Phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn
Nhất Linh - Tờ báo Ngày Nay - Nhà Ánh Sáng

“Vì nghĩa” là cội nguồn của tinh thần công dân thời smartphone?

in Cộng Đồng

Nhìn vào lịch sử chúng ta thấy tinh thần dấn thân, phục vụ xã hội đã dần phổ biến ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Những phong trào xã hội kiểu mới thực ra đã có nguồn gốc từ tinh thần “vì nghĩa” hiện diện từ khá lâu trong lịch sử. Hiện nay, một phong trào “cause lawyering” mà có người tạm dịch là “luật sư vì nghĩa” – luật sư hoạt động vì lợi ích chung bằng nhiều phương thức cả trong và ngoài tòa án khẳng định sự tiếp nối của tinh thần vì nghĩa. Dường như tinh thần “vì nghĩa” không phải đã lạc hâu, ngược lại nó vẫn được nhiều người trên thế giới quan tâm, tức là ít nhiều nó vẫn mang giá trị phổ quát trong thời smartphone hiện nay.

Bên cạnh lòng nhân ái, tinh thần “vì nghĩa” đã được một số nhà nghiên cứu, bao gồm Giáo sư Trần Văn Giàu (“Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”, 1980),  nhắc đến như một giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Giáo sư Đinh Gia Khánh thì cho rằng “vì nghĩa” thực chất là “để cái chung lên cái riêng, dám hy sinh cái riêng, nếu cần, để vì cái chung”. Hình ảnh Nguyễn Trãi vái biệt cha ở Ải Nam Quan, quay về tìm kế phục quốc (năm 1407) là một điển hình, có thể chỉ là một giai thoại, về sự hi sinh lợi ích cá nhân vì “đại nghĩa”. Hay dân gian hơn là hình ảnh Lục Vân Tiên bẻ cây làm gậy, đánh cướp cứu người được đề cao như tinh thần nghĩa hiệp, đùm bọc những người gặp khó khăn, hoạn nạn.

Tinh thần vì nghĩa có thể tìm thấy một nguồn gốc trong Nho giáo. Nho giáo đề cao Ngũ thường, năm phẩm chất đạo đức thông thường của con người cần phải gìn giữ  đó là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín.  Nếu như Nhân, đức tính quan trọng nhất, là yêu người, không làm hại người khác, thì Nghĩa là cư xử cho hợp lẽ phải, đường hoàng, hào hiệp, chính đáng. Người có đạo đức chỉ làm những việc hợp nghĩa. Khổng Tử nói “Người quân tử đối với mọi việc trên thế gian, không nhất định phải làm việc này hoặc không làm việc kia, mà xem việc đó có hợp nghĩa hay không, nếu hợp nghĩa thì làm”. Tinh thần trọng nghĩa khinh tài của Nho giáo được thể hiện trong câu nói của Khổng Tử “Người quân tử chỉ biết điều nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết điều lợi” hay “… Nhìn thấy việc chính nghĩa không dám làm, là không có dũng khí”. Sau này, Mạnh Tử cũng nói: “Sự sống là điều ta muốn, việc nghĩa cũng là điều ta muốn, nếu hai điều ấy không thể chung được trong ta thì ta sẵn sàng bỏ sự sống mà làm việc nghĩa”. Cạnh đó, một tinh thần khá đặc sắc của Nho giáo là “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” đã được đề cao trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội, quốc gia đòi hỏi sự đóng góp bất kể quy mô lớn nhỏ trong khả năng của mỗi người.

Từ giữa thế kỷ XIX, cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp, một số tiếng nói kêu gọi cải cách đã không được triều đình nhà Nguyễn lắng nghe. Dưới ảnh hưởng của tân thư (bằng tiếng Hán) từ Trung Quốc, một số người trong tầng lớp Nho gia cuối cùng của Việt Nam đã thức tỉnh và thúc đẩy cải cách xã hội. Trong số đó tiên phong là các nhân vật như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã hăng hái, bền bỉ đi đến nhiều địa phương khắp ba miền kêu gọi cải cách (Duy Tân). Những hoạt động của Đông Kinh Nghĩa thục (hoạt động từ tháng 3 đến tháng 11/1907) là một điển hình của tinh thần vì nghĩa. Trong các tài liệu học tập của nhà trường, khái niệm “quốc dân” và tinh thần quốc dân, ý thức trách nhiệm đối với quốc gia đã được cập nhật, đề cao với một tinh thần tự chủ mới.

