc lợi dụng quyền lực trục lợi, hoặc gây hại cho người khác.

Tiền có mang lại công lý?

in Chính Sách/Cộng Đồng

Hình ảnh cái cân, một bên là khí CO2 một bên là những tờ đô la Mỹ, minh họa cho một thoả thuận giữa chính quyền và các cộng đồng đang sống ở vùng rừng núi Việt Nam: giúp chúng tôi giữ rừng để giảm thiểu thay đổi khí hậu, chúng tôi sẽ đền bù cho các anh bằng đô la.

Ảnh: người dân bản địa chỉ “đo cây, đếm tiền”? (Nguồn: UN-REDD ở Việt Nam)

Đây là một ví dụ về ra sự gia tăng việc sử dụng hình thức đền bù của chính phủ, các công ty và tổ chức đa quốc gia trong quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Họ sẵn sàng đền bù cho các cộng đồng địa phương về sự mất mát do các dự án và chương trình bảo vệ môi trường, cũng như những tác hại do ô nhiễm công nghiệp gây ra. Đây là ý tưởng cơ bản của chương trình Giảm khí thải từ sự mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Nó cũng được áp dụng cho Quỹ thích ứng khí hậu, Chương trình Dịch vụ chi trả phí môi trường, Các thoả thuận đồng chia sẻ trong việc quản lý các khu rừng cấm, và các dự án trong lĩnh vực khai mỏ.

Tất cả những cố gắng này đều có chung một giả thiết: quản lý tài nguyên và môi trường sẽ có công lý (hơn) nếu các can thiệp làm cho sự phân phối lợi ích bình đẳng (hơn); nếu các cộng đồng địa phương được ‘chia sẻ công bằng’ doanh thu từ việc khai mỏ hay du lịch sinh thái, thì bảo tồn đa dạng sinh học hay khai mỏ sẽ có tính công lý; nếu các nước đang phát triển nhận được sự chi trả tài chính từ các công ty dược phẩm đa quốc gia, thì việc sử dụng tài nguyên gen của thế giới sẽ có công lý hơn; nếu các nhóm người bị ảnh hưởng bởi chất độc và sự rủi ro nhận được sự đền bù, thì việc quản lý môi trường và những hoạt động đối phó của loài người đối với biến đổi khí hậu sẽ trở nên bình đẳng hơn.

Đền bù có thể đưa lại công lý ở một vài trường hợp, ví dụ như một số người, hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng bởi chất độc, hay bị di rời khỏi nguồn tài nguyên sinh kế, đòi hỏi sự đền bù. Tuy nhiên, có nhiều lý do để cẩn trọng, như được nhấn mạnh trong Tuyên bố Norwich về công lý môi trường [Norwich Declaration on Environmental Justice]. Đền bù không phải là một giải pháp kỳ diệu để giải quyết tất cả các ảnh hưởng tiêu cực từ quản lý môi trường và tài nguyên đối với các cộng đồng địa phương. Ngược lại, việc sử dụng đền bù như một giải pháp sẽ giới hạn, thậm chí đóng lại những khả năng khác, có thể giúp khắc phục những bất công tiềm ẩn về văn hoá, chính trị và kinh tế do sự quản lý tài nguyên và môi trường đem lại. Có bốn lý do để thấy đền bù không mang lại công lý.

1) Nhiều người trải nghiệm sự bất công theo các cách thức không thể chi trả bằng đền bù, ví dụ, người Pemón ở Venezuela có tri thức bản địa trong quản lý đất đai rất đặc trưng, cụ thể là cách sử dụng lửa. Việc nhà nước cấm sử dụng lửa vì lo cháy rừng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ, lề hóa kiến thức bản địa, và đẩy họ vào nguy cơ bị mất gốc. Đền bù bằng tiền sẽ không giúp giải quyết sự bất công, vì lối sống và bản thân họ đã bị lề hóa bởi chính sách của chính quyền.

2) Đền bù có thể biến thành sự cưỡng ép về kinh tế trong bối cảnh có sự bất bình đẳng trầm trọng về quyền lực. Những người dân nghèo có thể cảm thấy bất lực, không có lựa chọn khác, vì vậy phải chấp nhận sự đền bù. Họ phải từ bỏ các đòi hỏi về công lý rất quan trọng trong đời sống của họ. Ví dụ, Người Ogoni ở vùng châu thổ Niger chỉ coi đền bù là sự xoa dịu mà không thực sự là công lý khi phải đi khỏi đồng bằng Niger. Họ phải nhận đền bù, cho dù trong thâm tâm họ muốn được công nhận quyền sở hữu đối với tài nguyên trong lãnh thổ họ đã ở lâu đời, và nhà nước cần tẩy sạch sự ô nhiễm hơn là chuyển họ đi nơi khác.

3) Đền bù chỉ có thể tốt ở nơi có các quyền dân chủ và người ảnh hưởng có thể tiếp cận được với hệ thống luật pháp. Ở nơi người dân không thể kiểm soát chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia và các công ty tạo ra sự thiệt hại, rủi ro hoặc mất mát thì sự đền bù sẽ không đưa lại công lý. Ví dụ, người dân Sudan và Ethiopia thiếu sự tiếp cận đến hầu hết các nguồn thông tin quan trọng về các dự án xây dựng đập trên dòng sông Nile. Kết quả là họ trở thành những người nhận đền bù một cách thụ động, hoặc thậm chí không được đền bù, mà không có phương tiện gì để thương thoả với công ty xây dựng đập.

