Triết lý về thuế tài sản-công cụ thúc đẩy hiệu quả kinh tế và bình đẳng xã hội

in Thu hẹp khoảng cách

Tổng hợp và trích lại từ hai báo cáo “Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) (2018) thực hiện dưới sự tài trợ của Oxfam Việt Nam và “Tax Reform in Vietnam: Toward a More Efficient and Equitable System” do World Bank (2011) thực hiện.

Thuế tài sản đang được bàn luận nhiều trong thời gian qua. Nếu nhìn nhận trên khía cạnh lý thuyết của chủ nghĩa can thiệp, mà tiêu biểu là học thuyết Georgian, loại thuế này, khi được thiết kế hợp lý, cho thấy nhiều ưu việt về hiệu quả kinh tế và thúc đẩy công bằng xã hội.

Tổng hợp của VEPR về triết lý của thuế tài sản trong học thuyết Georgian[i]

Henry George là người khởi xướng học thuyết này khi viết tác phẩm Progess and Poverty [Tiến bộ và Nghèo đói] vào năm 1879. Ông bắt đầu với định nghĩa địa tô là phần giá trị của đất không được tạo ra bởi người sở hữu. Theo ông, người sở hữu đất có thể đầu tư vào cải thiện đất, xây dựng các công trình nằm trên đất, cơ sở hạ tầng và do đó làm tăng giá trị của đất. Tuy nhiên, phần lớn giá trị của đất lại không đến từ hoạt động đầu tư của chủ sở hữu mà đến từ giá trị về mặt địa điểm của đất. Đất cung cấp một vị trí và không gian để các hoạt động kinh tế diễn ra trên đó. Với nguồn cung giới hạn, diện tích đất trên đầu người sẽ dần giảm xuống cùng với sự gia tăng dân số, dẫn tới đất ngày càng trở nên khan hiếm và giá đất sẽ có xu hướng tăng trong dài hạn. Thêm vào đó, sự phát triển kinh tế luôn kéo theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng, cũng dẫn tới việc giá đất sẽ ngày càng tăng do các mảnh đất ở vị trí tốt sẽ giúp người sở hữu khai thác được các lợi ích từ cơ sở hạ tầng công cộng tốt hơn. Tất cả các yếu tố trên, bao gồm xu hướng gia tăng dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng, nguồn cung cố định của đất do thiên nhiên ban tặng, đều là các yếu tố dẫn đến giá trị của đất ngày càng gia tăng mà không xuất phát từ các nỗ lực cải thiện đất của người sở hữu.

Cần tách biệt  các giá trị gia tăng của đất nhờ sự đầu tư của người chủ sở hữu với giá trị được tạo ra bởi xã hội, và từ đó George cho rằng việc đánh thuế địa tô không những gia tăng hiệu quả kinh tế, tránh trục lợi địa tô, giải quyết được hiện tượng chu kỳ kinh tế, mà còn giải quyết được vấn đề về công bằng.

Điểm mấu chốt trong lý thuyết về địa tô của George là tách biệt giữa một bên là giá trị của tài sản do người sở hữu tạo ra và một bên là giá trị sẵn có trong tự nhiên và giá trị mà xã hội mang lại. Theo học thuyết này, người nắm giữ đất chỉ nên sở hữu các thành quả do chính họ tạo ra từ việc đầu tư cải thiện đất còn địa tô cần phải thuộc về sở hữu xã hội. Họ cũng cho rằng việc quốc hữu hóa toàn bộ đất là không nên, tuy nhiên cần phải có một loại thuế để triệt tiêu địa tô và tái phân phối một cách công bằng cho các cá nhân khác. Henry George tin rằng địa tô luôn có xu hướng tăng do đó, trong tương lai, nguồn thu từ thuế đất có thể thay thế cho các loại thuế khác. Ông đã đưa đưa ra một đề xuất rất cấp tiến là chỉ nên có một loại thuế duy nhất đánh vào địa tô của đất và dẫn dần bãi bỏ tất cả các loại thuế còn lại. Xem xét một cách tổng quát, loại thuế triệt tiêu địa tô do Henry George đề xuất bao trùm gần như toàn bộ các loại thuế liên quan đến bất động sản. Do đó, lý thuyết về địa tô đã đã đặt nền móng cơ sở lý luận cho các quốc gia xây dựng và triển khai hệ thống thuế bất động sản trên thực tế.

Henry George cho rằng, việc đánh thuế địa tô giúp đạt được (i) hiệu quả kinh tế, xóa bỏ hiện tượng chu kỳ kinh tế, và (ii) mang lại tính công bằng.

Về hiệu quả kinh tế, Henry George so sánh giữa thuế đất với các loại thuế khác đánh vào tiêu dùng, sản xuất và tích lũy. Các loại thuế sau đều làm giảm động lực kinh tế. Ví dụ như trong ngành mía đường, ông cho rằng việc đánh thuế đường sẽ giảm sản lượng sản xuất đường và do đó, lượng cung đường sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, thuế đất chỉ đánh vào địa tô của đất, không làm giảm động lực để người sở hữu đất đầu tư, cải thiện đất, do đó người sở hữu đất vẫn có thể thu được lợi ích từ hoạt động đầu tư, cải thiện đất của mình. Vì vậy, theo ông, thuế đất sẽ không làm giảm đầu tư của người chủ sở hữu đất vào việc xây dựng nhà máy sản xuất đường hay cải thiện đất trồng mía và do đó không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất mía.