Không chỉ dừng lại ở công tác giáo dục, từ thập niên 1930 đã xuất hiện những phong trào can dự vào xã hội của tầng lớp trí thức mới. Một trong những phong trào xã hội sớm là Phong trào Nhà Ánh sáng của Tự Lực Văn Đoàn, do các nhà văn trong nhóm này khởi xướng và được nhiều thanh niên, trí thức ủng hộ. Năm 1936, Nhất Linh và các thành viên Văn Đoàn lập ra Hội Ánh Sáng để hoạt động xã hội. Chương trình thành lập hội được công bố trên báo “Ngày nay” số 38, ngày Chủ nhật 13/12/1936. Tờ báo kêu gọi lập một Hội Bài trừ những Nhà Hang Tối, còn gọi là Hội Ánh Sáng với ba châm ngôn là “Xã hội – Nhân đạo – Cải cách”. Trong số báo 39 tiếp theo có đăng bài “Nhà rẻ tiền để dân nghèo và thợ thuyền ở” của Hội Bài trừ những Nhà Hang Tối. Do tầm ảnh hưởng của báo “Ngày nay” nên phong trào đã lan tỏa, tác động đến rất nhiều người, nhất là giới trung lưu, trí thức, thanh niên ở đô thị trong thời gian từ năm 1937 cho tới năm 1945. Hội Ánh Sáng đã xây dựng được một số khu nhà ở ngoài bãi Phúc Xá, Hà Nội. Dự định xây thêm nhà ở khu vực Bạch Mai chưa trở thành hiện thực. Cạnh đó, Hội còn có các hoạt động từ thiện như mua gạo phát cho dân vùng bị lụt lội.

Trong giai đoạn gần đây, ví dụ như thời kỳ chiến tranh tinh thần hi sinh cá nhân vì tập thể được đề cao, đôi khi có tính thái quá và tuyệt đối, “chủ nghĩa cá nhân” bị phê phán nặng nề, trong khi tinh thần vì cộng đồng phải chịu sự định hướng chính trị mạnh mẽ làm cho tinh thần vì nghĩa có yếu đi. Trong thời kỳ kinh tế định hướng thị trường tuy mức sống được cải thiện nhưng tinh thần “một người vì tất cả, tất cả vì một người” kiểu phương Tây hay “vì nghĩa” kiểu phương Đông có vẻ trở thành bất thường! Hậu quả  này có thể do do những bất cập của giáo dục (gia đình và nhà trường), cộng với thiếu sự bảo vệ của các thể chế pháp lý đối với đạo đức đã làm cho lối sống vì cộng đồng ngày càng hiếm hoi.

Nhìn về tương lai, việc thúc đẩy, hồi sinh “tinh thần vì nghĩa” là cần thiết với sự tham gia của các thành phần xã hội. Nếu không có tinh thần đó thì cũng khó có được một xã hội dân sự lành mạnh tại Việt Nam. Tác giả bài viết này cho rằng Việt Nam cần phải có những giải pháp sau:

Thứ nhất, các thể chế pháp luật và chính trị phải thúc đẩy các giá trị đạo đức, tinh thần phục vụ, môi trường tự do (ngôn luận, hội họp, lập hội, đi lại…), và nền tảng pháp quyền. Nếu pháp luật lại cấm cản những hành động thiện nguyện, thiện chí, vì cộng đồng thì sẽ rất khó để duy trì tinh thần vì nghĩa.

Thứ hai, các tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng, củng cố tinh thần vì nghĩa lẫn tình liên đới giữa các cá nhân. Vì vậy, cả thế chế pháp luật lẫn thể chế tôn giáo cần bảo vệ tự do tôn giáo, tôn vinh tinh thần dấn thân, phục vụ cộng đồng.

Thứ ba, giáo dục công dân trong và ngoài nhà trường cần nhận được quan tâm thực sự, cũng như phải có những cải cách về nội dung (như giản dị, cụ thể hóa, có trọng tâm thích đáng vào giá trị đạo đức và tinh thần vì nghĩa) và hình thức truyền đạt thực tế, sinh động. Nhưng quan trọng hơn, cũng là khó khăn hơn, là việc các nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục và cả thế hệ đi trước cần trở thành những tấm gương về tinh thần công dân, hành động vì nghĩa thì mới có thể tạo ra được sự tin tưởng ở thế hệ trẻ. Khi đó, thanh niên có thể đóng một vai trò quyết định thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội tại Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*