Tổng hợp và trích lại từ các báo cáo Chi tiêu thuế (Bản thảo), và Đánh giá tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng lên tổng thể nền kinh tế và hộ gia đình do Việt Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện dưới sự tài trợ của Oxfam Việt Nam và Đánh giá chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam do Oxfam thực hiện.
Chi phí và lợi ích của ưu đãi thuế
Hiện nay, nhiều quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút vốn đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, ưu đãi thuế có thể gây ra chi phí trực tiếp (giảm thu ngân sách) và gián tiếp cho chính phủ. Chi phí gián tiếp dưới hai dạng: (i) phần ngân sách bị giảm đối với những dự án mà thực tế nếu không có ưu đãi này, các nhà đầu tư vẫn thực hiện dự án; (ii) cố tình chuyển lợi nhuận từ lĩnh vực không được ưu đãi sang lĩnh vực ưu đãi thuế.
Ngoài ra ưu đãi thuế còn gây ra chi phí hành chính cho quản lý ưu đãi thuế, công tác quản lý thuế trở nên rối rắm, khó khăn. Ngoài ra, ưu đãi thuế gây méo mó trong phân bổ nguồn lực xã hội, đi ngược với nguyên tắc cơ bản của chính sách thuế đó là đảm bảo tính trùng lặp và công bằng; gây ra tình trạng “cuộc đua về đáy” giữa các quốc gia, khiến mức độ hấp dẫn tương đối giảm đi. Chính sách ưu đãi thường không có tác dụng thu hút đầu tư ở các nước đang phát triển mà trở thành món hời cho các doanh nghiệp.
Ưu đãi thuế có ít vai trò đối với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các nước đang phát triển. Điều này là do quyết định đầu tư vào một quốc gia tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó ưu đãi thuế không phải là một yếu tố đóng vai trò lớn. Một nghiên cứu của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) năm 2011 cho rằng ổn định kinh tế, ổn định chính trị, chi phí nguyên liệu, thị trường nội địa, chi phí lao động, tính minh bạch của khung pháp lý được đánh giá cao hơn ưu đãi thuế khi đưa ra quyết định đầu tư. UNIDO còn gợi ý rằng ưu đãi thuế xếp thứ 11 trong 12 yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Tỷ lệ dư thừa chính sách ưu đãi thuế (% dự án vẫn được đầu tư nếu không có ưu đãi thuế) ở các nước đang phát triển là rất cao, trung bình trên 50%. Một nghiên cứu khoa học năm 2013 đã tính ra tỷ lệ này đối với ưu đãi thuế TNDN ở Việt Nam là khoảng 83%.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam-cuộc đua về đáy
Từ năm 2009, Việt Nam giảm thuế TNDN từ 28% xuống 20%. Tỷ lệ thu từ thuế TNDN trong tổng thu thuế cũng đã giảm mạnh từ 40% xuống 25% trong giai đoạn 2005-2016. Tính toán từ công bố mức thuế suất thuế TNDN của 150 quốc gia trên thế giới do Pwc tổng hợp[1] đến tháng 2/2019 cho thấy, mức thuế suất thuế TNDN của Việt Nam hiện thấp hơn mức thuế trung bình thế giới (23,88%), so với ASEAN, mức thuế của Việt Nam thuộc dạng trung bình thấp, chỉ cao hơn của Singapore và Đông Timo.
Trong cuộc đua về đáy để thu hút đầu tư, các công ty đang được nhà nước trợ cấp dưới hình thức ưu đãi thuế và miễn giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định, làm giảm phần đóng góp của các công ty. Việt Nam đưa ra hầu như toàn bộ các loại hình ưu đãi có thể có cho doanh nghiệp đối với thuế TNDN, từ miễn thuế với một số loại thu nhập; ưu đãi thuế suất; ưu đãi thời gian miễn thuế, giảm thuế; đến chuyển lỗ, khấu hao nhanh tài sản cố định. Đáng chú ý, từ cuối năm 2017, Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa Việt Nam vào Grey List[2] – các nước có nhiều ưu đãi thuế-và Việt Nam đã phải cam kết với EU cải thiện việc đánh thuế minh bạch và công bằng hơn.
Hệ quả từ ưu đãi thuế TNDN
Việc mở rộng chính sách ưu đãi thuế là một trong những nguyên nhân làm giảm thu ngân sách nhà nước của Việt Nam. Hiện nay, ngân sách Việt Nam dựa chủ yếu vào thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (VAT); tuy nhiên, VAT đã tăng lên và trở thành đóng góp lớn nhất cho ngân sách, trung bình 25% thu ngân sách và một phần ba tổng thu thuế giai đoạn 2010-2016. VAT là thuế lũy thoái và việc sử dụng VAT như một nguồn thu chính cho ngân sách đã tạo gánh nặng lớn cho những người nghèo nhất.
Năm 2013, khi trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, Chính phủ Việt Nam đã ước tính việc bổ sung ưu đãi thuế sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 2.080 tỷ đồng/năm. Tương tự, năm 2014, số giảm thu ngân sách do áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN và Thuế thu nhập cá nhân theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật thuế ước khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.
Thêm vào đó, qua kết quả tính toán từ Điều tra doanh nghiệp 2014, tính toán sơ bộ của VEPR cho thấy rằng thuế suất thực đóng trung bình của các doanh nghiệp có lợi nhận dương thấp hơn khoảng 30% mức thuế suất phổ thông theo luật định.[3] Chi tiêu thuế thường được tập trung ở các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Trong
một báo cáo Tổng cục thuế gửi Thủ tướng chính phủ, năm 2016 số giảm thu ngân
sách do ưu đãi thuế TNDN bằng 5,8% tổng thu ngân sách nhà nước, tương đương với
86% tổng chi thường xuyên cho ngành giáo dục, hoặc 35% tổng chi thường xuyên
ngành y tế. Tuy nhiên, như bản thảo báo cáo chi tiêu thuế của VEPR, nếu
dùng phương pháp doanh thu đạt được kết hợp với mô hình cân bằng tổng thể khả
toán (CGE), VEPR cho rằng ưu đãi thuế về thuế TNDN lên tới
20% tổng thu ngân sách. Phân tích mô phỏng cũng cho thấy, xóa bỏ các ưu đãi thuế
TNDN chỉ có tác động tiêu cực đến
các nhóm thu nhập cao, vốn được hưởng lợi chính từ các ưu đãi thuế. Trong khi
đó, xóa bỏ ưu đãi thuế TNDN
mang lại những lợi ích đáng kể cho các nhóm hộ có thu nhập thấp thông qua việc
tăng đầu tư hay tăng trợ cấp cho người nghèo. Kết
quả mô phỏng cho thấy rằng, chính phủ cần thận trọng trong việc cắt giảm thuế TNDN hay mở rộng các ưu đãi về thuế.
Chính sách này có thể tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách, tác động đến
các chương trình đầu tư công và hỗ trợ người nghèo.
[1] Xem tại http://taxsummaries.pwc.com/ID/Corporate-income-tax-(CIT)-rates
[2] Xem thêm https://ec.europa.eu/taxation_customs/sites/taxation/files/eu_list_update_25_05_2018_en.pdf
[3] Tính toán này lấy số liệu từ năm 2014, mức thuế suất thuế TNDN là 22% và thuế suất thực đóng ước khoảng 16.8%.