4) Đền bù là giải pháp cuối cùng có thể giải quyết vấn đề phân phối lại của cải, nhưng nó không làm thay đổi bản chất gốc rễ của sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và cơ hội. Ví dụ, chính phủ Ấn Độ đã đền bù các cộng động địa phương sống quanh rừng bằng cách cho phép họ chia sẻ sản phẩm và thu nhập từ rừng quản lý bởi nhà nước. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sự bất công, vì người dân vẫn không được làm chủ nguồn tài nguyên của họ. Phải đến khi Luật về rừng ra đời năm 2006, cho phép các cộng đồng bản địa có quyền quản lý tài nguyên và lãnh thổ truyền thống, thì sự bất công mới được giải quyết tận gốc rễ.

Trên bình diện khái niệm hoá, đền bù giả định một sự thoả thuận chung của các bên liên quan (ví dụ, người gây ra sự ô nhiễm và người bị tổn thương) về sự thiệt hại, mất mát hay rủi ro. Người gây ô nhiễm thu lợi từ hoạt động của mình, nên phải chia lại một phần cho người bị thiệt hại để đảm bảo công lý. Tuy nhiên, quan hệ quyền lực thường nghiêng về những người gây ô nhiễm, nên phần thiệt luôn nghiêng về phía những nạn nhân. Hơn nữa, khi tư duy “đền bù sẽ mang lại công lý”, lợi ích kinh tế (cho bên nắm quyền) sẽ được cân nhắc, bỏ qua những thiệt hại về văn hóa, xã hội, và tâm linh với cộng đồng. Nguy hại hơn, nó có thể xâm phạm những giá trị đạo đức phổ quát của con người, đó là có thể dùng tiền để rửa sạch tội lỗi khi gây hại cho người khác.

Quay lại hình ảnh ở đầu bài viết để hiểu hơn vấn đề vừa phân tích: Những cái trông có vẻ là đơn giản và có lẽ là sự thương thoả công bằng trong con mắt của các nhà quản lý Carbon lại không phải là vấn đề mấu chốt đối với người địa phương. Đối với họ, vấn đề mấu chốt là được công nhận triết lý của họ: Họ không coi rừng là nơi chứa carbon mà là nơi chôn rau cắt rốn, là địa vực cư trú, hay là nguồn cung cấp lương thực cho cuộc sống tự túc bền vững. Họ không nhìn họ như những cá thể khi giải quyết vấn đề với nhà quản lý carbon, mà họ coi họ là những tập thể cộng đồng. Có thể, vấn đề quan trọng cho họ là được tham gia một cách dân chủ vào quá trình đưa ra chính sách quản lý rừng, chứ không chỉ mang thước vào rừng đo cây, rồi lĩnh tiền của chương trình REDD++.

Vì thế, đền bù sẽ không bao giờ đủ vì nó chỉ giúp giải quyết vấn đề phân phối. Đền bù có thể sẽ đưa đến công lý trong một vài bối cảnh, nhưng nó sẽ không giải quyết được bất công cho nhiều người khác. Chúng ta cần phải có những chiến lược triệt để để đem lại công lý môi trường. Các chiến lược này cần đề cập đến sở hữu công bằng về tài sản và cơ hội, cũng như sự tham gia dân chủ, công nhận giá trị bản địa và sự toàn vẹn về môi trường.

————–

GS. Thomas Sikor dậy ở trường Đại học East Anglia, Anh. Bài viết này thừa hưởng được nhiều ý kiến từ các cuộc thảo luận ở hội thảo “the First International Think Tank on Global Environmental Justice”, tổ chức tại Norwich, Anh 20-22/6/ 2013.

Tài sản là quá khứ, tự do là hiện tại, mạng sống là tương lai

in Chính Sách/Cộng Đồng

Con người sinh ra tự do và bình đẳng, và con người sở hữu thân thể cũng như cuộc sống của mình. Không một ai khác, thậm chí cha mẹ hoặc nhà nước, có quyền cao hơn đối với cuộc đời của bạn. Ngược lại, bạn không có quyền vi phạm thân thể, hoặc can thiệp vào cuộc đời của người khác.

Ảnh: tự do trên đường đua (nguồn: internet)

Bạn là một con người, có nghĩa bạn đã sống trong quá khứ từ khi sinh ra, đang sống trong hiện tại, và sẽ sống trong tương lai. Trong quá khứ, bạn đã tạo ra các sản phẩm hay tài sản của mình, trong hiện tại bạn sở hữu tự do, trong tương lai bạn có một cuộc sống.

Nếu bạn bị chết hoặc tước đoạt quyền sống, có nghĩa là bạn bị mất tương lai. Bạn mất tự do, có nghĩa bạn mất hiện tại. Bạn mất tài sản, có nghĩa bạn bị phủ nhận những thành quả sống của mình trong quá khứ. Tài sản, chính là sản phẩm của sức lao động, thời gian, năng lượng và tài năng của bạn. Tài sản của bạn có thể được đổi với tài sản của người khác, tuy nhiên phải dựa trên sự tự nguyện, và cả hai cùng được lợi. Và để quyết định, thì chỉ bản thân những người tham gia có quyền đó, chứ không ai có thể áp đặt.

Đôi khi, có những người dùng quyền lực hoặc mánh khóe để làm hại người khác, mưu lợi cho riêng mình. Việc sử dụng quyền lực để đoạt tính mạng của người khác gọi là “giết người”, đoạt tự do gọi là “nô lệ hóa”, và đoạt tài sản gọi là “trộm cướp.” Điều này về bản chất là giống nhau trong trường hợp được thực hiện bởi một người hay nhiều người, tư nhân hay nhà nước. Là con người, bạn có quyền bảo vệ tính mạng, tự do và tài sản của mình khỏi sự bóc lột này. Đây chính là lý do, tại sao nhà nước dân chủ được ra đời, vì nhà nước thay mặt bạn bảo vệ tài sản, tự do và cuộc sống của bạn.

