Việt Nam nên là cái bếp của thế giới!

in Cộng Đồng

Trong nền kinh tế toàn cầu để xác định sức mạnh và lợi thế cạnh tranh của một quốc gia chỉ cần đặt câu hỏi: thế giới biết đến quốc gia đó qua những sản phẩm gì? Câu trả lời cho Việt Nam thật đơn giản đó là gạo, café, điều, tiêu, cá tra, cá basa, hải sản đông lạnh. Tất cả các sản phẩm này đều là sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, người dân thế giới còn biết đến Việt Nam như một “vẻ đẹp tiềm ẩn” vì với họ Việt Nam vẫn là một nơi có nhiều điều chưa được khám với những cảnh hoang sơ của núi rừng Sapa, Hà Giang, Điện Biên Phủ, Đà Lạt hay các bãi biển đẹp như Hạ Long, Nha Trang, Mũi Né, các địa danh văn hóa như Ninh Bình, Bắc Ninh, Bát Trang…. Có thế nói, chất của du lịch Việt Nam đang nằm ở thiên nhiên và văn hóa và nó thường gắn với nông nghiệp và nông thôn. 


Như vậy thế mạnh hiện hữu của Việt Nam là nông nghiệp, nông thôn và du lịch gắn với thiên nhiên. Thế mạnh của Việt Nam không phải là công nghiệp nặng hay công nghiệp chế tạo ít nhất trong giai đoạn hiện tại cho đến tương lai vừa. Đây chính là mấu chốt mà chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam nên dựa vào. 

Trong những năm bảy mươi của thế kỷ trước, một loạt các nước châu Phi thực hiện chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa với niềm tin công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo là đòn bẩy, là tương lai phát triển. Họ nhìn lịch sử kinh tế như sự dịch chuyển tuyến tính từ chăn thả sang nông nghiệp và công nghiệp là đích đến tất yếu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã rút nguồn lực ra khỏi nông nghiệp và đầu tư vào công nghiệp. Tất nhiên, châu Phi đã thất bại hoàn toàn vì họ không thể cạnh tranh với các nước công nghiệp ở châu Âu, bắc Mỹ hay châu Á. Hậu quả là châu Phi không thể phát triển được công nghiệp mà ngược lại nền nông nghiệp của họ bị bỏ rơi, phá sản kéo theo nạn đói và nghèo khổ cho lục địa này. Tác động của quyết định sai lầm này vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay. Đây chính là một bài học đắt giá cho châu Phi và Việt Nam nên tham khảo. 


Trong những năm qua, diễn ngôn của chính sách và truyền thông ở Việt Nam cũng đang coi “công nghiệp hóa và hiện đại hóa” là công thức của phát triển. Đây là nền tảng cho các chính sách ưu đãi về tài chính, đất đai và công nghệ cho công nghiệp. Hơn nữa, diễn ngôn này đã hình thành tư tưởng “trọng công khinh nông” với hình ảnh hiện đại và văn minh gắn cho công nghiệp và sự lạc hậu và nghèo nàn gắn cho nông nghiệp nông thôn. Đây cũng là lý do để các tỉnh, các ngành chạy đua xây dựng hàng loạt nhà máy xi măng, cán thép, đóng tàu, cảng biển cho dù họ không có thể mạnh và việc phá sản là đương nhiên như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.  
Diễn ngôn này cũng dẫn đến tư tưởng dễ dàng thu hồi đất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp và đô thị. Các hậu quả về kinh tế và xã hội tai hại đã xảy ra với những xung đột đất đai và khiếu kiện kéo dài. Trên tầm cao và rộng hơn, hàng triệu người nông dân đặc biệt là thanh niên đã di cư lên thành thị, vào khu công nghiệp tạo thêm dòng chảy nhân lực từ nông nghiệp vào công nghiệp, từ nông thôn vào thành thị cùng với nguồn chảy tài chính và đất đai. Điều này làm cho nông nghiệp mất nguồn lực về lâu dài có thể mất động lực phát triển. Bên cạnh đó, quá trình này gây thêm sức ép lên đô thị vì các thành phố không chuẩn bị kịp cho việc đón nhận hàng triệu công dân mới. 


Như vậy, câu hỏi đặt ra là Việt Nam nên đầu tư vĩ mô như thế nào để phát triển bền vững? Câu trả lời có thể trở về với điều đơn giản nhất – đầu tư vào thế mạnh của Việt Nam và làm cho các sản phẩm của Việt Nam mang tính toàn cầu: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ gắn với nông nghiệp! 
Lấy một ví dụ đơn giản đó là café. Việt Nam là quốc gia trồng và xuất khẩu café đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, nguồn lợi thu được từ việc trồng và xuất khẩu café thô của Việt Nam không bằng doanh thu của một tập đoàn chế biến café của Thụy Sĩ hoặc Mỹ. Café Việt Nam vắng bóng ở ngay các thị trường lân cận ASEAN hay châu Á, nơi mà nhiều quốc gia đang sử dụng café “chán hơn café Việt Nam rất nhiều,” theo như lời chia sẻ của nhiều bạn bè quốc tế. Hơn nữa, có thể dễ dàng thấy café Việt Nam đang và sẽ bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường của mình với sự nhập cuộc của các nhà phân phối lớn trên thế giới như Coffee Bean and Tea Leaf hay Starbuck đang chuẩn bị vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các hộ trồng café, doanh nghiệp chế biến và phân phối café Việt Nam đang đơn độc trong cuộc chiến của mình. 


Từ câu chuyện café có thể thấy Việt Nam nên đầu tư cho nông nghiệp và công nghiệp chế biến, đóng gói, phân phối, dịch vụ, nghiên cứu và xuất khẩu vì Việt Nam đã có sẵn nền tảng cho các chuỗi sản phẩm này. Điều quan trọng là việc đầu tư phải có tầm nhìn toàn cầu và dài hạn. Để một sản phẩm thống lĩnh thị trường toàn cầu nó phải có yếu tố toàn cầu – có nghĩa là đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, khẩu vị hoặc văn hóa tiêu dùng. Việt Nam thường thiếu yếu tố này vì mới tập trung khai thác thô cái mình có chứ chưa đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm có tính toàn cầu. Ví dụ như du lịch Việt Nam có chất liệu riêng nhưng thiếu một nền tảng dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn toàn cầu nên khách đến Việt Nam thường rất ít quay lại và cảm xúc của họ mang theo là sự bực bội với dịch vụ kém hơn là sự yêu quý phong cảnh đất nước và con người Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn toàn cầu nếu muốn phát triển ngành du lịch bền vững. 


Cuối cùng, song song với sự điều chỉnh về chính sách vĩ  mô đầu tư mạnh cho nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ đi kèm, đã đến lúc diễn ngôn về nông nghiệp nông thôn cần được điều chỉnh – không nên coi nông nghiệp nông thôn là lạc hậu là nghèo đói nữa mà cần coi nó là cơ hội để đầu tư phát triển. Đã đến lúc cần xoay chuyển để các nguồn lực chảy vào nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đi kèm chứ không phải chảy đi như bây giờ để tránh những hậu quả kinh tế và xã hội lâu dài. Như một chuyên gia quốc tế đã từng gợi ý “Trung Quốc là công xưởng của thế giới tại sao Việt Nam không phải là cái bếp của thế giới?” 


Leave a Reply

Your email address will not be published.

*