Để viện trợ nhân đạo kết nối những trái tim

in Cộng Đồng

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) đã hoạt động ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hơn hai mươi năm qua và đóng góp rất lớn cho việc phát triển kinh tế, xã hội, và xóa đói giảm nghèo. Có INGOs đã hoạt động ở Việt Nam từ 1948 trong thời chiến tranh như Secours Populaire Francais. Khi chiến tranh kết thúc cùng sự cấm vận của Hoa Kỳ vào năm 1979, hầu như không còn INGOs nào hoạt động ở Việt Nam. Nhờ chính sách đổi mới 1986, hiện có khoảng 900 tổ chức INGOs và Văn phòng dự án hoạt động. Thành tựu giảm nghèo ngoạn mục của Việt Nam từ 58% năm 1997 xuống còn khoảng 12% năm 2012 chắc chắn có phần đóng góp đáng kể của INGOs.


Ảnh: ngày hội xanh do Oxfam tài trợ, C&C và Live & Learn thực hiện ở Đồng Tháp (nguồn: internet)

Những ngày đầu tiên vào Việt Nam, mục đích hoạt động của INGOs chỉ tập trung vào xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng vừa và nhỏ. Đây là nhu cầu cấp thiết của Việt Nam thời kỳ nghèo khó. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức INGOs không dễ dàng gì vì quản lý an ninh chặt chẽ. Việc triển khai các hoạt động dự án luôn được giám sát bởi chính quyền địa phương và lực lượng an ninh. Bất cứ chuyến đi công tác nào ra khỏi Hà Nội, người nước ngoài cũng phải xin phép. Khi ở thực địa, người nước ngoài đi đến đâu thì lực lượng an ninh đi đến đó. Nhiều khi, do không có điều kiện cơ sở hạ tầng, người nước ngoài còn e dè không dám đi vệ sinh vì phải đi “lộ thiên” mà luôn có cảm giác có người dõi theo.

Các ngờ vực luôn luôn hiện hữu vì vào thời đó, nhiều người Việt Nam không hiểu sứ mệnh của các tổ chức phi chính phủ quốc tế là gì. Với họ tư bản là tư bản, và tư bản luôn có âm mưu lật đổ và chống phá chính quyền. Khi thân thiết hoặc sau một vài chén ngà ngà, cán bộ địa phương thường vặn vẹo “làm gì có chuyện cho không? Chắc chắn họ phải có âm mưu nào đó chứ.” Có lẽ, cái nghèo đói thời bao cấp, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, và nhiều năm đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, nên người dân không thể tin rằng có những người sẵn sàng chia sẻ “đồng tiền, bát gạo” với những trẻ em nghèo, nông dân đói kém ở nơi xa xôi mà họ thậm chí còn chưa hề biết mặt.

Sau hơn hai thập kỷ phát triển ngoạn mục, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ có nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ người nghèo. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều nhà tài trợ như Vụ phát triển quốc tế Anh (DFID), Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sĩ (SDC), Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) bắt đầu rút tài trợ. Tuy nhiên, các tổ chức INGOs vẫn tin rằng ở Việt Nam vẫn còn hàng triệu người nghèo cần tiếp tục được giúp đỡ. Bên cạnh đó, những nhu cầu mới phát sinh do mức độ phát triển mới của Việt Nam, nhiều tổ chức mở rộng hoạt động qua các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, nhân quyền, quản trị nhà nước và phát triển xã hội dân sự.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ tài chính của các tổ chức INGOs vẫn cần thiết, nhưng không phải là cấp thiết như hồi Việt Nam đang chìm trong thiếu đói. Nhiều địa phương vẫn muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của các INGO nhưng cũng có nhiều địa phương không còn muốn nhận nguồn tiền này nữa, đặc biệt những dự án về những chủ đề “nhạy cảm” như dân chủ cơ cở, sự tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình của nhà nước, hay bảo vệ quyền con người.

