Category archive

Cộng Đồng - page 3

Phủ định Tiền Nhân quốc gia khó phát triển

in Cộng Đồng

La Quán Trung mở đầu Tam Quốc Diễn Nghĩa bằng một câu mang tính khẳng định “Phàm việc lớn trong thiên hạ cứ hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp”. Đây là một triết lý trong tư tưởng Á Đông có ảnh hưởng đến các nước như Việt Nam trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy chỉ gói gọn trong tám chữ “hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp”, nhưng thực chất triết lý này đã định hình nền tảng trong “cách tư duy” của chúng ta với quan điểm triết học cho rằng xã hội luôn luôn vận động và thay đổi theo chu trình nhất định và không có gì là vĩnh viễn cả. Sự trỗi dậy của một triều đại này để thay thế triều đại kia thực ra là tuân theo quy luật của triết lý này.


Ảnh: phủ nhận kinh tế tư nhân Việt Nam thực thi kinh tế tập thể trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (nguồn Internet)

Nếu nhìn nhận trên khía cạnh về sự vận động và thay thế thì quan điểm của La Quán Trung cũng phù hợp với triết học phương tây – đặc biệt là chủ nghĩa Marx (quy luật biện chứng thứ ba). Tuy nhiên cái khác biệt nhất giữa quan điểm Á Đông so với Phương Tây chính là tính kế thừa sau mỗi lần thay đổi. Người Phương Tây tuân theo sự vận động, thay đổi và phát triển, không phủ nhận/tàn phá các thành tựu của quá khứ mà kế thừa các di sản do các triều đại khác để lại. Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng có quan điểm vận động và thay đổi là việc bắt đầu cho một vòng quay mới, một chu trình thịnh – suy mới. Các thay đổi này chỉ là sự lặp lại theo quy luật và phải bắt đầu lại từ đầu chứ không phải là bước tiến mới theo hướng phát triển. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến cho chúng ta cứ xây rồi lại phá, phá rồi lại xây để rồi một ngày đẹp trời, ngoảnh đầu nhìn lại, ngoài mấy di sản văn hóa phi vật thể đang ngắc ngoải chờ bảo tồn, chúng ta chẳng có gì được gọi là văn hóa vật thể xứng tầm hay hoành tráng như các quốc gia khác.

Hồi còn nhỏ, tôi luôn tự hỏi tại sao ngày xưa các Cụ làm đồ gỗ tinh xảo thế, mà bây giờ (lúc đấy đất nước đang còn trong chế độ Hợp Tác Xã) không ai có thể đục đẽo hay làm được một cái cột nhà tinh xảo như thời phong kiến cả. Lớn lên tôi hiểu các nghệ nhân phần lớn đã thất lạc và rất nhiều các kỹ năng đã ra đi cùng với các Đền Chùa, Miếu Mạo trong công cuộc “đào tận gốc, trốc tận rễ” các tàn dư của Chế độ Phong kiến thối nát và lạc hậu (!). Đây chính là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng nguyên lý, hay thuận theo quy luật “phủ định của phủ định” theo kiểu Á Đông đã từng làm mất đi bao nhiêu cơ hội phát triển của nước Đại Việt.

Bản thân các triều đại ở Việt Nam khi tiến hành phủ định triều đại khác cũng tuyệt đối áp dụng phương châm phá hết và triệt tiêu toàn bộ ảnh hưởng của triều đại đã mất trong mọi mặt của đời sống xã hội. Một ví dụ cho vấn đề này là Vua Quang Trung trong lần đầu tiến quân ra bắc để tiêu diệt họ Trịnh, đã cho đốt hết cung điện của phủ chúa (công sức của bao nhiêu thế hệ) và mãi gần hai tháng cung điện này mới cháy xong. Vậy nếu phải xây mới thì cần bao nhiêu công sức và tiền bạc, thậm chí là sinh mạng quần chúng? Nhà Nguyễn khi lấy lại được nước thì mọi thứ hầu như đã kiệt quệ hết rồi, nhưng Vua Gia Long vẫn cho tìm và phá hết các di tích có yếu tố của triều Quang Trung.

Một ví dụ khác là việc nhà Hồ rời đô về Thanh Hóa. Tuy Thăng Long dưới thời Nhà Trần đã được xây dựng và phát triển trong vài trăm năm (lại còn được chuyển giao tư thời Nhà Lý) nhưng khi nắm quyền,  Hồ Quý Ly lại quyết định chuyển Kinh Đô về Tây Đô (Thanh Hóa) ngay khi có ý định cướp ngôi nhà Trần. Tính phủ định thành tựu của quá khứ đã làm cho nhà Hồ mất rất nhiều công sức của dân chúng cho các công trình xây dựng mới đồng thời lãng quên cái cũ dẫn đến việc nhân dân không theo phục. Cuối cùng Triều đại này chỉ tồn tại được 7 năm.

Gần đây, đất nước đã giành được nền độc lập sau bao nhiêu năm bị đô hộ và chia cắt bởi phương Tây. Thế nhưng đối với vấn đề trong nước thì tinh thần phủ định những thứ “của chế độ cũ”, thứ được coi là lỗi thời đã làm cho đất nước chúng ta một lần nữa rơi vào khủng hoảng, “gần như mất hết kết nối với quá khứ”. Chúng ta đã quá tự hào về bản thân trong lĩnh vực quân sự, trong lý tưởng và ý chí của mình. Chúng ta muốn xây dựng xã hội mới trên một nền tảng “không có bóng dáng của chế độ cũ.” Việc này không chỉ dẫn đến hậu quả lãng phí và thiếu hụt nguồn lực trong phát triển đất nước, mà còn tạo ra tư duy sợ các ảnh hưởng từ “quá khứ”, “bên ngoài” có thể dẫn đến bất ổn định cho thể chế.

Bài học từ Tiền Nhân trong việc ứng xử với quá khứ theo hướng phủ định triệt để và sằn sàng làm lại từ đầu có thể giúp ích cho chúng ta những gì trong cuộc sống hôm nay?

Thứ nhất nó giúp chúng ta thấy rằng có thể Tiền Nhân có những quyết định sai lầm, nhưng di sản của dân tộc thì không. Quyết định sai lầm là những gì chúng ta cần khắc phục và thay đổi chứ không phải phủ nhận hay phủ định tất cả các nỗ lực và di sản của họ, vì chỉ có như vậy chúng ta mới có thể thay đổi theo hướng tiến lên. Các giá trị dân tộc thuộc về nhân dân, xã hội và quá khứ chứ không phải thuộc về triều đại hay chế độ nào. Nghĩ như vậy chính là duy trì nền tảng để chúng ta dựa vào và xây cho to lớn thêm. 

Thứ hai nó cho chúng ta một cái nhìn về tính thực dụng, muốn tồn tại và phát triển thì ngoài việc phát huy các giá trị của dân tộc mình, đất nước mình thì chúng ta phải kế thừa các giá trị của thời đại. Chúng ta không thể phủ nhận thế giới và sống một mình trong thế giới “phẳng” ngày nay. Nếu tiếp tục phủ định hay ngắt các kết nối với thế giới, chúng ta lại trở thành dị biệt, và tự xây đất nước mình trong sự thiếu hụt nền tảng và định hướng tương lai.

Cuối cùng, nó giúp chúng ta tránh được những hành động cực đoan, định kiến trong đối xử với quá khứ, hoặc những khác biệt trong cuộc sống hiện tại. Thay vì phá bỏ hay loại bỏ, chúng ta cần hợp sức, lấy nhau làm điểm tựa để tiến lên. Chỉ có như vậy, sức mạnh dân tộc mới không bị phân tán, mà hội tụ để phát triển.

Trực diện thúc đẩy dân chủ và nhân quyền sẽ gây bất ổn?

in Cộng Đồng

Nhiều người cho rằng, khi dân chủ trở thành phổ biến trên toàn cầu thì thế giới sẽ có hòa bình vĩnh viễn. Dân chủ là cơ sở của hòa bình vì nhà nước dân chủ đại diện cho quyền lợi của nhân dân, và nhân dân thì quan tâm đến hợp tác hơn là đối đầu. Các quá trình dân chủ đảm bảo người giỏi, khéo léo và có năng lực được bầu vào các vị trí lãnh đạo. Họ đại diện cho quyền lợi của nhân dân, và có khả năng đàm phán theo ước muốn hòa bình của nhân dân. Nếu họ không tôn trọng mong muốn của nhân dân, họ sẽ bị mất chức trong cuộc bầu cử tiếp theo. Đây không phải là điều có thể ở những thể chế độc tài, nơi lãnh đạo không được bầu một cách công bằng và minh bạch.


Đại diện các tổ chức Xã hội dân sự họp tham vấn về báo cáo kiểm định nhân quyền thường kỳ (UPR) của Việt Nam

Trong các thể chế dân chủ, các quyết định đưa ra trong môi trường minh bạch và theo nguyên tắc pháp quyền nên nó thường có giá trị và được tôn trọng hơn. Nó cũng giúp cho các quốc gia khác giám sát và dự đoán tốt hơn sự thay đổi chính sách của một quốc gia nào đó. Các ý muốn cá nhân được kiểm soát bởi các thể chế, và như vậy tránh được các chính sách thất thường có thể dẫn đến chiến tranh. Nói cách khác, làm việc với một nhà nước dân chủ là làm việc với một thể chế, hơn là với một con người lãnh đạo. Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo chính trị của một nước dân chủ rất mở với các nguồn thông tin khác nhau, các ý kiến khác nhau nên họ tránh được định kiến, các tính toán sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh.

Như vậy, chính sách đối ngoại tập trung vào cổ xúy cho dân chủ dường như là một chính sách đúng đắn. Nó được chia sẻ và ủng hộ bởi các quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, có những thách thức nếu không suy tính kỹ lưỡng, sẽ gây ra phản tác dụng.

Thứ nhất, có những định nghĩa và cách hiểu khác nhau về dân chủ giữa các nước, giữa các nhà chính trị và các nhà khoa học. Hơn nữa, dân chủ không phải là một sản phẩm có thể nhập ngoại từ một nước khác, mà nó phải là một sản phẩm nội sinh của phát triển kinh tế, thúc đẩy tự do và sự lớn mạnh của xã hội dân sự. Một chính sách đối ngoại tập trung “xuất khẩu” một nền dân chủ chung chung có thể mang lại những nguy hại cho quốc gia “nhập khẩu”. Một nền dân chủ ngoại nhập có thể tạo ra mâu thuẫn, thậm chí là xung đột xã hội cho một quốc gia, ngăn cản nó phát triển vì các vấn đề về an ninh, thậm chí nội chiến có thể xảy ra.

