Tòa nhà Quốc hội Việt Nam
Nhà Quốc hội trên đường Độc Lập. Ảnh: Zing.vn

Nguyên lý về vai trò của nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công***

in Thu hẹp khoảng cách

Nhà nước được hình thành song hành cùng lịch sử phát triển của xã hội loài người. Theo quan điểm của các nhà triết học cổ đại (Plato, Aristotle, Khổng Tử), Nhà nước được hình thành do trạng thái tự nhiên của con người có bản chất cộng sinh, nương tựa vào nhau như một gia đình lớn hay bộ lạc lớn. Đến giữa thế kỷ 17, nhà triết học Anh Thomas Hobbes trong tác phẩm Leviathan cho rằng mỗi cá nhân, trong trạng thái tự nhiên, đồng ý trao quyền cho Nhà nước để bảo vệ chính mình khỏi người khác và ngoại bang. Đến thế kỷ 18, Rousseau phát triển khái niệm khế ước xã hội (social contract). Khi đó, các cá nhân tham gia vào một thỏa ước (contract) chung và phải từ bỏ trạng thái tự nhiên. Sống trong trạng thái thỏa ước là hy sinh bản chất tự nhiên, và đánh đổi lại Nhà nước theo khế ước xã hội sẽ cung cấp an ninh, an toàn và các dịch vụ công cơ bản cho công dân. Điều quan trọng trong khế ước là nếu Nhà nước không thực thi được nghĩa vụ của mình thì công dân có quyền thay nhà nước. Đây cũng là điều kiện tiên quyết cho các nền dân chủ sau này.

Bắt nguồn từ John Lock (Hai tiểu luận về chính quyền và các tiểu luận khác) và Adam Smith (Nguồn gốc của cải các quốc gia, 1776) thì thị trường là nguồn gốc của thịnh vượng và ổn định xã hội. Nền tảng của thị trường là tư hữu và tự do trao đổi. Trên cơ sở đó “bàn tay vô hình” sẽ dẫn dắt mọi cá nhân tới sự tốt đẹp, đó là tự do và thịnh vượng. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động của thị trường vì Nhà nước là tổ chức bạo lực tập trung duy nhất có chức năng bảo vệ quyền tư hữu và đảm bảo sự tự do trao đổi và cạnh tranh. Năng lực này được thực hiện thông qua việc cung cấp dịch vụ công an và quốc phòng.

Theo Johnn Lock và Adam Smith thì Nhà nước không nên tham dự vào quá trình kinh tế vì sẽ có khuynh hướng độc quyền, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của sự thịnh vượng. Nhà nước chỉ nên cung cấp một số dịch vụ công mà thị trường không cung cấp hiệu quả (sự thất bại của thị trường) như giáo dục, y tế hay cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các hoạt động của nhà nước đều cần nguồn lực (mà nó sẽ phải lấy từ xã hội) cộng với bản chất độc quyền nên Nhà nước cần càng nhỏ càng tốt để đỡ ảnh hưởng đến sự tự do của người dân và tiêu tốn nguồn lực của xã hội, ngăn cản tiến trình thịnh vượng của xã hội.

Tới thế kỷ 19, sự bất bình đẳng gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn khẳng định của kinh tế thị trường (chủ nghĩa tư bản), đặc biệt sự bần cùng hóa tầng lớp lao động khiến những người Xã hội chủ nghĩa cho rằng nguồn gốc của sự khốn cùng đó là vì kinh tế thị trường (Chủ nghĩa tư bản). Và nguồn gốc của điều đó bắt nguồn từ tư hữu tư liệu sản xuất. Chính vì vậy, người Xã hội chủ nghĩa cho rằng để xóa bỏ sự bần cùng thì cần xóa bỏ tư hữu và chuyển sang sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Nhà nước đóng vai trò quyết định kế hoạch hóa sản xuất và phân phối tất cả các mặt hàng, trong đó bao gồm các dịch vụ công. Trong quá trình này, xã hội nhanh chóng đã đánh mất tự do cá nhân, và tiếp đó là sự thất bại về thịnh vượng.

