Đánh thuế tự do

in Cộng Đồng

Nếu một quốc gia đánh thuế quá cao, người dân và doanh nghiệp sẽ tìm cách trốn thuế. Thuế cao nhưng tổng thu lại thấp vì nhiều người lách luật. Quản lý xã hội cũng vậy, nếu lấy mục đích ổn định làm trọng mà hạn chế quá mức tự do của con người e chừng cũng phản tác dụng.

Các nhà cầm quyền thường lấy mục tiêu “duy trì ổn định” hoặc “an ninh quốc gia” như là thượng tôn và quan trọng nhất. Để đạt điều này, họ thường cổ xúy cho sự đồng thuận về quan điểm hoặc đồng nhất về tư tưởng. Chính vì vậy, họ tìm mọi cách để hạn chế những ý kiến khác biệt vì cho rằng đó là nguyên nhân tạo ra bất ổn. Sự đồng thuận xã hội được xây dựng trên sự áp đặt hơn là thảo luận sẽ dẫn đến sự thụ động và né tránh. Khi con người thụ động hoặc né tránh, xã hội không còn ổn định nữa mà rơi vào trạng thái trì trệ tù túng. Về lâu dài, nó không những không tạo ra tiền đề để phát triển mà còn châm ngòi cho kháng cự và nổi loạn. Chính vì vậy, việc áp đặt quan điểm và tư tưởng quá đáng không tạo ra ổn định mà là trì trệ và hỗn loạn.


Ảnh: Tôn trọng tự do và sự đa dạng trong trường học

Khi báo chí bị kiểm duyệt hoặc định hướng gắt gao chẳng ai viết được những bài mang hơi thở cuộc sống, độc giả sẽ bỏ đi tìm nguồn thông tin nơi khác. Trong một xã hội mở, thông tin đa chiều và báo chí phải tự sống thì việc giữ được độc giả là vô cùng quan trọng. Vì vậy, để hấp dẫn độc giả báo chí sẽ phải “câu khách” bằng tiêu chí “sốc, sến, sex.” Điều này giải thích cho việc “quá tải” các chủ đề “chém, giết, hiếp”. Nó làm xói mòn đạo đức, tạo ra một sự thật méo mó và bất ổn trong xã hội. Nó tầm thường hóa nhà báo và lấy đi niềm tin của độc giả vào báo chí. Như vậy, việc định hướng quá đáng sẽ phản tác dụng vì không ai còn muốn nghe, đồng nghĩa với việc không ai còn “được định hướng” nữa

Trong nhà trường việc áp đặt một chân lý, một tư tưởng cũng có tác dụng ngược tương tự. Sinh viên là con người và họ có khát khao được tìm hiểu và khám phá thế giới. Cái họ muốn học là học cách nhìn nhận vấn đề đa chiều để giải thích cuộc sống đa dạng. Nếu họ bị áp đặt một chân lý duy nhất hay một tư tưởng chủ đạo thì vô hình chung thay vì tư duy sáng tạo họ sẽ học thuộc lòng để đối phó. Ra khỏi phòng thi tất cả những chân lý hay tư tưởng chủ đạo đó bị bỏ lại đằng sau vì cuộc sống dạy họ ngay rằng không có gì là tuyệt đối cả, mọi thứ đều có nhiều mặt của nó tùy mỗi góc nhìn. Như vậy, việc áp đặt quá mức trong nhà trường cũng phản tác dụng và lãng phí thậm chí là gây hại vì tạo ra những con người quen với giả dối và có thái độ tiêu cực với chính trị. Điều này tạo ra sự bàng quan trong giới trẻ, cho rằng chính trị là xấu xa, xa vời và không liên quan đến cuộc sống của mình.

Bên cạnh giáo dục, văn hóa cũng là lĩnh vực mà các nhà quản lý có xu hướng can thiệp quá sâu bằng các chỉ thị hành chính. Hậu quả là văn hóa mất sức sống và trở nên méo mó vì nó bị bật gốc ra khỏi cộng đồng. Tương tự, nếu có quá nhiều kiểm duyệt và giấy phép thì nghệ thuật không còn khả năng lột tả tinh thần cuộc sống. Nghệ sĩ đánh mất cái nhìn tinh tế và dự đoán xác thực xu hướng của xã hội. Cái gọi là nghệ thuật biến thành thứ để người ta tuyên truyền hơn là làm giàu tâm hồn và sức sáng tạo của con người. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự lai căng, mất bản sắc của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Hậu quả là giới trẻ và người dân sẽ từ bỏ văn hóa và nghệ thuật “có kiểm duyệt”, đi theo các trào lưu và tôn thờ các nền văn hóa khác trên thế giới..

Tự do trong báo chí, giáo dục, văn hóa và nghệ thuật là điều kiện cần thiết cho phát triển. Vai trò của nhà nước là tạo ra môi trường để các cá nhân và tổ chức phát huy được sự sáng tạo và biến tâm huyết của mình thành sản phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. Nếu không, dù các sản phẩm có được tô vẽ thế nào thì nó vẫn chỉ là sự dối trá, lai căng và không phản ánh chân thực cuộc sống và khát vọng của nhân dân. Hạn chế tự do cũng như đánh thuế, nó chỉ có thể là động lực cho ổn định và phát triển nếu nó được xây dựng trên sự thỏa thuận tự nguyện của mọi người. Khi đó, con người vừa có tự do quốc gia vừa có ổn định và phát triển. Nếu đi ngược lại, đất nước sẽ đi vào ngõ cụt tù túng và hậu quả sẽ là đổ vỡ, bất ổn và tụt hậu.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*