Gương soi cho Đảng cầm quyền

in Cộng Đồng

Các học giả và nhiều nhà hoạt động xã hội trong quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 hay nhắc đến các khái niệm như tam quyền phân lập, độc đảng và đa đảng, vị trí của quân đội, tinh thần giai cấp, và vai trò của xã hội dân sự. Tuy nhiên, các khái niệm này đang còn xa lạ với đại bộ phận quần chúng nhân dân, thậm chí nhiều người không hiểu hoặc không quan tâm đến các cuộc tranh luận này.

Nhân dân để ý đến những gì xảy ra xung quanh cuộc sống của họ, ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình họ. Nhân dân sử dụng những chỉ số đơn giản, thiết thực để soi ngược lại xem chính quyền có thực sự là “của dân, do dân và vì dân” hay không.


Ảnh: một người dân thủ đô Hà Nôi tìm hiểu văn hóa dân tộc qua các tấm ảnh. Nguồn: iSEE

Với đa số đại bộ phận nhân dân điều quan trọng là khi đến cơ quan công quyền họ có được đón tiếp tử tế hay không. Đón họ là bộ mặt cau có hay nụ cười niềm nở, là sự nhiệt tình hướng dẫn hay quát tháo, là đơn giản nhanh gọn hay phiền hà nhũng nhiễu, là “phong bì dẫn đường” hay “công bằng chỉ lối”. Với nhân dân, thái độ của cán bộ ở các cơ quan công quyền cho họ biết rõ nhất sự phù hợp của thể chế hiện có.

Khi ra đường,  nhân dân xem công an phân làn khi xe tắc, bắt cướp khi dân la, trấn áp tội phạm, đảm bảo kỷ cương để người tốt được bảo vệ, kẻ xấu bị trừng phạt hay không. Nhân dân coi sự trong sạch và công minh của lực lượng an ninh là sự trong sạch và công minh của nhà cầm quyền.

Nhìn vào các vụ xét xử nhân dân xem kẻ có chức có quyền có bị phạt đồng mức với người nông dân chân lấm tay bùn khi họ phạm cùng một tội hay không. Đây chính là tấm gương phản chiếu xem pháp luật có thực sự bảo vệ sự bình đẳng của mọi công dân hay sinh ra để bảo vệ lợi ích của nhóm nhà giàu và quan chức.

Khi vào bệnh viện, nhân dân xem sức khỏe cuả mình có được chăm sóc tốt hay không. Nhà nước có kiểm soát được dịch bệnh truyền nhiễm, an toàn thực phẩm hay hóa chất gây ung thư ảnh hưởng đến nòi giống. Sự buông lỏng hay quyết tâm không khoan nhượng của nhà chức trách là biểu hiện rõ nhất về sự trùng lặp hay lệch pha giữa ưu tiên của chính quyền và ưu tiên của nhân dân.

Họ xem xét tương lai con cái mình có được chuẩn bị tốt hay không, có được học những điều phổ quát để không thành dị biệt, những kỹ năng hiện đại để có thể làm trong môi trường mở toàn cầu. Họ muốn biết nhà trường thúc đẩy khả năng tư duy độc lập, tự do biểu đạt, tình yêu thương nhân loại hay chỉ là đấu tranh giai cấp, kỳ thị khác biệt hay luồn lách thành tích cá nhân. Giáo dục chính là chỉ số soi vào cả tâm và tầm của nhà cầm quyền vì giáo dục tốt là chìa khóa cho phát triển cá nhân và hưng thịnh của đất nước. Không có chính quyền nào tốt nếu không đảm bảo tự do và chất lượng giáo dục cho nhân dân mình.

Nhân dân quan tâm xem con cháu họ được thừa hưởng tài sản kinh tế vững mạnh, tài nguyên môi trường trong sạch, văn hóa giàu có hay những khoản nợ quốc gia phải trả, tài nguyên suy kiệt, môi trường ô nhiễm, đạo đức suy đồi. Nhìn vào đó, họ biết nhà nước lo cho tương lai của dân tộc hay chỉ lo cho lợi ích của những kẻ đục khoét nhân dân.

Nhân dân quan tâm xem mình làm việc vất vả, chân thành thì có cơ hội thành công hay không. Họ muốn biết thành quả lao động của mình, sáng kiến và phát minh của mình, tài sản và đất đai của mình có được bảo vệ hay không. Với họ, Đảng cầm quyền là tốt khi không ai dù có quyền lực hay quan hệ với người có quyền lực tước đoạt được các khoản đầu tư và mồ hôi nước mắt của họ.

Nhân dân xem mình được góp tiếng nói xây dựng cuộc sống, xây dựng đất nước của mình hay không. Người đại diện của họ có lắng nghe cho dù đó là điều trái chiều hay khác biệt. Con người khác với con vật là họ có nhân phẩm, có trách nhiệm và có khát khao được tự do và tôn trọng ý kiến. Chính vì vậy Đảng nào lãnh đạo đâu có quan trọng nếu nhân phẩm của họ được tôn trọng và tiếng nói của họ được lắng  nghe và thực thi.

Những cuộc tranh luận lý thuyết là cần thiết để tìm ra con đường đi đúng đắn cho dân tộc. Nhưng mô hình gì, thể chế gì, tư tưởng gì thì cuối cùng đều phải phục vụ cuộc sống của nhân dân. Nếu nhân dân có cuộc sống an toàn, cảm giác được tôn trọng, và được tham gia vào cuộc sống cộng đồng, lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu họ thì đó là mô hình đúng, thể chế đúng và tư tưởng đúng. Đây cũng chính là gương soi cho Đảng cầm quyền trong sứ mệnh phụng sự nhân dân và dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*