Phát triển, theo Amartya Sen, là một quá trình mở rộng tự do cho từng cá nhân. Ông cho rằng “phát triển phải quan tâm đến việc đảm bảo sự tốt đẹp của cuộc sống và tự do chúng ta hưởng thụ.” Rõ ràng, phát triển không chỉ đơn giản là tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc nhấn mạnh quá nhiều vào dân chủ như là động lực của phát triển cần phải được suy xét thấu đáo, vì tăng trưởng kinh tế và tự do chính trị đều quan trọng như nhau. Nhiều kinh nghiệm còn cho thấy tăng trưởng kinh tế là một điều kiện tiên quyết cho phát triển và nhà nước có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo tự do cá nhân.
Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu phát triển vì hai lý do đơn giản. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế tạo ra nguồn lực để chi trả cho giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội cần thiết cho cá nhân và cộng đồng. Ngay các yếu tố cấu thành một nhà nước dân chủ pháp quyền như tòa án, bầu cử, hay bảo vệ quyền con người đều cần có ngân sách. Thứ hai, bản thân quá trình phát triển kinh tế tạo ra ảnh hưởng thúc đẩy dân chủ hoá xã hội. Nói cách khác, tự do kinh tế sẽ dẫn đến việc mở rộng các tự do dân sự và chính trị.
Nhà nước mạnh cần cho phát triển kinh tế?
Có thể so sánh một nước đang phát triển giống như một gia đình đông con chỉ có một cái bánh nhỏ. Khi đó, rất dễ dẫn đến việc mọi người tập trung vào việc làm sao chia cái bánh cho công bằng mà quên mất việc làm sao tăng được kích thước của cái bánh. Như vậy, quốc gia sẽ bị tắc trong việc đấu tranh để chia sẻ quyền lợi hơn là tập trung đoàn kết phát triển nền kinh tế. Rõ ràng, nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn và định hướng cho phát triển.
Theo Atul Kohli, công nghiệp hoá là một trong những yếu tố quan trọng cho việc tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Trong cuốn “phát triển do nhà nước chỉ đạo” ông đã đề cao vai trò của nhà nước trong quá trình công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế. Theo ông, để đảm bảo được vai trò chỉ đạo, nhà nước cần có những tố chất quan trọng. Thứ nhất, họ phải có một hệ thống chính trị đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Nhà nước “kiểm soát” các nhà bất đồng chính kiến và đảm bảo mục đích hẹp của nhà nước: công nghiệp hoá. Thứ hai, khi nhà nước tập trung vào mục đích duy nhất là tăng trưởng kinh tế thì nhà nước phải huy động nguồn lực cho việc đầu tư sinh lời hơn là tiêu thụ. Thứ ba, nhà nước cần có một “bộ máy công quyền có năng lực”, có thể làm việc hiệu quả với giới doanh nhân để đạt được mục đích chung: tăng trưởng kinh tế và sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, Kohli phải phải thừa nhận là “cho dù nhà nước là trái tim của sự thành công của tăng trưởng nhanh, nhà nước hiệu quả rất khó gây dựng.” Rõ ràng, ít người phủ nhận vai trò của nhà nước nhưng xây dựng nhà nước như thế nào lại là đề tài tranh luận trong giới học giả và chính trị.
Một nhà nước hiệu quả, thứ nhất, cần tạo ra một môi trường chính sách tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân năng động cộng với chính sách hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiếm hoi cho tăng trưởng kinh tế hiệu quả nhất. Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc, trong khi đàn áp các nhà bất đồng chính kiến vẫn luôn đảm bảo quyền sở hữu tư nhân và một nền kinh tế thị trường tự do để nguồn lực có thể phục vụ tốt nhất cho tăng trưởng cao.