Thứ hai, cổ xúy dân chủ cũng có nghĩa là can thiệp vào nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Khi đó, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ sẽ bị vi phạm, dẫn đến việc phản đối quyết liệt của quốc gia chủ thể. Điều này dẫn đến những hạn chế trong hợp tác ở những lĩnh vực khác. Nếu quốc gia đối tượng nằm trong một liên minh khu vực, và liên minh này không ủng hộ cho việc “can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” thì có thể làm cho liên minh bị đổ vỡ, dẫn đến sự chia rẽ, tạo ra các lực lượng đối kháng nhau về lâu dài.

Thứ ba, rất khó để cho một quốc gia nào đó kiên định trong việc cổ vũ cho dân chủ. Một quốc gia thường quan tâm đến lợi ích nội bộ và an ninh của mình nhiều hơn là vì dân chủ của một nước khác. Vì thế, nó có thể từ bỏ những giá trị đạo đức và mục đích cao cả trong việc cổ xúy dân chủ và bảo vệ nhân quyền, vì những lợi ích thiết thực hơn của mình. Nhiều học giả cho rằng, luôn có một khoảng cách dễ nhận biết giữa chính sách đối ngoại của Mỹ và cách chính phủ Mỹ thực hành đối với các quốc gia khác. Trong thời chiến tranh lạnh, các nhà nước độc tài như Iran, Zaire, Nam Hàn và Indonesia vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ quân sự vì họ “theo phe tư bản”. Thậm chí ngày nay, các quốc gia Ả Rập dù không dân chủ, thậm chí có nhiều vấn đề về nhân quyền, nhưng vì mục đích an ninh và dầu mỏ mà họ vẫn nhận được trợ giúp về quân sự từ Mỹ. Rõ ràng, điều này làm giảm uy tín của thông điệp “dân chủ cần phải được cổ xúy trên toàn thế giới”. Khi đó, các chính sách cổ xúy cho dân chủ bị coi là đạo đức giả và mang mục đích vụ lợi, đôi khi là sức ép mặc cả trong đàm phán với quốc gia khác.

Như vậy, không thông minh cho một quốc gia nào đó theo đuổi mục tiêu thúc đẩy dân chủ trực diện. Hợp tác kinh tế, phát triển xã hội dân sự, xây dựng các thể chế theo tiêu chuẩn quốc tế là những công cụ tốt, có ảnh hưởng gián tiếp và bền vững đến phát triển dân chủ và bảo vệ quyền con người. Các chính sách gián tiếp này sẽ tránh được đối đầu hoặc phản kháng từ các nhà nước đối tượng. Về lâu dài, vẫn đạt được mục tiêu thịnh vượng cho tất cả các nước, và hòa bình và an  ninh trên toàn thế giới.

Tự do ngôn luận

in Cộng Đồng

Tự do ngôn luận và tự do báo chí là những quyền rất thiết yếu và là mục tiêu đấu tranh của các lực lượng tiến bộ tại nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ qua. Những quyền này được gọi là “quyền bảo vệ quyền”, vì nếu không có chúng là thiếu đi một phương tiện quan trọng để bảo vệ các quyền khác.


Ảnh: người dân tộc thiểu số tự nói lên ý kiến của mình với báo chí qua dự án của iSEE

Trong luật nhân quyền quốc tế, giống như các quyền tự do hội họp và lập hội, quyền tự do quan điểm (freedom of opinion) và tự do biểu đạt (freedom of expression) nằm giữa các quyền dân sự và chính trị, vì mang tính chất của cả hai nhóm quyền này. Quyền tự do quan điểm và biểu đạt đầu tiên được ghi nhận trong Điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR), được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 19 ICCPR. Theo Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ (khoản 1 và 2). Khoản 3 Điều này xác định quyền tự do biểu đạt không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội.

Tự do quan điểm (freedom of opinion) là một quyền tuyệt đối. Tại đoạn 1 Bình luận chung số 10 (1983), Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC) đã phân biệt giữa “quyền giữ quan điểm” với “quyền tự do biểu đạt”. Ủy ban khẳng định quyền được giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp nêu ở khoản 1 Điều 19 là quyền tuyệt đối, không được hạn chế hay tước bỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình huống khẩn cấp của quốc gia. Tuy nhiên, quyền tự do biểu đạt (expression, thể hiện ra ngoài) có thể phải chịu những hạn chế nhất định, với điều kiện những hạn chế đó phải được quy định trong pháp luật và chỉ để nhằm các mục đích như nêu ở khoản 3 Điều 19.

Giống như tự do tư tưởng, việc giữ quan điểm của cá nhân là hành vi thụ động và là một tự do tuyệt đối. Tính chất tuyệt đối của quyền giữ quan điểm sẽ kết thúc khi một người bày tỏ, biểu đạt hay phát ngôn quan điểm của mình. Hành động này đã sang lĩnh vực của “tự do biểu đạt”. Tuy vậy, luật gia M.Nowak cho rằng có thể khó phân biệt giữa hành vi can thiệp không được phép vào tự do quan điểm của một người (chẳng hạn như việc tẩy não) và hành động chỉ nhằm tác động vào quan điểm của người đó (chẳng hạn như bị hệ thống tuyên truyền dồn dập tác động). Sự vi phạm có lẽ chỉ giới hạn ở trường hợp mà quan điểm của cá nhân bị ảnh hưởng trái với mong muốn.

Quyền tự do biểu đạt không phụ thuộc vào hình thức biểu đạt (lời nói, chữ viết, hình ảnh, nét vẽ, âm nhạc…) hay nội dung của thông điệp được biểu đạt. Trong thời đại hiện nay, báo chí và truyền thông là những công cụ chính của tự do biểu đạt. Vì vậy, tự do báo chí (freedom of press) đôi khi được đồng nhất với tự do ngôn luận (freedom of speech).

Khoản 2 Điều 19 ICCPR cũng đã xác định quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến (truyền đạt, chuyển tải) mọi thông tin và ý kiến (to seek, receive and impart information and ideas of all kinds). Đây chính là một khoảng trống, thiếu hụt lớn trong pháp luật và Hiến pháp Việt Nam.

Về những hạn chế đối với tự do biểu đạt, Khoản 3 Điều 19 ICCPR khẳng định việc thực hiện quyền tự do biểu đạt “đi kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.” Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc danh dự của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức công chúng.

Xuất phát từ thực tiễn có nhiều nhà nước lạm dụng các hạn chế, đưa ra các lý lẽ giống như nêu tại khoản 3 Điều 19 để trấn áp, bịt miệng các quan điểm khác biệt, truy bức những người vận động cho dân chủ và quyền con người, HRC yêu cầu quốc gia phải chứng minh cơ sở pháp lý khi đưa ra bất kỳ biện pháp nào hạn chế tự do biểu đạt, đồng thời phải đặt ra những biện pháp hiệu quả để bảo vệ chống lại sự tấn công nhằm làm im tiếng những ai đang thực thi quyền tự do biểu đạt của mình. Trong đoạn 25 của Bình luận chung số 22, có lẽ nhằm phòng ngừa sự tùy tiện của các cơ quan hành pháp, HRC nêu yêu cầu “một luật không thể trao thẩm quyền quyết định giới hạn tự do biểu đạt cho chính chủ thể có nhiệm vụ thi hành nó”. Theo Ủy ban, để làm được điều này, các luật phải quy định đủ chi tiết để những người thừa hành có thể hiểu rõ những loại biểu đạt nào bị hạn chế và những loại biểu đạt nào không bị hạn chế. Những hạn chế phải là “cần thiết” vì mục đích chính đáng (đoạn 33) và không được quá rộng, phải tuân thủ nguyên tắc tương xứng.

Quyền tự do ngôn luận đã được ghi nhận trong cả 4 bản hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980 và 1992) với những phương thức khác nhau. Đến gần đây, cách quy định phổ biến trong Chương V Hiến pháp 1992, rằng các quyền công dân cần phải “theo quy định của pháp luật”, đã được cắt bỏ ở nhiều điều trong Chương II Dự thảo, nhưng vẫn tồn tại một cách vô lý ở Điều 26 (về quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình). Việc tiếp tục quy định như vậy là tiếp tục để tình trạng các văn bản luật hoặc dưới luật, dù trái với tinh thần hiến pháp, hạn chế một cách tùy tiện các quyền tự do cơ bản này. Cần lưu ý về vai trò đặc biệt quan trọng của các quyền tự do này, với tư cách là các “quyền bảo vệ quyền”, có ý nghĩa thiết yếu đề thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người khác. Nếu các quyền tự do này bị hạn chế tùy tiện sẽ làm hạn chế sự bảo vệ chống lại các vi phạm quyền, bảo đảm sự hưởng thụ đầy đủ hầu hết các quyền khác. Do đó, ít nhất phải tôn trọng và bảo vệ các quyền này ngang bằng với các quyền khác, bằng cách xóa bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” ở cuối Điều 26 Dự thảo, đồng thời bổ sung “quyền tự do thông tin” (chứ không phải chỉ “được thông tin” như Dự thảo). Theo đó, điều này có thể sửa đổi thành: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do hội họp, lập hội và biểu tình.” Dựa theo quy định của Hiến pháp sửa đổi, nhiều luật liên quan cần được ban hành và sửa đổi cho thích hợp, bảo đảm quyền tự do của cá nhân và các tổ chức.

Cùng với tự do tư tưởng, tự do ngôn luận là nền tảng căn bản nhất để bảo toàn và tôn trọng nhân phẩm con người, cũng như của mỗi nền dân chủ. Nhà nước cần bảo vệ (tránh sự can thiệp của chủ thể thứ ba), tôn trọng (kiềm chế không can thiệp tùy tiện) và thúc đẩy (có các biện pháp chủ động để hỗ trợ) các quyền này thông qua các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều đó phải được thể hiện trước hết trong Hiến pháp quốc gia – văn bản pháp lý có giá trị tối cao. Dù đây chỉ là bước đầu tiên và tối thiểu, nó cũng cần quyết tâm chính trị rất lớn của những người soạn thảo hiến pháp Việt Nam.

Để viện trợ nhân đạo kết nối những trái tim

in Cộng Đồng

Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) đã hoạt động ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hơn hai mươi năm qua và đóng góp rất lớn cho việc phát triển kinh tế, xã hội, và xóa đói giảm nghèo. Có INGOs đã hoạt động ở Việt Nam từ 1948 trong thời chiến tranh như Secours Populaire Francais. Khi chiến tranh kết thúc cùng sự cấm vận của Hoa Kỳ vào năm 1979, hầu như không còn INGOs nào hoạt động ở Việt Nam. Nhờ chính sách đổi mới 1986, hiện có khoảng 900 tổ chức INGOs và Văn phòng dự án hoạt động. Thành tựu giảm nghèo ngoạn mục của Việt Nam từ 58% năm 1997 xuống còn khoảng 12% năm 2012 chắc chắn có phần đóng góp đáng kể của INGOs.


