Nho giáo vẫn cần cho sự phát triển của Việt Nam?

in Cộng Đồng

Luôn gắn liền với chính trị, lý thuyết thay đổi (LTTĐ) của các Quốc gia thường song hành với nền tảng ý thức hệ vốn được định hướng bởi Đảng cầm quyền. Về bản chất “Lý thuyết thay đổi” đơn giản là những gì chúng ta mong đợi sẽ xảy ra và quá trình đó sẽ xảy ra như thế nào. Lý thuyết thay đổi thường hay gắn liền với đường “thay đổi then chốt”, nơi cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng quát các đích cần đến, đồng thời hướng dẫn chúng ta tìm kiếm lộ trình phù hợp để đảm bảo rằng chúng ta không đi lệch hướng. Thường các thay đổi hay diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian, trong khi đó các thành công không phải lúc nào cũng được nhận diện khi chúng xuất hiện. Do vậy việc xác định rõ chỉ số để nhận diện thành công, các mốc thời gian và không gian khi chúng diễn ra là hết sức quan trọng. Như vậy nếu không có LTTĐ thì các cộng đồng và đặc biệt là các Quốc gia sẽ trở nên dễ  bị tổn thương hơn do không biết lái con tàu của mình đi đến đâu và vì mục đích gì.


Ảnh: Lều chõng đi thi (nguồn: internet)

Thường hay song hành với lợi ích và tôn chỉ của Đảng cầm quyền nên đôi lúc Lý thuyết thay đổi của một Quốc gia có thể không phản ánh hết mong muốn của người dân cũng như các bước đi đến các thay đổi đấy. Quan trọng hơn nữa, thế giới rất đa dạng về văn hóa và chủng tộc, nhưng chúng ta lại phần lớn dựa vào hệ tư tưởng hay quan điểm triết học của Phương Tây – mà  chủ yếu là của người Đức để xây dựng xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình phát triển của mình cần phải vận dụng sáng tạo và phù hợp với lịch sử cũng như văn hóa của nước mình. Nhiều nước như Nhật Bản và Trung Quốc đã dần dần sử dụng các giá trị truyền thống của dân tộc mình để trám vào các lỗ hổng do sự khác biệt về địa lý, văn hóa v.v. với quốc gia gốc (Đức) để lại.

Một vấn đề rất quan trọng nữa khiến cho các lý thuyết thay đổi có thể nhanh chóng bị lạc hậu là sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật có thể giúp chúng ta đạt được các thay đổi nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều nếu chúng ta biết vận dụng một cách có chủ đích – vốn không được tiên lượng bởi các triết gia hay chí ít họ cũng rất khó có thể nhìn thấy hay đoán biết được là thế giới lại có thể “phẳng” nhanh đến như vậy. Những thứ chúng ta muốn thay đổi trong quá khứ nếu cần khoảng 10 năm và cần sự tham gia của 50% cộng đồng mới đạt được thì ngày nay có thể được thực hiện chóng vánh bởi một vài cộng đồng chuyên trách và chỉ xảy ra trong vài tháng. Như vậy, phải chăng đã đến lúc chúng ta nên tách biệt, hay ít nhất tạo ra nhiều không gian hơn cho việc bàn luận và cập nhật Lý thuyết thay đổi của Quốc gia một cách độc lập với quan điểm chính trị. Có nghĩa là lý thuyết thay đổi của một Quốc gia là mong muốn cả Dân tộc và bất cứ một Đảng cầm quyền nào đều cần phải có trách nhiệm hành động để tạo ra các thay đổi đó.