Thứ hai, nhà nước cần có năng lực thúc đẩy mục tiêu tập trung: tăng trưởng kinh tế. Trong thế giới đang phát triển do nguồn lực có hạn nên việc điều tiết nguồn lực vào đầu tư sản xuất là quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Theo Kohli, việc kinh tế không phát triển được ở các nhà nước dân chủ đa giai cấp (fragmented-multiclass) là kết quả của sự thoả hiệp lợi ích nhóm, giai cấp và các đảng phái chính trị. Wolfgang Sachs đã phê phán đa mục đích của phát triển trong bài “phát triển: sự lên và xuống của một lý tưởng” và cho rằng “phát triển là một cái gì đó bao gồm tăng trưởng kinh tế, cộng với tái phân phối, cộng với sự tham gia, cộng với phát triển con người.” Và danh sách mục đích phát triển nhanh chóng kéo dài với “công ăn việc làm, bình đẳng, xoá đói giảm nghèo, nhu cầu cơ bản, các mảng phi chính thống, và phụ nữ.” Ông cho rằng “với sự mở rộng danh mục làm phát triển là mọi thứ và chẳng là gì cả. Khái niệm phát triển không còn ý nghĩa nào nữa, nó chỉ còn là các ngụ ý tốt.”
Thứ ba, nhà nước cần có một hệ thống thể chế mạnh và hiệu quả. Điều này cần cho việc thực thi và hiện thực hoá mục đích phát triển: công nghiệp hoá và phát triển xã hội. Một nền hành chính có năng lực, như sự nhấn mạnh của Kohli, là cần thiết để áp đặt và đạt được mục đích phát triển của nhà nước. Nó giúp nhà nước thu thuế, cung cấp dịch vụ, và đầu tư vào giáo dục, y tế, khoa học và kỹ thuật. Đầu tư vào những lĩnh vực này không những làm cho cuộc sống của người dân tốt lên mà còn tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một quốc gia mạnh khoẻ và giáo dục cao là điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và dân chủ hoá.
Phát triển kinh tế mang lại tự do dân chủ?
Trong cuốn sách nổi tiếng “phát triển là tự do” Amartya Sen đã thừa nhận vai trò của tăng trưởng kinh tế như là “một công cụ cho việc đạt được tự do để chúng ta có thể sống cuộc sống có giá trị.” Vì thế, để đạt được mục đích (dân chủ) thì chúng ta cần có công cụ (tăng trưởng kinh tế). Larry Diamond, trong bài nói chuyện ở trung tâm dân chủ của trường đại chọ UC Irvine đã tranh luận vai trò quan trọng của thương mại và hội nhập kinh tế trong quá trình dân chủ hoá vì “khi người dân càng làm quen với nền văn hoá toàn cầu thì lý lẽ của những luật lệ đàn áp càng trở nên kém hợp lý.” Carles Boix và Susan C. Stokes đã có một điểm giá trị trong bài “quá trình dân chủ hoá nội tại” khi cho rằng “dân chủ không tự sinh ra từ thu nhập mà từ những thay đổi đi kèm trong quá trình phát triển.” Họ cho rằng khi một đất nước phát triển, các nhóm xã hội khác đặc biệt là tầng lớp trung lưu, sẽ hình thành và tổ chức một cách độc lập để đòi hỏi thay đổi, dẫn đến một xã hội cởi mởi hơn và tự do hơn cho cá nhân.
Một nhà nước mạnh là một nhà nước không ngăn cản, mà ngược lại, phải chủ động thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong tiến trình phát triển. Nhà nước cần nới rộng tự do, tạo ra nhiều cơ hội và lựa chọn hơn cho người dân. Người dân có cơ hội tự tổ chức cuộc sống của mình độc lập với nhà nước và các đảng phái chính trị. Cộng hưởng với việc người dân được tiếp xúc với những giá trị, niềm tin và kiến thức khác trên thế giới, họ sẽ có nhiều sáng kiến đóng góp cho sự phát triển chung. Nhà nước khi đó sẽ chuyển giao dần vai trò định hướng phát triển cho người dân bằng cách đảm bảo các quyền tự do kinh tế, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do biểu đạt. Nếu quá trình này không được thực hiện tốt nó sẽ dẫn đến chia rẽ, mâu thuẫn, xung đột xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và phát triển.