Ảnh: ngày hội xanh do Oxfam tài trợ, C&C và Live & Learn thực hiện ở Đồng Tháp (nguồn: internet)

Những ngày đầu tiên vào Việt Nam, mục đích hoạt động của INGOs chỉ tập trung vào xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng vừa và nhỏ. Đây là nhu cầu cấp thiết của Việt Nam thời kỳ nghèo khó. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức INGOs không dễ dàng gì vì quản lý an ninh chặt chẽ. Việc triển khai các hoạt động dự án luôn được giám sát bởi chính quyền địa phương và lực lượng an ninh. Bất cứ chuyến đi công tác nào ra khỏi Hà Nội, người nước ngoài cũng phải xin phép. Khi ở thực địa, người nước ngoài đi đến đâu thì lực lượng an ninh đi đến đó. Nhiều khi, do không có điều kiện cơ sở hạ tầng, người nước ngoài còn e dè không dám đi vệ sinh vì phải đi “lộ thiên” mà luôn có cảm giác có người dõi theo.

Các ngờ vực luôn luôn hiện hữu vì vào thời đó, nhiều người Việt Nam không hiểu sứ mệnh của các tổ chức phi chính phủ quốc tế là gì. Với họ tư bản là tư bản, và tư bản luôn có âm mưu lật đổ và chống phá chính quyền. Khi thân thiết hoặc sau một vài chén ngà ngà, cán bộ địa phương thường vặn vẹo “làm gì có chuyện cho không? Chắc chắn họ phải có âm mưu nào đó chứ.” Có lẽ, cái nghèo đói thời bao cấp, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, và nhiều năm đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, nên người dân không thể tin rằng có những người sẵn sàng chia sẻ “đồng tiền, bát gạo” với những trẻ em nghèo, nông dân đói kém ở nơi xa xôi mà họ thậm chí còn chưa hề biết mặt.

Sau hơn hai thập kỷ phát triển ngoạn mục, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ có nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ người nghèo. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều nhà tài trợ như Vụ phát triển quốc tế Anh (DFID), Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sĩ (SDC), Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) bắt đầu rút tài trợ. Tuy nhiên, các tổ chức INGOs vẫn tin rằng ở Việt Nam vẫn còn hàng triệu người nghèo cần tiếp tục được giúp đỡ. Bên cạnh đó, những nhu cầu mới phát sinh do mức độ phát triển mới của Việt Nam, nhiều tổ chức mở rộng hoạt động qua các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, nhân quyền, quản trị nhà nước và phát triển xã hội dân sự.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ tài chính của các tổ chức INGOs vẫn cần thiết, nhưng không phải là cấp thiết như hồi Việt Nam đang chìm trong thiếu đói. Nhiều địa phương vẫn muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của các INGO nhưng cũng có nhiều địa phương không còn muốn nhận nguồn tiền này nữa, đặc biệt những dự án về những chủ đề “nhạy cảm” như dân chủ cơ cở, sự tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình của nhà nước, hay bảo vệ quyền con người.

Cho dù có e ngại nhưng chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của viện trợ không hoàn lại của các tổ chức INGOs. Chính phủ ban hành nghị định 93/2009/NĐ-CP về quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là nghị định 93) và Bộ Kế hoạch và Đâu tư có Thông tư 07/2010/TT-BKH hướng dẫn thi hành (gọi tắt là thông tư 07). Tuy nhiên, có nhiều phản hồi là các chính sách mới đã gây khó khăn cho việc hoạt động của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Theo một số nghiên cứu thì ít cơ quan chính quyền địa phương biết và hiểu về nghị định 93 vì họ không được tập huấn về nội dung của nghị định. Các tỉnh thường tổ chức hội nghị huy động viện trợ, nhưng không có nhiều hoạt động liên quan đến quản lý và tăng cường hiệu quả của viện trợ. Bên cạnh đó, việc phê duyệt, tiếp nhận và quản lý viện trợ của các tổ chức INGOs không thống nhất, và được thực hiện khác nhau ở những địa phương khác nhau. Ngoài ra, có sự vênh giữa Nghị định 93 (nhấn mạnh đến vai trò của sở Kế hoạch và Đầu tư trong thẩm định và phê duyệt dự án) với Nghị định 12/2012/NĐ-CP (nhấn mạnh vai trò của Sở ngoại vụ trong quản lý hoạt động của INGOs ở địa phương). Như vậy, bên Kế hoạch đầu tư phải thẩm định và phê duyệt dự án, còn bên Ngoại vụ lại quản lý hoạt động. Do thông tin giữa các bên liên quan không chia sẻ nên gây khó khăn cho việc quản lý, từ đó gây ra những khó khăn cho hoạt động của INGOs.  

Hơn nữa, theo Nghị định 93, tất cả các dự án viện trợ, bất kể nguồn và kích cỡ tài trợ, của các tổ chức INGOs phải được phê duyệt trước khi triển khai. Nếu so sánh với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì các dự án INGOs chịu sự quản lý nặng nề hơn. Ví dụ nếu dự án FDI ở khu công nghiệp có vốn dưới 300 tỉ thì chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký, không cần thẩm tra nếu không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện. Như vậy, viện trợ nhân đạo đang chịu quy trình phê duyệt khó khăn hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dường như, vấn đề an ninh luôn luôn là mối quan ngại lớn nhất trong việc thẩm định, quản lý và triển khai các dự án của INGOs. Chính vì vậy, quá trình phê duyệt dự án thường kéo dài từ 2 đến 6 tháng trong khi đó, nghị định 93 quy định thời gian phê duyệt chỉ là 20 ngày.

Bên cạnh đó, viện trợ nhân đạo đang được xem là “vốn ngân sách nhà nước” nhiều hơn là “hỗ trợ chia sẻ giữa con người với con người.” Đây cũng là lý do bên Kế hoạch đầu tư, dù quan tâm hơn đến các dự án đầu tư tư nhân và nước ngoài lớn, nhưng lại được giao thẩm định và phê duyệt cả các dự án xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội và con người. Họ cũng không phải là người tham gia vận động viện trợ nên họ không thấu hiểu được sự khó khăn của việc kêu gọi các tổ chức viện trợ vào Việt Nam. Chính vì vậy, việc phê duyệt thường chậm, thủ tục rườm rà và gây khó dễ cho các tổ chức.

Nhưng trên hết, có lẽ việc quản lý chặt và rườm rà viện trợ nhân đạo của các tổ chức INGOs là do vẫn còn quan ngại của nhà nước với hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam. Việc quản lý được xây dựng trên những e ngại về an ninh, “diễn biến hòa bình” hơn là trên triết lý nhân văn của viện trợ nhân đạo. Điều này ảnh hưởng đến việc kêu gọi và hấp dẫn viện trợ cho Việt Nam. Khi Việt Nam trở thành một nước trung bình và các tổ chức sẽ phải cạnh tranh giữa các nước trong khu vực và thậm chí toàn cầu, việc yêu cầu phê duyệt rườm rà sẽ gây thêm khó khăn cho việc hấp dẫn viện trợ cho Việt Nam. Trên thực tế, đã có tổ chức quốc tế vì vướng về mặt phê duyệt nên đã chuyển tài trợ qua Cambodia, Myanmar hoặc Bangladesh. Điều này chính quyền không thiệt thòi gì, nhưng những người nghèo sẽ không nhận được viện trợ nữa.

Để khắc phục việc này, cần gộp hoạt động kêu gọi, phê duyệt và quản lý viện trợ về một mối, có thể là Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) và các cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh. Giải pháp này là phù hợp vì PACCOM, người đi kêu gọi sẽ là người trân trọng các nguồn viện trợ, nên sẽ hiểu và tạo điều kiện cho các tổ chức INGOs hoạt động tốt hơn. Nó sẽ phù hợp với ý nghĩa của tiền viện trợ nhân đạo, đó là sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau giữa nhân dân các nước và nhân dân Việt Nam. Những dự án viện trợ không thuộc các nội dung cần phê duyệt như an ninh quốc phòng (cụ thể như dự án ở các xã vùng biên hoặc vùng quân sự) nên chỉ phải đăng ký với cơ quan nhà nước, và hoạt động theo đúng quy định của Bộ tài chính và kiểm toán độc lập. Đây chính là cách làm hiệu quả, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc hội nhập cũng như trân trọng các hỗ trợ nhân đạo của nhân dân các nước cho Việt Nam.

Tự do tư tưởng cần được bảo vệ bởi Hiến pháp

in Cộng Đồng

Tôn trọng tự do chính là tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính, tôn trọng thiểu số (bao gồm thiểu số về quan điểm, về tư tưởng). Cùng với sự ra đời của các bản hiến pháp trên thế giới, nhiều quyền con người đã được “hiến pháp hóa”. Hiến pháp đã trở thành một công cụ quan trọng để bảo vệ các quyền tự do của con người, trong đó có tự do tư tưởng.


Ảnh: Ngày hội thanh niên Việt Nam (nguồn: internet)

Vì tư tưởng dẫn dắt hành động, tự do tư tưởng có lẽ là tự do đầu tiên và thiết yếu nhất. Tự do tư tưởng thường được hiểu là quyền suy luận, phán đoán, phán xét theo ý nghĩ của mình. Tự do tư tưởng là tư duy một cách tự do, không bị ràng buộc bởi ý thức hệ, bởi định kiến, thiên kiến hoặc sự sợ hãi. Nhìn từ nhiều tôn giáo, tự do ý chí – tự quyết về tư tưởng – không phải là một món quà từ bất kỳ một chủ thể bên ngoài nào, mà chính là một quyền tự nhiên, một bản năng của con người. Tự do tư tưởng có vai trò thiết yếu đối với mọi cá nhân và cộng đồng, nhưng quyền này là đặc biệt thiết yếu đối với người trí thức – những người lấy việc tư duy, suy nghĩ về các vấn đề tự nhiên, xã hội làm hoạt động chính của mình. Một vị lão thành cách mạng Việt Nam đã có so sánh rất hay rằng: dân chủ hoá đối với nông dân là được ruộng cày, được giảm tô thuế, dân chủ hoá đối với trí thức trước hết là được tự do tư tưởng.

Từ góc độ pháp lý quốc tế, các quyền tự do tư tưởng, lương tâm (freedom of thought, conscience) được ghi nhận chung với tự do tôn giáo trong Điều 18 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR, 1948), sau đó được cụ thể hóa tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966 – Việt Nam đã tham gia vào năm 1982), theo đó: Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC, cơ quan có nhiệm vụ giám sát việc thực thi ICCPR) đã giải thích rõ thêm (trong Bình luận chung số 22 thông qua tại phiên họp lần thứ 48 năm 1993 của Ủy ban): “Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo có tính bao quát và sâu sắc. Nó bao gồm quyền tự do suy nghĩ về tất cả các vấn đề, tự do tin tưởng và giữ niềm tin vào các tôn giáo hay tín ngưỡng, cả trên phương diện cá nhân hay tập thể. Các quyền tự do này phải được tôn trọng và không thể bị hạn chế hay tước bỏ trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia…”.

