Không gian trong mối quan hệ với con người

in Chiến Dịch

TS. Phạm Quỳnh Phương 

Con người đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự phân biệt giữa không gian và địa điểm. Trong công trình The Practice of Everyday Life, De Certeau cho rằng một một địa điểm là một trật tự (dù loại nào) mà trong đó các yếu tố kết hợp để tạo nên sự cùng tồn tại, và vì thế một địa điểm là “một cấu hình tức thời của các vị trí. Nó ám chỉ một sự ổn định” (tr. 117). Trong khi đó, “không gian” lại liên quan đến sự biến đổi của phương vị, tốc độ, và thời gian. Nó là một “tập hợp của các sự giao nhau của các yếu tốchuyển động” (tr. 117). Nói cách khác, “không gian là một địa điểm được hoạt động”. De Certeau so sánh “không gian” với “địa điểm” như là một từ vựng được đọc lên so với một từ nằm im trên giấy, một “không gian” phố của những người đi bộ so với một con phố được tạo ra một cách hình học bởi các nhà quy hoạch. Con phố ấy dù được quy hoạch thế nào, có vỉa hè hay không, bẩn thỉu hay sạch sẽ, thì nó đều chỉ có ý nghĩa khi người đi bộ bắt đầu “sống” trong nó và đem lại nghĩa cho nó bằng cách mà họ đi lại, rẽ trái hay phải, ngay cả vứt rác lên nó, chống lại một cái gì đó hoặc kỷ niệm một sự kiện nào đó. Tương tự như De Certeau phân biệt không gian và nơi chốn/địa điểm, Soja (1989) tạo ra thuật ngữ “tính không gian” (spatiality), nhấn mạnh tính năng động của không gian, và phân tách tính chất tự nhiên khỏi các điều kiện vật chất của nơi chốn và tranh luận rằng tính không gian có tác động lớn tới trải nghiệm sống của con người. Trong cuốn sách Postmodern Geographies: The Reassertion of Space in Critical Social Theory, Edward Soja (1989) cho rằng “việc tổ chức và ý nghĩa của một không gian là một sản phẩm của sự chuyển dịch, biến đổi, và trải nghiệm xã hội” (tr.80). Một không gian công cộng, như vậy, sẽ không có chức năng như người quy hoạch mong muốn, mà nó chỉ trở thành không gian công cộng khi có sự tương tác giữa những con người trong không gian ấy, vào những thời điểm nhất định. 

Mặt khác, trong mối quan hệ với con người, “không gian” trở thành “nơi chốn” khi nó được gán nghĩa. Vì thế cảm thức về nơi chốn (sense of place) quan trọng trong việc hiểu mối quan hệ của con người trong thế giới thông qua cách mà họ biết, họ hiểu và tương tác với môi trường mà họ sinh sống: “Nơi chốn…có nhiều đặc tính hơn một từ có thể miêu tả: nó là một thực thể độc nhất, một tập hợp đặc biệt, nó có lịch sử và ý nghĩa. Nơi chốn hiện thân của những trải nghiệm và khát khao của một nhóm người…Nó là một hiện thực cần được làm rõ và hiểu từ góc nhìn của những người gán nghĩa cho nó”.[1]

Cũng nhìn không gian trong mối quan hệ với con người, các nhà nhân học văn hoá chia ra sáu hướng tiếp cận không gian(Low và Lawrence-Zuniga 2007): không gian gắn với những trải nghiệm của cơ thể (‘embodied spaces’); không gian gắn với những chiều kích về căn tính giới và các mối quan hệ quyền lực (‘gendered spaces’); không gian định vị bởi ký ức, được con người gán nghĩa và trở thành nơi chốn (‘Inscribed spaces’), không gian mâu thuẫn và tranh chấp (‘contested spaces’), không gian xuyên biên giới, gắn với sự di chuyển của con người về không gian ở các cấp độ xuyên địa phương, xuyên quốc gia và toàn cầu; ‘(trannational space); và các chiến thuật không gian của con người (spatial tactics).  Cũng có những nhà nghiên cứu quan tâm đến khía cạnh diễn ngôn của không gian (discursive space) (Karen Carolina, Robin, Matt), quan tâm đến các mô hình ngôn ngữ/diễn ngôn đã ảnh hưởng cách mà chúng ta nghĩ và nghiên cứu về không gian, cũng như việc nói về nó và các dạng thức diễn ngôn hàng ngày khác đã chuyển đổi không gian như thế nào. Như vậy, các phạm trù xã hội như cơ thể, ký ức, ngôn ngữ, chủng tộc, giai tầng, giới, tôn giáo vv,,, đã tác động và tham gia định khung không gian, cũng như những ý nghĩa của không gian và nơi chốn bị xung đột và thương thoả thông qua thực hành hàng ngày của con người. Điều này cũng cho thấy không gian vừa là một lãnh địa cho sự tương tác của các mối quan hệ quyền lực, cũng như bản thân không gian có chức năng như một công cụ quyền lực. Nhà triết học Michel Foucault đã chỉra quyền lực mang tính vị quan hệ (relational) và không gian đã mở ra các cơ hội cho những mối quan hệ quyền lực đó. Từ khía cạnh không gian đô thị, Bourdieu (1991:27) khẳng định không gian kiến trúc là một phần không thể thiếu của biểu tượng quyền lưc. Sự sắp xếp về mặt không gian vừa là kết quả của những quyết định chính trị, nhu cầu về mặt kinh tế, cũng như ghi dấu ấn thống trị về mặt văn hoá. Tương tự, Allen (2006:445) chỉ ra sự thiết kế và sắp xếp của một thành phố là công cụ của quyền lực, bởi nó giới hạn sự tương tác và di chuyển của con người trong không gian. 


[1]Yi-Fu Tuan, 1974:213, dẫn lại trong Baldwin et all, 1999:141, Introducing Cultural Studies.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*