TS. Phạm Quỳnh Phương
“Không gian công cộng” là một khái niệm đa nghĩa, bởi nó “được tạo ra, được sửdụng, được gán nghĩa, được quản lý, và được tái sinh do các nhu cầu chính trị- kinh tế- xã hội của các thể chế xã hội khác nhau, ởcác không gian và tại thời gian khác nhau, bị chi phối bởi các hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội khác nhau”.[1]Điều đó cũng có nghĩa, cách hiểu về không gian công cộng không hoàn toàn giống nhau ở các nền văn hoá khác nhau. Theo KTS Phạm Thuý Loan[2], khái niệm không gian công cộng phương Tây được gắn với ý niệm về quyền tiếp cận và loại trừ đối với không gian. Không gian công cộng, theo nghĩa này, từ góc nhìn thể chế, sẽ gắn với các mô hình xã hội dân chủ mà ở đó nhà nước có trách nhiệm tạo ra các không gian mà mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng. Những không gian công cộng đầu tiên được cho là xuất hiện vào thời Hy Lạp cổ đại với những Agora (quảng trường công cộng, chợ, sảnh hội họp,…). Vào thời cổ đại La Mã, các forum (quảng trường lớn) gắn liền với những con đường giao nhau là nơi diễn ra các hoạt động công cộng.
Theo Hannah Arendt (1958), không gian công cộng là một không gian thực sự hiện diện – nhìn thấy được, ocular public, nơi con người đối mặt với nhau và nhận thức được sựtồn tại hiện diện của nhau. Trong khi đó, theo Harbermas, không gian công mà ông quan tâm là không gian được tạo ra không phải là tựcác mối quan hệ cá nhân, thật sự, mà có thể thông qua các phương tiện truyền thông. Không gian công cộng, bên cạnh giá trị vật thể, giá trị về văn hoá, tinh thần, theo Harbermas, còn là không gian biểu tượng, là trung tâm của nền dân chủ, là không gian trung gian giữa xã hội dân sự và nhà nước, nơi mọi đối tượng xã hội có quyền được tiếp cận và tham gia vào quá trình ra quyết định. Theo Mitchell (2003), “cái làm cho một không gian trở thành công cộng – một không gian mà những tiếng kêu và đòi hỏi về quyền đối với thành phố có thể được nhìn thấy và nghe thấy – thường không nằm ở tính công cộng được xác định trước của nó. Tính công cộng của không gian được tạo ra khi nó đáp ứng những nhu cầu nhất định, khi một số nhóm này hay nhóm khác sử dụng không gian và hoạt động ở đó làm cho nó trở thành công cộng”.[3]
Cũng có những người phân tách “không gian công cộng” và “không gian cộng đồng”, không gian công cộng và “không gian chung”.[4] Nếu như không gian cộng đồng là không gian chứa đựng các hoạt động của cộng đồng hữu thể, gắn với cộng đồng dân cưnhất định, như đình làng, chợ làng, bể nước công cộng, sân khu tập thể, thì không gian công cộng lại có thể chứa đựng rất nhiều các không gian cộng đồng nhỏ hơn, và ngược lại: “Mỗi cộng đồng lại biến không gian chung trở thành những không gian cộng đồng của riêng mình, các không gian này chồng lấn lên nhau, tranh chấp nhau, tạo nên một tổng thể vô cùng sinh động trong các không gian công cộng”.[5]Không gian cộng đồng được xem là sản phẩm của cuộc sống thời kỳ tiền công nghiệp, khi mối quan hệ cộng đồng trực tiếp còn quan trọng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, và vì thế không gian cộng đồng cũng thường giới hạn thành viên nằm ngoài cộng đồng tham gia. Chính vì thế, xét từ khía cạnh “cộng đồng”, không gian cộng đồng được xem là gắn với các cộng đồng thực, còn không gian công cộng gắn với “cộng đồng tưởng tượng” (với nghĩa như Benedict Anderson diễn giải, khi con người trong “cộng đồng”ấy không hềbiết nhau mặt đối mặt, nhưng lại có cảm thức chung là thành viên của một cộng đồng quốc gia – dân tộc). Cộng đồng thực là cộng đồng có khả năng giải quyết vấn đề bởi chính họ, không phải phụ thuộc vào/hay trung gian bởi nhà nước, và khả năng tái sản tạo ra các mối quan hệ văn hoá xã hội.
Một trong những tài sản quan trọng nhất của cộng đồng chính là tài sản chung (the commons).- là những gì của chung thuộc về một cộng đồng nhất định về thời gian và không gian, thường có giới hạn về thành viên, được sử dụng tự do và tự duy trì. Theo quan điểm này, không gian chung (common space) là một tài sản về cơ bản thuộc về một cộng đồng, mà mỗi thành viên trong cộng đồng có trách nhiệm với nó. Trong khi đó, tài sản công (public property) và không gian công cộng (public space), thuộc về thẩm quyền và trách nhiệm của nhà nước. Nói cách khác, mỗi cá nhân đóng vai trò như một công dân (citizen) trong mối quan hệ với không gian công cộng, và nhà nước phải chịu trách nhiệm duy trì, hoà giải, và điều hoà những xung đột ở đó.