Theo Karl Josef Partsch, các khái niệm “tư tưởng”, “lương tâm” và “tôn giáo” bao trùm “mọi thái độ mà một cá nhân có thể có đối với thế giới, với xã hội, hay những yếu tố có thể ảnh hưởng tới số phận của người đó, số phận của thế giới, có thể là một vị thần, một thực thể tối cao hoặc chỉ là lý lẽ và lập luận hợp lý, hoặc chỉ là ngẫu nhiên”. Partsch đã đưa ra một số nguyên nhân giải thích cho hiện tượng các quốc gia khó đi đến nhất trí về khái niệm tôn giáo. Những người theo chủ nghĩa vô thần thì đề cao “tư tưởng” và “lương tri” hơn “tôn giáo”. Những người theo chủ nghĩa tự do thì coi cả ba tự do này ngang nhau, không cái nào hơn cái nào. Những người sùng đạo thì cho rằng “tư tưởng và lương tri” không những tương đồng với tôn giáo nói chung, mà còn tương đồng với tôn giáo thật sự duy nhất mà họ theo. Tuy nhiên, ICCPR và UDHR đều không đưa ra định nghĩa về “tư tưởng”, “lương tâm” và “tôn giáo”.

Liên quan chặt chẽ với tư tưởng, lương tâm (conscience) thường được hiểu như một phạm trù đạo đức là năng lực tự đánh giá và điều chỉnh hành vi, giúp cá nhân phân biệt đúng – sai, điều nên làm – không nên làm. “Quyền tự do tư tưởng và lương tâm” nghĩa là quyền của mọi người có tư tưởng và lương tâm độc lập, không phải chịu những ảnh hưởng “không được phép” (impermissible) từ bên ngoài. Quyền được độc lập về đạo đức và tinh thần này liên hệ chặt chẽ với quyền riêng tư, cũng như quyền tự do quan điểm. Bổ sung cho những quyền, tự do này, Điều 18 (1) ICCPR yêu cầu các quốc gia thành viên không được can thiệp vào sự độc lập về đạo đức và tinh thần của một cá nhân, cho dù thông qua việc truyền bá, “tẩy não”, gây ảnh hưởng đến tư duy hữu thức và vô thức bởi các phương tiện áp đặt. Đồng thời, các quốc gia thành viên cần ngăn chặn các chủ thể tư nhân thực hiện những hoạt động này. Cũng cần lưu ý rằng “tín ngưỡng” (belief), cũng như “tôn giáo”, được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả những niềm tin vô thần và hữu thần (Bình luận chung số 22).

Trong thực tế, lằn ranh phân biệt giữa sự can thiệp (không được phép) vào tự do tư tưởng, lương tâm với ảnh hưởng (được phép) mà một người tiếp nhận hàng ngày từ các phương tiện truyền thông, quảng cáo tư nhân và tuyên truyền nhà nước không dễ chỉ ra. Mặc dù vậy, có một nguyên tắc chung trong mọi trường hợp: sự ảnh hưởng là không được phép nếu thông qua phương thức ép buộc, đe dọa hoặc trái với ý chí của người liên quan.

Các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980 và 1992) đều chưa đề cập đến tự do tư tưởng. Gần với tự do tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng được Hiến pháp 1946 ghi nhận (Điều thứ 10). Các hiến pháp tiếp theo ghi nhận “quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo” (Điều 26 Hiến pháp 1959, Điều 68 Hiến pháp 1980) và quyền “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 70 Hiến pháp 1992). Tự do tư tưởng ít nhiều đề cập đến trong nhiều văn kiện của nhà nước. Gần đây nhất, liên quan đến định hướng nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, mục III.1 của Quyết định số 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (ngày 11/ 4/ 2012), về đổi tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ: gồm “Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức khoa học và công nghệ vì sự phát triển của đất nước.”

Một tiền đề của tự do tư tưởng là nhà nước không áp đặt, không tự “trói mình” và trói những chủ thể khác trong xã hội, vào một hệ tư tưởng nào. Lựa chọn một hệ tư tưởng là vấn đề của các đảng phái, các tổ chức xã hội, các đoàn thể chính trị và của từng cá nhân. Đối với một quốc gia, dân tộc, các thành phần xã hội là vô cùng đa dạng, không thể ấn định một hệ tư tưởng thống trị, nhất là hệ tư tưởng du nhập từ bên ngoài vào. Do đó, cần bổ sung “quyền tự do tư tưởng” vào Hiến pháp (Điều 25 của Dự thảo công bố tháng 1/2013), bên cạnh quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, cũng như phải thảo luận kỹ lưỡng về một hệ tư tưởng chung của quốc gia trước khi ấn định vào Hiến pháp.

“Chúa tể của đói nghèo” và sự củng cố ngai vàng ở Phi Châu

in Cộng Đồng

Trong các chuyến đi của mình đến Phi Châu và quan sát thấy nhiều thứ còn bất cập ở nơi đây, tôi chợt nghĩ về Đất nước mình, một đất nước đã cố gắng rất nhiều để thoát ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp (theo quan điểm Tây Phương). Nhìn ngắm Phi Châu để ta thấy là mình có nhiều tiến bộ, nhưng cũng để thấy rằng nếu chúng ta không tự “vươn” lên được bằng nội lực, thì cũng như Phi Châu, chúng ta vẫn sẽ là nơi để các “Chúa tể (gây) nghèo đói” chọn làm trạm dừng chân dài hạn.


Ảnh: Châu Phi có văn hóa đa dạng và đặc sắc. Nguồn: Internet.

