Sống thật để làm người Việt tốt

in Chính Sách/Cộng Đồng

Ẩn trong vẻ lạnh lùng, vô cảm thậm chí cáu gắt khó chịu của mỗi người Việt Nam là một con người khác. Con người của sự chia sẻ, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, lúc khó khăn. Những đức tính này được hun đúc, bồi đắp qua hàng nghìn năm chống lại sự đô hộ của người Tàu phía Bắc không dễ gì phai nhạt. Nhưng tại sao con người thật thà, chất phác, tốt tính đó của người Việt ngày nay bị che khuất bởi những lớp vỏ xấu xí? Tại sao những nghi kỵ, lừa lọc, chụp giật, tư lợi trở nên phổ biến?

Một nhà văn kỳ cựu đã từng nói, ngày đầu đi kháng chiến vui lắm. Dọc đường hành quân, những người lính trẻ hát “Thiên thai” hay “Suối mơ” thật lãng mạn. Cuộc chiến chinh là một bản hùng ca của dân tộc. Mặc những gian khổ, bệnh tật, hy sinh, nhưng từng bước hành quân vẫn lung linh bầu trời tổ quốc trong tim. Văn nghệ sĩ, trí thức, thanh niên lên đường vì chủ nghĩa yêu nước. Họ chiến đấu và hy sinh vì độc lập cho dân tộc, và tự do cho nhân dân. Đây cũng chính là lý do làm cho cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam có tính chính danh, và chính nghĩa, và quy tụ được toàn bộ người Việt Nam trong cũng như ngoài nước.

Tiếc thay, trong quá trình đi tìm độc lập và thống nhất đất nước, chúng ta đã không coi trọng tự do cá nhân. Những khẩu hiệu “hy sinh quyền lợi cá nhân để phụng sự cho lợi ích tập thể” đã dẫn đến những chính sách sai lầm trong quá khứ. Các chương trình như cải cách ruộng đất, xóa bỏ chùa chiền, công hữu hóa tài sản đã làm tổn thương nền tảng xã hội và đạo đức của dân tộc. “Thiên thai”, “Suối mơ” không còn được hát nữa, thay vào đó là “Cùng nhau đi hồng binh” hay “Tiếng hát ngày thứ Bảy cộng sản”. Sự khát khao độc lập, tự do của dân tộc được khoác lên mình một chiếc áo mới, với sứ mệnh mới: bảo vệ Chủ nghĩa xã hội. Con người Việt Nam tự tạo cho mình một cái vỏ bọc, để tránh những quy chụp “tư sản”, “không có tính giai cấp” thậm chí “phản cách mạng”.

Có nhiều lý giải cho rằng khi chúng ta làm kháng chiến, để phát huy sức mạnh tập thể, trăm người như một, thì hy sinh tự do cá nhân là điều cần thiết. Lịch sử là lịch sử, và không có điều “giá như” hoặc “nếu điều đó xảy ra”. Quan trọng, trong thời bình khi thế giới đã thay đổi, Việt Nam đã thay đổi, chúng ta, những con người đang sống trong thời đại này phải hành động để sau này con cháu không phải đặt câu hỏi “giá như” và “nếu điều đó xảy ra” nữa.

Việt Nam trong thế kỷ 21 có hướng nhìn ra biển. Chúng ta nhìn ra biển, vì biển chính là cánh cửa đưa Việt Nam vào với thế giới. Khoa học, công nghệ, và toàn cầu hóa đã làm điều không thể trong hàng nghìn năm qua thành điều có thể trong ngày nay. Từ thời bắc thuộc (111 trước Tây lịch đến 931 sau Tây lịch) cho đến thời độc lập sau này, Việt Nam thường nhìn về phương Bắc. Nhìn về phương Bắc, vì chúng ta đã thấm nhuần văn hóa và tư tưởng Nho giáo và tin rằng, phương Bắc là đúng. Ai học được văn hóa, khoa học từ phương Bắc là người giỏi, ai không học được là người dốt. Chúng ta nghĩ và tư duy trong chính cái khuôn mẫu do chúng ta du nạp, và cảm thấy an toàn trong cái lồng kính đó.

Ngày nay, chúng ta hiểu thế giới đa dạng hơn rất nhiều những gì đến từ phương Bắc. Chúng ta hiểu, Việt Nam có thể nhìn về hướng Đông, Tây và Nam để tích hợp trí tuệ của nhân loại, và quan trọng hơn củng cố nền độc lập quốc gia. Sau hơn một nghìn năm bị đô hộ, và hơn một nghìn năm gìn giữ, độc lập dân tộc đâu phải là điều nhỏ để chúng ta đánh mất. Quan trọng hơn, độc lập phải mang lại tự do, và tự do cần thiết để gìn giữ độc lập.

Con người phải tự do sống thật là mình, nói những điều mình suy nghĩ, và làm những điều mình tin là đúng. Nếu chúng ta phải nói, phải nghe những điều chúng ta không tin thì thật là bất hạnh. Con người chất chứa đầy những mâu thuẫn, là con người của đau khổ. Nhìn vào những khuôn mặt đó, chúng ta không thấy nụ cười, mà chỉ là những nếp nhăn ưu phiền, lo âu và bất lực. Về vật chất, đâu có khổ như thời kháng chiến, mà sao bây giờ mặt chúng ta lại úa tàn hơn?

Hãy sống tự do để chúng ta gỡ bỏ những vỏ bọc làm người Việt xấu xí, sống vì nhau như những ngày xưa. Hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất: đừng nói dối và đừng đồng ý với lời nói dối. Khi đó, những vỏ bọc xấu xí sẽ tự rơi, vì chúng chỉ bám được vào ta khi ta còn nói dối.

Hãy mỉm cười và bắt đầu làm những điều tốt đẹp, không chỉ cho bản thân, gia đình, hàng xóm của mình, mà cho tất cả mọi người.

Sống thật, sống tốt cũng chính là sống có ích nhất cho đất nước mình lúc này!

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*