Như vậy, bạn trao cho nhà nước trách nhiệm bảo vệ quyền của bạn, chứ không trao cho họ quyền tước đoạt hoặc xâm hại lợi ích của bạn. Chính vì vậy, bạn có quyền lựa chọn người đại diện cho mình. Bạn nên nhớ, dù nhà nước được lựa chọn kiểu gì, qua tiếm quyền, thừa kế hay bầu cử tự do, họ cũng chỉ là con người, và quyền của họ không cao hơn hay quan trọng hơn quyền của bạn. Điều này có nghĩa, họ không có quyền tước đoạt mạng sống, tự do và tài sản của bạn.

Vì bạn sở hữu cuộc sống của mình, nên bạn phải có trách nhiệm với nó. Các quyền bạn có như một con người, không có nghĩa bạn có thể từ bỏ nó và trở thành nô lệ của người khác, nộp cống tài sản cho người khác, hay hy sinh mạng sống vì người khác. Bạn có quyền lựa chọn mục đích sống của mình, theo như giá trị bạn có.

Khi bạn đại diện cho người khác, hay người khác hành động đại diện cho bạn, nó chỉ đúng đắn khi sự đại diện này là sự đồng thuận hoàn toàn tự nguyện. Điều này chỉ có thể khi bạn được tự do lựa chọn. Đây chính là nền tảng của một xã hội tự do và nhân văn, cũng như một xã hội có đạo đức.

Sự xấu xa không chỉ được khởi xướng bởi những người xấu xa, mà còn từ những người tốt chấp nhận để người xấu sử dụng quyền lực để làm những điều có lợi cho họ. Điều này có nghĩa người tốt đã tạo điều kiện cho kẻ xấu hành động.

Một cuộc sống tự do là một cuộc sống có giá trị. Nếu sử dụng quyền lực để áp đặt một tư tưởng hoặc viễn cảnh lên người khác, là tạo ra sự thiểu năng trí tuệ, dẫn đến hậu quả khôn lường.

Để có được một xã hội tự do, đòi hỏi phải có bản lĩnh và lòng dũng cảm để suy nghĩ độc lập, phát biểu thẳng thắn và hành động dứt khoát. Điều này đặc biệt đúng, vì không làm gì thường dễ hơn hành động rất nhiều.

—————-

*** Bài lược dịch từ “Triết lý tự do” của Ron Paul

Bánh xe công nghiệp đè chết nông dân?

in Chính Sách/Cộng Đồng

Trong quá trình “công nghiệp hóa”, nhiều chính phủ hướng sự phát triển ra khỏi sản xuất nông nghiệp, coi công nghiệp như là một mục tiêu kinh tế chính. Nguồn lực được chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, thông qua việc áp đặt giá ở cả đầu vào và đầu ra. Cụ thể, chính phủ can thiệp vào ba thị trường khác nhau: thị trường bán các sản phẩm nông nghiệp, thị trường đầu vào cho sản xuất, và thị trường hàng tiêu dùng của nông dân.

Ảnh: Lúa vẫn được coi là đặc trưng của nông nghiệp Việt Nam (nguồn: internet)

Trong thị trường đầu ra, nông dân bị kẹp giữa cấu trúc thị trường xuất khẩu độc quyền. Ở nhiều quốc gia, các Tập đoàn nhà nước có toàn quyền thu mua sản phẩm nông nghiệp, lũng đoạn giá nông sản. Ví dụ, để bán được gạo, Tập đoàn nhà nước sẽ chào hàng với giá thấp hơn gạo của các nước khác để trúng thầu quốc tế. Khi có hợp đồng quốc tế, họ sẽ về và áp giá mua gạo lên nông dân, tất nhiên với giá đủ thấp để có lãi. Vì không có lựa chọn khác, nông dân phải bán cho các Tổng công ty nhà nước. Như vậy giá bán lúa của nông dân phụ thuộc vào khả năng đàm phán của Tổng công ty nhà nước với khách hàng quốc tế hơn là năng lực sản xuất và kinh doanh của mình.

Người nông dân cũng phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, và giống. Giá các mặt hàng này được quyết định bởi chi phí sản xuất như xăng dầu, điện, nhân công, thuế nhập khẩu và tất nhiên hiệu quả sản xuất của các công ty công nghiệp. Tuy sản xuất thua lỗ, nhưng là con cưng của chiến lược “công nghiệp hóa” nên nhà nước vẫn bảo hộ các nền công nghiệp này. Như một hậu quả, người nông dân không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận mua giá đầu vào cao, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Hậu quả tất yếu là “càng sản xuất càng lỗ” và nông dân bỏ nghề nông, bỏ đất là điều hiển nhiên.

Sản xuất nông nghiệp khó khăn, cộng với giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ làm cuộc sống của nông dân rất nghèo khổ. Họ bị kẹt trong thế bán đầu ra rẻ, mua đầu vào đắt và cõng thêm chi phí sinh hoạt cao do lạm phát. Cộng với những đóng góp thường được phát động trong việc “xã hội hóa” phát triển nông thôn, cuộc sống của nông dân trở nên ngạt thở ở các nước theo đuổi mô hình “công nghiệp hóa” không dựa vào thế mạnh của mình.