Một trong những đặc tính cơ bản của không gian công cộng là thuộc về tất cả mọi người, là nơi con người có thể tương tác với người khác – người lạ (the other), cũng như là không gian vật thể nơi mà các hoạt động văn hoá và chính trị (lễ hội, các ngày kỷ niệm, biểu diễn văn hoá, biểu tình…) diễn ra. Vì vậy, một không gian công cộng chỉ có ý nghĩa khi có nhiều hoạt động được tổ chức ở đó.
Với cách tiếp cận ký hiệu học, Eco (1972)[6]cho rằng mỗi vật thể kiến trúc đều có hai chức năng: nghĩa đen(denotation) đem lại ý nghĩa trực tiếp, ý nghĩa sử dụng, đối với người tiếp nhận thông điệp, và nghĩa bóng (connotation) luôn hàm chứa các ký hiệu/ý nghĩa khác gắn với nó và có tính biểu tượng. Chính vì thế, khi nhìn nhận không gian công cộng như là các biểu tượng đô thị, một không gian kiến trúc sẽ luôn được gán nghĩa rất khác nhau bởi các cá nhân và nhóm người khác nhau. Chức năng biểu tượng khiến cho không gian công cộng có thể trở thành các không gian của xung đột và thương thoả: “không gian công cộng luôn được tái định nghĩa bởi công chúng, mà các giá trị và đòi hỏi của họ luôn có tính cạnh tranh trong một lãnh địa chính trị như đô thị”.[7]
Không gian công cộng ở mỗi cấp độ khác nhau cũng có những đặc tính khác nhau. Không gian ở một khu phố, khu tập thể sẽ rất khác với không gian của một quảng trường. Một số không gian công cộng không dễ để tiếp cận tự do cho mọi người. Một số không gian công cộng có biên giới về mặt xã hội cho các thành viên của nó, hoặc có những nguyên tắc cơ bản, mà những người không biết nguyên tắc sẽ bị loại trừ.
Michel (2011)[8]cho rằng bản chất của không gian công cộng trong xã hội đương đại đang bị thay đổi. Các không gian công cộng ngày càng bị tư nhân hoá, hoặc bị kiểm soát nhiều hơn, và các cơ hội để biểu đạt dân chủ ngày càng bị hạn chế, và khác biệt so với khái niệm “công cộng” (public) như ban đầu. Vì vậy một số nhà bình luận cho rằng không gian công cộng đã chết (the end of public space), hoặc tính chất dân chủ, chính trị của không gian công cộng đã bị chuyển đến các không gian mạng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới ngày càng khủng hoảng, cả về sự an toàn của đời sống đô thị, thì việc duy trì “tính công cộng” là điều tối cần thiết. Vidler (2001) tranh luận rằng: “không gian công cộng đô thị đã phải chịu đựng sự tấn công dữ dội trong khoảng 20 năm qua, từ việc tư hữu hoá ngày càng tăng lên, được thúc đẩy bởi sự lệ thuộc vào các dịch vụ Internet, cho đến việc mở rộng của các đại siêu thị, mà ở đó chỉ có các chuỗi cửa hàng tiêu dùng lớn tồn tại được. Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, điều quan trọng là ý tưởng vềk hông gian công cộng, và mối quan hệ của nó với cộng đồng cư dân đô thị, cần phải được duy trì”.[9]
[1]Phạm Thuý Loan, Không gian công cộng trong đô thị – Từ lý luận đến thiết kế. http://kientrucvietnam.org.vn/khong-gian-cong-cong-trong-do-thi-tu-ly-luan-den-thiet-ke
[2]Phạm Thuý Loan,Đã dẫn
[3]Mitchell, (2003), tr.35.
[4]Phạm Sỹ Dũng, Không gian cộng đồng – Khái niệm cần được nhìn nhận. Tạp chí Kiến trúc, số 10/2015)
[5]Phạm Sỹ Dũng, đã dẫn.
[6]Eco U, 1972, dẫn theo Sandra Kurfurst (2011). Redefining Public Space in Hanoi: Places, Practices and Meaning. PhD Dissertation, University of Passau.
[7]Goheen (1998). Public space and the geography of the modern city. Progress in Human Geography,22 (4), 479-496, tr.487.
[8]Michel, Don (1995). The End of Public Space?People’s Park, Definitions of the Public, and Democracy. Annals of the Association of American Geographers, Volume 85, Issue 1, 1995
[9]Vidler 2001, 4:6, dẫn theo Don Michel (2003), The Right to the City: Social Justice and the Fight for Public Space. New York:The Guilford Press.