Văn hóa người Việt thích sống bên đường giao thông. Đi bất cứ đâu cũng thấy các khu dân cư, thị trấn, thị tứ nằm hai bên đường. Thậm chí có đường đang mở đã thấy những ngôi nhà mới mọc lên. Người Việt muốn bám đường vì thuận tiện giao thông, dịch vụ và buôn bán. Câu nói “nhất cận thị, nhị cận giang” thể hiện rất rõ văn hóa thích sống bên đường của người Việt.
Còn ở cấp quốc gia, làm sao để biến Việt Nam thành một giao lộ của các dòng tài chính, dịch vụ, khoa học, công nghệ, sản xuất? Rõ ràng, nếu Việt Nam là một “điểm trũng” của thế giới để các nguồn lực chảy đến thì sự thịnh vượng là tất yếu.
Như vậy, tư duy chiến lược không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc xác định thế mạnh tại chỗ về tài nguyên, con người, lịch sử, văn hóa. Tư duy chiến lược cần tính cả những cơ hội có thể biến Việt Nam thành “điểm trũng” để hấp dẫn các dòng nguồn lực đi vào, tạo ra những điểm giao đủ lớn để bùng nổ phát triển.
Việc biến Việt Nam thành cái bếp, hay cái kho của thế giới như Bình Lê và Trần Văn Tuấn bàn trước đây là một hướng đi khả thi và cần nghiên cứu thực hiện. Tuy nhiên, đây mới là điểm mạnh tại chỗ của Việt Nam. Song song với việc đầu tư vào nông nghiệp nông thôn Việt Nam cần biến mình thành điểm đến của các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp toàn cầu.
Một ví dụ đơn giản, nếu Trung Nguyên muốn lãnh đạo thế giới thì ngoài việc sản xuất cà phê, Trung Nguyên cần đầu tư vào “văn hóa cà phê” vì nó giúp Trung Nguyên không chỉ dẫn đầu về sản lượng đầu ra mà quan trọng hơn là lãnh đạo về văn hóa và tinh thần cà phê. Đây chính là yếu tố dẫn dắt thị trường tiêu dùng và sản xuất cà phê thế giới. Việc đầu tư nên mở qua lĩnh vực nghiên cứu, hoạch định chính sách, tổ chức các hội nghị và sự kiện liên quan đến cà phê ở tầm thế giới và khu vực. Khi Việt Nam là điểm đến về cà phê thì nó có lợi cho Trung Nguyên và hữu ích cho quốc gia. Tương tự như vậy, công thức này cần áp dụng cho các sản phẩm và ngành hàng lợi thế khác của Việt Nam.
Bên cạnh nông nghiệp, một thế mạnh khác mà Việt Nam có đó là “chiến tranh và hòa bình”. Nhắc đến Việt Nam thế giới hay nhắc đến những cuộc chiến mà người Việt đã đi qua. Có lẽ, không có quốc gia nào đã từng chiến đấu chống lại ba trong năm thành viên thường trực Hội đồng bảo an liên hợp quốc (Pháp, Mỹ, Trung Quốc) và chịu sự chiếm đóng của Nhật Bản. Cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam thực sự có nhiều bài học về chiến tranh và hòa bình để chia sẻ. Hơn nữa, cuộc chiến Việt Nam cũng là cội nguồn của nhiều phong trào phản chiến ở Mỹ và Châu Âu, là nguồn tình cảm và ngưỡng mộ của nhiều người dân ở châu Phi và Mỹ La Tinh.
Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể là điểm đến của các phong trào bảo vệ hòa bình, phản đối chiến tranh của thế giới. Mở rộng ra, Việt Nam có thể là nơi hội tụ của các phong trào xã hội ủng hộ cho dân chủ và nhân quyền, bình đẳng và bác ái. Nếu tự biến mình thành một điểm đến của các học giả, các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động xã hội thì Hà Nội có thể trở thành tâm điểm của hòa bình giống như Davos là tâm điểm của diễn đàn kinh tế thế giới. Việc này, hoàn toàn có thể bắt đầu bằng việc thành lập Viện nghiên cứu chiến tranh và hòa bình – một viện nghiên cứu độc lập có thể đứng ra tổ chức các hội nghị, diễn đàn đảm bảo tính khách quan và độc lập của các phong trào xã hội.
Như vậy, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mở cho mình để có thể trở thành những “trung tâm” của thế giới và khu vực trong những lĩnh vực mình có thể mạnh. Tư duy này rất quan trọng trong thời kỳ toàn cầu hóa khi các dòng tài chính, công nghệ, nhân lực, tri thức luôn ở trạng thái động, dễ di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác.
Các tập đoàn, công ty và các tổ chức đa phương luôn tính toán xem họ đặt văn phòng ở đâu thì thuận tiện. Khi một tập đoàn hoặc tổ chức quốc tế đặt văn phòng ở Bangkok hay Singapore, có nghĩa các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn sẽ diễn ra ở đó. Điều này đồng nghĩa với các dòng nguồn lực sẽ đổ về Bangkok và Singapore thay vì Hà Nội hay Rangoon. Hơn nữa, việc thuê nhân công địa phương không những tạo công ăn việc làm, mà quan trọng hơn là tạo ra một đội ngũ doanh nhân và lãnh đạo với văn hóa chuyên nghiệp, tư duy toàn cầu cho nền kinh tế và xã hội của quốc gia sở tại.
Việc xây cảng biển, đường sắt hoặc đường cao tốc gắn Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN chỉ là phần cứng và chưa đủ. Để thực sự trở thành trung tâm thì Việt Nam cần gỡ bỏ những thủ tục hành chính gây khó dễ cho việc tổ chức các sự kiện mang tính vùng và khu vực ở Việt Nam. Các thủ tục hành chính này tạo ra chi phí, và đặc biệt là cảm xúc khó chịu và tiêu cực với Việt Nam, nó gạt Việt Nam ra khỏi lựa chọn và điều này đồng nghĩa với việc ít chuyến bay đến Việt Nam hơn, ít khách nghỉ lại ở Việt Nam hơn, và ít các dịch vụ nhà hàng đồ lưu niệm được sử dụng. Tai hại hơn, nó là rào cản cho việc chia sẻ thông tin, ý tưởng, tri thức cần thiết và quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam.
Như vậy, song song với việc nhận biết và đầu tư vào các điểm mạnh tại chỗ, Việt Nam cần thay đổi để trở nên hấp dẫn với các dòng chảy nguồn lực toàn cầu. Các khác biệt có thế mạnh của Việt Nam về nông nghiệp, du lịch hay lịch sử cần nhưng chưa đủ để tạo ra sức hấp dẫn quốc gia. Điều kiện đủ là môi trường văn hóa có các giá trị toàn cầu, trong kinh doanh đó là hiệu quả, minh bạch, đơn giản và thực chất còn trong xã hội là dân chủ, tự do, công bằng và nhân văn. Khi đó, các điểm khác biệt của Việt Nam không phải là dị biệt, mà là tài sản sinh lời cho nhân dân và tạo ra sự thịnh vượng cho đất nước.