Nghiên cứu mô hình kinh tế “khinh nông trọng công” này, Schultz, Bates và nhiều nhà khoa học khác chỉ ra rằng, khi chính phủ tìm cách tận thu từ nông nghiệp, nông dân sẽ tự tìm cách phân bổ lại nguồn lực, và chuyển sang các giải pháp kinh tế thay thế. Để tự bảo vệ và né tránh những bất công bị áp đặt, nông dân ít đầu tư vào sản xuất, và nhiều người từ bỏ nền nông nghiệp. Trong quá trình “công nghiệp hóa”, nông dân đã đầu hàng trước sự bòn rút nguồn lực của tầng lớp có quyền lực, nhà nước, và ngành công nghiệp.

Tại sao nông dân lại thua trong khi họ thường chiếm số đông trong dân số, và đóng góp quan trọng cho GDP và an ninh lương thực ở các quốc gia đang phát triển? Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đầu tiên phải nói đến năng lực tổ chức yếu kém của họ. Nông dân thường không chủ động và tích cực trong các Hội có mục đích chính trị, bảo vệ lợi ích cho mình. Các tổ chức của họ thường rất yếu về năng lực vận động, hạn chế về tài chính và quan hệ chính trị. Trong quá trình cạnh tranh để áp giá nông sản, đầu vào sản xuất, hay thu hồi đất đai, họ đã thua cuộc trong việc thuyết phục nhà nước đứng về phía mình.

Điều này sẽ càng nghiêm trọng khi có các tập đoàn lớn trong và ngoài nước tham gia thị trường nông nghiệp. Vì có nguồn lực tài chính, công nghệ, và quan hệ chính trị nên họ dễ dàng thuyết phục nhà nước giao đất, cho vay vốn và độc quyền thị trường với niềm tin đó là con đường đi lên của ngành nông nghiệp hiện đại. Các nông dân nhỏ lẻ, không tập hợp, và bị coi là “sản xuất không hiệu quả” sẽ là nạn nhân trong quá trình “đi lên sản xuất lớn”. Sự “hy sinh” của họ được coi như là điều tất yếu trong quá trình “hiện đại hóa” đất nước.

Như vậy, các chính sách nông nghiệp của các quốc gia phát triển đang mang lại lợi ích cho các tập đoàn sản xuất lớn, có tổ chức, và ngành công nghiệp. Cái giá được chia đều cho những người nông dân nhỏ, không có tổ chức. Về lâu dài, chính sách này sẽ gây hại cho tất cả mọi người vì nông dân bỏ ruộng dẫn đến việc giảm sản lượng sản xuất; cộng với việc độc quyền hoặc thao túng thị trường của các tập đoàn, việc tăng giá lương thực là không tránh khỏi, kéo theo những bất ổn chính trị và xã hội. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, có nhiều cuộc đảo chính, ví dụ ở các nước Tây Phi, thường bắt đầu từ việc nông dân mất thu nhập trong khi giá lương thực tăng cao. Đây là một bài học mà Việt Nam cần tiếp thu ngay, không thể để chậm trễ.

Cô ấy không từ chức được đâu!

in Chính Sách/Cộng Đồng

Mấy hôm nay, các anh các chị hùa nhau đòi cô ấy từ chức. Làm sao cô ấy có thể từ chức được? Nói thẳng nhé, các anh các chị có bầu cô ấy đâu mà cô ấy phải làm theo ý của các anh các chị? Cô ấy làm việc này là do phân công của Đảng và Chính phủ. Nếu Đảng và Chính phủ thấy cô ấy không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ yêu cầu cô ấy nghỉ việc. Nói cách khác, cô ấy chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ chứ không chịu trách nhiệm trước các anh các chị nhé.

Ảnh: cảnh quá tải thường thấy ở bệnh viện (nguồn internet)

Các anh chị biết rằng nếu cô ấy từ chức thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người khác không? Cô ấy từ chức có nghĩa cô ấy tự thừa nhận cái sai. Nếu sai thì phải truy ra đến tận cùng nguồn gốc. Đó là lý do tại sao cô ấy nói, “lỗi vắc xin thì xử vắc xin”, ý là sẽ xử người nhập vắc xin, nhà sản xuất vắc xin, công ty phân phối vắc xin, chứ cô ấy có nói treo cổ lọ vắc xin đâu mà các anh chị cứ diễn giải thô thiển vậy? Như vậy, cả một dây liên quan chằng chịt, thử hỏi liệu họ có từ chức hết được không? Mà họ từ chức hết thì ai nhập, ai cung cấp vắc xin cho con cái các anh chị tiêm? Mà nếu nguyên nhân là do mất điện làm vắc xin hỏng, thì các anh chị bên Tổng công ty điện lực Việt Nam và Bộ công thương có từ chức được không? Đây là vấn đề hệ thống nên nó không đơn giản như các anh các chị nghĩ đâu.

Các anh chị cũng phải thông cảm cho cô ấy chứ. Sau bao nhiêu năm gian khổ, đầu tư, phấn đấu, mới làm đến chức Bộ trưởng, chưa kịp cống hiến đầy đủ, chưa kịp giải quyết các vấn đề bức xúc của ngành y tế, các anh chị đã bảo cô ấy về rồi thì có phải lãng phí không? Mà xã hội mình cũng đâu có dễ, cô ấy từ chức thì làm gì bây giờ? Mấy đồng chí chuyên viên còn có thể làm tư vấn, mở công ty, hay thành lập các tổ chức phi chính phủ để tiếp tục cống hiến, còn Bộ trưởng như cô ấy thì đâu có làm được mấy việc đó? Mà nói thật, việc quy hoạch, bổ nhiệm một Bộ trưởng đâu có dễ dàng gì, mọi thứ phải theo quy trình, theo nhiệm kỳ chứ. Nếu giữa đường mà thay đổi thì có phải là biểu hiện của sự mất đoàn kết và bất ổn định không?

