Tham gia hoạt động tập thể là một hình thức của tinh thần công dân

Các điều kiện khả thể để thúc đẩy tinh thần công dân

in Cộng Đồng

Trong bài “Tinh thần công dân: Nền tảng cho xã hội nhân văn”, chúng ta đã làm quen với khái niệm tinh thần công dân (civility). Về cơ bản khái niệm này liên quan đến những đức tính và hành vi cần có của một người công dân, đó là khoan dung, biết kiểm soát bản thân, biết quan tâm tới người khác và các vấn đề xã hội, cam kết tham gia và thực hiện các trách nhiệm công dân, và biết tôn trọng người khác. Ngược lại với tinh thần công dân là các hành vi ích kỉ, sự thờ ơ với người khác, các hành động gây hấn khi có mâu thuẫn, các hành vi vô trách nhiệm, ít tiếp thu và tuân theo các quy tắc đạo đức chung, cũng như các tật xấu khác (Omona, 2011; Evers, 2009).

Không phải tự dưng mà người dân trong một nước có tinh thần công dân, để làm được điều này cả nhà nước và người dân cần tham gia vào quá trình công dân hoá (civicness), nơi nhà nước tạo ra các môi trường và thể chế nhằm khuyến khích sự hình thành tinh thần công dân, và người dân chủ động tham gia, tiếp thu, và thực hành tinh thần này. Công dân hoá nhấn mạnh việc người dân thực hiện tinh thần công dân như một dạng quyền và nghĩa vụ đối với đất nước, chứ không chỉ đơn giản để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân trong xã hội. Tiến sĩ Omona (2011) cho rằng sẽ không thể tồn tại bất kỳ một nhà nước dân chủ nào nếu thiếu vắng một nền văn hoá nơi người dân tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân của mình, trong đó có tinh thần công dân.

3 khía cạnh của một xã hội được công dân hoá

Như đã nói, công dân hoá là khả năng của các thiết chế xã hội, các cơ quan, đoàn thể, và các phương thức, thủ tục nhằm khuyến khích, tạo ra, và nuôi dưỡng tinh thần công dân. Nó không chỉ liên quan tới sự tương tác giữa các thiết lập thể chế (institutional settings), mà còn tới hành vi của các chính trị gia, các chuyên gia, và người dân (Omona, 2011). Theo tiến sĩ Omona, có thể đánh giá mức độ công dân hoá của một xã hội từ ba khía cạnh:

Về khía cạnh xã hội, xã hội ấy đối xử với người dân của mình bình đẳng đến đâu? Điều này được thể hiện trong cách nhà nước cung cấp các dịch vụ công, liệu các dịch vụ này có dành cho tất cả mọi người hay đang ưu tiên hoặc kỳ thị một số nhóm nhất định? Khi xã hội được công dân hoá và người dân được đối xử bình đẳng, họ học cách tôn trọng sự khác biệt của người khác, bớt kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các nhóm yếu thế hoặc bị lề hoá, xã hội trở nên khoan dung hơn.

Về khía cạnh cá nhân, đâu là cách người dân hành xử hằng ngày? Họ bị động, ích kỷ, hay biết tôn trọng và bao dung với người khác? Trong việc tiếp cận dịch vụ công, quan điểm và hoàn cảnh cá nhân của người dân, cũng như quyền tự chủ của họ có được tôn trọng không, hay bị hạn chế bởi các hành vi hách dịch và lạnh lùng của các cán bộ hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ? Khi xã hội được công dân hoá và nhân phẩm của con người được tôn trọng, người dân học cách tôn trọng phẩm giá của nhau, quan tâm lẫn nhau, và thay đổi cách hành xử theo hướng vì cộng đồng.

Về khía cạnh chính trị, quản trị nhà nước dân chủ tới đâu và người dân tham gia vào quản trị nhà nước tích cực tới mức độ nào? Liệu cấu trúc quản trị nhà nước và cách thức cung cấp dịch vụ công có cho phép các cuộc thảo luận và tranh luận công khai diễn ra? Đâu là các hình thức tham gia dân chủ của người dân, trong việc ra quyết định hoặc trong việc cùng sản xuất các dịch vụ? Khi xã hội được công dân hoá và người dân có quyền làm chủ, họ có động lực để lên tiếng và hành động cùng nhau để tự giải quyết các vấn đề trong cộng đồng mình, từ đó tham gia sâu hơn vào các quá trình ra quyết định và quản trị nhà nước.

Đẩy nhanh quá trình công dân hoá bằng tình nguyện

Ngoài vai trò của nhà nước, người dân đóng vai trò mấu chốt trong quá trình công dân hoá xã hội. Quá trình này được đẩy mạnh khi người dân tự nguyện tham gia cùng nhau nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề chung. Làm việc cùng nhau sẽ kích thích sự quan tâm của chúng ta đối với các vấn đề lớn hơn, dạy cho chúng ta các “kỹ năng dân sự” (như cách tham gia các cuộc họp hoặc cách viết thư cho đại biểu Quốc hội), phát triển các “đức tính dân sự” (như khoan dung và cách xử lý các ý kiến bất đồng), biết về những gì đang diễn ra trong khu phố của mình và ngoài xã hội, đón nhận các thông tin chính trị, và được huy động tham gia vào các hoạt động chính trị bởi tổ chức của mình. Từ đó, chúng ta sẽ quan tâm tới chính trị nhiều hơn. Hầu hết các nghiên cứu định lượng trên thế giới cho thấy mối quan hệ tích cực giữa việc tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động chính trị. Tham gia tình nguyện cũng có thể được xem là sự thay thế cho việc tham gia vào các hoạt động chính trị, khi chúng ta thực sự làm một điều gì đó cho một ai đó, thay vì chỉ nói chuyện khoe khoang và liên quan tới giới chính trị nhiều góc khuất (Dekker, 2014).

Công dân hoá theo hướng tạo điều kiện và thúc đẩy người dân tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình sẽ nuôi dưỡng tinh thần công dân trong xã hội. Để người dân có cơ hội làm điều đó, nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo ra không gian và đảm bảo các điều kiện để người dân tham gia, cũng như đưa tinh thần công dân vào trong chính các cơ quan của mình, thông qua cách các cán bộ nhà nước hành xử và cách nhà nước cung cấp các dịch vụ công. Việc giáo dục tinh thần công dân trong trường học và qua truyền thông đại chúng, cũng như xây dựng văn hoá tình nguyện cũng quan trọng không kém. Về phía chúng ta, mỗi người có thể góp phần vào quá trình công dân hoá theo nhiều cách, cách đơn giản nhất là tham gia tình nguyện. Một xã hội được công dân hoá nơi mọi người đều thực hành tinh thần công dân trước hết sẽ tốt cho chính chúng ta và gia đình, bởi ai cũng muốn được sống trong một xã hội tử tế, nơi mọi người đối xử lịch thiệp và quan tâm tới nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*