Chủ nghĩa tư bản Nước Phổ nửa sau thế kỷ 19 (1880s-1900) có những điều chỉnh quan trọng để khắc phục sự bần cùng hóa của tầng lớp lao động nhưng vẫn duy trì các nền tảng căn bản và thành quả của kinh tế thị trường. Bismarck, thủ tướng đầu tiên của đế quốc Đức áp dụng các chế độ gia tăng quyền lao động và bảo hiểm cho người lao động, nhất là những người nghèo nhất hoặc dễ bị tổn thương nhất. Điều này đã giảm sự cơ cực của người lao động cũng như các phong trào bạo lực phản kháng do bất công xã hội tạo ra. Đây chính là cơ sở để hình thành dần khuôn mẫu về một nhà nước phúc lợi hoặc nhà nước dân chủ xã hội, mà bản chất là sự gia tăng quyền lợi và giảm thiểu rủi ro cho người lao động. Nguyên lý này vẫn đúng tới ngày nay. Dựa trên nguyên lý này, Nhà nước chủ động bảo vệ các điều kiện cơ bản của kinh tế thị trường, cung cấp các dịch vụ công nhằm đảm bảo tự do tối thiểu cho người dân, đồng thời tạo bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người.

Về cơ bản, dù hình thái nhà nước là chủ nghĩa xã hội, tư bản tân tự do hay dân chủ xã hội thì Nhà nước đều có những đặc điểm chung đó là cung ứng dịch vụ công cơ bản nhất như độc quyền về bạo lực nhằm ngăn chặn bạo lực phân tán trong xã hội và ngăn chặn bạo lực từ bên ngoài (sự xâm lăng). Bảo đảm hệ thống quyền cơ bản của con người (system of fundamental rights), nhằm bảo vệ cá nhân khỏi sự xâm phạm bởi chính nhà nước hay bất kỳ một cá nhân/tập thể khác. Bảo đảm cạnh tranh. Thông qua các dịch vụ công hoặc cung ứng hàng hóa công khác, thúc đẩy một đời sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng: tự do, thịnh vượng, bình đẳng, kết nối xã hội (solidarity).

Tuy nhiên, khi nhà nước cung ứng một dịch vụ công, nó tiêu tốn nguồn lực. Nguồn lực này có thể đến từ khai tác tài nguyên, lợi nhuận từ các khoản đầu tư của chính phủ hoặc có được do tái phân phối lại kết quả xã hội (thuế, chuyển nhượng). Vì thế, cần phải cân nhắc vấn đề Lợi ích – Chi phí của việc nhà nước cung cấp dịch vụ công. Nếu một nhà nước kém hiệu quả thì lợi ích nó mang lại cho xã hội nhỏ hơn chi phí, thì cần phải xem xét lại hoạt động đó. Việc một nhà nước hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc vào mô hình nhà nước và hệ thống chính trị như mức độ giải trình, mức độ dân chủ và tham gia của người dân, v.v…Nhưng quan trọng hơn, các dịch vụ công này chỉ có thể được thực hiện khi xã hội đó có nguồn lực do sự thịnh vượng mà thị trường mang lại. Vì vậy cân bằng giữa sự tự do của thị trường, quyền tự do của cá nhân, và hiệu quả của nhà nước là bài toán cho tất cả các nước.

Rõ ràng Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công, nhưng cần tránh tư duy “duy nhà nước”: mọi thứ đều mong đợi nhà nước sẽ giải quyết được, và giải quyết tốt nhất. Cần nhắc lại, mọi hành động đều liên quan đến chi phí và hoạt động của nhà nước không phải là ngoại lệ. Chi phí cho nhà nước bao gồm cả chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội. Kiểm soát Chi phí – Lợi ích các hoạt động của nhà nước phụ thuộc vào thiết kế chính trị, mô hình nhà nước, vai trò của xã hội, người dân…Tùy theo bản chất của mỗi dịch vụ công, có thể có những thiết kế thích hợp về quy mô và cách phối hợp. Bản chất đều dựa trên các thỏa ước (contract) giữa con người. Do đó, luôn tồn tại không gian cho các tổ chức dân sự, tự nguyện, đồng thuận, ở quy mô nhỏ hơn nhà nước, tham gia vào các lĩnh vực công.

***Bài tổng hợp từ phần trình bày của TS. Nguyễn Đức Thành tại Hội nghị thường niên lần ba về chủ đề Vai trò của các tổ chức xã hội, nhà nước và các bên liên quan trong việc cung cấp dịch vụ công. Tóm tắt này có thể không phản ảnh hết hoặc chính xác quan điểm của TS. Nguyễn Đức Thành

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*