Mà nói thật, các anh các chị có vẻ theo chủ nghĩa cá nhân quá đấy. Chúng ta phải nghĩ đến quyền lợi chung mà hy sinh quyền lợi cá nhân chứ. Phân tích cho các anh chị hiểu nhé. Việc tiêm vắc xin là để giảm tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong ở trẻ sơ sinh, và chương trình đã rất thành công, nếu không thì nhà nước bỏ tiền ra cho con các anh các chị tiêm miễn phí làm gì? Chính vì vậy, nếu có một vài trường hợp tử vong, không ai mong muốn vậy, nhưng vì là điều không tránh khỏi, nên chúng ta hãy coi đó là sự hy sinh đi. Vài trẻ tử vong, vài gia đình đau khổ, nhưng nếu so với hàng nghìn đứa trẻ khác đã được cứu sống vì được tiêm phòng vắc xin thì có tốt hơn không? Nếu tính lợi ích, thì rõ ràng sự hy sinh này là xứng đáng mà. Nói thật hy sinh quyền lợi, thậm chí tính mạng cá nhân vì tập thể là điều đúng nên làm, chúng ta phải trân trọng.

Nếu các anh chị bảo, họ hy sinh vì lợi ích cộng đồng thì tại sao cô ấy không thăm họ khi đến Quảng Trị hả? Nói thật, vì các anh chị chưa làm Bộ trưởng bao giờ nên không hiểu cuộc sống của họ bận rộn và vất vả như thế nào đâu, tính từng giây từng phút. Cô ấy rất buồn, vì nhiều anh chị cho cô ấy là “vô cảm” là “không đồng cảm với nỗi đau”. Các anh chị có biết khi ở Quảng Trị, mặc dù phụ trách mảng y tế, nhưng cô ấy đã đến dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Gio Linh không? Đây chính là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chính vì vậy, các anh chị bảo cô ấy có vấn đề về tư cách đạo đức là không chuẩn. Tư cách đạo đức phải được thể hiện đúng tinh thần, đúng tầm cao và đúng thời điểm chứ.

Mà nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy các anh chị mới là người phải thăm hỏi các gia đình có con tử nạn. Con họ đã hy sinh để cho con của các anh các chị sống đó thôi. Nói người thì phải nghĩ đến ta, chứ đừng quy kết một chiều. Tôi hy vọng, khi hiểu ra các anh chị sẽ lập quỹ ủng hộ gia đình ba cháu tử nạn. Nếu có địa chỉ và tài khoản, nhớ gửi cho thư ký để cô ấy đóng góp. Việc này đáng làm, và các anh chị nên lập facebook kêu gọi xã hội ủng hộ gia đình ba cháu, đừng lập facebook kêu gọi cô ấy từ chức, cô ấy không từ chức được đâu!


Theo luật thì mất tự do, theo tự do thì phạm luật!

in Chính Sách/Cộng Đồng

Pháp luật ra đời với mục đích bảo vệ quyền con người, tránh việc con người vi phạm quyền của nhau. Nhiều nhà tư tưởng cho rằng, để bảo vệ mình con người hy sinh một phần tự do để xây dựng luật pháp theo nguyên tắc đồng thuận và bình đẳng. Ví dụ, để bảo vệ quyền sống của tất cả mọi người, ai tước đi mạng sống của người khác là phạm tội và bị xử lý theo pháp luật. Tương tự như vậy, ai cưỡng đoạt tài sản của người khác (qua hình thức trộm cắp hoặc lừa đảo) là phạm pháp, vì nó vi phạm quyền sở hữu tài sản, nên sẽ bị trừng phạt để răn đe.

Ảnh: Bộ tư pháp tham vấn các chuyên gia và người đồng tính về nội dung hôn nhân cùng giới trong Luật Hôn nhân và Gia Đình

Như vậy, cơ sở để xây dựng luật pháp là bảo vệ quyền con người. Quyền con người có tính phổ quát, bình đẳng, và không phân biệt đối xử. Khi pháp luật được xây dựng nó không được vi phạm các nguyên tắc trên, không được sự áp đặt tư tưởng, mong muốn, hoặc lợi ích của nhóm này lên nhóm kia.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều luật đi ngược lại nguyên tắc này. Ví dụ, luật Hôn nhân và gia đình hiện tại đang cấm kết hôn giữa hai người cùng giới tính. Đây là sự áp đặt tiêu chí của những người dị tính đa số lên những người đồng tính và song tính thiểu số, tước đoạt quyền lập gia đình và mưu cầu hạnh phúc cùng nhau của họ. Nếu tuân theo nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử, rõ ràng điều khoản này phải bị loại bỏ, và luật pháp cần phải thừa nhận quyền kết hôn của tất cả mọi người, không phân biệt xu hướng tính dục.

Tương tự như vậy, Luật đất đai chưa thừa nhận quyền sở hữu tư nhân của người dân, vi phạm quyền sở hữu tài sản của họ. Lấy ví dụ tình trạng hiện tại, người nông dân bị thu hồi đất theo giá quy định của nhà nước, thường là thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Còn doanh nghiệp bất động sản được nhận đất từ nông dân, có thể bán nhà/đất theo giá thị trường, thường là cao hơn giá đền bù rất nhiều. Đây là sự bất bình đẳng, và dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, ví dụ như việc thu hồi đất bừa bãi, nông dân phản kháng do mất đất, hoặc đói nghèo và tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, việc thừa nhận hình thức sở hữu đất đai tư nhân là cần thiết, vì nó bảo vệ quyền con người, hạn chế việc lạm quyền thu hồi đất gây bất ổn trong xã hội.

Một câu hỏi lớn đặt ra, nếu pháp luật được xây dựng đã vi phạm quyền con người, như hai ví dụ trên, thì con người có nên tuân thủ nó không? Trong trường hợp này, châm ngôn “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” có còn ý nghĩa?

