Sao Oxford vẫn là nạn nhân của kỳ thị chủng tộc?

in Cộng Đồng

Những trường đại học danh tiếng như Cambridge, Princeton hay Harvad luôn quan tâm đến việc đảm bảo “cơ hội bình đẳng” cho mọi người. Princeton còn có chính sách cấp học bổng cho sinh viên theo điều kiện tài chính để không sinh viên nào phải vay nợ khi ra trường, và đây cũng là chính sách nhằm đảm bảo việc xét tuyển thực sự dựa vào năng lực hơn là các đặc điểm khác. Vụ việc trường đại học Oxford của Anh bị lên án là có những kỳ thị trong việc tuyển chọn sinh viên là một quả bom đối với giới làm giáo dục. Tại sao một trường danh tiếng như Oxford lại vẫn để điều này xảy ra?


Ảnh: Một hiệu sách của NXB trường ĐH Oxford (nguồn internet)

Từ lâu, các phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính hay các đặc điểm khác biệt đã bị cấm bởi pháp luật và lên án bởi chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, những định kiến và kỳ thị tiêu cực và đôi khi khó nhận biết vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Điều này được giải thích bởi Dovidio, Gaertner, Kawakami và Hodson bằng hệ thống “thái độ kép”, gồm thái độ định kiến “ẩn” và thái độ định kiến “hiện.” Qua các thí nghiệm của mình họ đã chứng minh rằng sự phân biệt chủng tộc hiện đại thường là vô thức. Người da trắng đã tiếp nhận các định kiến về người da đen thông qua các tiếp xúc xã hội khi còn nhỏ. Sau đó, qua giáo dục, hoặc quy định pháp luật, hoặc chuẩn mực xã hội mà người da trắng thay đổi thái độ. Tuy nhiên, thái độ ban đầu đã không bị thay thế mà được lưu trữ và trở nên “ẩn”. Người da trắng có thể kiểm soát hành vi “hiện” của họ, tuy nhiên, thái độ “ẩn” thì ngược lại, sẽ tự động kích hoạt trong các bối cảnh liên quan đến chủng tộc.

Trong các thí nghiệm về can thiệp khẩn cấp, quyết định tuyển dụng và xét tuyển vào trường đại học, các nhà nghiên cứu đã  kiểm chứng được lý thuyết này. Ở cả ba thí nghiệm, người da trắng thường không phân biệt đối xử người da đen trong các bối cảnh cụ thể và được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, trong những điều kiện “mập mờ, không rõ ràng” hoặc có các bằng chứng mâu thuẫn, thì người da trắng có thành kiến chống lại người da đen trong xét tuyển đại học. Nói cách khác, khi có điều kiện để diễn giải, như là trong điều kiện năng lực giống nhau giữa hai ứng viên, người da trắng thường trao cho ứng viên da trắng “lợi ích của sự nghi ngờ”, một lợi ích không được trao cho những người không thuộc nhóm xã hội da trắng.

Theo như lý thuyết “thái độ kép”, người da trắng có thể kiểm soát hoàn toàn định kiến “hiện” nhưng không thể kiểm soát định kiến “ẩn”. Vì thế, khi họ không có điều kiện để biện minh cho việc thiên vị ứng viên da trắng, họ sẽ có quyết định khách quan và công bằng. Khi người da trắng có cơ hội ưu tiên người da trắng (trong bối cảnh mập mờ không rõ ràng), họ thường tìm kiếm các bằng chứng để hợp lý hoá quyết định thiên vị của mình. Trong những trường hợp này, người da trắng không lường hết các ảnh hưởng của thái độ (ẩn) trong phân biệt chủng tộc đến cuộc sống của người da đen nói chung và lên thái độ của chính họ.

Đối với người da đen họ rất nhạy cảm với cả thái độ kỳ thị “hiện” và “ẩn” của người da trắng trong các giao dịch xã hội. Họ rất tinh với các dấu hiệu của sự thiên vị và dễ dàng cho rằng đây là hành vi cố ý phân biệt chủng tộc. Vì người da trắng không thể giám sát và không muốn kiểm soát thái độ “ẩn” của mình nên họ thường cho rằng hành vi của họ là công bằng. Ngược lại, người da đen vì nhạy cảm với những định kiến và kỳ thị vô thức này nên thường lo lắng, tự vệ và luôn nghi ngờ. Chính vì vậy, theo Areonson, khi sinh viên thuộc nhóm thiểu số phải thực hiện các công việc trí tuệ như làm bài kiểm tra GRE, họ thường lo lắng vì sợ kết quả sẽ khẳng định định kiến tiêu cực về năng lực trí tuệ của họ. Vì thế họ thường phải chịu đựng một áp lực và sợ hãi ghê gớm, làm cho kết quả của họ không được tốt như bình thường. Ảnh hưởng của phân biệt đối xử tuy là tinh vi và vô thức nhưng có tác động tiêu cực lên cuộc sống của người da đen.

Điều cần biết là định kiến cũng có tác động tiêu cực lên người da trắng. Các nghiên cứu của Richeson và Shelton chỉ ra rằng định kiến làm giảm khả năng của người da trắng trong việc hoàn thành các công việc đòi hỏi sự kiềm chế bản thân. Trong một xã hội đa dạng, các giao thiệp liên sắc tộc là không thể tránh khỏi, đặc biệt với các nhóm thiểu số. Vì thế cần áp dụng các chiến lược thông minh nhằm giảm thiểu tác động tai hại của định kiến và kỳ thị.

Như vậy, cần có giải pháp phù hợp để loại bỏ tác động của định kiến “ẩn”. Vì định kiến và kỳ thị thường xảy ra trong bối cảnh không rạch ròi, có thể diễn giải theo nhiều cách khác nhau nên các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những tiêu chí hoặc điều kiện rõ ràng, cụ thể để tránh khả năng bị sử dụng, làm thiệt cho các nhóm thiểu số. Đây cũng chính là gợi ý cho Oxford và các trường đại học khác xây dựng các tiêu chí rõ ràng, cụ thể cho xét tuyển, nhằm giảm thiểu và loại bỏ các phân biệt đối xử do định kiến vô thức gây ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*