Xây dựng nhóm làm việc là một trong những đòi hỏi của thời đại, dù đó là cấp cơ sở, công ty hoặc quốc gia. Một nhóm mạnh, thường được coi là có sự chia sẻ về viễn cảnh, mục tiêu, giá trị và thậm chí cả phương pháp làm việc. Chính vì vậy, mọi người hay cổ xúy cho “tinh thần nhóm” hoặc “văn hóa tổ chức” nhằm đảm bảo hiệu quả công việc và sự nhịp nhàng giữa các bộ phận. Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng vì quá trình này có thể dẫn đến sự “thanh lọc” các khác biệt, tạo ra một khuôn mẫu và biến các thành viên suy nghĩ và hành động giống nhau.
Vì tồn tại trong một môi trường “yên ấm” và “hòa thuận” nên nhóm hay có những ảo tưởng về mình. Thứ nhất, nhóm nghĩ mình là một khối thống nhất, mạnh mẽ và không dễ bị tổn thương. Nếu có thất bại, nhóm sẽ dễ dàng cùng nhau tìm ra những lý giải “hợp lý” cho các quyết định sai lầm của mình. Trên tất cả, nhóm tin vào giá trị đạo đức cũng như “lẽ phải” của mình. Có điều gì đó xảy ra, chẳng qua là đối tác không hiểu hoặc không biết được giá trị của nhóm mình. Như vậy, nhóm rất khó học từ sai lầm để thay đổi tránh lặp lại thất bại.
Thứ hai, đó là ảo tưởng về sự thống nhất của nhóm. Do coi trọng sự đồng nhất nên các thành viên dù có suy nghĩ khác biệt sẽ né tránh đưa ra ý kiến thật của mình. Trong nhiều trường hợp, nhóm còn có những thực hành tạo ra sức ép để mọi người phải tuân thủ ý kiến của nhóm. Về lâu dài, nhóm vô hình chung tạo ra sự “tự kiểm duyệt” vì cho rằng, nói khác đi hoặc nói trái chiều gây hại cho sự đoàn kết và thống nhất của nhóm. Nói cách khác, nhóm coi trọng hòa khí hơn là các giải pháp mới và hiệu quả.
Như vậy, tư duy nhóm sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của nhóm. Thứ nhất, nhóm sẽ luôn luôn chỉ xem xét một số ít lựa chọn cho mình, và thường hướng tới những lựa chọn an toàn và làm cho mọi người vui vẻ thoải mái. Thứ hai, nhóm không có tính phản biện khi một ý kiến hoặc giải pháp nào được đưa ra. Thứ ba, nhóm giới hạn ý tưởng trong nội bộ, ít khi tìm kiếm điều mới bên ngoài. Đặc biệt nghiêm trọng, nếu có tiếp thu thông tin thì nhóm cũng sẽ thu thập một cách có chọn lọc, nghĩa là chỉ tìm kiếm và lắng nghe các ý kiến giống và trùng lặp với ý kiến có sẵn của mình.
Quá trình đồng nhất hóa này làm cho nhóm mất đi các yếu tố đa dạng rất cần thiết cho sự sáng tạo và đột phá. Nếu tồn tại lâu, nhóm trở nên khó chấp nhận những khác biệt, và dễ dàng hài lòng với những cái mình có, những hoạt động thường ngày an toàn. Khi đó, nhóm sẽ không phát triển được mà ngày càng cố kết vì mọi người đều cảm thấy thoải mái trong cái “hộp” của mình. Khi điều kiện ngoại cảnh thay đổi, nhóm sẽ gặp khó khăn trong việc thích ứng, dẫn đến khủng hoảng, thất bại và đổ vỡ.
Rõ ràng, tuy duy nhóm là một rủi ro rất lớn mà bất cứ nhóm làm việc nào ở cấp độ nào cũng phải biết để tránh. Thứ nhất, trong quá trình tuyển dụng nhóm nên để ý đến sự cân bằng của các thành viên trong nhóm về tuổi tác, giới tính, kinh nghiệm chuyên môn cũng như cách tiếp cận vấn đề. Thứ hai, trong quá trình làm việc nhóm nên có những người phản biện trái chiều cho tất cả các ý tưởng và giải pháp của nhóm. Điều này, giúp nhóm mài sắc hơn các lý luận cũng như lường được các rủi ro đảm bảo thành công cho hoạt động của mình. Hơn nữa, nó cũng tạo ra môi trường cởi mở để mọi người sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ và giải pháp của mình. Thứ ba, nhóm cần có những phản hồi từ bên ngoài cho những kết quả công việc của mình. Quá trình này nên làm thường xuyên, cởi mở và cầu thị. Thứ tư, có thể chia nhóm thành các nhóm nhỏ hơn để có thể so sánh các quyết định xem có khác nhau hay không rồi từ đó trao đổi và phản biện lẫn nhau. Và cuối cùng, nhóm có thể áp dụng phương pháp phản hồi ẩn danh để mọi người phát huy tinh thần độc lập của mình.
Tinh thần nhóm là tốt, sự thống nhất và đoàn kết trong nhóm là cần thiết. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn các đặc tính này với việc loại bỏ sự khác biệt để trảnh rủi ro hình thành “tư duy nhóm”. Khi không có sự đa dạng và các ý kiến khác biệt không được tôn trọng, nhóm sẽ trở nên vón cục, mất tính đề kháng với những thay đổi không ngừng của môi trường kinh doanh. Khi đó, thất bại là kết quả đương nhiên dành cho nhóm.