Bản chất của con người, khi sinh ra đã là tự do và sống theo khát vọng tự do. Chính vì vậy, họ luôn có xu thế hành động và thực thi quyền tự do của mình. Người đồng tính, tất nhiên cũng như người dị tính, có mong muốn được sống thật là mình, yêu người mình yêu, và lập gia đình với người mình muốn gắn bó. Nếu sống theo pháp luật hiện tại, có nghĩa họ sẽ phải chối bỏ điều này, lấy người khác giới, và như vậy quyền mưu cầu hạnh phúc của họ bị vi phạm.

Với người nông dân, tổ tiên họ đã khai hóa đất đai trước cả khi nhà nước ra đời, nên quyền sở hữu đất đai điền thổ là tự nhiên. Qua nhiều thế hệ, họ đã đầu tư và lao động trên mảnh đất của mình như là người chủ chân chính. Tuy nhiên, nếu họ tuân theo luật đất đai, họ sẽ phải từ bỏ quyền sở hữu này, và chấp nhận một giá đền bù do nhà nước ấn định. Điều này, đi ngược lại quyền sở hữu tài sản của họ.

Như vậy, người dân rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì nếu sống tự do theo quyền của mình, họ sẽ vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hành chính hoặc phạt tù. Nếu họ sống theo hiến pháp và pháp luật, họ sẽ phải từ bỏ quyền tự do chính đáng của mình.

Để tránh tình trạng này, quá trình làm luật cần phải tuân thủ nguyên tắc tự do, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Người làm luật phải đặt mình vào địa vị của những người bị điều chỉnh bởi luật pháp, và bảo vệ quyền con người của họ. Điều này chỉ xảy ra, khi người dân có quyền bầu người đại diện của mình theo cách dân chủ. Khi dó, luật pháp mới bảo vệ tự do của nhân dân, và nhà nước mới là nhà nước pháp quyền chân chính, chứ không phải nhà nước độc tài, dùng pháp luật để cai trị nhân dân và bảo vệ lợi ích của tầng lớp thống trị.

Ổn định và phát triển

in Chính Sách/Cộng Đồng

Trải qua hàng nghìn năm chiến tranh chống lại sự xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc, gần trăm năm chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp và mấy chục năm chiến tranh chống Mỹ, nhân dân Việt Nam chỉ ước mơ có hòa bình và ổn định để phát triển. Điều này đã trở thành tâm lý phổ biến và thể hiện qua mục đích sống của nhiều người. Không quốc gia  nào phát triển được nếu không có sự ổn định chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, hiểu đúng và áp dụng đúng nguyên tắc ổn định cho phát triển như thế nào lại là một điều cần phải bàn.

Ảnh: người dân “áo đỏ” xuống đường biểu tình ở Thái Lan (Nguồn: internet)

Ở cấp độ cá nhân và gia đình, trước đây nhiều người mong muốn có một nghề nghiệp ổn định, thường được coi như công việc trong một cơ quan nhà nước. Ổn định nghĩa là làm việc để hàng tháng lĩnh lương, cho dù công việc ít hay nhiều, làm việc chăm chỉ hay không. Họ coi việc làm cho các dự án hoặc công ty nước ngoài là không ổn định vì tuy lương cao nhưng rủi ro hết dự án, mất việc rất lớn. Chuyển từ công ty này sang công ty khác là một điều rất không ổn định với họ vì phải bắt đầu lại từ đầu. Họ thà “ổn định lương thấp” hơn “bất ổn định lương cao”. Khi là “người nhà nước” thì dù điều gì xảy ra ta vẫn được trả lương.

Suy nghĩ này chỉ đúng một vế vì trên thực tế những người chấp nhận đi vào thị trường lao động “rủi ro cao” đã học được rất nhiều kỹ năng và kiến thức mới từ một môi trường mở hơn, cạnh tranh hơn và có hệ thống thưởng phạt minh bạch dựa theo năng lực và sự làm việc chăm chỉ của mình. Việc chuyển từ công ty này sang công ty khác là điều bình thường vì họ đã có kỹ năng và kiến thức tốt, đặc biệt khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới. Thậm chí, nhiều người giỏi thường xuyên được săn đón bởi các công ty và tập đoàn với mức lương liên tục tăng. Đối với những người này, ổn định có nghĩa là sở hữu kiến thức, kỹ năng và tinh thần làm việc mà thị trường lao động cạnh tranh có nhu cầu.

Ở cấp quốc gia, mọi người cũng mong muốn có một nhà nước và xã hội ổn định để tránh những cảnh “nồi da xáo thịt”. Những cuộc biểu tình liên tục ở Thái Lan được xem như là bất ổn khi hàng tuần hết phe áo đỏ (Mặt trận dân chủ chống độc tài) đến phe áo vàng (Liên minh dân tộc vì dân chủ) xuống đường thể hiện quan điểm chính trị của mình. Những cuộc biểu tình của người Bỉ trong năm 2011 sau tám tháng liên tục đất nước sống trong tình trạng “vô chính phủ” vì Đảng cánh hữu (của người nói tiếng Hà Lan) và Đảng cánh tả (của người nói tiếng Pháp) không đạt được kết quả đàm phán để thành lập chính phủ liên hiệp. Hay cảnh người dân Quebec ở Canada đi bỏ phiếu để quyết định họ có tách ra và trở thành một quốc gia độc lập hay không vào năm 1995. Gần đây nhất, cảnh người dân Indonesia xuống đường biểu tình chống việc chính phủ tăng giá xăng trên đường phố Jakarta làm chúng ta đặt câu hỏi: có phải các nước này kém ổn định hơn Việt Nam?