Giống như Việt Nam những năm gần đây, khi nhiều chính sách giảm nghèo được bàn bạc và thảo luận tại Melia, Hilton hay Horizon, ở cấp độ toàn cầu những hội nghị đình đám từ trước tới giờ hay được tổ chức tại các khách sạn 5 sao cùng Sâm panh tràn trề và Limousine xa xỉ bởi các định chế tài chính hùng mạnh như WB, IMF và các tổ chức ăn theo khác. Sự bàn bạc và thỏa thuận “chung tay hành động” xung quanh món trứng cá hồi và tôm hùm nướng  đã góp phần định hình những chính sách theo hướng “hợp nhất phát triển” trong đó lấy “phát triển công nghiệp” theo mô hình phương tây làm nền tảng. Từ quan điểm này, khái niệm “phát triển” khi đứng trước tên một Quốc gia nào đấy (trong tiếng Anh developed countries) thường được mặc định là có nền công nghiệp tiên tiến và kinh tế phát triển. Ngược lại những nước được đứng sau từ “dưới mức phát triển” (under-developed) hoặc “đang phát triển” (developing) là những gì thuộc về “đi sau”, “lạc hậu” và “còi cọc”. Chưa vội bàn đến việc quan điểm này đúng hay sai mà hãy tạm thời tìm hiểu xem nó có ảnh hưởng như thế nào đến cách tiếp cận trong phát triển của phương Tây đối với các nước khó khăn mà đặc biệt là Phi Châu.
Trước hết, từ quan niệm này, người phương Tây, mà đặc biệt là WB và IMF (cùng các tổ chức nhận tài trợ của họ) luôn coi mình là những gì thuộc về “tiến bộ” và “văn minh”. Họ đến Phi Châu để giúp các nước này tìm ra “niềm hy vọng” và “tiềm năng” ở nơi đây và họ tin tưởng rằng nếu mô hình “hợp nhất phát triển” được áp dụng thì sẽ rất nhanh chóng làm thay đổi lục địa này. Theo số liệu của Văn phòng Cố Vấn cho Châu Phi của Liên Hợp Quốc (United Nations Office of the Special Adviser on Africa – UNOSAA), trong vòng 4 thập kỷ, viện trợ từ các nước phát triển (Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản .v.v) dành cho cho Phi Châu đã tăng lên 4 lần từ mức 11 tỷ USD lến 44 tỷ USD vào năm 2008, trong đó trong giai đoạn 2005-2008 số tiền này tăng khoảng 10 tỷ USD. Tiền tài trợ cho Phi Châu chiếm khoảng 36% tổng vốn viện trợ toàn cầu. Vậy số tiền khổng lồ này (và còn rất nhiều nguồn viện trợ khác nữa) có thực sự mang lại niềm hy vọng và sự thịnh vượng cho Phi Châu không? Theo nhận định của Dambisa Moyo, tác giả cuốn “Dead Aid: why aid is not working and how is another way for Africa” thì là không, và “trong thực tế, xuyên suốt lục địa này, những người nhận viện trợ không những không sung sướng hơn như họ mong đợi mà ngược lại – tồi tệ hơn nhiều”. Thực tế tình trạng nghèo đói tiếp tục leo thang và tăng trưởng kinh tế tụt giảm đều đều. Tuy có một vài nước đạt tăng trưởng ổn trong những năm qua, nhưng về cơ bản có thể khẳng định, phương Tây đã thất bại trong việc vực dậy một Phi Châu nghèo đói.
Vậy tại sao họ lại thất bại, rất khó giải thích đầy đủ vì bản thân tác giả không đủ kiến thức và chuyên môn cùng các nghiên cứu sâu để làm điều đó. Tuy nhiên có thể nguyên nhân trước hết là do phương Tây luôn đóng vai trò là “kẻ cho” trong hầu hết các dự án cứu trợ hay phát triển, và tuy họ luôn nói là đến để đáp ứng các nhu cầu của người bản địa nhưng phần lớn họ lại thiếu lòng tin về các đối tác (đặc biệt là các cơ quan chính phủ) địa phương và cho rằng các Chính phủ Phi Châu thường cố gắng đòi hỏi nhiều hơn thực tế họ cần. Vấn đề này đã phần nào giảm đi đáng kể các tác động tích cực của các chương trình phát triển và khi đã không được tin tưởng thì cái gọi là “chung tay hành động” chỉ còn là khẩu hiệu.
Quan niệm “Quốc gia phát triển” đã hình thành nên những nhìn nhận lêch lạc về năng lực của các cá nhân hay tổ chức vì nó ngầm định rằng do tôi là công dân Tây Phương nên chắc rằng tôi phải tiến bộ hơn anh, năng lực tốt hơn anh vì anh là người Phi Châu và anh sống trong một đất nước lạc hậu. Một ví dụ điển hình là có rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Hoa Kỳ và thuộc dạng “miệng còn hôi sữa” được cử sang Phi Châu trong một chương trình cứu trợ mà phần lớn tiền tài trợ được dùng để trả lương cho các sinh viên này. Họ chưa sang Phi Châu bao giờ và cũng không hề có một chút kinh nghiệm thực tiễn nào về các lĩnh vực này, tuy nhiên họ vẫn được gửi sang và được trao “quyền” và trọng trách quản lý các trại tị nạn nơi nắm giữ cuộc sống của hàng trăm ngàn người – và rất nhiều trong số đó có trình độ và kỹ năng vượt xa các sinh viên kia. Đây chính là vấn đề về “Quyền tự quyết và chủ động” của chính phủ và người dân các Quốc gia được gọi là kém phát triển. Đây cũng là kết quả của việc không hoạt động trên mối quan hệ đối tác bình đẳng (với Chính phủ các nước nhận tài trợ). Ngoài ra các các khoản đầu tư quá lớn và vội vã còn có thể góp phần triệt tiêu các nỗ lực vươn lên của những cộng đồng có sức mạnh nội tại thấp như Phi Châu.
Một vấn đề nữa cũng có thể là nguyên nhân đó là khi khái niệm về “khoảng cách giàu nghèo” ra đời thì chúng ta thường hỏi là làm thế nào để có thể giảm khoảng cách này giữa các Quốc gia phát triển và các Quốc gia kém phát triển, góp phần tạo ra một thế giới công bằng hơn. Câu trả lời là trong khoảng cách giữa giàu và nghèo này tồn tại cái được gọi là các “tổ chức làm về phát triển”. Họ hoạt động như các thực thể trung gian để đem các nguồn lực và giá trị phương Tây đến với các nước nghèo. Để thực thi cái họ gọi là “sứ mệnh” này họ sử dụng rất nhiều “chuyên gia” đến từ các nước giàu, được trả lương hậu hĩnh, những người mà cuộc sống hàng ngày chưa bao giờ đụng chạm đến các vấn đề về nghèo đói toàn cầu hay những vấn đề tương tự, nhưng họ lại được trông đợi sẽ giúp các nước kém phát triển đẩy lùi nghèo đói. Một thực tế là tuy làm việc ở các nước kém phát triển, nhưng cuộc sống và các chế độ đãi ngộ của những chuyên gia này vượt xa so với những gì họ có thể có nếu sống ở trong nước và làm việc trong ngành công nghiệp hay tài chính. Tuy nhiên cái quan trọng hơn là so với các đồng nghiệp ở trong nước, họ không bị đánh giá gắt gao về thành tích và kết quả đầu ra do đặc thù cộng việc làm về phát triển. Nghề này được xếp loại là “nhân đạo” chứ không phải “sản xuất” hay “bán hàng”, cho nên sản phẩm của họ không đong đếm được cụ thể.
Đặc biệt hơn, bao xung quanh họ chính là những “mỹ từ” nhằm lừa phỉnh về ngành nghề “cao quý” của họ và để giúp họ bảo vệ được lợi ích của riêng mình từ các chương trình phát triển. Vậy thì tại sao họ lại để cho các nước nghèo và đặc biệt là Phi Châu phát triển? Họ sẽ ra sao nếu nước nào cũng phát triển nhanh chóng như Hàn Quốc hay Trung Quốc? Câu trả lời là họ sẽ vẫn là người trung gian, những người có sứ mệnh cao quý và mức lương “tạm ổn” chừng nào vẫn còn nhiều các nước thuộc thế giới thứ 3 khó thoát nghèo, và họ sẽ cố gắng trong khả năng nhất định của mình (cùng tổ chức) để duy trì trật tự này, và về bản chất họ mới chính là “Chúa tể của nghèo đói” theo quan điểm của Graham Hancock trong tác phẩm “Lords of Poverty” nổi tiếng.
Và những tuyên bố giống phát biểu của Barber Conable, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) giai đoạn 1986 – 1991 tại một cuộc họp của WB, IMF và Đại diện Chính phủ các nước giàu trên thế giới vẫn còn văng vẳng trong các khách sạn sang trọng giữa các nước nghèo: “Chúng ta là một tổ chức hùng mạnh về nguồn lực và kinh nghiệm, nhưng sẽ thật khiếm khuyết nếu chúng ta không thể nhìn thế giới bằng con mắt của phần lớn những người bị thiệt thòi, hoặc nếu chúng ta không thể chia sẻ “niềm hy vọng” và “nỗi sợ hãi” với họ. Chúng ta có mặt ở đây để đáp ứng “các nhu cầu của họ”, giúp họ nhận ra các “thế mạnh, tiềm năng” và “lòng khao khát” của chính mình… Chung tay hành động chống lại đói nghèo trên toàn cầu chính là mục đích chung gắn bó chúng ta tại đây, ngày hôm nay”. Tiếc rằng, nếu nhìn lại tình hình đói nghèo và bất bình đẳng trên thế giới, các phát biểu trong khách sạn 5 sao như thế này thường vẫn chỉ là khẩu hiệu.
Bài học từ sự thất bại của Phi Châu trong công cuộc thoát nghèo nhắc nhở Việt Nam chúng ta một thực tế rằng vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta thực sự bắt tay hành động với mong muốn và nguồn lực của riêng mình trong khi vẫn trân trọng sự giúp đỡ từ các nguồn vốn viện trợ từ các nước giàu – như là chất xúc tác cần thiết cho các dự án phát triển. Cũng giống như ý nghĩa từ câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine – “Chim Sơn ca và đàn con” – “nếu như người ta tự bắt tay vào công việc chứ không trông đợi ở những người khác thì chắc chắn việc này sẽ thành hiện thực”. Đất nước của chúng ta chỉ có thể phát triển khi nội lưc con người cùng các giá trị Quốc gia, Dân tộc được khơi dậy và phát huy đúng thời điểm.

Tìm lại giá trị Việt

in Cộng Đồng

Một dân tộc muốn phát triển phải có giá trị chung làm động lực quốc gia. Với người Mỹ, đó là giấc mơ Mỹ, nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội công bằng để thành công. Văn hóa và Hiến pháp Mỹ xoay quanh việc bảo vệ giá trị và quyền lợi cá nhân, mọi người đều được thừa nhận và tạo điều kiện để phát triển. Đối với người Nhật, đó là năm giá trị cốt lõi như tự do, dân chủ, nhân quyền, kinh tế thị trường và pháp quyền. Đối với người Pháp, đó là lao động, trí tuệ, tài năng và trách nhiệm. Trong khủng hoảng hay thời thịnh vượng, các nước đều dựa vào hệ giá trị của mình để định hướng cho mọi chính sách đối nội và đối ngoại. Những giá trị quốc gia không những được được bảo vệ, mà còn được truyền bá như là lợi ích cơ bản của mình.


Ảnh: mọi người đều có chỗ dưới bầu trời này (ảnh triển lãm Bằng)

Như vậy, đâu là giá trị của người Việt?

Trong vô vàn những giá trị truyền thống, có lẽ nổi lên nhất đó là tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường, truyền thống đoàn kết vì đại nghĩa dân tộc. Đây chính là giá trị đã làm cho người Việt thoát khỏi nghìn năm đô hộ của chủ nghĩa bành trướng đại Hán và đánh thắng các cuộc chiến tranh với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ba thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tinh thần yêu nước luôn chảy hừng hực trong mỗi người dân Việt Nam. Lịch sử đã cho thấy, nhà nước nào vì độc lập, tự cường của dân tộc sẽ được ủng hộ. Chế độ nào hèn nhát, nhu nhược hoặc khuất phục trước ngoại bang sẽ bị nguyền rủa và lật đổ bởi nhân dân.  

Như vậy, lòng yêu nước, ý chí tự lập tự cường là khởi nguồn và động lực phát triển của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, tố chất này thường được phát huy trong thời chiến hơn là thời bình. Việt Nam cần có chiến lược điều chỉnh năng lượng biểu thị lòng yêu nước vào các công việc hàng ngày, trong lao động, sản xuất và nghiên cứu khoa học. Nhà nước cần để cho nhân dân thấy được nguy cơ tụt hậu, kém phát triển của mình sẽ dẫn đến sự lệ thuộc và bị đô hộ bởi nước ngoài. Quốc gia cần phải trung thực trong việc nhận định chỗ đứng của dân tộc, để từ đó làm động lực vươn lên.  

Một giá trị Việt nữa đó là truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Nhiều người nước ngoài khâm phục tính chịu khó của người Việt. Có vị giáo sư người Thái lần đầu qua Việt Nam sau đổi mới đã thốt ra rằng, nếu có chính sách đúng thì Việt Nam sẽ vượt Thái Lan vì người Việt làm việc quá chăm chỉ, không sợ khó và không sợ khổ. Điều này đã đúng một phần trong quá khứ. Khi nông dân được giải phóng khỏi những kìm kẹp của kinh tế tập trung bao cấp, họ đã đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu đói thành quốc gia xuất khẩu gạo. Chính vì vậy, Việt Nam cần có chính sách giải phóng mọi thành phần xã hội, đảm bảo tự do sáng tạo và quyên sở hữu tài sản, đất đai cho tất cả mọi người. Khi đó, giá trị này sẽ làm bệ phóng cho phát triển kinh tế của Việt Nam.  

Trong thời kỳ toàn cầu hóa tính thích nghi và hội nhập là một lợi thế của người Việt. Giá trị này đã làm cho người Việt cởi mở, tiếp thu nhiều giá trị khác nhau của nhân loại. Nhiều người nước ngoài làm việc và sinh sống ở Việt Nam rất thoải mái, vì họ được tôn trọng và lắng nghe trong công việc. Cộng với hàng triệu người Việt đang sống ở Mỹ, Châu Âu, Úc và Đông Nam Á, sự học hỏi của dân tộc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Giá trị này nên là nền tảng cho các chính sách hòa hợp dân tộc và hòa bình hữu nghị. Khi đó, Việt Nam có thể đóng góp vào tư duy sáng tạo toàn cầu, làm điểm đến của nguồn lực và công nghệ cần thiết cho phát triển kinh tế và xã hội.  

