Bánh xe công nghiệp đè chết nông dân?

in Chính Sách/Cộng Đồng

Trong quá trình “công nghiệp hóa”, nhiều chính phủ hướng sự phát triển ra khỏi sản xuất nông nghiệp, coi công nghiệp như là một mục tiêu kinh tế chính. Nguồn lực được chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, thông qua việc áp đặt giá ở cả đầu vào và đầu ra. Cụ thể, chính phủ can thiệp vào ba thị trường khác nhau: thị trường bán các sản phẩm nông nghiệp, thị trường đầu vào cho sản xuất, và thị trường hàng tiêu dùng của nông dân.

Ảnh: Lúa vẫn được coi là đặc trưng của nông nghiệp Việt Nam (nguồn: internet)

Trong thị trường đầu ra, nông dân bị kẹp giữa cấu trúc thị trường xuất khẩu độc quyền. Ở nhiều quốc gia, các Tập đoàn nhà nước có toàn quyền thu mua sản phẩm nông nghiệp, lũng đoạn giá nông sản. Ví dụ, để bán được gạo, Tập đoàn nhà nước sẽ chào hàng với giá thấp hơn gạo của các nước khác để trúng thầu quốc tế. Khi có hợp đồng quốc tế, họ sẽ về và áp giá mua gạo lên nông dân, tất nhiên với giá đủ thấp để có lãi. Vì không có lựa chọn khác, nông dân phải bán cho các Tổng công ty nhà nước. Như vậy giá bán lúa của nông dân phụ thuộc vào khả năng đàm phán của Tổng công ty nhà nước với khách hàng quốc tế hơn là năng lực sản xuất và kinh doanh của mình.

Người nông dân cũng phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, và giống. Giá các mặt hàng này được quyết định bởi chi phí sản xuất như xăng dầu, điện, nhân công, thuế nhập khẩu và tất nhiên hiệu quả sản xuất của các công ty công nghiệp. Tuy sản xuất thua lỗ, nhưng là con cưng của chiến lược “công nghiệp hóa” nên nhà nước vẫn bảo hộ các nền công nghiệp này. Như một hậu quả, người nông dân không có lựa chọn nào khác là phải chấp nhận mua giá đầu vào cao, dẫn đến chi phí sản xuất cao. Hậu quả tất yếu là “càng sản xuất càng lỗ” và nông dân bỏ nghề nông, bỏ đất là điều hiển nhiên.

Sản xuất nông nghiệp khó khăn, cộng với giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ làm cuộc sống của nông dân rất nghèo khổ. Họ bị kẹt trong thế bán đầu ra rẻ, mua đầu vào đắt và cõng thêm chi phí sinh hoạt cao do lạm phát. Cộng với những đóng góp thường được phát động trong việc “xã hội hóa” phát triển nông thôn, cuộc sống của nông dân trở nên ngạt thở ở các nước theo đuổi mô hình “công nghiệp hóa” không dựa vào thế mạnh của mình.

Nghiên cứu mô hình kinh tế “khinh nông trọng công” này, Schultz, Bates và nhiều nhà khoa học khác chỉ ra rằng, khi chính phủ tìm cách tận thu từ nông nghiệp, nông dân sẽ tự tìm cách phân bổ lại nguồn lực, và chuyển sang các giải pháp kinh tế thay thế. Để tự bảo vệ và né tránh những bất công bị áp đặt, nông dân ít đầu tư vào sản xuất, và nhiều người từ bỏ nền nông nghiệp. Trong quá trình “công nghiệp hóa”, nông dân đã đầu hàng trước sự bòn rút nguồn lực của tầng lớp có quyền lực, nhà nước, và ngành công nghiệp.

Tại sao nông dân lại thua trong khi họ thường chiếm số đông trong dân số, và đóng góp quan trọng cho GDP và an ninh lương thực ở các quốc gia đang phát triển? Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đầu tiên phải nói đến năng lực tổ chức yếu kém của họ. Nông dân thường không chủ động và tích cực trong các Hội có mục đích chính trị, bảo vệ lợi ích cho mình. Các tổ chức của họ thường rất yếu về năng lực vận động, hạn chế về tài chính và quan hệ chính trị. Trong quá trình cạnh tranh để áp giá nông sản, đầu vào sản xuất, hay thu hồi đất đai, họ đã thua cuộc trong việc thuyết phục nhà nước đứng về phía mình.

Điều này sẽ càng nghiêm trọng khi có các tập đoàn lớn trong và ngoài nước tham gia thị trường nông nghiệp. Vì có nguồn lực tài chính, công nghệ, và quan hệ chính trị nên họ dễ dàng thuyết phục nhà nước giao đất, cho vay vốn và độc quyền thị trường với niềm tin đó là con đường đi lên của ngành nông nghiệp hiện đại. Các nông dân nhỏ lẻ, không tập hợp, và bị coi là “sản xuất không hiệu quả” sẽ là nạn nhân trong quá trình “đi lên sản xuất lớn”. Sự “hy sinh” của họ được coi như là điều tất yếu trong quá trình “hiện đại hóa” đất nước.

Như vậy, các chính sách nông nghiệp của các quốc gia phát triển đang mang lại lợi ích cho các tập đoàn sản xuất lớn, có tổ chức, và ngành công nghiệp. Cái giá được chia đều cho những người nông dân nhỏ, không có tổ chức. Về lâu dài, chính sách này sẽ gây hại cho tất cả mọi người vì nông dân bỏ ruộng dẫn đến việc giảm sản lượng sản xuất; cộng với việc độc quyền hoặc thao túng thị trường của các tập đoàn, việc tăng giá lương thực là không tránh khỏi, kéo theo những bất ổn chính trị và xã hội. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, có nhiều cuộc đảo chính, ví dụ ở các nước Tây Phi, thường bắt đầu từ việc nông dân mất thu nhập trong khi giá lương thực tăng cao. Đây là một bài học mà Việt Nam cần tiếp thu ngay, không thể để chậm trễ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*