Nếu người dân nào có cơ hội thăm Bangkok thủ đô của Thái Lan sẽ thấy đây là thành phố của những nụ cười, thân thiện có dịch vụ du lịch rẻ và tốt. Sự yên bình của Bangkok khác hẳn những cảnh lộn xộn trong các cuộc biểu tình trên các phương tiện truyền thông. Người Indonesia sau những năm sống dưới chế độc độc tài Suharto giờ đã có thể xuống đường biểu tình bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị đàn áp. Indonesia được mệnh danh là mô hình dân chủ cho các nước Hồi giáo trên thế giới. Còn Bỉ và Canada nổi tiếng là các nước thanh bình có điều kiện sống vào dạng tốt nhất thế giới.

Tại sao biểu tình liên tiếp ở Thái Lan và Indonesia không gây rối loạn xã hội, mà hai quốc gia này vẫn hấp dẫn đầu tư nước ngoài và có tăng trưởng kinh tế cao nhất khối ASEAN trong những năm qua? Tại sao Bỉ vẫn vận hành cho dù 8 tháng liên tiếp không có chính phủ? Tại sao người Quebec nói riêng và người Canada nói chung lại sử dụng trưng cầu dân ý để quyết định có để Quebec tách ra thành quốc gia độc lập hay không, trong khi chủ nghĩa ly khai là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh sắc tộc trên thế giới?

Ở các quốc gia này tuy thể chế chính trị khác nhau nhưng về cơ bản họ có nhà nước tam quyền phân lập, kinh tế thị trường tự do và một xã hội dân sự phát triển. Tam quyền phân lập nghĩa là chia quyền lực nhà nước cho ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, mục đích để tạo cơ chế kiểm soát quyền lực nội bộ, ngăn ngừa sự lạm quyền và tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà mọi quyết định đầu tư, sản xuất và phân phối được xác định theo quy luật cung cầu. Mọi thành phần kinh tế được đối xử công bằng và nhà nước chỉ sử dụng một số công cụ vĩ mô như thuế để điều chỉnh khi cần thiết. Xã hội dân sự là các thể chế ngoài nhà nước và thị trường, được tổ chức bởi người dân để thực hiện các hoạt động phục vụ lợi ích của các thành viên, hoặc cho các lợi ích chung của cộng đồng. Xã hội dân sự tham gia vào quản lý nhà nước bằng cách tập hợp ý kiến của nhân dân và phản hồi chính sách của nhà nước. Xã hội dân sự cũng đóng góp vào việc đảm bảo các hoạt động kinh tế có trách nhiệm, không gây tổn hại đến lợi ích chung như môi trường và quyền con người.

Trong các xã hội dân chủ, nhà nước tôn trọng và bảo quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do biểu tình của người dân và các quyền này được ghi trong Hiến pháp và được luật hóa. Các đảng phái, hội đoàn, các tổ chức phi chính phủ hình thành các không gian để người dân thực hành quyền con người của mình, học về dân chủ, nhân quyền và ý thức tuân thủ pháp luật. Xã hội dân sự là dung môi cần thiết để giúp làm giảm căng thẳng xã hội cũng như sự bất bình trong dân chúng, tránh dẫn đến tình trạng cực đoan.

Một chính phủ mạnh là một chính phủ được xây dựng dựa trên bầu cử tự do, cạnh tranh, minh bạch. Quan trọng hơn, chính phủ phải có khả năng lắng nghe được ý kiến của người dân để điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp. Chính phủ chỉ có thể nghe được tiếng nói của người dân nếu như chính phủ đó có thể bị thay thế bởi người dân, thông qua bầu cử trực tiếp hoặc gián tiếp (quốc hội). Khi đó người dân mới bớt bất an vì họ biết nếu chính phủ hoạt động không tốt sẽ bị thay thế trong hòa bình, qua bầu cử.

Như vậy, nếu hiểu ổn định là không có ý kiến trái chiều, không có bất đồng ý kiến, hoặc không có biểu tình là sai lầm duy ý chí. Nếu để duy trì ổn định, hệ thống không cho phép nói khác ý của cấp trên, phản biện chính sách của chính phủ, hoặc ngăn cản các lực lượng xã hội tập hợp để thảo luận và bảy tỏ ý kiến của mình thì chúng ta không những bóp chết sự phát triển của xã hội, mà còn tích tụ và dồn nén những bất bình trong dân chúng. Khi sự bất công và sợ hãi bị dồn nén đến ngưỡng thì rất dễ bùng nổ vì một sự kiện dù nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến bất ổn chính trị, an ninh thực sự, phá hủy mọi cơ hội phát triển của đất nước và nhân dân.

Sự vận động là quy luật tất yếu của xã hội và trong quá trình này những biến đổi xảy ra không ngừng, và những xáo trộn là điều bình thường. Điều quan trọng, chúng ta phải thiết lập được các nguyên tắc bảo vệ tự do và thể chế dân chủ để những xáo trộn này được thực hiện trong hòa bình. Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự chính là những thiết chế cần thiết này, cần được ghi nhận rõ ràng và trực tiếp trong Hiến pháp và luật. Quan trọng hơn, các thiết chế phải được giáo dục trong trường học và thực hành trong cuộc sống của từng cá nhân, gia đình. Chỉ có khi đó, chúng ta mới đạt được cân bằng giữa ổn định và phát triển, giống như người lao động chọn đi vào kinh tế thị trường, chấp nhận cạnh tranh để đạt được trạng thái phát triển ở mức cao hơn.