Cho dù có e ngại nhưng chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của viện trợ không hoàn lại của các tổ chức INGOs. Chính phủ ban hành nghị định 93/2009/NĐ-CP về quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là nghị định 93) và Bộ Kế hoạch và Đâu tư có Thông tư 07/2010/TT-BKH hướng dẫn thi hành (gọi tắt là thông tư 07). Tuy nhiên, có nhiều phản hồi là các chính sách mới đã gây khó khăn cho việc hoạt động của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Theo một số nghiên cứu thì ít cơ quan chính quyền địa phương biết và hiểu về nghị định 93 vì họ không được tập huấn về nội dung của nghị định. Các tỉnh thường tổ chức hội nghị huy động viện trợ, nhưng không có nhiều hoạt động liên quan đến quản lý và tăng cường hiệu quả của viện trợ. Bên cạnh đó, việc phê duyệt, tiếp nhận và quản lý viện trợ của các tổ chức INGOs không thống nhất, và được thực hiện khác nhau ở những địa phương khác nhau. Ngoài ra, có sự vênh giữa Nghị định 93 (nhấn mạnh đến vai trò của sở Kế hoạch và Đầu tư trong thẩm định và phê duyệt dự án) với Nghị định 12/2012/NĐ-CP (nhấn mạnh vai trò của Sở ngoại vụ trong quản lý hoạt động của INGOs ở địa phương). Như vậy, bên Kế hoạch đầu tư phải thẩm định và phê duyệt dự án, còn bên Ngoại vụ lại quản lý hoạt động. Do thông tin giữa các bên liên quan không chia sẻ nên gây khó khăn cho việc quản lý, từ đó gây ra những khó khăn cho hoạt động của INGOs.  

Hơn nữa, theo Nghị định 93, tất cả các dự án viện trợ, bất kể nguồn và kích cỡ tài trợ, của các tổ chức INGOs phải được phê duyệt trước khi triển khai. Nếu so sánh với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì các dự án INGOs chịu sự quản lý nặng nề hơn. Ví dụ nếu dự án FDI ở khu công nghiệp có vốn dưới 300 tỉ thì chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký, không cần thẩm tra nếu không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện. Như vậy, viện trợ nhân đạo đang chịu quy trình phê duyệt khó khăn hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dường như, vấn đề an ninh luôn luôn là mối quan ngại lớn nhất trong việc thẩm định, quản lý và triển khai các dự án của INGOs. Chính vì vậy, quá trình phê duyệt dự án thường kéo dài từ 2 đến 6 tháng trong khi đó, nghị định 93 quy định thời gian phê duyệt chỉ là 20 ngày.

Bên cạnh đó, viện trợ nhân đạo đang được xem là “vốn ngân sách nhà nước” nhiều hơn là “hỗ trợ chia sẻ giữa con người với con người.” Đây cũng là lý do bên Kế hoạch đầu tư, dù quan tâm hơn đến các dự án đầu tư tư nhân và nước ngoài lớn, nhưng lại được giao thẩm định và phê duyệt cả các dự án xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội và con người. Họ cũng không phải là người tham gia vận động viện trợ nên họ không thấu hiểu được sự khó khăn của việc kêu gọi các tổ chức viện trợ vào Việt Nam. Chính vì vậy, việc phê duyệt thường chậm, thủ tục rườm rà và gây khó dễ cho các tổ chức.

Nhưng trên hết, có lẽ việc quản lý chặt và rườm rà viện trợ nhân đạo của các tổ chức INGOs là do vẫn còn quan ngại của nhà nước với hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam. Việc quản lý được xây dựng trên những e ngại về an ninh, “diễn biến hòa bình” hơn là trên triết lý nhân văn của viện trợ nhân đạo. Điều này ảnh hưởng đến việc kêu gọi và hấp dẫn viện trợ cho Việt Nam. Khi Việt Nam trở thành một nước trung bình và các tổ chức sẽ phải cạnh tranh giữa các nước trong khu vực và thậm chí toàn cầu, việc yêu cầu phê duyệt rườm rà sẽ gây thêm khó khăn cho việc hấp dẫn viện trợ cho Việt Nam. Trên thực tế, đã có tổ chức quốc tế vì vướng về mặt phê duyệt nên đã chuyển tài trợ qua Cambodia, Myanmar hoặc Bangladesh. Điều này chính quyền không thiệt thòi gì, nhưng những người nghèo sẽ không nhận được viện trợ nữa.

Để khắc phục việc này, cần gộp hoạt động kêu gọi, phê duyệt và quản lý viện trợ về một mối, có thể là Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) và các cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh. Giải pháp này là phù hợp vì PACCOM, người đi kêu gọi sẽ là người trân trọng các nguồn viện trợ, nên sẽ hiểu và tạo điều kiện cho các tổ chức INGOs hoạt động tốt hơn. Nó sẽ phù hợp với ý nghĩa của tiền viện trợ nhân đạo, đó là sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau giữa nhân dân các nước và nhân dân Việt Nam. Những dự án viện trợ không thuộc các nội dung cần phê duyệt như an ninh quốc phòng (cụ thể như dự án ở các xã vùng biên hoặc vùng quân sự) nên chỉ phải đăng ký với cơ quan nhà nước, và hoạt động theo đúng quy định của Bộ tài chính và kiểm toán độc lập. Đây chính là cách làm hiệu quả, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc hội nhập cũng như trân trọng các hỗ trợ nhân đạo của nhân dân các nước cho Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*