Tính thích nghi và hội nhập được xây dựng trên một truyền thống hiếu học, trọng học vấn của người Việt. Việc cho con đi học, tiếp thu kiến thức, kỹ năng “để làm người” là ưu tiên hàng đầu của các gia đình Việt Nam. Làm sao có một nền giáo dục tốt để người Việt tiếp thu được kiến thức nhân loại, giá trị toàn cầu, hòa hợp và phát triển là một trách nhiệm to lớn của nhà nước. Nếu nền giáo dục không tốt sẽ làm hoài phí khát vọng kiến thức và học vấn của nhân dân, tạo ra những lớp người lệch lạc mà trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về nhà cầm quyền. Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống trọng dụng người tài, để ai có học vấn được vời vào những vị trí quan trọng. Có như vậy, truyền thống hiếu học và trọng học vấn mới là nền tảng để Việt Nam tiến vào nền kinh tế tri thức, hợp tác với các nước cũng như tập đoàn trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Nhưng trên hết, tính cộng đồng, tinh thần nhân ái và khoan dung là một giá trị nền tảng của người Việt. Các giá trị nhân văn đã được đúc kết ngay trong những câu ca dao tục ngữ như “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn” hay “anh em như thể chân tay” và “người trong một nước phải thương nhau cùng.” Giá trị này sâu đậm và tạo nên sự bao dung của người Việt. Chính vì vậy, văn hóa Việt không có sự cực đoan trong việc đối xử giữa người với người, và với các dân tộc khác. Điều này được khắc họa trong các câu văn của Nguyễn Trãi như “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo.” Đây chính là giá trị để giải thích tại sao người Việt có thể đón nhận người Nhật, Pháp, Mỹ sau khi họ đã gây ra bao nhiêu đau thương cho dân tộc.

Rõ ràng, các giá trị của người Việt là kết quả hun đúc nghìn năm dựng nước và giữ nước. Những giá trị này là nền tảng, là trầm tích để xây dựng tính cách con người Việt Nam. Các chính sách thành công hay thất bại là do có dựa vào các giá trị Việt để khơi ra sức mạnh dân tộc hay không. Tuy nhiên, những giá trị này đang bị lu mờ bởi “cát bụi” do những đảo lộn xã hội mang lại. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng sau thời kỳ “tự hào thái quá” người Việt đang dần nhận ra vị thế thực sự và những hạn chế của mình.

Chúng ta cần phải biến những rủi ro tụt hậu, bị giật dây hay đô hộ, thành động lực để toàn dân tộc tiến lên. Phải phá bỏ những rào cản làm người dân không thể lao động chăm chỉ vì quyền sở hữu tư nhân của mình chưa được bảo vệ đầy đủ và khuyến khích. Phải thúc đẩy tư duy sáng tạo và sáng kiến bằng việc bảo vệ quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội hay tự do tư tưởng trong giáo dục, hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học. Nhưng trên hết, cần phải xây dựng chính sách nhân văn, không phân biệt đối xử bất cứ ai dựa trên các khác biệt về dân tộc, tư tưởng, tôn giáo hay nguồn gốc xuất thân. Phát huy giá trị Việt là trách nhiệm to lớn của nhà nước, nhưng trước hết, trách nhiệm đang nằm ở trong mỗi người Việt Nam.

Để giá trị Việt tỏa sáng thì chúng ta phải tự dọn rác, quét bụi và sửa mình. Chúng ta không  thể chiến thắng bóng đêm ngoài kia, nếu chúng ta để bóng đêm ngự trị trong chính bản thân mình. Để xóa bỏ những điều phi đạo đức, phi giáo dục, phi nhân tính trong xã hội mỗi người phải sống chính trực. Đây không phải là một triết lý cao siêu mà là một điều đơn giản Chỉ khi cái tốt lên tiếng cái xấu mới bị đẩy lùi, và khi đó giá trị Việt mới đưa dân tộc Việt tiến lên.

Sao Oxford vẫn là nạn nhân của kỳ thị chủng tộc?

in Cộng Đồng

Những trường đại học danh tiếng như Cambridge, Princeton hay Harvad luôn quan tâm đến việc đảm bảo “cơ hội bình đẳng” cho mọi người. Princeton còn có chính sách cấp học bổng cho sinh viên theo điều kiện tài chính để không sinh viên nào phải vay nợ khi ra trường, và đây cũng là chính sách nhằm đảm bảo việc xét tuyển thực sự dựa vào năng lực hơn là các đặc điểm khác. Vụ việc trường đại học Oxford của Anh bị lên án là có những kỳ thị trong việc tuyển chọn sinh viên là một quả bom đối với giới làm giáo dục. Tại sao một trường danh tiếng như Oxford lại vẫn để điều này xảy ra?


Ảnh: Một hiệu sách của NXB trường ĐH Oxford (nguồn internet)

Từ lâu, các phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính hay các đặc điểm khác biệt đã bị cấm bởi pháp luật và lên án bởi chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, những định kiến và kỳ thị tiêu cực và đôi khi khó nhận biết vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Điều này được giải thích bởi Dovidio, Gaertner, Kawakami và Hodson bằng hệ thống “thái độ kép”, gồm thái độ định kiến “ẩn” và thái độ định kiến “hiện.” Qua các thí nghiệm của mình họ đã chứng minh rằng sự phân biệt chủng tộc hiện đại thường là vô thức. Người da trắng đã tiếp nhận các định kiến về người da đen thông qua các tiếp xúc xã hội khi còn nhỏ. Sau đó, qua giáo dục, hoặc quy định pháp luật, hoặc chuẩn mực xã hội mà người da trắng thay đổi thái độ. Tuy nhiên, thái độ ban đầu đã không bị thay thế mà được lưu trữ và trở nên “ẩn”. Người da trắng có thể kiểm soát hành vi “hiện” của họ, tuy nhiên, thái độ “ẩn” thì ngược lại, sẽ tự động kích hoạt trong các bối cảnh liên quan đến chủng tộc.

Trong các thí nghiệm về can thiệp khẩn cấp, quyết định tuyển dụng và xét tuyển vào trường đại học, các nhà nghiên cứu đã  kiểm chứng được lý thuyết này. Ở cả ba thí nghiệm, người da trắng thường không phân biệt đối xử người da đen trong các bối cảnh cụ thể và được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, trong những điều kiện “mập mờ, không rõ ràng” hoặc có các bằng chứng mâu thuẫn, thì người da trắng có thành kiến chống lại người da đen trong xét tuyển đại học. Nói cách khác, khi có điều kiện để diễn giải, như là trong điều kiện năng lực giống nhau giữa hai ứng viên, người da trắng thường trao cho ứng viên da trắng “lợi ích của sự nghi ngờ”, một lợi ích không được trao cho những người không thuộc nhóm xã hội da trắng.

Theo như lý thuyết “thái độ kép”, người da trắng có thể kiểm soát hoàn toàn định kiến “hiện” nhưng không thể kiểm soát định kiến “ẩn”. Vì thế, khi họ không có điều kiện để biện minh cho việc thiên vị ứng viên da trắng, họ sẽ có quyết định khách quan và công bằng. Khi người da trắng có cơ hội ưu tiên người da trắng (trong bối cảnh mập mờ không rõ ràng), họ thường tìm kiếm các bằng chứng để hợp lý hoá quyết định thiên vị của mình. Trong những trường hợp này, người da trắng không lường hết các ảnh hưởng của thái độ (ẩn) trong phân biệt chủng tộc đến cuộc sống của người da đen nói chung và lên thái độ của chính họ.

Đối với người da đen họ rất nhạy cảm với cả thái độ kỳ thị “hiện” và “ẩn” của người da trắng trong các giao dịch xã hội. Họ rất tinh với các dấu hiệu của sự thiên vị và dễ dàng cho rằng đây là hành vi cố ý phân biệt chủng tộc. Vì người da trắng không thể giám sát và không muốn kiểm soát thái độ “ẩn” của mình nên họ thường cho rằng hành vi của họ là công bằng. Ngược lại, người da đen vì nhạy cảm với những định kiến và kỳ thị vô thức này nên thường lo lắng, tự vệ và luôn nghi ngờ. Chính vì vậy, theo Areonson, khi sinh viên thuộc nhóm thiểu số phải thực hiện các công việc trí tuệ như làm bài kiểm tra GRE, họ thường lo lắng vì sợ kết quả sẽ khẳng định định kiến tiêu cực về năng lực trí tuệ của họ. Vì thế họ thường phải chịu đựng một áp lực và sợ hãi ghê gớm, làm cho kết quả của họ không được tốt như bình thường. Ảnh hưởng của phân biệt đối xử tuy là tinh vi và vô thức nhưng có tác động tiêu cực lên cuộc sống của người da đen.

Điều cần biết là định kiến cũng có tác động tiêu cực lên người da trắng. Các nghiên cứu của Richeson và Shelton chỉ ra rằng định kiến làm giảm khả năng của người da trắng trong việc hoàn thành các công việc đòi hỏi sự kiềm chế bản thân. Trong một xã hội đa dạng, các giao thiệp liên sắc tộc là không thể tránh khỏi, đặc biệt với các nhóm thiểu số. Vì thế cần áp dụng các chiến lược thông minh nhằm giảm thiểu tác động tai hại của định kiến và kỳ thị.

Như vậy, cần có giải pháp phù hợp để loại bỏ tác động của định kiến “ẩn”. Vì định kiến và kỳ thị thường xảy ra trong bối cảnh không rạch ròi, có thể diễn giải theo nhiều cách khác nhau nên các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những tiêu chí hoặc điều kiện rõ ràng, cụ thể để tránh khả năng bị sử dụng, làm thiệt cho các nhóm thiểu số. Đây cũng chính là gợi ý cho Oxford và các trường đại học khác xây dựng các tiêu chí rõ ràng, cụ thể cho xét tuyển, nhằm giảm thiểu và loại bỏ các phân biệt đối xử do định kiến vô thức gây ra.

Cơ quan hiến định độc lập: quan trọng nhưng dễ thành “vật trang trí”

in Cộng Đồng

Theo nghĩa tổng quát, thuật ngữ “các cơ quan giám sát độc lập” dùng trong bài viết này chỉ những cơ quan được ghi nhận trong hiến pháp và/hoặc luật của một quốc gia với chức năng giám sát việc thực thi quyền lực công của các cơ quan nhà nước, ví dụ như Ombudsman; Cơ quan Kiểm toán quốc gia; Hội đồng/Uỷ ban bầu cử quốc gia; Ủy ban phòng, chống tham nhũng quốc gia; Ủy ban nhân quyền quốc gia; Ủy ban công vụ; Hội đồng/Toà án hiến pháp… Trong một số nghiên cứu và văn bản hiến pháp trên thế giới, các cơ quan này được gọi chung bằng những tên như independent accountability agencies/bodies/institutions, indendent oversight agencies/bodies/institutions, hoặc independent bodies

Trước hết, cần thấy rằng mặc dù có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, song tính “độc lập” (independent) của các cơ quan trên chỉ là tương đối. Ở đây, độc lập không hàm ý là các cơ quan giám sát này nằm ngoài cấu trúc thể chế của các quốc gia, cũng như không chịu trách nhiệm giải trình với bất cứ chủ thể nào. Tính độc lập chỉ có nghĩa các cơ quan này thông thường không phải là một bộ phận, và quan trọng hơn, chỉ hoạt động theo hiến pháp và/hoặc luật, không chịu sự chi phối của bất cứ nhánh quyền lực nào (lập pháp, hành pháp, tư pháp). Tính độc lập của các cơ quan giám sát độc lập, theo như phán quyết của Toà án Tối Mexico, xuất phát từ “sứ mệnh chính của các cơ quan này gắn với những lợi ích chung của cả nhà nước và xã hội”. Theo nghĩa đó, các cơ quan giám sát độc lập cần phải được thành lập và vận hành theo một cách thức vô tư, khách quan, cân bằng, phi đảng phái để có thể nhạy cảm và bảo vệ hiệu quả lợi ích chung của cả nhà nước và xã hội.

