Tiền có mang lại công lý?

in Chính Sách/Cộng Đồng

Hình ảnh cái cân, một bên là khí CO2 một bên là những tờ đô la Mỹ, minh họa cho một thoả thuận giữa chính quyền và các cộng đồng đang sống ở vùng rừng núi Việt Nam: giúp chúng tôi giữ rừng để giảm thiểu thay đổi khí hậu, chúng tôi sẽ đền bù cho các anh bằng đô la.

Ảnh: người dân bản địa chỉ “đo cây, đếm tiền”? (Nguồn: UN-REDD ở Việt Nam)

Đây là một ví dụ về ra sự gia tăng việc sử dụng hình thức đền bù của chính phủ, các công ty và tổ chức đa quốc gia trong quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Họ sẵn sàng đền bù cho các cộng đồng địa phương về sự mất mát do các dự án và chương trình bảo vệ môi trường, cũng như những tác hại do ô nhiễm công nghiệp gây ra. Đây là ý tưởng cơ bản của chương trình Giảm khí thải từ sự mất rừng và suy thoái rừng (REDD+). Nó cũng được áp dụng cho Quỹ thích ứng khí hậu, Chương trình Dịch vụ chi trả phí môi trường, Các thoả thuận đồng chia sẻ trong việc quản lý các khu rừng cấm, và các dự án trong lĩnh vực khai mỏ.

Tất cả những cố gắng này đều có chung một giả thiết: quản lý tài nguyên và môi trường sẽ có công lý (hơn) nếu các can thiệp làm cho sự phân phối lợi ích bình đẳng (hơn); nếu các cộng đồng địa phương được ‘chia sẻ công bằng’ doanh thu từ việc khai mỏ hay du lịch sinh thái, thì bảo tồn đa dạng sinh học hay khai mỏ sẽ có tính công lý; nếu các nước đang phát triển nhận được sự chi trả tài chính từ các công ty dược phẩm đa quốc gia, thì việc sử dụng tài nguyên gen của thế giới sẽ có công lý hơn; nếu các nhóm người bị ảnh hưởng bởi chất độc và sự rủi ro nhận được sự đền bù, thì việc quản lý môi trường và những hoạt động đối phó của loài người đối với biến đổi khí hậu sẽ trở nên bình đẳng hơn.

Đền bù có thể đưa lại công lý ở một vài trường hợp, ví dụ như một số người, hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng bởi chất độc, hay bị di rời khỏi nguồn tài nguyên sinh kế, đòi hỏi sự đền bù. Tuy nhiên, có nhiều lý do để cẩn trọng, như được nhấn mạnh trong Tuyên bố Norwich về công lý môi trường [Norwich Declaration on Environmental Justice]. Đền bù không phải là một giải pháp kỳ diệu để giải quyết tất cả các ảnh hưởng tiêu cực từ quản lý môi trường và tài nguyên đối với các cộng đồng địa phương. Ngược lại, việc sử dụng đền bù như một giải pháp sẽ giới hạn, thậm chí đóng lại những khả năng khác, có thể giúp khắc phục những bất công tiềm ẩn về văn hoá, chính trị và kinh tế do sự quản lý tài nguyên và môi trường đem lại. Có bốn lý do để thấy đền bù không mang lại công lý.

1) Nhiều người trải nghiệm sự bất công theo các cách thức không thể chi trả bằng đền bù, ví dụ, người Pemón ở Venezuela có tri thức bản địa trong quản lý đất đai rất đặc trưng, cụ thể là cách sử dụng lửa. Việc nhà nước cấm sử dụng lửa vì lo cháy rừng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ, lề hóa kiến thức bản địa, và đẩy họ vào nguy cơ bị mất gốc. Đền bù bằng tiền sẽ không giúp giải quyết sự bất công, vì lối sống và bản thân họ đã bị lề hóa bởi chính sách của chính quyền.

2) Đền bù có thể biến thành sự cưỡng ép về kinh tế trong bối cảnh có sự bất bình đẳng trầm trọng về quyền lực. Những người dân nghèo có thể cảm thấy bất lực, không có lựa chọn khác, vì vậy phải chấp nhận sự đền bù. Họ phải từ bỏ các đòi hỏi về công lý rất quan trọng trong đời sống của họ. Ví dụ, Người Ogoni ở vùng châu thổ Niger chỉ coi đền bù là sự xoa dịu mà không thực sự là công lý khi phải đi khỏi đồng bằng Niger. Họ phải nhận đền bù, cho dù trong thâm tâm họ muốn được công nhận quyền sở hữu đối với tài nguyên trong lãnh thổ họ đã ở lâu đời, và nhà nước cần tẩy sạch sự ô nhiễm hơn là chuyển họ đi nơi khác.

