Tự do tư tưởng cần được bảo vệ bởi Hiến pháp

in Cộng Đồng

Tôn trọng tự do chính là tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính, tôn trọng thiểu số (bao gồm thiểu số về quan điểm, về tư tưởng). Cùng với sự ra đời của các bản hiến pháp trên thế giới, nhiều quyền con người đã được “hiến pháp hóa”. Hiến pháp đã trở thành một công cụ quan trọng để bảo vệ các quyền tự do của con người, trong đó có tự do tư tưởng.


Ảnh: Ngày hội thanh niên Việt Nam (nguồn: internet)

Vì tư tưởng dẫn dắt hành động, tự do tư tưởng có lẽ là tự do đầu tiên và thiết yếu nhất. Tự do tư tưởng thường được hiểu là quyền suy luận, phán đoán, phán xét theo ý nghĩ của mình. Tự do tư tưởng là tư duy một cách tự do, không bị ràng buộc bởi ý thức hệ, bởi định kiến, thiên kiến hoặc sự sợ hãi. Nhìn từ nhiều tôn giáo, tự do ý chí – tự quyết về tư tưởng – không phải là một món quà từ bất kỳ một chủ thể bên ngoài nào, mà chính là một quyền tự nhiên, một bản năng của con người. Tự do tư tưởng có vai trò thiết yếu đối với mọi cá nhân và cộng đồng, nhưng quyền này là đặc biệt thiết yếu đối với người trí thức – những người lấy việc tư duy, suy nghĩ về các vấn đề tự nhiên, xã hội làm hoạt động chính của mình. Một vị lão thành cách mạng Việt Nam đã có so sánh rất hay rằng: dân chủ hoá đối với nông dân là được ruộng cày, được giảm tô thuế, dân chủ hoá đối với trí thức trước hết là được tự do tư tưởng.

Từ góc độ pháp lý quốc tế, các quyền tự do tư tưởng, lương tâm (freedom of thought, conscience) được ghi nhận chung với tự do tôn giáo trong Điều 18 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR, 1948), sau đó được cụ thể hóa tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966 – Việt Nam đã tham gia vào năm 1982), theo đó: Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC, cơ quan có nhiệm vụ giám sát việc thực thi ICCPR) đã giải thích rõ thêm (trong Bình luận chung số 22 thông qua tại phiên họp lần thứ 48 năm 1993 của Ủy ban): “Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo có tính bao quát và sâu sắc. Nó bao gồm quyền tự do suy nghĩ về tất cả các vấn đề, tự do tin tưởng và giữ niềm tin vào các tôn giáo hay tín ngưỡng, cả trên phương diện cá nhân hay tập thể. Các quyền tự do này phải được tôn trọng và không thể bị hạn chế hay tước bỏ trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia…”.

Theo Karl Josef Partsch, các khái niệm “tư tưởng”, “lương tâm” và “tôn giáo” bao trùm “mọi thái độ mà một cá nhân có thể có đối với thế giới, với xã hội, hay những yếu tố có thể ảnh hưởng tới số phận của người đó, số phận của thế giới, có thể là một vị thần, một thực thể tối cao hoặc chỉ là lý lẽ và lập luận hợp lý, hoặc chỉ là ngẫu nhiên”. Partsch đã đưa ra một số nguyên nhân giải thích cho hiện tượng các quốc gia khó đi đến nhất trí về khái niệm tôn giáo. Những người theo chủ nghĩa vô thần thì đề cao “tư tưởng” và “lương tri” hơn “tôn giáo”. Những người theo chủ nghĩa tự do thì coi cả ba tự do này ngang nhau, không cái nào hơn cái nào. Những người sùng đạo thì cho rằng “tư tưởng và lương tri” không những tương đồng với tôn giáo nói chung, mà còn tương đồng với tôn giáo thật sự duy nhất mà họ theo. Tuy nhiên, ICCPR và UDHR đều không đưa ra định nghĩa về “tư tưởng”, “lương tâm” và “tôn giáo”.

Liên quan chặt chẽ với tư tưởng, lương tâm (conscience) thường được hiểu như một phạm trù đạo đức là năng lực tự đánh giá và điều chỉnh hành vi, giúp cá nhân phân biệt đúng – sai, điều nên làm – không nên làm. “Quyền tự do tư tưởng và lương tâm” nghĩa là quyền của mọi người có tư tưởng và lương tâm độc lập, không phải chịu những ảnh hưởng “không được phép” (impermissible) từ bên ngoài. Quyền được độc lập về đạo đức và tinh thần này liên hệ chặt chẽ với quyền riêng tư, cũng như quyền tự do quan điểm. Bổ sung cho những quyền, tự do này, Điều 18 (1) ICCPR yêu cầu các quốc gia thành viên không được can thiệp vào sự độc lập về đạo đức và tinh thần của một cá nhân, cho dù thông qua việc truyền bá, “tẩy não”, gây ảnh hưởng đến tư duy hữu thức và vô thức bởi các phương tiện áp đặt. Đồng thời, các quốc gia thành viên cần ngăn chặn các chủ thể tư nhân thực hiện những hoạt động này. Cũng cần lưu ý rằng “tín ngưỡng” (belief), cũng như “tôn giáo”, được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả những niềm tin vô thần và hữu thần (Bình luận chung số 22).

Trong thực tế, lằn ranh phân biệt giữa sự can thiệp (không được phép) vào tự do tư tưởng, lương tâm với ảnh hưởng (được phép) mà một người tiếp nhận hàng ngày từ các phương tiện truyền thông, quảng cáo tư nhân và tuyên truyền nhà nước không dễ chỉ ra. Mặc dù vậy, có một nguyên tắc chung trong mọi trường hợp: sự ảnh hưởng là không được phép nếu thông qua phương thức ép buộc, đe dọa hoặc trái với ý chí của người liên quan.

Các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980 và 1992) đều chưa đề cập đến tự do tư tưởng. Gần với tự do tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng được Hiến pháp 1946 ghi nhận (Điều thứ 10). Các hiến pháp tiếp theo ghi nhận “quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo” (Điều 26 Hiến pháp 1959, Điều 68 Hiến pháp 1980) và quyền “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 70 Hiến pháp 1992). Tự do tư tưởng ít nhiều đề cập đến trong nhiều văn kiện của nhà nước. Gần đây nhất, liên quan đến định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, mục III.1 của Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (ngày 11/ 4/ 2012), về đổi tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ: gồm “Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước.”

Một tiền đề của tự do tư tưởng là nhà nước không áp đặt, không tự “trói mình” và trói những chủ thể khác trong xã hội, vào một hệ tư tưởng nào. Lựa chọn một hệ tư tưởng là vấn đề của các đảng phái, các tổ chức xã hội, các đoàn thể chính trị và của từng cá nhân. Đối với một quốc gia, dân tộc, các thành phần xã hội là vô cùng đa dạng, không thể ấn định một hệ tư tưởng thống trị, nhất là hệ tư tưởng du nhập từ bên ngoài vào. Do đó, cần bổ sung “quyền tự do tư tưởng” vào Hiến pháp (Điều 25 của Dự thảo công bố tháng 1/2013), bên cạnh quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, cũng như phải thảo luận kỹ lưỡng về một hệ tư tưởng chung của quốc gia trước khi ấn định vào Hiến pháp.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*