Động lực chính cho việc thành lập các cơ quan giám sát độc lập là nhu cầu giám sát việc thực thi quyền lực công của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là của nhánh hành pháp. Đây là nhu cầu chung của mọi nhà nước, bất luận thuộc thể chế chính trị nào, tuy tính chất và sự mức độ cần thiết của nó ít nhiều khác nhau giữa các quốc gia. Ở đây, cùng với sự phát triển của dân trí, dân chủ, nhu cầu của người dân trong việc kiểm soát, giám sát để bảo đảm tính minh bạch, liêm chính của các cơ quan nhà nước ngày càng cao, khiến cho các thiết chế nhà nước truyền thống, kể cả ở các quốc gia theo nguyên tắc tam quyền phân lập, không còn đáp ứng được một cách hiệu quả. Các cơ quan giám sát độc lập được thành lập để khoả lấp khoảng trống đó.

Các nghiên cứu hiện có đều cho thấy, việc thành lập các cơ quan giám sát độc lập là xu hướng chủ yếu diễn ra ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở các nền dân chủ mới (new democracies) về phía nam bán cầu, không phải của các quốc gia đã có truyền thống dân chủ ở phía bắc. Điều này có lẽ là bởi ở những nền dân chủ mới, các thiết chế truyền thống (nghị viện, chính phủ, toà án) với các quy tắc phân quyền, kiềm chế, đối trọng chưa kịp vận hành hiệu quả, đòi hỏi phải có những thiết chế bổ sung để tăng cường khả năng kiểm soát, giám sát việc sử dụng quyền lực công. Ngoài ra, một số tác giả còn đề cập đến một nguyên nhân nữa khiến cho các cơ quan giám sát độc lập gần đây chủ yếu được thành lập ở các quốc gia đang phát triển chứ không phải các quốc gia phát triển, đó là áp lực về nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các chủ thể cung cấp ODA với một số nước đang phát triển.

Theo nghiên cứu của John M. Ackerman, các cơ quan giám sát độc lập được giao nhiều thẩm quyền khác nhau như giám sát về ngân sách, giám sát về bầu cử, bảo vệ công dân (Ombudsman), công tố độc lập, dịch vụ dân sự, giám sát tư pháp, và chống tham nhũng. Trong đó, các cơ quan giám sát độc lập có chức năng giám sát ngân sách, giám sát bầu cử và bảo vệ công dân (Ombudsman) chiếm tỷ lệ áp đảo. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu khác cho thấy xu hướng thiết lập các uỷ ban quốc gia về chống tham nhũng và về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người đang gia tăng trên thế giới

Vấn đề hiệu quả hoạt động

Theo John M. Ackerman, có bốn yếu tố tạo thành “trạng thái tổ chức” (institutional situation) có thể dùng để đánh giá xem một cơ quan giám sát độc lập có thực sự phải là một động lực mới đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quản trị tốt hay chỉ là một cái bình phong che đậy cho các nhà nước chuyên chế, bao gồm: (i) Tính chính danh trong công chúng (public legitimacy), (ii) Năng lực tổ chức (institutional strength), (iii) Trách nhiệm giải trình của tổ chức (second-order accountability); (iv) Sự quan liêu, trì trệ (bureaucratic stagnation). Thành công hay thất bại trong việc bảo đảm bất  kỳ yếu tố nào trong bốn yếu tố này đều ảnh hưởng đến tính chất và hiệu quả hoạt động của các cơ quan giám sát độc lập.

Thứ nhất, về tính chính danh trong công chúng: Yếu tố này nói về hình ảnh và niềm tin của công chúng với một cơ quan giám sát độc lập. Bất cứ một cơ quan giám sát độc lập nào được lập ra đều chất chứa kỳ vọng của công chúng về việc nó sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch và liêm chính hơn trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Mặc dù vậy, giữ được niềm tin và sự ủng hộ của công chúng là một thách thức lớn với các cơ quan này, đặc biệt ở các quốc gia mà căn bệnh độc đoán, chuyên quyền và tham nhũng đã ăn sâu vào bộ máy nhà nước. Đó là bởi những căn bệnh này khó có thể giải quyết nhanh chóng và chỉ bằng nỗ lực của một cơ quan, cho dù có những thẩm quyền mạnh mẽ và được tổ chức tốt đến thế nào. Trong khi đó, bản thân các cơ quan giám sát độc lập, do được sinh ra trong bối cảnh chính trị của quốc gia đó, nên thường khó thoát khỏi sự chi phối của giới chức đương quyền. Hậu quả là rất có thể các cơ quan này chỉ có danh hiệu, còn hoạt động trong thực tế thì mang tính hình thức, chủ yếu mang tính chất “trang trí” cho nhà chức trách.

Để đưa một cơ quan giám sát độc lập vượt ra được tình thế nan giải này thông thường đòi hỏi những người làm việc cho nó phải có những nỗ lực dấn thân lớn lao trong một khoảng thời gian tuỳ thuộc vào những điều kiện khách quan về môi trường chính trị, pháp lý ở quốc gia liên quan. Thêm vào đó, các cơ quan này còn cần phải có một chiến lược để thoát ra khỏi sự kiềm chế của giới cầm quyền bằng cách khéo léo huy động sự ủng hộ của nhiều chủ thể, ví dụ như các tổ chức xã hội dân sự, giới học thuật, các cơ quan truyền thông, giới doanh nghiệp và của cộng đồng quốc tế, để củng cố và mở rộng vị thế độc lập trong hoạt động của mình.

Thứ hai, về năng lực tổ chức: Yếu tố này nói đến khả năng của các cơ quan giám sát độc lập tác động đến bộ máy nhà nước. Ở đây, kể cả khi có thuận lợi về thể chế, các cơ quan này cũng có thể hoạt động thiếu hiệu quả do năng lực hạn chế. Thực tế cho thấy việc giám sát các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước là công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan giám sát độc lập phải có đội ngũ cán bộ không chỉ tâm huyết mà còn có năng lực chuyên môn cao về vấn đề liên quan. Thông thường các cơ quan giám sát độc lập ở các quốc gia, do hạn chế về kinh phí và tính nhạy cảm trong hoạt động, rất khó tuyển được những cán bộ có phẩm chất và năng lực cao như vậy. Trong khi đó, các cơ quan này thông thường lại không trực thuộc một nhánh quyền lực hay cơ quan nhà nước nào nên không chỉ thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực giám sát mà nhiều khi còn thiếu cả các nguồn thông tin, tư liệu, tài chính cho hoạt động này. Ngoài ra, việc đứng ngoài hệ thống của các nhánh quyền lực nhà nước trong nhiều trường hợp còn khiến cho các cơ quan giám sát độc lập không nhận được sự hợp tác của các chủ thể bị giám sát, trong khi họ thường không được giao thẩm quyền cưỡng chế.

Để giải quyết khó khăn trên, thắt chặt mối quan hệ với công chúng là chiến lược cần thiết của các cơ quan giám sát độc lập. Thêm vào đó, việc tìm kiếm sự phối hợp, giúp đỡ của những chủ thể đã nêu ở phần trên, đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông và giới học thuật, có thể giúp các cơ quan giám sát độc lập vượt qua được khó khăn về thiếu thông tin và nguồn nhân lực có chuyên môn cao.

Thứ ba, trách nhiệm giải trình của tổ chức: Vị thế độc lập của các cơ quan giám sát độc lập là một lợi thế song cũng là một thách thức với uy tín của các cơ quan này. Lợi thế là bởi vị thế đó cho phép các cơ quan giám sát độc lập tránh được những phiền hà từ các cơ quan nhà nước để tập trung vào các mục tiêu của mình. Thách thức là bởi chính vị thế độc lập có thể khiến các cơ quan đó quên đi trách nhiệm giải trình của chính bản thân mình, và đôi khi không rõ cách thức làm thế nào để chứng tỏ trách nhiệm ấy. Đây thuộc về một vấn đề mang tính kinh điển trong quản trị công, đó là “ai canh gác những người canh gác?” (who guards the guardians?)

Có ít nhất hai cách thức hữu ích mà các cơ quan giám sát độc lập nên đồng thời sử dụng để giải quyết vấn đề trên. Thứ nhất là các cơ quan giám sát độc lập cần xác định được một phương thức giúp thường xuyên giám sát hoạt động của chính mình. Về việc này, sẽ là không đủ nếu chỉ dựa vào cơ chế giám sát sẵn có của nghị viện và toà án. Ngoài các cơ chế đó, các cơ quan giám sát độc lập cần thành lập một hội đồng giám sát chung để có thể thường xuyên kiểm tra hoạt động của cả nhóm. Cách thứ hai là tuyệt đối tuân thủ các quy tắc về minh bạch trong hoạt động. Thực tế cho thấy các cơ quan giám sát độc lập đôi khi tự cho mình được miễn khỏi những quy định của luật tiếp cận thông tin, dựa trên niềm tin rằng họ có tính độc lập. Tuy nhiên, quan niệm như vậy không chính xác và không có lợi cho uy tín của các cơ quan này. Ngoại trừ một số thông tin liên quan đến quá trình điều tra, không có nhiều thông tin mà các cơ quan giám sát độc lập nắm giữ thuộc về thông tin mật mà có thể không công bố. Việc hạn chế công khai thông tin và hoạt động sẽ dẫn tới những ngờ vực, làm tổn hại niềm tin của công chúng với các cơ quan giám sát độc lập. Thêm vào đó, việc này còn có thể khiến cho các cơ quan giám sát độc lập bị phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước khác. Bằng cách công khai hoá toàn bộ tiến trình giám sát, bao gồm cả những ý kiến thảo luận trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan giám sát độc lập có thể nâng cao uy tín của mình trong công chúng, đồng thời tránh được tình trạng bị chi phối bởi các cơ quan nhà nước. Thêm vào đó, việc phối hợp và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, khối học thuật và cơ quan truyền thông vào hoạt động giám sát cũng giúp các cơ quan giám sát độc lập tăng cường trách nhiệm giải trình và tránh được những sự chỉ trích từ công chúng.

