Tự do ngôn luận

in Cộng Đồng

Tự do ngôn luận và tự do báo chí là những quyền rất thiết yếu và là mục tiêu đấu tranh của các lực lượng tiến bộ tại nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ qua. Những quyền này được gọi là “quyền bảo vệ quyền”, vì nếu không có chúng là thiếu đi một phương tiện quan trọng để bảo vệ các quyền khác.


Ảnh: người dân tộc thiểu số tự nói lên ý kiến của mình với báo chí qua dự án của iSEE

Trong luật nhân quyền quốc tế, giống như các quyền tự do hội họp và lập hội, quyền tự do quan điểm (freedom of opinion) và tự do biểu đạt (freedom of expression) nằm giữa các quyền dân sự và chính trị, vì mang tính chất của cả hai nhóm quyền này. Quyền tự do quan điểm và biểu đạt đầu tiên được ghi nhận trong Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR), được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 19 ICCPR. Theo Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ (khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này xác định quyền tự do biểu đạt không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội.

Tự do quan điểm (freedom of opinion) là một quyền tuyệt đối. Tại đoạn 1 Bình luận chung số 10 (1983), Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC) đã phân biệt giữa “quyền giữ quan điểm” với “quyền tự do biểu đạt”. Ủy ban khẳng định quyền được giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp nêu ở khoản 1 Điều 19 là quyền tuyệt đối, không được hạn chế hay tước bỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình huống khẩn cấp của quốc gia. Tuy nhiên, quyền tự do biểu đạt (expression, thể hiện ra ngoài) có thể phải chịu những hạn chế nhất định, với điều kiện những hạn chế đó phải được quy định trong pháp luật và chỉ để nhằm các mục đích như nêu ở khoản 3 Điều 19.

Giống như tự do tư tưởng, việc giữ quan điểm của cá nhân là hành vi thụ động và là một tự do tuyệt đối. Tính chất tuyệt đối của quyền giữ quan điểm sẽ kết thúc khi một người bày tỏ, biểu đạt hay phát ngôn quan điểm của mình. Hành động này đã sang lĩnh vực của “tự do biểu đạt”. Tuy vậy, luật gia M.Nowak cho rằng có thể khó phân biệt giữa hành vi can thiệp không được phép vào tự do quan điểm của một người (chẳng hạn như việc tẩy não) và hành động chỉ nhằm tác động vào quan điểm của người đó (chẳng hạn như bị hệ thống tuyên truyền dồn dập tác động). Sự vi phạm có lẽ chỉ giới hạn ở trường hợp mà quan điểm của cá nhân bị ảnh hưởng trái với mong muốn.

Quyền tự do biểu đạt không phụ thuộc vào hình thức biểu đạt (lời nói, chữ viết, hình ảnh, nét vẽ, âm nhạc…) hay nội dung của thông điệp được biểu đạt. Trong thời đại hiện nay, báo chí và truyền thông là những công cụ chính của tự do biểu đạt. Vì vậy, tự do báo chí (freedom of press) đôi khi được đồng nhất với tự do ngôn luận (freedom of speech).

Khoản 2 Điều 19 ICCPR cũng đã xác định quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến (truyền đạt, chuyển tải) mọi thông tin và ý kiến (to seek, receive and impart information and ideas of all kinds). Đây chính là một khoảng trống, thiếu hụt lớn trong pháp luật và Hiến pháp Việt Nam.

Về những hạn chế đối với tự do biểu đạt, Khoản 3 Điều 19 ICCPR khẳng định việc thực hiện quyền tự do biểu đạt “đi kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.” Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc danh dự của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức công chúng.

Xuất phát từ thực tiễn có nhiều nhà nước lạm dụng các hạn chế, đưa ra các lý lẽ giống như nêu tại khoản 3 Điều 19 để trấn áp, bịt miệng các quan điểm khác biệt, truy bức những người vận động cho dân chủ và quyền con người, HRC yêu cầu quốc gia phải chứng minh cơ sở pháp lý khi đưa ra bất kỳ biện pháp nào hạn chế tự do biểu đạt, đồng thời phải đặt ra những biện pháp hiệu quả để bảo vệ chống lại sự tấn công nhằm làm im tiếng những ai đang thực thi quyền tự do biểu đạt của mình. Trong đoạn 25 của Bình luận chung số 22, có lẽ nhằm phòng ngừa sự tùy tiện của các cơ quan hành pháp, HRC nêu yêu cầu “một luật không thể trao thẩm quyền quyết định giới hạn tự do biểu đạt cho chính chủ thể có nhiệm vụ thi hành nó”. Theo Ủy ban, để làm được điều này, các luật phải quy định đủ chi tiết để những người thừa hành có thể hiểu rõ những loại biểu đạt nào bị hạn chế và những loại biểu đạt nào không bị hạn chế. Những hạn chế phải là “cần thiết” vì mục đích chính đáng (đoạn 33) và không được quá rộng, phải tuân thủ nguyên tắc tương xứng.

Quyền tự do ngôn luận đã được ghi nhận trong cả 4 bản hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980 và 1992) với những phương thức khác nhau. Đến gần đây, cách quy định phổ biến trong Chương V Hiến pháp 1992, rằng các quyền công dân cần phải “theo quy định của pháp luật”, đã được cắt bỏ ở nhiều điều trong Chương II Dự thảo, nhưng vẫn tồn tại một cách vô lý ở Điều 26 (về quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình). Việc tiếp tục quy định như vậy là tiếp tục để tình trạng các văn bản luật hoặc dưới luật, dù trái với tinh thần hiến pháp, hạn chế một cách tùy tiện các quyền tự do cơ bản này. Cần lưu ý về vai trò đặc biệt quan trọng của các quyền tự do này, với tư cách là các “quyền bảo vệ quyền”, có ý nghĩa thiết yếu đề thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người khác. Nếu các quyền tự do này bị hạn chế tùy tiện sẽ làm hạn chế sự bảo vệ chống lại các vi phạm quyền, bảo đảm sự hưởng thụ đầy đủ hầu hết các quyền khác. Do đó, ít nhất phải tôn trọng và bảo vệ các quyền này ngang bằng với các quyền khác, bằng cách xóa bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” ở cuối Điều 26 Dự thảo, đồng thời bổ sung “quyền tự do thông tin” (chứ không phải chỉ “được thông tin” như Dự thảo). Theo đó, điều này có thể sửa đổi thành: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do hội họp, lập hội và biểu tình.” Dựa theo quy định của Hiến pháp sửa đổi, nhiều luật liên quan cần được ban hành và sửa đổi cho thích hợp, bảo đảm quyền tự do của cá nhân và các tổ chức.

Cùng với tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là nền tảng căn bản nhất để bảo toàn và tôn trọng nhân phẩm con người, cũng như của mỗi nền dân chủ. Nhà nước cần bảo vệ (tránh sự can thiệp của chủ thể thứ ba), tôn trọng (kiềm chế không can thiệp tùy tiện) và thúc đẩy (có các biện pháp chủ động để hỗ trợ) các quyền này thông qua các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều đó phải được thể hiện trước hết trong Hiến pháp quốc gia – văn bản pháp lý có giá trị tối cao. Dù đây chỉ là bước đầu tiên và tối thiểu, nó cũng cần quyết tâm chính trị rất lớn của những người soạn thảo hiến pháp Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*