Vậy lý thuyết thay đổi của Việt Nam là gì? Trước hết do hoàn cảnh lịch sử nên Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng bởi Nho giáo. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, văn hóa và triết lý phương Tây cũng được mang theo vào. Sau đó, Hồ Chí Minh đã tiếp thu triết học Mác Lê Nin và vận dụng để giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đây chính là thành công to lớn trong việc vận dụng trí tuệ nhân loại cho nhu cầu của Việt Nam lúc bấy giờ. Gần dây, do sự thay đổi của thế giới cũng như đòi hỏi phát triển của đất nước, các giá trị dân chủ, tự do và bình đẳng đã được nghiên cứu và tiếp thu. Cùng với khoa học kỹ thuật và mô hình phát triển kinh tế thị trường, Việt Nam đã từng bước hưởng lợi từ việc áp dụng triết học phương Tây phục vụ sự phát triển dân tộc.

Tuy nhiên, trong các cách thức và con đường để đạt được sự thịnh vượng cho Đất nước mình, giá trị Á Đông cũng cần được khuyến khích và tận dụng triệt để. Thường khi nói đến Triết học Á Đông, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Nho giáo và liên tưởng đến sự trì trệ, không chịu thay đổi cũng như hạn chế tự do cá nhân và tự do tư duy của các thành phần trong xã hội thông qua việc áp dụng các lễ nghi rất phiền phức và các mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Tuy nhiên trong thực tế, ngoài các hạn chế như đã nêu, Nho Giáo đã khẳng định được vai trò chủ đạo của nó trong việc gắn kết và xây dựng một nhà nước tập quyền, một xã hội nền nếp, có trật tự, trên dưới thuận hòa và có đạo lý, những thứ mà một nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay rất cần để có thể ổn định xã hội và hướng tới mục tiêu chung đó là tạo ra các thay đổi mang tính tích cực cho đất nước.

Ngoài ra giá trị Á Đông còn bao gồm ý thức cộng đồng cao, đoàn kết trong khó khăn, cần cù trong lao động và tiết kiệm trong tiêu dùng, cộng với tinh thần hiếu học, ham hiểu biết của người dân sẽ giúp chúng ta đi đến đích phát triển một cách nhanh chóng và bền vững. Giá trị Á Đông còn là khả năng chọn lọc và tiếp thu những gì tốt và có lợi cho cộng đồng mình đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ để chúng ta tận dụng linh hoạt và hiệu quả các thành tựu của Phương Tây với mục tiêu tạo ra các thay đổi nhanh hơn cho đất nước mình. Văn hóa Á Đông mà đặc biệt là Nho Giáo không khuyến khích sự thay đổi nếu không đảm bảo sẽ có lợi gấp đôi, nhưng bản thân nó đã chứa đựng biết bao thay đổi thông qua việc giao thoa giữa các quan điểm triết học nhằm đưa ra luận điểm và giải thích quá trình vận động và thay đổi của thế giới dựa trên “lưỡng nghi” trong Kinh Dịch. Dựa trên quan điểm triết học này thì các thay đổi đôi khi là tất yếu, vũ trụ và con người luôn luôn vận động để tạo ra những sự thay đổi này.

Thông qua các giá trị về làng, xã  của văn hóa Á Đông, sự đoàn kết sẽ giúp chúng ta huy động được sự tham gia và nguồn lực của hầu hết các nhóm/thành phần trong xã hội, những người có thể khác nhau về niềm tin tôn giáo, khác nhau về hệ tư tưởng chính trị hay đảng phái,v.v nhưng có cùng một khát vọng chung cho Đất nước – Một Việt Nam Thịnh Vượng và Yên Bình.

Như vậy, tiếp thu các triết lý trong triết học phương tây về dân chủ, tự do, quyền con người và khoa học kỹ thuật là tất yếu. Nhưng điều này không có nghĩa là phải gạt bỏ và phủ định toàn bộ giá trị của Triết học phương Đông. Có như vậy, chúng ta mới có một nền gốc để ổn định xã hội cho phát triển tự do. Điều này cần nghiên cứu để tạo lập Lý thuyết thay đổi của Việt Nam chúng ta, tạo “các thay đổi mang tính bước ngoặt” trong tương lai không xa!

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*