Thuế lũy tiến hướng tới nền kinh tế nhân văn

in Thu hẹp khoảng cách

Tổng hợp và trích lại từ Oxfam (2019) Lợi ích công hay Tài sản tư; và Oxfam (2017) Nền kinh tế dành cho 99%.

Sự cần thiết của thuế lũy tiến trong nền kinh tế nhân văn

Nền kinh tế nhân văn là nền kinh tế đáp ứng nhu cầu của cả con người và trái đất, và nền kinh tế đó được hiểu rằng nó không thể đạt được mục tiêu này nếu chỉ có sự can thiệp của thị trường. Trong một nền kinh tế nhân văn, chính phủ là người đảm bảo quyền và nhu cầu của tất cả mọi người; đây là chủ thể sáng tạo để mang lại sự tiến bộ và chủ thể này cũng có trách nhiệm quản lý các thị trường vì lợi ích của tất cả mọi người. Điều này có nghĩa là chính phủ phải hành động một cách hiệu quả, có trách nhiệm và dân chủ đại diện cho tất cả người dân của mình, thay vì cho một bộ phận nhỏ những người có đặc quyền. Một nền kinh nhân văn là nền kinh tế mà trong đó mọi người được coi trọng như nhau và không bị xem nhẹ do giới tính, màu da hoặc đẳng cấp, và nền kinh tế này cũng đảm bảo các không gian cần thiết cho xã hội và nhóm phụ nữ.

Đánh thuế lũy tiến là cần thiết trong một nền kinh tế nhân văn nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, thay vì chỉ cho một vài người có đặc quyền. Doanh thu từ các loại thuế bao gồm: thuế tài sản (thuế đất, bất động sản, lợi tức vốn thuế thừa kế…), thuế thu nhập cá nhân, và thuế thu nhập doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ đạo trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Nguồn thu từ thuế là nguồn tài chính thiết yếu cho việc xây dựng và triển khai các chính sách giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng, và những hình thức thuế lũy tiến có thể trực tiếp giúp thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Nguồn thu từ thuế cũng giúp cung cấp các dịch vụ mà có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, như cơ sở hạ tầng, những công dân có sức khỏe và trình độ học vấn.

Thực trạng đáng buồn về hệ thống thuế trên thế giới

Những ước tính của Oxfam cho thấy chỉ có 8 người giàu nhất sở hữu khối tài sản bằng tài sản của một nửa số dân nghèo nhất của thế giới. Khi sự phát triển chỉ mang lại lợi ích cho những người giầu nhất thì phần còn lại của xã hội – đặc biệt là những người nghèo nhất – phải gánh chịu hậu quả. Chính thiết kế của các nền kinh tế và các nguyên tắc kinh tế đã đưa con người tới tình trạng cực đoan như hiện nay, không bền vững và không công bằng. Nền kinh tế của chúng ta phải ngừng đãi ngộ hậu hĩnh những người thuộc tầng lớp cao nhất, thay vào đó phải vì lợi ích của tất cả mọi người. Nền kinh tế nhân văn này nhất định không thể thiếu vai trò của các chính phủ và doanh nghiệp có trách nhiệm và tầm nhìn với nỗ lực mang lại lợi ích cho người lao động, người sản xuất, bảo vệ môi trường, quyền của phụ nữ và hệ thống thuế bình đẳng và hiệu quả.

Trong thế giới ngày nay, những người giàu nhất và doanh nghiệp của họ đang bị đánh thuế thấp. Mức trần thuế thu nhập cá nhân, thuế thừa kế và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm nhiều ở các nước giàu. Nếu đảo ngược điều này, hầu hết các chính phủ sẽ có đủ nguồn lực cung cấp dịch vụ công phổ quát. Tiền thuế thu được từ những người giàu nhất ở những nước giàu có thể dùng để hỗ trợ các nước nghèo nhất bằng việc tăng viện trợ.

Thuế đánh vào tài sản, ví dụ như thuế thừa kế và thuế đánh trên lợi tức cơ bản, bị cắt giảm hoặc xoá bỏ ở nhiều nước giàu và hầu như không được thực hiện ở những nước đang phát triển. Những loại thuế này là đối tượng chỉ trích thường xuyên của các nhà phê bình và các chính trị gia, bất chấp bằng chứng rõ ràng rằng chúng chỉ tác động tới những người giàu nhất chứ không phải dân thường. Thay vì thu thuế tài sản từ những người giàu có, gánh nặng thuế giờ lại đè lên vai người lao động.

