Trực diện thúc đẩy dân chủ và nhân quyền sẽ gây bất ổn?

in Cộng Đồng

Nhiều người cho rằng, khi dân chủ trở thành phổ biến trên toàn cầu thì thế giới sẽ có hòa bình vĩnh viễn. Dân chủ là cơ sở của hòa bình vì nhà nước dân chủ đại diện cho quyền lợi của nhân dân, và nhân dân thì quan tâm đến hợp tác hơn là đối đầu. Các quá trình dân chủ đảm bảo người giỏi, khéo léo và có năng lực được bầu vào các vị trí lãnh đạo. Họ đại diện cho quyền lợi của nhân dân, và có khả năng đàm phán theo ước muốn hòa bình của nhân dân. Nếu họ không tôn trọng mong muốn của nhân dân, họ sẽ bị mất chức trong cuộc bầu cử tiếp theo. Đây không phải là điều có thể ở những thể chế độc tài, nơi lãnh đạo không được bầu một cách công bằng và minh bạch.


Đại diện các tổ chức Xã hội dân sự họp tham vấn về báo cáo kiểm định nhân quyền thường kỳ (UPR) của Việt Nam

Trong các thể chế dân chủ, các quyết định đưa ra trong môi trường minh bạch và theo nguyên tắc pháp quyền nên nó thường có giá trị và được tôn trọng hơn. Nó cũng giúp cho các quốc gia khác giám sát và dự đoán tốt hơn sự thay đổi chính sách của một quốc gia nào đó. Các ý muốn cá nhân được kiểm soát bởi các thể chế, và như vậy tránh được các chính sách thất thường có thể dẫn đến chiến tranh. Nói cách khác, làm việc với một nhà nước dân chủ là làm việc với một thể chế, hơn là với một con người lãnh đạo. Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo chính trị của một nước dân chủ rất mở với các nguồn thông tin khác nhau, các ý kiến khác nhau nên họ tránh được định kiến, các tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh.

Như vậy, chính sách đối ngoại tập trung vào cổ xúy cho dân chủ dường như là một chính sách đúng đắn. Nó được chia sẻ và ủng hộ bởi các quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, có những thách thức nếu không suy tính kỹ lưỡng, sẽ gây ra phản tác dụng.

Thứ nhất, có những định nghĩa và cách hiểu khác nhau về dân chủ giữa các nước, giữa các nhà chính trị và các nhà khoa học. Hơn nữa, dân chủ không phải là một sản phẩm có thể nhập ngoại từ một nước khác, mà nó phải là một sản phẩm nội sinh của phát triển kinh tế, thúc đẩy tự do và sự lớn mạnh của xã hội dân sự. Một chính sách đối ngoại tập trung “xuất khẩu” một nền dân chủ chung chung có thể mang lại những nguy hại cho quốc gia “nhập khẩu”. Một nền dân chủ ngoại nhập có thể tạo ra mâu thuẫn, thậm chí là xung đột xã hội cho một quốc gia, ngăn cản nó phát triển vì các vấn đề về an ninh, thậm chí nội chiến có thể xảy ra.

Thứ hai, cổ xúy dân chủ cũng có nghĩa là can thiệp vào nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Khi đó, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ sẽ bị vi phạm, dẫn đến việc phản đối quyết liệt của quốc gia chủ thể. Điều này dẫn đến những hạn chế trong hợp tác ở những lĩnh vực khác. Nếu quốc gia đối tượng nằm trong một liên minh khu vực, và liên minh này không ủng hộ cho việc “can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” thì có thể làm cho liên minh bị đổ vỡ, dẫn đến sự chia rẽ, tạo ra các lực lượng đối kháng nhau về lâu dài.

Thứ ba, rất khó để cho một quốc gia nào đó kiên định trong việc cổ vũ cho dân chủ. Một quốc gia thường quan tâm đến lợi ích nội bộ và an ninh của mình nhiều hơn là vì dân chủ của một nước khác. Vì thế, nó có thể từ bỏ những giá trị đạo đức và mục đích cao cả trong việc cổ xúy dân chủ và bảo vệ nhân quyền, vì những lợi ích thiết thực hơn của mình. Nhiều học giả cho rằng, luôn có một khoảng cách dễ nhận biết giữa chính sách đối ngoại của Mỹ và cách chính phủ Mỹ thực hành đối với các quốc gia khác. Trong thời chiến tranh lạnh, các nhà nước độc tài như Iran, Zaire, Nam Hàn và Indonesia vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ quân sự vì họ “theo phe tư bản”. Thậm chí ngày nay, các quốc gia Ả Rập dù không dân chủ, thậm chí có nhiều vấn đề về nhân quyền, nhưng vì mục đích an ninh và dầu mỏ mà họ vẫn nhận được trợ giúp về quân sự từ Mỹ. Rõ ràng, điều này làm giảm uy tín của thông điệp “dân chủ cần phải được cổ xúy trên toàn thế giới”. Khi đó, các chính sách cổ xúy cho dân chủ bị coi là đạo đức giả và mang mục đích vụ lợi, đôi khi là sức ép mặc cả trong đàm phán với quốc gia khác.

Như vậy, không thông minh cho một quốc gia nào đó theo đuổi mục tiêu thúc đẩy dân chủ trực diện. Hợp tác kinh tế, phát triển xã hội dân sự, xây dựng các thể chế theo tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ tốt, có ảnh hưởng gián tiếp và bền vững đến phát triển dân chủ và bảo vệ quyền con người. Các chính sách gián tiếp này sẽ tránh được đối đầu hoặc phản kháng từ các nhà nước đối tượng. Về lâu dài, vẫn đạt được mục tiêu thịnh vượng cho tất cả các nước, và hòa bình và an  ninh trên toàn thế giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*