Tư duy nhóm và nguy cơ vón cục

in Cộng Đồng

Xây dựng nhóm làm việc là một trong những đòi hỏi của thời đại, dù đó là cấp cơ sở, công ty hoặc quốc gia. Một nhóm mạnh, thường được coi là có sự chia sẻ về viễn cảnh, mục tiêu, giá trị và thậm chí cả phương pháp làm việc. Chính vì vậy, mọi người hay cổ xúy cho “tinh thần nhóm” hoặc “văn hóa tổ chức” nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và sự nhịp nhàng giữa các bộ phận. Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng vì quá trình này có thể dẫn đến sự “thanh lọc” các khác biệt, tạo ra một khuôn mẫu và biến các thành viên suy nghĩ và hành động giống nhau.


Ảnh: trung tâm ICS luôn cổ vũ cho sự đa dạng và tôn trọng sự khác biệt (Nguồn: ICS)

Vì tồn tại trong một môi trường “yên ấm” và “hòa thuận” nên nhóm hay có những ảo tưởng về mình. Thứ nhất, nhóm nghĩ mình là một khối thống nhất, mạnh mẽ và không dễ bị tổn thương. Nếu có thất bại, nhóm sẽ dễ dàng cùng nhau tìm ra những lý giải “hợp lý” cho các quyết định sai lầm của mình. Trên tất cả, nhóm tin vào giá trị đạo đức cũng như “lẽ phải” của mình. Có điều gì đó xảy ra, chẳng qua là đối tác không hiểu hoặc không biết được giá trị của nhóm mình. Như vậy, nhóm rất khó học từ sai lầm để thay đổi tránh lặp lại thất bại.  

Thứ hai, đó là ảo tưởng về sự thống nhất của nhóm. Do coi trọng sự đồng nhất nên các thành viên dù có suy nghĩ khác biệt sẽ né tránh đưa ra ý kiến thật của mình. Trong nhiều trường hợp, nhóm còn có những thực hành tạo ra sức ép để mọi người phải tuân thủ ý kiến của nhóm. Về lâu dài, nhóm vô hình chung tạo ra sự “tự kiểm duyệt” vì cho rằng, nói khác đi hoặc nói trái chiều gây hại cho sự đoàn kết và thống nhất của nhóm. Nói cách khác, nhóm coi trọng hòa khí hơn là các giải pháp mới và hiệu quả.

Như vậy, tư duy nhóm sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của nhóm. Thứ nhất, nhóm sẽ luôn luôn chỉ xem xét một số ít lựa chọn cho mình, và thường hướng tới những lựa chọn an toàn và làm cho mọi người vui vẻ thoải mái. Thứ hai, nhóm không có tính phản biện khi một ý kiến hoặc giải pháp nào được đưa ra. Thứ ba, nhóm giới hạn ý tưởng trong nội bộ, ít khi tìm kiếm điều mới bên ngoài. Đặc biệt nghiêm trọng, nếu có tiếp thu thông tin thì nhóm cũng sẽ thu thập một cách có chọn lọc, nghĩa là chỉ tìm kiếm và lắng nghe các ý kiến giống và trùng lặp với ý kiến có sẵn của mình.

Quá trình đồng nhất hóa này làm cho nhóm mất đi các yếu tố đa dạng rất cần thiết cho sự sáng tạo và đột phá. Nếu tồn tại lâu, nhóm trở nên khó chấp nhận những khác biệt, và dễ dàng hài lòng với những cái mình có, những hoạt động thường ngày an toàn. Khi đó, nhóm sẽ không phát triển được mà ngày càng cố kết vì mọi người đều cảm thấy thoải mái trong cái “hộp” của mình. Khi điều kiện ngoại cảnh thay đổi, nhóm sẽ gặp khó khăn trong việc thích ứng, dẫn đến khủng hoảng, thất bại và đổ vỡ.

Rõ ràng, tuy duy nhóm là một rủi ro rất lớn mà bất cứ nhóm làm việc nào ở cấp độ nào cũng phải biết để tránh. Thứ nhất, trong quá trình tuyển dụng nhóm nên để ý đến sự cân bằng của các thành viên trong nhóm về tuổi tác, giới tính, kinh nghiệm chuyên môn cũng như cách tiếp cận vấn đề. Thứ hai, trong quá trình làm việc nhóm nên có những người phản biện trái chiều cho tất cả các ý tưởng và giải pháp của nhóm. Điều này, giúp nhóm mài sắc hơn các lý luận cũng như lường được các rủi ro đảm bảo thành công cho hoạt động của mình. Hơn nữa, nó cũng tạo ra môi trường cởi mở để mọi người sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ và giải pháp của mình. Thứ ba, nhóm cần có những phản hồi từ bên ngoài cho những kết quả công việc của mình. Quá trình này nên làm thường xuyên, cởi mở và cầu thị. Thứ tư, có thể chia nhóm thành các nhóm nhỏ hơn để có thể so sánh các quyết định xem có khác nhau hay không rồi từ đó trao đổi và phản biện lẫn nhau. Và cuối cùng, nhóm có thể áp dụng phương pháp phản hồi ẩn danh để mọi người phát huy tinh thần độc lập của mình.

Tinh thần nhóm là tốt, sự thống nhất và đoàn kết trong nhóm là cần thiết. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn các đặc tính này với việc loại bỏ sự khác biệt để trảnh rủi ro hình thành “tư duy nhóm”. Khi không có sự đa dạng và các ý kiến khác biệt không được tôn trọng, nhóm sẽ trở nên vón cục, mất tính đề kháng với những thay đổi không ngừng của môi trường kinh doanh. Khi đó, thất bại là kết quả đương nhiên dành cho nhóm.  

1 2 3 8
Go to Top