Thêm vào đó, nhiều chính phủ đang trong lộ trình giảm dần mức trần của cả thuế thu nhập cá nhân lẫn thuế thu nhập doanh nghiệp. Gần đây nhất là năm 1980, mức trần thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ vẫn là 70%. Hiện nay, mức này đã giảm gần một nửa xuống còn 37%. Nếu tính thêm rất nhiều khoản miễn trừ và những kẽ hở trong chính sách thuế thì mức thuế mà người giàu và doanh nghiệp của họ đóng trên thực tế còn thấp hơn nữa. Kết quả là ở một số quốc gia, nhóm giàu nhất đang trả mức thuế thấp nhất trong vòng cả thế kỷ. Ví dụ, ở châu Mỹ-Latin, mức đóng thuế của nhóm 10% giàu nhất chỉ có 4,8%. Ở một số quốc gia, nếu tính chung cả thuế thu nhập lẫn thuế giá trị gia tăng thì 10% số người giàu nhất đóng thuế thấp hơn nhóm 10% nghèo nhất.

Tình trạng này càng trở nên tệ hơn khi kết hợp với trình độ công nghiệp giới siêu giàu và doanh nghiệp của họ đạt được trong việc né thuế. Nhóm siêu giàu đang che giấu ít nhất 7,6 nghìn tỉ đô la tài sản khỏi các cơ quan thuế và tránh được khoảng 200 tỉ đô la tiền thuế118. Trong khi hàng triệu người tị nạn bị khước từ một nơi sống an toàn thì những người giàu nhất có thể mua quyền công dân ở bất cứ quốc gia nào đánh thuế tối thiểu đối với tài sản của họ. Chỉ tính riêng châu Phi, khoảng 30% tài sản tư nhân được giữ ở nước ngoài, khiến các chính phủ này bị thất thu khoảng 15 tỉ đô la. Với đội quân tư vấn thuế hùng hậu, những công ty đa quốc gia tận dụng các lỗ hổng trong luật thuế để chuyển lợi nhuận tới những thiên đường trốn thuế, khiến cho các quốc gia đang phát triển mất khoảng 100 tỉ đô la tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Quỹ tiền tệ Quốc tế chỉ ra triển vọng đáng kể của nguồn thu từ những cá nhân và doanh nghiệp giàu nhất. Trái với quan niệm thông thường, điều này không gây hại cho nền kinh tế và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chính sự thất bại trong việc tái phân phối tài sản mới tạo ra thiệt hại kinh tế. Ví dụ, Colombia tăng 10% tổng doanh thu thuế từ việc đánh thuế tài sản. Quốc gia này bắt đầu đánh thuế tài sản từ năm 2015 với những ai sở hữu hơn 1 tỉ peso Colombia, tương đương 315.000 đô la Mỹ.

Sử dụng các dữ liệu của Forbes tháng 2/2014, Oxfam đã tính ra rằng 1,5% thuế tài sản được đánh trên số tài sản vượt quá 1 tỉ đô la sẽ giúp chính phủ thu về 70 tỉ đô la mỗi năm với giả định rằng tất cả các tỉ phú đều đóng thuế. Nguồn thu này sẽ đủ để đảm bảo tất cả trẻ em đều được tới trường và đủ để cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, thuốc men và các dịch vụ y tế khác để cứu sống sáu triệu trẻ em. Bởi vì các tỉ phú thường đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận là 5% tới 10% đối với tài sản của họ, nên mức thuế này là hoàn toàn hợp lý. Một số nhà tỉ phú đã đồng ý cùng với Bill Gates cho đi một phần tài sản của mình. Mặc dù đây là những hành động rất đáng khâm phục, nhưng nó không thể thay thế cho việc đóng thuế đầy đủ và bình đẳng, một thực tế mà chính Bill Gate cũng đã chia sẻ.

Chính vì thế, các chính phủ phải tăng số thuế lũy tiến mà họ có thể thu từ những người giàu và các doanh nghiệp để đảm bảo rằng họ phải đóng góp một cách công bằng và xã hội do đó sẽ trở nên bình đẳng hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*