3) Đền bù chỉ có thể tốt ở nơi có các quyền dân chủ và người ảnh hưởng có thể tiếp cận được với hệ thống luật pháp. Ở nơi người dân không thể kiểm soát chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia và các công ty tạo ra sự thiệt hại, rủi ro hoặc mất mát thì sự đền bù sẽ không đưa lại công lý. Ví dụ, người dân Sudan và Ethiopia thiếu sự tiếp cận đến hầu hết các nguồn thông tin quan trọng về các dự án xây dựng đập trên dòng sông Nile. Kết quả là họ trở thành những người nhận đền bù một cách thụ động, hoặc thậm chí không được đền bù, mà không có phương tiện gì để thương thoả với công ty xây dựng đập.

4) Đền bù là giải pháp cuối cùng có thể giải quyết vấn đề phân phối lại của cải, nhưng nó không làm thay đổi bản chất gốc rễ của sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và cơ hội. Ví dụ, chính phủ Ấn Độ đã đền bù các cộng động địa phương sống quanh rừng bằng cách cho phép họ chia sẻ sản phẩm và thu nhập từ rừng quản lý bởi nhà nước. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sự bất công, vì người dân vẫn không được làm chủ nguồn tài nguyên của họ. Phải đến khi Luật về rừng ra đời năm 2006, cho phép các cộng đồng bản địa có quyền quản lý tài nguyên và lãnh thổ truyền thống, thì sự bất công mới được giải quyết tận gốc rễ.

Trên bình diện khái niệm hoá, đền bù giả định một sự thoả thuận chung của các bên liên quan (ví dụ, người gây ra sự ô nhiễm và người bị tổn thương) về sự thiệt hại, mất mát hay rủi ro. Người gây ô nhiễm thu lợi từ hoạt động của mình, nên phải chia lại một phần cho người bị thiệt hại để đảm bảo công lý. Tuy nhiên, quan hệ quyền lực thường nghiêng về những người gây ô nhiễm, nên phần thiệt luôn nghiêng về phía những nạn nhân. Hơn nữa, khi tư duy “đền bù sẽ mang lại công lý”, lợi ích kinh tế (cho bên nắm quyền) sẽ được cân nhắc, bỏ qua những thiệt hại về văn hóa, xã hội, và tâm linh với cộng đồng. Nguy hại hơn, nó có thể xâm phạm những giá trị đạo đức phổ quát của con người, đó là có thể dùng tiền để rửa sạch tội lỗi khi gây hại cho người khác.

Quay lại hình ảnh ở đầu bài viết để hiểu hơn vấn đề vừa phân tích: Những cái trông có vẻ là đơn giản và có lẽ là sự thương thoả công bằng trong con mắt của các nhà quản lý Carbon lại không phải là vấn đề mấu chốt đối với người địa phương. Đối với họ, vấn đề mấu chốt là được công nhận triết lý của họ: Họ không coi rừng là nơi chứa carbon mà là nơi chôn rau cắt rốn, là địa vực cư trú, hay là nguồn cung cấp lương thực cho cuộc sống tự túc bền vững. Họ không nhìn họ như những cá thể khi giải quyết vấn đề với nhà quản lý carbon, mà họ coi họ là những tập thể cộng đồng. Có thể, vấn đề quan trọng cho họ là được tham gia một cách dân chủ vào quá trình đưa ra chính sách quản lý rừng, chứ không chỉ mang thước vào rừng đo cây, rồi lĩnh tiền của chương trình REDD++.

Vì thế, đền bù sẽ không bao giờ đủ vì nó chỉ giúp giải quyết vấn đề phân phối. Đền bù có thể sẽ đưa đến công lý trong một vài bối cảnh, nhưng nó sẽ không giải quyết được bất công cho nhiều người khác. Chúng ta cần phải có những chiến lược triệt để để đem lại công lý môi trường. Các chiến lược này cần đề cập đến sở hữu công bằng về tài sản và cơ hội, cũng như sự tham gia dân chủ, công nhận giá trị bản địa và sự toàn vẹn về môi trường.

————–

GS. Thomas Sikor dậy ở trường Đại học East Anglia, Anh. Bài viết này thừa hưởng được nhiều ý kiến từ các cuộc thảo luận ở hội thảo “the First International Think Tank on Global Environmental Justice”, tổ chức tại Norwich, Anh 20-22/6/ 2013.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*