Mâu thuẫn lợi ích trong Luật phòng, chống tham nhũng

in Chiến Dịch

Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018. Một trong những nội dung đáng chú ý đó là khái niệm “mâu thuẫn lợi ích” đã được đưa vào giải thích ở Điều 3. Cụ thể, “Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. 

Để kiểm soát xung đột lợi ích, Luật phòng, chống tham nhũng quy định ở Điều 23 những biện pháp bắt buộc, cụ thể (1) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý. (2) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý. (3) Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây: (a) Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; (b) Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; (c) Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác

Việc đưa khái niệm xung đột lợi ích vào Luật phòng, chống tham nhũng là một điều cần thiết vì mâu thuẫn lợi ích chính là nguyên nhân quan trọng phát sinh tham nhũng. Khái niệm này, cùng với khái niệm minh bạch và trách nhiệm giải trình tạo ra một cái kiềng ba chân làm nền tảng vững chắc để phòng chống tham nhũng. Cụ thể, Luật định nghĩa ở điều 3 “Công khai, minh bạchvề tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Còn “Trách nhiệm giải trìnhlà việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”. 

Rõ ràng mâu thuẫn lợi ích luôn tồn tại trong các cơ quan nhà nước, thậm chí ngay trong các doanh nghiệp hay tổ chức có liên quan đến nguồn lực. Hiểu sâu khái niệm mâu thuẫn lợi ích để nhận diện nó và có những biện pháp ngăn cản nó biến thành tham nhũng rất quan trọng. Việc này không chỉ giúp cho các cơ quan tuân thủ Luật phòng, chống tham nhũng mà còn góp phần xây dựng văn hóa liêm chính, minh bạch và công khai về các mâu thuẫn lợi ích trong hoạt động công quyền cũng như kinh tế. Đây chính là lý do mà tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) muốn  chia sẻ thông tin và kiến thức liên quan đến mâu thuẫn lợi ích đến công chúng, góp phần cùng Nhà nước thực thi hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*