Gần đây anh viết sách, có nhiều cuốn được bạn đọc truyền tay đọc như “Bức xúc không làm ta vô can”, “Thiện, ác và smartphone”. Tại sao anh lại viết về các chủ đề này?
Tôi viết các cuốn sách này vì tôi muốn hiểu hơn về thế giới quanh mình, hiểu về các hiện tượng đương đại đang xẩy ra, và lý do vì sao chúng xẩy ra. Và tất nhiên, đằng sau đó là câu hỏi, tôi nên ứng xử, nên có thái độ như thế nào trước các hiện tượng đó? Với tư cách người dân, tôi nên sống như thế nào, trách nhiệm của tôi ra sao? Đó là những câu hỏi liên quan tới tinh thần công dân, và trong mỗi một thời đại, những câu hỏi này cần được đem ra thảo luận lại. Qua những cuốn sách, tôi mong muốn bạn đọc suy nghĩ và tham gia vào cuộc thảo luận này.
Trong hai vế của tinh thần công dân mọi người hay nói tới, một là thực hành các giá trị khoan dung, tôn trọng, vị tha trong quan hệ với người khác; hai là dấn thân hành động. Anh thấy vế nào quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam? Cá nhân anh đang thực hành vế nào?
Cả hai vế đều quan trọng, nhưng vế dấn thân, hiểu theo nghĩa activism, hoạt động, phụng sự xã hội, yêu cầu những chi phí cao hơn về thời gian, tài chính, về khả năng kết nối, tổ chức. Hơn nữa, môi trường hiện nay của Việt Nam cũng đang tạo nhiều khó khăn cho những hoạt động như lập hội, lập quỹ, phát động các phong trào, chiến dịch xã hội, biểu tình ôn hoà…
Trái lại, khoan dung, tôn trọng, lắng nghe, bảo vệ quan điểm của mình mà không hạ nhục người khác v.v… có thể được chúng ta thực hành hàng ngày, hàng giờ, ở mọi nơi, từ trong gia đình tới trên mạng, mà không gây chi phí, tốn kém. Tôi không nói là nó dễ hơn, vì nó bắt chúng ta phải nhận ra điểm yếu của bản thân, phải thay đổi thói quen, nhưng chúng ta có nhiều cơ hội thực hành hơn. Cá nhân tôi đang cố gắng thực hành cả hai khía cạnh, mỗi khía cạnh có thách thức riêng của nó.
Anh đã từng là trung tâm của cơn bão mạng xã hội, ví dụ như vụ động cơ làm từ thiện hay sự xuất hiện của một đoạn văn của anh trong đề thi phổ thông trung học, những trải nghiệm này có ảnh hưởng gì đến các cuốn sách của anh không?
Việc bản thân nằm trong các cơn bão mạng cũng là một phần lý do vì sao tôi muốn phân tích để hiểu hơn về “công lý” trên mạng, về những cơn cuồng nộ của đám đông, về hiện tượng làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây. Những điều này xẩy ra do mạng xã hội có khuynh hướng khuếch đại những yếu tố xấu xí trong con người, do chúng ta thiếu khả năng quản lý cảm xúc, do chúng ta cho rằng căm ghét giúp phần thay đổi xã hội, và chà đạp lên phẩm giá của người khác khi họ khác quan điểm với mình là một việc chính nghĩa cần làm. Hiển nhiên, hằn học, lăng nhục, tấn công cá nhân… không liên quan gì tới tinh thần công dân cả, cho dù chúng xuất phát từ những bức xúc chính đáng về thực trạng xã hội.
Khi viết những cuốn sách này, cá nhân anh có thay đổi gì không? Tại sao?
Bản thân tôi cũng học được rất nhiều – quá trình viết sách khiến tôi phải đọc nhiều nguồn tài liệu, phải dừng lại, phân tích về suy nghĩ và hành vi của bản thân. Theo trải nghiệm của tôi, tinh thần công dân, cũng giống như tinh thần thể thao hay tinh thần võ sĩ, cần phải được rèn luyện. Quá trình viết giúp tôi bước vào quá trình luyện tập đó.
Anh có nhận được nhiều phản hồi, chia sẻ của độc giả không? Các phản hồi, chia sẻ của họ thường về vấn đề gì? Có phản hồi nào làm anh bất ngờ không?
Tôi khá bất ngờ là các cuốn sách nhận được nhiều sự quan tâm như vậy. Có những phản hồi tích cực, ủng hộ tới từ các cá nhân làm trong chính quyền, trong giới doanh nghiệp, hay từ trong nhà thờ. Tôi cảm động nhất khi nhận được phản hồi từ những phạm nhân đang chịu án trong nhà tù – họ nói rằng sách giúp họ hướng thiện, giúp họ được chữa lành. Tôi thấy rằng nhu cầu của mọi người được nhận và cho đi sự tử tế, nhu cầu được sống trong tình bằng hữa, là rất lớn.
PPWG muốn thúc đẩy tinh thần công dân, anh nghĩ PPWG nên tập trung vào khía cạnh nào?
Tôi nghĩ việc đầu tiên, mang tính nền tảng, mà PPWG có thể làm, là đưa cuộc thảo luận về tinh thần công dân, về thế nào là một người dân có trách nhiệm và lương tâm, ra một cộng đồng rộng lớn hơn, để cuộc thảo luận này không chỉ xẩy ra trong phạm vi của các tổ chức phi chính phủ, mà còn xẩy ra ở các trường ĐH, các trường cấp 3, trên truyền thông, trong giới trí thức. Điều chúng ta hướng tới, về thực chất, là một dịch chuyển của hệ giá trị, từ chụp giật, cạnh tranh, lợi dụng, dịch chuyển tới tôn trọng, nhường nhịn, đoàn kết, và sự dịch chuyển này phải rộng khắp. Nếu không có sự dịch chuyển này, mọi kêu gọi, hô hào đều vô nghĩa, hoặc các kết quả đạt được sẽ không bền vững.
Xin cảm ơn anh!
Well-said, anh Giang!