Ổn định và phát triển

in Chính Sách/Cộng Đồng

Trải qua hàng nghìn năm chiến tranh chống lại sự xâm lược và đồng hóa của Trung Quốc, gần trăm năm chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp và mấy chục năm chiến tranh chống Mỹ, nhân dân Việt Nam chỉ ước mơ có hòa bình và ổn định để phát triển. Điều này đã trở thành tâm lý phổ biến và thể hiện qua mục đích sống của nhiều người. Không quốc gia  nào phát triển được nếu không có sự ổn định chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, hiểu đúng và áp dụng đúng nguyên tắc ổn định cho phát triển như thế nào lại là một điều cần phải bàn.

Ảnh: người dân “áo đỏ” xuống đường biểu tình ở Thái Lan (Nguồn: internet)

Ở cấp độ cá nhân và gia đình, trước đây nhiều người mong muốn có một nghề nghiệp ổn định, thường được coi như công việc trong một cơ quan nhà nước. Ổn định nghĩa là làm việc để hàng tháng lĩnh lương, cho dù công việc ít hay nhiều, làm việc chăm chỉ hay không. Họ coi việc làm cho các dự án hoặc công ty nước ngoài là không ổn định vì tuy lương cao nhưng rủi ro hết dự án, mất việc rất lớn. Chuyển từ công ty này sang công ty khác là một điều rất không ổn định với họ vì phải bắt đầu lại từ đầu. Họ thà “ổn định lương thấp” hơn “bất ổn định lương cao”. Khi là “người nhà nước” thì dù điều gì xảy ra ta vẫn được trả lương.

Suy nghĩ này chỉ đúng một vế vì trên thực tế những người chấp nhận đi vào thị trường lao động “rủi ro cao” đã học được rất nhiều kỹ năng và kiến thức mới từ một môi trường mở hơn, cạnh tranh hơn và có hệ thống thưởng phạt minh bạch dựa theo năng lực và sự làm việc chăm chỉ của mình. Việc chuyển từ công ty này sang công ty khác là điều bình thường vì họ đã có kỹ năng và kiến thức tốt, đặc biệt khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới. Thậm chí, nhiều người giỏi thường xuyên được săn đón bởi các công ty và tập đoàn với mức lương liên tục tăng. Đối với những người này, ổn định có nghĩa là sở hữu kiến thức, kỹ năng và tinh thần làm việc mà thị trường lao động cạnh tranh có nhu cầu.

Ở cấp quốc gia, mọi người cũng mong muốn có một nhà nước và xã hội ổn định để tránh những cảnh “nồi da xáo thịt”. Những cuộc biểu tình liên tục ở Thái Lan được xem như là bất ổn khi hàng tuần hết phe áo đỏ (Mặt trận dân chủ chống độc tài) đến phe áo vàng (Liên minh dân tộc vì dân chủ) xuống đường thể hiện quan điểm chính trị của mình. Những cuộc biểu tình của người Bỉ trong năm 2011 sau tám tháng liên tục đất nước sống trong tình trạng “vô chính phủ” vì Đảng cánh hữu (của người nói tiếng Hà Lan) và Đảng cánh tả (của người nói tiếng Pháp) không đạt được kết quả đàm phán để thành lập chính phủ liên hiệp. Hay cảnh người dân Quebec ở Canada đi bỏ phiếu để quyết định họ có tách ra và trở thành một quốc gia độc lập hay không vào năm 1995. Gần đây nhất, cảnh người dân Indonesia xuống đường biểu tình chống việc chính phủ tăng giá xăng trên đường phố Jakarta làm chúng ta đặt câu hỏi: có phải các nước này kém ổn định hơn Việt Nam?

Nếu người dân nào có cơ hội thăm Bangkok thủ đô của Thái Lan sẽ thấy đây là thành phố của những nụ cười, thân thiện có dịch vụ du lịch rẻ và tốt. Sự yên bình của Bangkok khác hẳn những cảnh lộn xộn trong các cuộc biểu tình trên các phương tiện truyền thông. Người Indonesia sau những năm sống dưới chế độc độc tài Suharto giờ đã có thể xuống đường biểu tình bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị đàn áp. Indonesia được mệnh danh là mô hình dân chủ cho các nước Hồi giáo trên thế giới. Còn Bỉ và Canada nổi tiếng là các nước thanh bình có điều kiện sống vào dạng tốt nhất thế giới.

