Theo luật thì mất tự do, theo tự do thì phạm luật!

in Chính Sách/Cộng Đồng

Pháp luật ra đời với mục đích bảo vệ quyền con người, tránh việc con người vi phạm quyền của nhau. Nhiều nhà tư tưởng cho rằng, để bảo vệ mình con người hy sinh một phần tự do để xây dựng luật pháp theo nguyên tắc đồng thuận và bình đẳng. Ví dụ, để bảo vệ quyền sống của tất cả mọi người, ai tước đi mạng sống của người khác là phạm tội và bị xử lý theo pháp luật. Tương tự như vậy, ai cưỡng đoạt tài sản của người khác (qua hình thức trộm cắp hoặc lừa đảo) là phạm pháp, vì nó vi phạm quyền sở hữu tài sản, nên sẽ bị trừng phạt để răn đe.

Ảnh: Bộ tư pháp tham vấn các chuyên gia và người đồng tính về nội dung hôn nhân cùng giới trong Luật Hôn nhân và Gia Đình

Như vậy, cơ sở để xây dựng luật pháp là bảo vệ quyền con người. Quyền con người có tính phổ quát, bình đẳng, và không phân biệt đối xử. Khi pháp luật được xây dựng nó không được vi phạm các nguyên tắc trên, không được sự áp đặt tư tưởng, mong muốn, hoặc lợi ích của nhóm này lên nhóm kia.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều luật đi ngược lại nguyên tắc này. Ví dụ, luật Hôn nhân và gia đình hiện tại đang cấm kết hôn giữa hai người cùng giới tính. Đây là sự áp đặt tiêu chí của những người dị tính đa số lên những người đồng tính và song tính thiểu số, tước đoạt quyền lập gia đình và mưu cầu hạnh phúc cùng nhau của họ. Nếu tuân theo nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử, rõ ràng điều khoản này phải bị loại bỏ, và luật pháp cần phải thừa nhận quyền kết hôn của tất cả mọi người, không phân biệt xu hướng tính dục.

Tương tự như vậy, Luật đất đai chưa thừa nhận quyền sở hữu tư nhân của người dân, vi phạm quyền sở hữu tài sản của họ. Lấy ví dụ tình trạng hiện tại, người nông dân bị thu hồi đất theo giá quy định của nhà nước, thường là thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Còn doanh nghiệp bất động sản được nhận đất từ nông dân, có thể bán nhà/đất theo giá thị trường, thường là cao hơn giá đền bù rất nhiều. Đây là sự bất bình đẳng, và dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, ví dụ như việc thu hồi đất bừa bãi, nông dân phản kháng do mất đất, hoặc đói nghèo và tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, việc thừa nhận hình thức sở hữu đất đai tư nhân là cần thiết, vì nó bảo vệ quyền con người, hạn chế việc lạm quyền thu hồi đất gây bất ổn trong xã hội.

Một câu hỏi lớn đặt ra, nếu pháp luật được xây dựng đã vi phạm quyền con người, như hai ví dụ trên, thì con người có nên tuân thủ nó không? Trong trường hợp này, châm ngôn “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” có còn ý nghĩa?

Bản chất của con người, khi sinh ra đã là tự do và sống theo khát vọng tự do. Chính vì vậy, họ luôn có xu thế hành động và thực thi quyền tự do của mình. Người đồng tính, tất nhiên cũng như người dị tính, có mong muốn được sống thật là mình, yêu người mình yêu, và lập gia đình với người mình muốn gắn bó. Nếu sống theo pháp luật hiện tại, có nghĩa họ sẽ phải chối bỏ điều này, lấy người khác giới, và như vậy quyền mưu cầu hạnh phúc của họ bị vi phạm.

Với người nông dân, tổ tiên họ đã khai hóa đất đai trước cả khi nhà nước ra đời, nên quyền sở hữu đất đai điền thổ là tự nhiên. Qua nhiều thế hệ, họ đã đầu tư và lao động trên mảnh đất của mình như là người chủ chân chính. Tuy nhiên, nếu họ tuân theo luật đất đai, họ sẽ phải từ bỏ quyền sở hữu này, và chấp nhận một giá đền bù do nhà nước ấn định. Điều này, đi ngược lại quyền sở hữu tài sản của họ.

Như vậy, người dân rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì nếu sống tự do theo quyền của mình, họ sẽ vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hành chính hoặc phạt tù. Nếu họ sống theo hiến pháp và pháp luật, họ sẽ phải từ bỏ quyền tự do chính đáng của mình.

Để tránh tình trạng này, quá trình làm luật cần phải tuân thủ nguyên tắc tự do, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Người làm luật phải đặt mình vào địa vị của những người bị điều chỉnh bởi luật pháp, và bảo vệ quyền con người của họ. Điều này chỉ xảy ra, khi người dân có quyền bầu người đại diện của mình theo cách dân chủ. Khi dó, luật pháp mới bảo vệ tự do của nhân dân, và nhà nước mới là nhà nước pháp quyền chân chính, chứ không phải nhà nước độc tài, dùng pháp luật để cai trị nhân dân và bảo vệ lợi ích của tầng lớp thống trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*