Bóc mẽ quyền lực

in Chính Sách/Cộng Đồng

Quyền lực, về bản chất là khả năng hành động của A gây ảnh hưởng lên B. Nói cách khác, A chỉ có quyền lực khi B tin rằng A có quyền lực, và B phục tùng quyền lực của A. Ví dụ, công an có quyền điều hành giao thông, quyền này được ghi trong luật giao thông. Ai tham gia giao thông cũng biết điều đó, và họ tuân thủ quyền lực của công an giao thông bằng cách di chuyển theo hiệu lệnh. Nếu người dân vì một lý do nào đó không tuân theo điều mặc định đó, quyền lực của công an giao thông chỉ còn trên giấy tờ.

Ảnh: thí nghiệm của TS. Milgram gây chấn động thế giới (nguồn: internet)

Như vậy, con người nhận biết “quyền lực” thông qua những biểu trưng quyền lực. Ví dụ, biểu trưng quyền lực của công an là bộ đồng phục màu xanh (cho công an khu vực) và màu vàng (cho công an giao thông). Chỉ cần nhìn thấy một “bóng áo vàng”, người tham gia giao thông nghĩ ngay đến quyền lực “vung dùi cui chỉ đường” hoặc “phạt vi phạm giao thông” của người mặc đồng phục.

Các nhà khoa học làm một thí nghiệm bằng cách cho một thanh niên trông giống sinh viên, ăn mặc “bụi phủi” và một người đàn ông trung niên, ăn mặc giống một doanh nhân thành đạt đi bộ băng qua đường trong khi đèn vẫn đỏ. Họ muốn biết có bao nhiêu người đang đứng đợi sẽ phạm luật bằng cách đi theo cậu sinh viên hoặc ông doanh nhân. Thật thú vị, số người đi theo người đàn ông trông giống doanh nhân cao gấp 3,5 lần số người đi theo cậu sinh viên. Điều này chứng tỏ, con người dễ dàng bị ảnh hưởng và làm theo những người được coi là “khả kính”, cho dù điều đó phạm luật.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà khoa học để một chiếc xe hiệu Lexus sang trọng và một chiếc xe cà tàng hiệu Volga đứng đợi đèn giao thông trước ngã tư. Khi đèn chuyển từ đỏ qua xanh, chiếc xe thí nghiệm vẫn đứng yên không chạy. Điều thú vị là trong trường hợp chiếc Volga cà tàng, 100% xe đứng sau ngay lập tức bấm còi inh ỏi, thậm chí có hai trường hợp không chịu được húc thẳng vào đuôi chiếc Volga. Trong trường hợp xe Lexus, 50% kiên nhẫn đợi một cách kính trọng, không hề bấm còi cho đến khi chiếc Lexus từ từ lăn bánh. Rõ ràng, sự sang trọng của chiếc Lexus có ảnh hưởng đến thái độ của con người.

Nhưng có lẽ, một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất thế giới về tâm lý học là của Tiến sĩ Milgram. Ông mời hai người tình nguyện làm thí nghiệm về “khả năng học và tác dụng của hình phạt”. Mỗi lần trả lời sai, người học sẽ bị phạt bằng cách dí điện và lần sau tăng 15 volt so với lần trước. Trong thí nghiệm, khi cường độ dòng điện là 15-50 volt, người học sẽ thấy khó chịu, 75-105 volt thì càu nhàu thành tiếng, 120-150 volt thì kêu rên là đau, 165-180 volt thì la hét và đòi dừng thí nghiệm, 195-300 volt thì ù đầu và tuyên bố không trả lời bất cứ câu hỏi nào nữa, 315-400 volt, gần như tê liệt và xin được giải thoát, 415-450 volt, nằm im bất tỉnh.

Có bao nhiêu người tình nguyện tham gia thí nghiệm dí điện người học 30 lần đến mức đỉnh điểm là 450 volt không hề dừng lại? Khi được hỏi, sinh viên khoa tâm lý học của Đại học Yale cho rằng sẽ có 1-2% người chơi dí đến mức 450 volt, còn 39 nhà tâm thần học được hỏi thì nói có khoảng 1 trong 1000 người dí đến 450 volt. Nhưng kết quả thực tế cho thấy, không ai dừng lại khi người học van xin hoặc la hét đau đớn, và có tới 66% (hai phần ba) người dậy dí điện đến mức cuối cùng 450 volt, khi người học bất tỉnh!

Tại sao con người lại nhẫn tâm với đồng loại của mình đến vậy, và tại sao họ lại tuân thủ một cách mê muội theo chỉ dẫn của Tiến sĩ Milgram? Đây chính là biểu hiện của việc phục tùng quyền lực, khi người dậy (là một tình nguyện viên) tin vào sự đúng đắn của vị tiến sĩ khoa học, và làm theo những gì ông ta nói. Tất nhiên, trong thí nghiệm này người học (người bị dí điện) là nhân viên phòng thí nghiệm, và tất cả các biểu hiện như kêu xin, và bất tỉnh chỉ là diễn kịch, nhưng người dậy không biết.

Qua các thí nghiệm này, chúng ta hiểu quyền lực hay biểu trưng của quyền lực có sức mạnh ghê gớm thế nào. Nó cảnh báo, những ai mang trên mình biểu trưng quyền lực phải thận trọng, nếu không sẽ gây hại một cách vô thức cho người khác. Ví dụ, công an dọa trẻ em nếu không khai trộm tiền sẽ bị bỏ tù, dẫn đến việc các em tự tử; hoặc giáo viên dọa học sinh, dẫn đến việc các em bỏ học.

Bên cạnh đó, nó cũng cảnh bảo người dân cần phải biết rõ quyền con người của mình để không hoảng sợ khi đối mặt với những biểu trưng của quyền lực, và bị họ lạm dụng. Đây cũng chính là lý do cần có những cơ quan giám sát quyền lực độc lập để kiểm soát việc lợi dụng quyền lực trục lợi, hoặc gây hại cho người khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*