Ảnh đường phố Việt Nam
Photo by Giang Son Dong

Tình liên đới – Nền tảng cơ bản của Tinh thần công dân

in Cộng Đồng

Tình liên đới là tình cảm gắn bó giữa con người với con người trong một cộng đồng nhỏ hoặc lớn. Cộng đồng nhỏ như một lớp học, đơn vị, làng bản, thành phố (tình đồng môn, đồng ngũ, đồng hương), cộng đồng lớn như một quốc gia, khu vực hoặc toàn thể nhân loại (tình nhân loại). Sự liên đới càng có ý nghĩa hơn đối với những cá nhân trong hoàn cảnh nghèo hèn, bệnh tật, cô đơn.

Từ góc nhìn các tôn giáo, tình liên đới còn là mối liên hệ giữa con người, vạn vật, với Đấng Tạo hóa hay Thiên Chúa. Theo Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, sự liên đới (solidarity) là một nguyên tắc cốt lõi: “Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày gắn bó hơn…” (Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, số 192, năm 2005).

Nhìn từ mối quan hệ nhà nước với công dân, ý thức công dân bao hàm ý thức về quyền và nghĩa vụ, về sự phụ thuộc của cá nhân với các thành phần khác trong quốc gia dân tộc. Ý thức về sự liên quan, liên hệ giữa cá nhân với cộng đồng là một nội dung thường có trong các chương trình giáo dục đạo đức, giáo dục công dân. Mỗi cá nhân là một thành phần của xã hội, vận mệnh của mỗi cá nhân gắn chặt với vận mệnh của những người khác.

Nếu không cảm nhận, ý thức được sự liên quan giữa cá nhân mỗi người với cộng đồng, sẽ rất khó có sự cảm thông, tôn trọng lẫn nhau, hay hy sinh, dấn thân khi cần thiết. Cạnh đó, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình liên đới không chỉ giới hạn trong một quốc gia (với tình yêu đồng bào, lòng ái quốc). Việc những nhà hoạt động xã hội, nhà từ thiện bền bỉ, nhẫn nại hoạt động từ quốc gia chìm trong chiến tranh, xung đột này đến các quốc gia nghèo đói khác là những minh chứng sinh động cho tình nhân loại, mà người phương Đông xưa đã gọi là “tứ hải giai huynh đệ”.

Các chế độ thiếu tự do, dân chủ là mối đe dọa đối với tình liên đới, cũng như đối với nhiều giá trị đạo lý cơ bản khác. Khát vọng toàn trị, triệt tiêu mọi phản kháng thường dẫn đến việc triệt tiêu mọi liên kết xã hội và chính trị, cũng như nỗ lực tách rời, “nguyên tử hóa” các cá thể. Các cá nhân chui vào vỏ ốc, chỉ lo lắng cho lợi ích cá nhân và gia đình, không được và không cần quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng. Đây cũng chính là điều mà Fukuzawa Yukichi (1835-1901) ở Nhật Bản và Phan Chu Trinh (1872 – 1926) ở Việt Nam đã lên tiếng từ lâu, khi họ phản đối nhà nước độc đoán cấm cản người dân “bàn việc nước”.

Tính cộng đồng được nhận định là một “tính cách nổi bật và xuyên suốt trong lịch sử và văn hóa Việt Nam”.[1] Tính cộng đồng được cho là kết quả của những nguyên nhân về địa lý (nhiều sông nước…), kinh tế lúa nước, văn hóa làng, việc thường xuyên đối diện với ngoại xâm… Đặc thù của nghề nông trồng lúa nước được phân tích rằng “trồng lúa nước thì quanh năm phải lo tát nước, tháo nước, chống hạn, chống úng, nước chảy theo bậc thang, qua hết ruộng nhà này mới sang ruộng nhà khác.” Do đó, mọi người “không thể sống độc lập mà phải dựa vào nhau, gắn bó, nhường nhịn lẫn nhau”.[2] Nếu đồng ý như vậy, ta cũng phải chấp nhận rằng công nghiệp hóa, đô thị hóa là những yếu tố có thể làm mất đi tính cộng đồng đã có trong truyền thống.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nói rằng tâm lý tư lợi, tiểu nông, “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” cũng đã được nhắc đến như một đặc điểm của cá tính, một trong những thói hư tật xấu của người Việt. Hơn nữa, truyền thống đề cao gia đình, ở một thái cực là chỉ quan tâm đến lợi ích của gia đình, dòng tộc mình, coi nhẹ xã hội, cũng là một cản trở đối với tinh thần công dân. Đây lại là những di sản nặng nề mà những người muốn thúc đẩy tinh thần công ích, phục vụ xã hội cần tìm cách đẩy lùi.

Chính vì vậy, việc giáo dục để phát huy tình liên đời và hạn chế tính ích kỷ, tư lợi là quan trọng. Tuy nhiên, trong sách Giáo dục Công dân lớp 10 hiện nay chỉ có bài Công dân với cộng đồng – Bài 13 giải thích “Cộng đồng là gì?”, và phân tích các trách nhiệm của công dân với cộng đồng bao gồm: Nhân nghĩa; Hòa nhập; và Hợp tác. Đây chỉ là một trong số 16 bài của chương trình Giáo dục Công dân lớp 10 và chưa đủ để phát huy tinh thần công dân ở học sinh.  Có lẽ, giáo dục không những cần giúp học sinh học cách tôn trọng pháp quyền, vai trò của pháp luật, mà còn cả việc tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, vốn đã có trong truyền thống khoan dung của người Việt. Trong bối cảnh xã hội ngày càng trở nên đa chiều, đa dạng như hiện nay, giáo dục nên tham khảo tinh thần “Lục hòa” (6 phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm) của Phật giáo, hay tinh thần “hòa nhi bất đồng” (tôn trọng sự đa dạng, không bị đồng hóa dù chung sống hòa bình) của Nho giáo.

Nói chung, nếu không thấy sự liên quan của mình với người xung quanh hoặc người ở một nơi xa xôi nào đó trên trái đất, dù bằng lý trí hay tình cảm,  bằng sự phán đoán của khối óc hay bản năng, cá nhân rất khó có thể có thái độ cảm thông, càng khó có hành động chia sẻ, hỗ trợ hay hi sinh bản thân mình vì người đó. Bởi vậy, ta có thể nói tình cảm liên đới, vừa có tính tự nhiên, vừa có tính xã hội (hình thành, phát triển nhờ giáo dục), là một tiền đề của tinh thần công dân.

[1] Ngô Đức Thịnh, Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, trang 369-372.

[2] Quan điểm của Phan Ngọc, dẫn trong Ngô Đức Thịnh, như trên, trang 370.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*