Xã hội dân sự giúp lựa chọn lãnh đạo đúng

in Cộng Đồng

Để nhân dân sống và làm việc theo pháp luật thì pháp luật phải phục vụ nhân dân và phản ánh cuộc sống. Nếu pháp luật chỉ phản ánh ý chí của một nhóm người cầm quyền thì chắc chắn pháp luật sẽ “không đi vào cuộc sống”, ngược lại nó còn tù túng xã hội và gặp phải sự chống đối của người dân. Một ví dụ trước đây là việc “tập thể hóa” tư liệu sản xuất dẫn đến “làm chơi ăn thật” trên mảnh ruộng chung của Hợp tác xã, hậu quả là sản lượng sụt giảm và đói kém tràn lan. Sự chống đối “trường kỳ” của người dân đã làm sụp đổ mô hình kinh tế quan liêu bao cấp, mở ra nền kinh tế thị trường đa thành phần phù hợp hơn.


Ảnh: chương trình nghệ thuật chào mừng ngày bầu cử quốc hội khóa VIII. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

Để pháp luật phục vụ người dân thì người dân phải tham gia và quyết định “luật lệ” của mình trực tiếp hay gián tiếp qua người đại diện. Một nguyên tắc quan trọng đó là trao quyền quyết định cho người liên quan trực tiếp và hiểu vấn đề nhất. Ví dụ vấn đề của tổ dân phố phải do người ở tổ dân phố đó quyết định. Nếu không bệnh “quan liêu” sẽ phát sinh vì quyết định do một ai đó xa xôi hay “ngồi trên trời” ban hành. Ngồi “trên trời” và không bị ảnh hưởng bởi quyết định của mình nên dẫn đến vô trách nhiệm và người lĩnh đủ là cộng đồng nhân dân.

Ngoài việc trao quyền quyết định cho người hiểu vấn đề nhất và gần gũi với cộng đồng bị ảnh hưởng nhất thì cần thêm hai yếu tố nữa để chính sách hợp lòng dân. Một là cộng đồng cần chọn được người lãnh đạo tài giỏi có tâm và có tầm, đặc biệt là có trách nhiệm với lợi ích của mình. Hai là người lãnh đạo phải bị giám sát bởi nhân dân thông qua các cơ quan đại diện của mình và qua các kênh thông tin đại chúng.

Để chọn được người tài thì phải có bầu cử cạnh tranh – nghĩa là có nhiều người khác nhau ứng cử vào một vị trí. Nhân dân chỉ có thể đánh giá tâm, tầm của ứng viên khi ứng viên được tự do thể hiện, tranh luận và bày tỏ quan điểm của mình. Tâm tầm của một ứng viên không chỉ đơn giản là những gì người đó nói ra khi tranh cử, mà quan trọng hơn đó là lịch sử hoạt động của người đó từ trước đến nay có trong sạch hay không. Họ có lợi ích cá nhân gì mâu thuẫn với lợi ích của cộng đồng mà họ đang muốn đại diện hay không. Ví như, nếu một đại biểu quốc hội là doanh nhân thì liệu quyết định của họ có khách quan hay họ sẽ đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích của cộng đồng. Chính vì vậy, ở nhiều nước nếu doanh nhân tham gia làm chính trị họ phải từ bỏ lợi ích của mình trong doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến lĩnh vực họ chịu trách nhiệm.

Điều này chỉ có được khi xã hội có các nguồn thông tin đa chiều, độc lập và khách quan về các ứng viên. Môi trường này chỉ có được nếu có tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí. Tự do ngôn luận để các ứng viên có thể tranh luận về quan điểm, triết lý và chiến lược lãnh đạo của mình; để người dân có thể thách thức và kiểm chứng tính liêm chính và tài năng của ứng viên.

Tự do lập hội để các nhóm dân cư có chung lợi ích bầu được ra người đại diện thiết thân của mình. Hội là nơi giám sát lãnh đạo chính trị tốt nhất và bảo vệ quyền lợi của hội viên tốt nhất. Hơn nữa, tự do lập hội cũng tạo ra môi trường cạnh tranh, nuôi dưỡng nhân tài để cung cấp nguồn lãnh đạo cho cộng đồng và đất nước..

Tự do báo chí để thông tin được phổ biến đến mọi người, các ý kiến đa dạng và trái chiều được thảo luận công khai trên diện rộng đảm bảo mọi người được thông tin để ra quyết định tốt nhất khi lựa chọn lãnh đạo cho mình. Hơn nữa, tự do báo chí cũng giúp tạo “dư luận xã hội” để giám sát những người đại biểu nhân dân và giúp lãnh đạo hiểu được thái độ và mong đợi của nhân dân.

Như vậy, tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí là điều kiện cần thiết để cho xã hội dân sự phát triển. Xã hội dân sự phát triển sẽ tạo ra “dung môi” để cho các hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế suôn sẻ và hiệu quả hơn. Do đó, để nhân dân có thể chọn được người lãnh đạo tốt cho mình, ngoài việc quy định các nguyên tắc bầu cử tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiểu kín và xây dựng Hội đồng bầu cử như một quan hiến định, hoạt động độc lập thì Hiến pháp cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do báo chí. Đây chính là điều kiện để thiết lập một môi trường minh bạch và đa chiều, tự do và cạnh tranh để nhân dân lựa chọn và giám sát người đại diện tốt nhất của mình. 

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*