Mâu thuẫn lợi ích và tham nhũng

in Chiến Dịch

Mâu thuẫn lợi ích là một trong những khởi nguồn của tham nhũng. Tuy nhiên, cần hiểu không phải khi nào các lợi ích khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau cũng tạo ra mâu thuẫn lợi ích. Trong cuộc sống cá nhân, thị trường hoặc hoạt động chính trị việc hài hòa các lợi ích trái ngược nhau luôn luôn xảy ra, thậm chí là cần thiết. Ví dụ, chính phủ phải hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hoặc đầu tư cho vùng đô thị tạo tăng trưởng cao hoặc cho vùng nông thôn đang bị bỏ lại phía sau. Tương tự, doanh nghiệp phải cân bằng giữa lợi nhuận của các cổ đông và quyền lợi của công nhân. Sự cân bằng giữa các lợi ích này không phải là mâu thuẫn lợi ích. 

Mâu thuẫn lợi ích chỉ xuất hiện khi một lợi ích thuộc về cơ quan nhà nước và một lợi ích thuộc về (các) cá nhân đang phụ trách cơ quan nhà nước đó. Ví dụ, việc các cơ quan cảnh sát được giữ tiền phạt lái xe lái quá tốc độ có thể dẫn tới việc đặt giới hạn tốc độ quá thấp để tăng khả năng lái xe vi phạm. Cơ quan cảnh sát có động cơ làm việc này vì khi nhiều lái xe bị phạt đồng nghĩa với số tiền mà cơ quan cảnh sát “kiếm được” tăng lên. Một ví dụ khác là con trai lãnh đạo của Sở xây dựng có cổ phần ở một công ty xây dựng. Vì quan hệ cá nhân mà Thành phố giao các “gói thầu” xây cầu cho công ty này. Khi đó, các cây cầu được xây có thể có chi phí cao và chất lượng thấp vì công ty của con lãnh đạo không cần làm hiệu quả nhất vẫn “trúng thầu”. Như vậy, mâu thuẫn lợi ích xuất hiện khi cá nhân sử dụng vị thế quyền lực công mà họ đang nắm giữ/đại diện để thúc đẩy lợi ích cá nhân của họ hoặc lợi ích của một bên khác mà họ được giao phó (vì quan hệ hoặc hối lộ). 

Mâu thuẫn lợi ích và tham nhũng có liên quan chặt chẽ với nhau, được thể hiện qua một số điều kiện. Ví dụ, cơ qua A được giao nhiệm vụ phân bổ nguồn lực theo một tiến trình cạnh tranh, dựa trên sự xứng đáng của các bên mong muốn sử dụng nguồn lực này. Tuy nhiên, một bên (ví dụ cá nhân hoặc công ty B) gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của cơ quan A bằng cách đưa hối lộ hoặc sử dụng quan hệ thân quen mang lại lợi ích cho cá nhân thành viên của cơ quan A. Khi cá nhân thành viên cơ quan A nhận “quà” họ đã đại diện một cách không công bằng cho bên tặng quà (bên B). Khi đó họ bỏ qua những nguyên tắc đánh giá, phân bổ dựa vào sự xứng đáng, hiệu quả, công bằng để trao “hợp đồng” cho bên hối lộ. 

Từ góc độ luật pháp, mâu thuẫn lợi ích có thể hiểu là một lợi ích (thường là tư lợi) đạt được bằng cách phá hủy lợi ích kia (thường là công lợi) một cách bất hợp pháp. OECD định nghĩa mâu thuẫn lợi ích là “mâu thuẫn giữa trách nhiệm công và lợi ích tư của nhân viên nhà nước mà ở đó nhân viên nhà nước có khả năng và ý muốn ảnh hưởng đến việc thực thi trách nhiệm công mà đáng ra họ phải làm”. 

Trong thực tế, mâu thuẫn lợi ích gây hậu quả cho xã hội thông qua các quyết định mà ở đó lợi ích tư của người ra quyết định thắng thế lợi ích công. Vì vậy, để hạn chế tham nhũng các cơ quan thường liệt kê và công khai các loại mâu thuẫn lợi ích có thể tồn tại liên quan đến cơ quan mình, yêu cầu nhân viên, đặc biệt các nhân viên có trách nhiệm công khai các lợi ích cá nhân có khả năng tạo ra mâu thuẫn lợi ích. Trong bầu cử hoặc tiến cử các cá nhân vào các vị trí có quyền quyết định phân bổ nguồn lực, các cơ quan có trách nhiệm luôn phải đặt câu hỏi người đang được bầu/tiến cử này có mâu thuẫn lợi ích gì liên quan không. Nếu có, họ sẽ phải công khai từ bỏ hoặc cắt đứt mối liên hệ với lợi ích tư đó để đảm bảo mâu thuẫn lợi ích bị xóa bỏ. Để làm dược điều này, việc xây dựng văn hóa minh bạch và cơ chế giám sát độc lập rất cần thiết, khi đó mâu thuẫn lợi ích cũng như tham nhũng mới bị kìm chế. 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*