Đạo đức trong kinh doanh là việc áp dụng đạo đức vào kinh doanh. Nó điều chỉnh mối quan hệ giữa hành vi tối đa hóa lợi nhuận và những quan tâm phi kinh tế của doanh nghiệp. Ở mức độ hoạt động, nó chính là những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh (cá nhân và doanh nghiệp).
Đạo đức trong kinh doanh cần thiết vì hoạt động kinh doanh ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, lợi ích xã hội và cơ hội của các thế hệ tương lai. Về môi trường tự nhiên, một hoạt động kinh doanh gây tổn hại cho môi trường là một hoạt động kinh doanh phi đạo đức. Cũng như con người, mọi sinh vật đều có động lực cố gắng để tồn tại nên việc hủy hoại sự sống của các giống loài khác là điều sai trái. Như Leopold kết luận (1948) thì “Một thứ là đúng khi nó có xu hướng bảo vệ sự vẹn nguyên, sự ổn định, và vẻ đẹp của cộng đồng sinh học. Nó là sai khi làm điều ngược lại”.
Về khía cạnh xã hội, hoạt động của doanh nghiệp phải đóng góp vào hạnh phúc, sức khoẻ, chất lượng sống của con người. Nếu hoạt động kinh doanh làm người tiêu dùng bị tổn hại về sức khỏe, hoặc bị lừa dối vì quảng cáo sai sự thật, hoặc bóc lột công nhân và phân biệt đối xử với người khuyết tật thì đều là các hành vi kinh doanh phi đạo đức. Tương tự như vậy, nếu hoạt động kinh doanh tước đoạt đi cơ hội có cuộc sống tốt hơn của thể hệ tương lại, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn lực và cơ hội có cuộc sống chất lượng của họ thì cũng bị coi là hành vi kinh doanh phi đạo đức.
Như vậy, đạo đức trong kinh doanh là một điều đúng nên làm. Nó đúng vì không gây đau khổ cho người khác, không hủy hoại môi trường mà con người và muôn loài dựa vào để tồn tại. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tuân thủ các giá trị đạo đức trong kinh doanh cũng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để doanh nghiệp thực hành các hành vi kinh doanh có đạo đức, ngoài tự thân chủ doanh nghiệp cho rằng đó là điều đúng nên làm thì cần có những cơ chế khác để thúc đẩy đạo đức trong kinh doanh. Ví dụ như luật pháp cấm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, phân biệt đối xử với phụ nữ, hoặc đảm bảo điều kiện an toàn cho người lao động. Bên cạnh luật pháp, đạo đức nghề nghiệp và các chuẩn mực kinh doanh của ngành cũng rất quan trọng vì nó là sự thỏa thuận dân sự giúp điều chính các hành vi kinh doanh theo hướng tuân thủ đạo đức.
Nhưng quan trọng hơn đó là ý thức của người tiêu dùng trong việc ủng hộ các công ty kinh doanh có đạo đức và tẩy chay các công ty vi phạm đạo đức kinh doanh. Xét cho cùng, một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu họ có thị trường, có khách hàng. Nói cách khác, chính khách hàng là người quan trọng quyết định sự thành bại, tồn tại hay phá sản của một doanh nghiệp. Như vậy, khi lựa chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng không chỉ còn là giá cả và kiểu dáng, chất lượng và nguồn gốc – mà bao gồm cả các giá trị đạo đức gắn liền với sản phẩm như “chiếc điện thoại này có được sản xuất trong nhà máy có điều kiện an toàn cho công nhân?”; “đôi giầy này có được sản xuất bởi công nhân được trả lương đủ sống?” hay “nhà hàng này có bảo vệ bình đẳng, không phân biệt đối xử?” thì khi đó đạo đức trong kinh doanh sẽ trở thành phổ biến, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế phát triển bền vững và một xã hội thịnh vượng.