Tại sao biểu tình liên tiếp ở Thái Lan và Indonesia không gây rối loạn xã hội, mà hai quốc gia này vẫn hấp dẫn đầu tư nước ngoài và có tăng trưởng kinh tế cao nhất khối ASEAN trong những năm qua? Tại sao Bỉ vẫn vận hành cho dù 8 tháng liên tiếp không có chính phủ? Tại sao người Quebec nói riêng và người Canada nói chung lại sử dụng trưng cầu dân ý để quyết định có để Quebec tách ra thành quốc gia độc lập hay không, trong khi chủ nghĩa ly khai là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh sắc tộc trên thế giới?

Ở các quốc gia này tuy thể chế chính trị khác nhau nhưng về cơ bản họ có nhà nước tam quyền phân lập, kinh tế thị trường tự do và một xã hội dân sự phát triển. Tam quyền phân lập nghĩa là chia quyền lực nhà nước cho ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, mục đích để tạo cơ chế kiểm soát quyền lực nội bộ, ngăn ngừa sự lạm quyền và tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Kinh tế thị trường là nền kinh tế mà mọi quyết định đầu tư, sản xuất và phân phối được xác định theo quy luật cung cầu. Mọi thành phần kinh tế được đối xử công bằng và nhà nước chỉ sử dụng một số công cụ vĩ mô như thuế để điều chỉnh khi cần thiết. Xã hội dân sự là các thể chế ngoài nhà nước và thị trường, được tổ chức bởi người dân để thực hiện các hoạt động phục vụ lợi ích của các thành viên, hoặc cho các lợi ích chung của cộng đồng. Xã hội dân sự tham gia vào quản lý nhà nước bằng cách tập hợp ý kiến của nhân dân và phản hồi chính sách của nhà nước. Xã hội dân sự cũng đóng góp vào việc đảm bảo các hoạt động kinh tế có trách nhiệm, không gây tổn hại đến lợi ích chung như môi trường và quyền con người.

Trong các xã hội dân chủ, nhà nước tôn trọng và bảo quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do biểu tình của người dân và các quyền này được ghi trong Hiến pháp và được luật hóa. Các đảng phái, hội đoàn, các tổ chức phi chính phủ hình thành các không gian để người dân thực hành quyền con người của mình, học về dân chủ, nhân quyền và ý thức tuân thủ pháp luật. Xã hội dân sự là dung môi cần thiết để giúp làm giảm căng thẳng xã hội cũng như sự bất bình trong dân chúng, tránh dẫn đến tình trạng cực đoan.

Một chính phủ mạnh là một chính phủ được xây dựng dựa trên bầu cử tự do, cạnh tranh, minh bạch. Quan trọng hơn, chính phủ phải có khả năng lắng nghe được ý kiến của người dân để điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp. Chính phủ chỉ có thể nghe được tiếng nói của người dân nếu như chính phủ đó có thể bị thay thế bởi người dân, thông qua bầu cử trực tiếp hoặc gián tiếp (quốc hội). Khi đó người dân mới bớt bất an vì họ biết nếu chính phủ hoạt động không tốt sẽ bị thay thế trong hòa bình, qua bầu cử.

Như vậy, nếu hiểu ổn định là không có ý kiến trái chiều, không có bất đồng ý kiến, hoặc không có biểu tình là sai lầm duy ý chí. Nếu để duy trì ổn định, hệ thống không cho phép nói khác ý của cấp trên, phản biện chính sách của chính phủ, hoặc ngăn cản các lực lượng xã hội tập hợp để thảo luận và bảy tỏ ý kiến của mình thì chúng ta không những bóp chết sự phát triển của xã hội, mà còn tích tụ và dồn nén những bất bình trong dân chúng. Khi sự bất công và sợ hãi bị dồn nén đến ngưỡng thì rất dễ bùng nổ vì một sự kiện dù nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến bất ổn chính trị, an ninh thực sự, phá hủy mọi cơ hội phát triển của đất nước và nhân dân.

Sự vận động là quy luật tất yếu của xã hội và trong quá trình này những biến đổi xảy ra không ngừng, và những xáo trộn là điều bình thường. Điều quan trọng, chúng ta phải thiết lập được các nguyên tắc bảo vệ tự do và thể chế dân chủ để những xáo trộn này được thực hiện trong hòa bình. Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự chính là những thiết chế cần thiết này, cần được ghi nhận rõ ràng và trực tiếp trong Hiến pháp và luật. Quan trọng hơn, các thiết chế phải được giáo dục trong trường học và thực hành trong cuộc sống của từng cá nhân, gia đình. Chỉ có khi đó, chúng ta mới đạt được cân bằng giữa ổn định và phát triển, giống như người lao động chọn đi vào kinh tế thị trường, chấp nhận cạnh tranh để đạt được trạng thái phát triển ở mức cao hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*