Thêm vào đó, nguồn cung của đất là cố định và không co dãn theo giá, do đó thuế đất không làm cho lượng đất được sử dụng trong nền kinh tế bị giảm đi. Ngược lại, thuế đất làm triệt tiêu động lực đầu cơ đất đai và thúc đẩy việc đưa các mảnh đất trống vào sử dụng. Hoạt động đầu cơ đất xuất phát từ kỳ vọng của người mua về giá cả của đất sẽ tăng liên tục trong tương lai, do sự gia tăng liên tục của dân số và tăng trưởng kinh tế. Kỳ vọng này thúc đẩy người dân tích trữ đất như một biện pháp tích lũy của cải, khiến có nhiều mảnh đất không được đưa vào sản xuất mà chỉ được giữ để đợi tăng giá và bán lại. Khi có thuế đất, các động lực này sẽ không còn do khoản chênh lệch giá trị này đã bị đánh thuế, và do đó thuế đất sẽ thúc đẩy người dân đầu tư, cải thiện đất thay vì tích lũy đất để đợi tăng giá.

Theo học thuyết Georgian, thuế đất không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đảm bảo công bằng xã hội. Phần lớn giá trị của đất không do người sở hữu tạo ra mà tồn tại sẵn có trong tự nhiên và gia tăng giá trị nhờ sự đóng góp của các cá nhân khác trong xã hội. Đây chính là lý do, theo George, địa tô cần thuộc về sở hữu xã hội. Sở hữu tư nhân về địa tô sẽ dẫn tới việc của cải tập trung vào những người nắm giữ phần lớn đất đai của xã hội, trong khi những người nắm giữ đất không nhất thiết phải đầu tư hay cải thiện đất. Thuế triệt tiêu địa tô và phân phối lại cho các cá nhân khác trong xã hội đảm bảo không để tình trạng bất bình đẳng do quyền tư hữu đất gây ra.

Khuyến nghị về đánh thuế tài sản của Ngân hàng Thế giới[ii]

Áp dụng vào thực tế, Ngân hàng thế giới cho rằng tài sản hoặc bất động sản (đi kèm với đó là thuế đánh vào tài sản) cần được phân biệt thành hai loại đó là giá trị thực của đất (land) và giá trị cải thiện (improvements) do người chủ sở hữu đất tạo ra.

Đối với phần giá trị thực của đất, thuế đánh vào đối tượng này cần thỏa mãn hai điều kiện để không tạo ra gánh nặng lên hiệu quả kinh tế. Thứ nhất, thuế phải độc lập với tính năng suất của việc sử dụng đất. Thứ hai, thuế không được cao hơn giá trị sử dụng đất. Như vậy, cần phải tính được giá trị của đất tại các vùng khác nhau. Từ đó, việc đánh mức thuế suất cao gần bằng 100% giá thuê đất sẽ có ba tác động tích cực: (i) thúc đẩy người sở hữu đất đưa đất vào sản xuất thay vì đầu cơ; (ii) giảm tình trạng tìm kiếm và trục lợi tô kinh tế khi người giữ đất chịu chi phí cao và gần bằng với động lực mua rồi cho thuê mà không tự tham gia sản xuất; (iii) giảm các nguồn thu thuế khác tác động tiêu cực tới kinh tế và phúc lợi hộ gia đình, đặc biệt là người nghèo, như thuế giá trị gia tăng.

Đối với giá trị phần được cải thiện, chỉ nên đánh mức thuế suất rất thấp (gần như bằng không), bù đắp cho các chi phí hành chính mà nhà nước cần để bảo vệ phần tài sản này cho chủ sở hữu. Đó là do đánh thuế vào phần tài sản này tạo ra gánh nặng cực lớn tới hoạt động tìm kiểm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhiều khía cạnh về triết lý cho thấy, thuế tài sản là cần có cho một xã hội phát triển hài hòa và một nền kinh tế hiệu quả. Vấn đề ở đây đó là một điều kiện đủ trong việc cân nhắc cách thức đánh thuế phù hợp và sử dụng nguồn lực đó như thế nào để thúc đẩy hiệu quả kinh tế, phân phối lại một cách bình đẳng, tránh thất thoát lãng phí. Đó dường như cũng là nghi ngại căn cơ của dân chúng đối với Dự Luật Tài sản thời gian vừa rồi ở Việt Nam khi nó có thể không những không tạo ra công bằng xã hội, giảm thiểu hoạt động đầu cơ trục lợi của doanh nghiệp và người giàu mà còn làm tăng gánh nặng thuế khóa lên toàn bộ người dân. Và câu chuyện lại xoay quanh vấn đề hiệu quả của chính quyền.


[i] Trích lại đầy đủ những phần quan trọng viết về lý thuyết Georgian trong VEPR (2018) Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam. Do Oxfam Việt Nam tài trợ của Oxfam Việt Nam. Trang 20-30

[ii] Tổng hợp từ Ngân hàng thế giới (2011) Tax Reform in Vietnam: Toward a More Efficient and Equitable System.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*