Thứ tư, sự quan liêu, trì trệ: Tương tự như yếu tố thứ ba, yếu tố này thuộc về vấn đề nội bộ của các cơ quan giám sát độc lập. Về vấn đề này, một tác giả đã nhận định, căn bệnh quan liêu, trì trệ không loại trừ bất kỳ một thiết chế nào, kể cả những thiết chế có tính chất độc lập với bộ máy nhà nước. Sau giai đoạn năng động ban đầu, các cơ quan giám sát độc lập cũng hoàn toàn có thể trở nên ‘xơ cứng” trong hoạt động, dần dần ngập chìm trong các tầng nấc thủ tục làm cho các hoạt động giám sát không thể kịp thời và hiệu quả. Thêm vào đó, trong nhiều trường hợp, những nỗ lực của các cơ quan nhà nước (chủ thể bị giám sát) trong việc ngăn cản hoạt động của các cơ quan giám sát độc lập cũng là một yếu tố khiến cho các cơ quan này dần dần mất đi động lực năng động ban đầu. Ở đây, việc chống chọi được với những nỗ lực kiềm chế của các chủ thể bị giám sát có tầm quan trọng quyết định với sự tồn tại và phát triển của các cơ quan giám sát độc lập, vì nếu bị thua trong cuộc chiến đó, các cơ quan giám sát độc lập sẽ mất đi khả năng thúc đẩy quản trị tốt ở quốc gia và có thể trở thành những tấm bình phong hay vật trang trí cho bộ máy nhà nước tham nhũng.

Những phân tích ở trên phác hoạ bức tranh về các cơ quan giám sát độc lập được trên thế giới. Nó cho thấy đây là những thiết chế cần thiết cần được hiến định hoặc luật định để giám sát sự lạm quyền và nâng cao tính liêm chính của bộ máy nhà nước ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời cho thấy những khó khăn, trở ngại trong việc thiết lập và vận hành của các thiết chế mới này.

Trong khi nhiều khía cạnh lý luận, thực tiễn về các cơ quan giám sát độc lập cần tiếp tục làm rõ thêm, thì từ việc quan sát thực tế hoạt động của các cơ quan này trên thế giới, có thể rút ra nhận định rằng, việc ồ ạt thiết lập các cơ quan giám sát độc lập theo “phong trào” tiềm ẩn nhiều rủi ro về thể chế. Thay cho điều đó, các quốc gia chỉ nên thiết lập những cơ quan giám sát độc lập trong những lĩnh vực cần thiết và khi có những điều kiện bảo đảm cho các cơ quan này hoạt động một cách thực sự độc lập, khách quan và hiệu quả. Ngoài ra, việc thiết lập các cơ quan này cũng cần dựa trên những nghiên cứu cẩn thận về triển vọng chúng có thể kết hợp để “nâng cấp”, thay cho việc phá huỷ thiết chế tổ chức quyền lực hiện có.

Tăng trưởng trước, dân chủ sau?

in Cộng Đồng

Phát triển, theo Amartya Sen, là một quá trình mở rộng tự do cho từng cá nhân. Ông cho rằng “phát triển phải quan tâm đến việc đảm bảo sự tốt đẹp của cuộc sống và tự do chúng ta hưởng thụ.” Rõ ràng, phát triển không chỉ đơn giản là tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc nhấn mạnh quá nhiều vào dân chủ như là động lực của phát triển cần phải được suy xét thấu đáo, vì tăng trưởng kinh tế và tự do chính trị đều quan trọng như nhau. Nhiều kinh nghiệm còn cho thấy tăng trưởng kinh tế là một điều kiện tiên quyết cho phát triển và nhà nước có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo tự do cá nhân.


Ảnh: liệu dân chủ và nhân quyền có được đảm bảo khi kinh tế không tăng trưởng? (nguồn: internet)

Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu phát triển vì hai lý do đơn giản. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế tạo ra nguồn lực để chi trả cho giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội cần thiết cho cá nhân và cộng đồng. Ngay các yếu tố cấu thành một nhà nước dân chủ pháp quyền như tòa án, bầu cử, hay bảo vệ quyền con người đều cần có ngân sách. Thứ hai, bản thân quá trình phát triển kinh tế tạo ra ảnh hưởng thúc đẩy dân chủ hoá xã hội. Nói cách khác, tự do kinh tế sẽ dẫn đến việc mở rộng các tự do dân sự và chính trị.

Nhà nước mạnh cần cho phát triển kinh tế?

Có thể so sánh một nước đang phát triển giống như một gia đình đông con chỉ có một cái bánh nhỏ. Khi đó, rất dễ dẫn đến việc mọi người tập trung vào việc làm sao chia cái bánh cho công bằng mà quên mất việc làm sao tăng được kích thước của cái bánh. Như vậy, quốc gia sẽ bị tắc trong việc đấu tranh để chia sẻ quyền lợi hơn là tập trung đoàn kết phát triển nền kinh tế. Rõ ràng, nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn và định hướng cho phát triển.

Theo Atul Kohli, công nghiệp hoá là một trong những yếu tố quan trọng cho việc tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Trong cuốn “phát triển do nhà nước chỉ đạo” ông đã đề cao vai trò của nhà nước trong quá trình công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế. Theo ông, để đảm bảo được vai trò chỉ đạo, nhà nước cần có những tố chất quan trọng. Thứ nhất, họ phải có một hệ thống chính trị đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Nhà nước “kiểm soát” các nhà bất đồng chính kiến và đảm bảo mục đích hẹp của nhà nước: công nghiệp hoá. Thứ hai, khi nhà nước tập trung vào mục đích duy nhất là tăng trưởng kinh tế thì nhà nước phải huy động nguồn lực cho việc đầu tư sinh lời hơn là tiêu thụ. Thứ ba, nhà nước cần có một “bộ máy công quyền có năng lực”, có thể làm việc hiệu quả với giới doanh nhân để đạt được mục đích chung: tăng trưởng kinh tế và sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, Kohli phải phải thừa nhận là “cho dù nhà nước là trái tim của sự thành công của tăng trưởng nhanh, nhà nước hiệu quả rất khó gây dựng.” Rõ ràng, ít người phủ nhận vai trò của nhà nước nhưng xây dựng nhà nước như thế nào lại là đề tài tranh luận trong giới học giả và chính trị.

Một nhà nước hiệu quả, thứ nhất, cần tạo ra một môi trường chính sách tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân năng động cộng với chính sách hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiếm hoi cho tăng trưởng kinh tế hiệu quả nhất. Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc, trong khi đàn áp các nhà bất đồng chính kiến vẫn luôn đảm bảo quyền sở hữu tư nhân và một nền kinh tế thị trường tự do để nguồn lực có thể phục vụ tốt nhất cho tăng trưởng cao.

Thứ hai, nhà nước cần có năng lực thúc đẩy mục tiêu tập trung: tăng trưởng kinh tế. Trong thế giới đang phát triển do nguồn lực có hạn nên việc điều tiết nguồn lực vào đầu tư sản xuất là quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Theo Kohli, việc kinh tế không phát triển được ở các nhà nước dân chủ đa giai cấp (fragmented-multiclass) là kết quả của sự thoả hiệp lợi ích nhóm, giai cấp và các đảng phái chính trị. Wolfgang Sachs đã phê phán đa mục đích của phát triển trong bài “phát triển: sự lên và xuống của một lý tưởng” và cho rằng “phát triển là một cái gì đó bao gồm tăng trưởng kinh tế, cộng với tái phân phối, cộng với sự tham gia, cộng với phát triển con người.” Và danh sách mục đích phát triển nhanh chóng kéo dài với “công ăn việc làm, bình đẳng, xoá đói giảm nghèo, nhu cầu cơ bản, các mảng phi chính thống, và phụ nữ.” Ông cho rằng “với sự mở rộng danh mục làm phát triển là mọi thứ và chẳng là gì cả. Khái niệm phát triển không còn ý nghĩa nào nữa, nó chỉ còn là các ngụ ý tốt.”

Thứ ba, nhà nước cần có một hệ thống thể chế mạnh và hiệu quả. Điều này cần cho việc thực thi và hiện thực hoá mục đích phát triển: công nghiệp hoá và phát triển xã hội. Một nền hành chính có năng lực, như sự nhấn mạnh của Kohli, là cần thiết để áp đặt và đạt được mục đích phát triển của nhà nước. Nó giúp nhà nước thu thuế, cung cấp dịch vụ, và đầu tư vào giáo dục, y tế, khoa học và kỹ thuật. Đầu tư vào những lĩnh vực này không những làm cho cuộc sống của người dân tốt lên mà còn tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một quốc gia mạnh khoẻ và giáo dục cao là điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và dân chủ hoá.

Phát triển kinh tế mang lại tự do dân chủ?

Trong cuốn sách nổi tiếng “phát triển là tự do” Amartya Sen đã thừa nhận vai trò của tăng trưởng kinh tế như là “một công cụ cho việc đạt được tự do để chúng ta có thể sống cuộc sống có giá trị.” Vì thế, để đạt được mục đích (dân chủ) thì chúng ta cần có công cụ (tăng trưởng kinh tế). Larry Diamond, trong bài nói chuyện ở trung tâm dân chủ của trường đại chọ UC Irvine đã tranh luận vai trò quan trọng của thương mại và hội nhập kinh tế trong quá trình dân chủ hoá vì “khi người dân càng làm quen với nền văn hoá toàn cầu thì lý lẽ của những luật lệ đàn áp càng trở nên kém hợp lý.” Carles Boix và Susan C. Stokes đã có một điểm giá trị trong bài “quá trình dân chủ hoá nội tại” khi cho rằng “dân chủ không tự sinh ra từ thu nhập mà từ những thay đổi đi kèm trong quá trình phát triển.” Họ cho rằng khi một đất nước phát triển, các nhóm xã hội khác đặc biệt là tầng lớp trung lưu, sẽ hình thành và tổ chức một cách độc lập để đòi hỏi thay đổi, dẫn đến một xã hội cởi mởi hơn và tự do hơn cho cá nhân.

Một nhà nước mạnh là một nhà nước không ngăn cản, mà ngược lại, phải chủ động thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong tiến trình phát triển. Nhà nước cần nới rộng tự do, tạo ra nhiều cơ hội và lựa chọn hơn cho người dân. Người dân có cơ hội tự tổ chức cuộc sống của mình độc lập với nhà nước và các đảng phái chính trị. Cộng hưởng với việc người dân được tiếp xúc với những giá trị, niềm tin và kiến thức khác trên thế giới, họ sẽ có nhiều sáng kiến đóng góp cho sự phát triển chung. Nhà nước khi đó sẽ chuyển giao dần vai trò định hướng phát triển cho người dân bằng cách đảm bảo các quyền tự do kinh tế, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do biểu đạt.  Nếu quá trình này không được thực hiện tốt nó sẽ dẫn đến chia rẽ, mâu thuẫn, xung đột xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và phát triển.

Go to Top