Các tổ chức của cộng đồng là một phần quan trọng trong các phong trào vận động quyền của các nhóm yếu thế trong xã hội. Khái niệm cộng đồng rất rộng, chỉ bất kỳ một nhóm người có cùng một lợi ích, chia sẻ với nhau cùng ý tưởng, thông tin, nguồn lực hay một chương trình hành động. Ví dụ như cộng đồng người khuyết tật, người di cư, người chơi game, người đồng tính…
Trong nhiều trường hợp, một cộng đồng thiểu số rất khó nói lên tiếng nói của mình do nhiều rào cản. Ví dụ như những người thiểu năng trí tuệ, tổ chức cộng đồng của họ thường phải thông qua những người đại diện. Người đại diện có một số dạng: đại diện ngang hàng, đại diện chuyên gia, đại diện gia đình…
Có nhiều tổ chức làm vì cộng đồng, nhưng tổ chức của chính cộng đồng thì đặc biệt hơn. Trong tiếng anh, từ “advocate” vừa có nghĩa là “vận động”, vừa có nghĩa là “người đại diện”. Nên coi “đại diện” là một dạng tính cách của tổ chức hơn là một danh từ ai cũng có thể nói mà lại không có gì bảo đảm. Tính đại diện của tổ chức biểu hiện ở chỗ tổ chức đó có tạo đủ cơ hội để cho những người trong cộng đồng lên tiếng hay không. Số lượng người cộng đồng trong tổ chức không phải là một dấu hiệu chắc chắn của tính đại diện.
Ưu điểm của tổ chức cộng đồng
Không phải ngẫu nhiên người ta xem trọng vai trò của các tổ chức cộng đồng. Cuối cùng thì hiệu quả hoạt động vẫn là thứ để đánh giá một tổ chức có tốt hay không, và tổ chức cộng đồng được chứng minh là có nhiều lợi thế hơn về hiệu quả.
1. Bề dày lịch sử, trải nghiệm và câu chuyện. Tổ chức cộng đồng thường được hình thành từ những nhóm cộng đồng, hoặc từ những cá nhân trong cộng đồng khởi xướng lên. Những trải nghiệm và câu chuyện thực tế luôn có tính thuyết phục cao, và tổ chức cộng đồng nắm giữ hầu hết các thông tin này. Ví dụ một tổ chức của người chuyển giới sẽ luôn có những câu chuyện thuyết phục nhất chứng minh cho việc mình cần được thừa nhận quyền thay đổi giới tính như thế nào: câu chuyện về lần đi khám nghĩa vụ quân sự, cảm giác khi bị từ chối, tra hỏi khi lên máy bay… Không phải một chuyên gia phân tích chính sách nào cũng biết được những bằng chứng phong phú đó.
2. Mạng lưới kết nối rộng. Sống, làm việc bên cạnh người thuộc cộng đồng mình, tổ chức cộng đồng có cơ hội quan sát, phân tích và tìm ra những giải pháp phù hợp và xác đáng. Điều này còn cung cấp cho tổ chức cộng đồng nguồn ý tưởng dồi dào, bởi càng tiếp xúc nhiều với cộng đồng, các ý tưởng này càng phát triển. Sức sáng tạo của tổ chức cộng đồng là rất lớn, họ cũng tiếp ứng môi trường nhanh, đo cảm xúc cộng đồng mình tốt hơn.
3. Đoàn kết, huy động cộng đồng tốt hơn. Xuất phát từ hai thế mạnh nêu trên, tổ chức cộng đồng cũng có ưu thế trong việc kêu gọi sự tham gia, đóng góp của những người trong cộng đồng. Một ví dụ khác là việc gây quỹ, thân nhân người mắc bệnh ung thư thường có xu hướng dễ dàng đóng góp cho các quỹ nghiên cứu chữa bệnh ung thư. Tổ chức cộng đồng được xây từ nền móng chứ không phải từ một chương trình áp vào từ bên ngoài vào, rồi thuê người trong cộng đồng làm chương trình đó. Mục đích đầu tiên cho đến cuối cùng của hoạt động xã hội là làm cho cuộc sống của từng cá nhân tốt đẹp hơn, nên nó phải xuất phát từ những vấn đề thực tế, riêng tư và ấp ủ của mỗi người trong cộng đồng.
4. Niềm tự hào. Các tổ chức cộng đồng thường hay nhắc đến một khái niệm là niềm tự hào. Xét về sứ mệnh, hoạt động thì tổ chức của cộng đồng hay tổ chức vì cộng đồng đều có vẻ giống nhau. Xét về cơ cấu, tổ chức của cộng đồng thường có người cộng đồng nắm giữ quyền quyết định chủ chốt. Nhưng sự khác biệt sẽ đến từ thông điệp, sự huy động, và đặc biệt là niềm tự hào. Khi làm một việc để thay đổi cuộc đời mình, người ta cũng dễ cảm thấy những cuộc đời “tương tự” khác cũng đang có cơ hội thay đổi, và dẫn đến một cảm giác “hưng phấn”, đồng điệu mà chỉ những người chia sẻ với nhau giá trị cộng đồng mới cảm nhận được, bên cạnh cảm giác hài lòng, vui mừng của một chuyên gia khi làm một hoạt động thành công.
5. Tổ chức cộng đồng có người lãnh đạo cộng đồng đích thực. Người lãnh đạo đích thực được hiểu là người được chính cộng đồng đó thừa nhận, là người có sức ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Người lãnh đạo không nhất thiết là người đứng đầu tổ chức, cũng như không nhất thiết chỉ là một người. Người lãnh đạo cộng đồng thường chọn gia nhập hoặc khởi xướng tổ chức của cộng đồng, vì chỉ ở đó họ mới thật sự có môi trường phù hợp để hoạt động.
Hạn chế của tổ chức cộng đồng
1. Bị cho là “người trong cuộc”, từ đó không tin vào quan điểm “chủ quan.” Chẳng hạn nhiều người sẽ nghi ngờ khi người đồng tính nói về quyền nhận nuôi con nuôi, vì cho rằng nó có liên quan đến lợi ích cá nhân của họ. Đây là hệ quả của việc coi nhẹ tiếng nói của nhóm yếu thế, xem họ là nạn nhân hoặc người gây ra vấn đề, dẫn tới việc suy đoán người trong cộng đồng sẽ phải nói tích cực về vấn đề của mình. Ở đây có sự không phân biệt giữa tư cách người trong cuộc và tư cách người chuyên gia. Nếu họ được nhìn nhận với tư cách chuyên gia thì vấn đề quan trọng chỉ là lập luận của họ có hợp lý, tin cậy, thuyết phục hay không chứ không phải là những yếu tố cá nhân khác.
Nhiều người trong cộng đồng thường e ngại việc công khai bản thân vì sợ tiếng nói của mình sẽ bị đánh giá là chủ quan. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của người viết thì việc giấu tư cách là người cộng đồng thường dẫn tới những xì xào bên lề. Lời khuyên là hãy nói ra ngay từ đầu tư cách của mình: là người cộng đồng, đồng thời giới thiệu rõ năng lực cũng như giới hạn của mình với tư cách là một chuyên gia. Ví dụ khi một người đồng tính đi tập huấn về đồng tính, hãy nêu rõ từ đầu mình là người đồng tính, đã nghiên cứu những nguồn kiến thức ở đâu, sử dụng các trích dẫn, tài liệu của tổ chức nào, có hiểu biết về mảng nào, cũng như nêu những giới hạn về mặt kiến thức nếu có. Điều này thường sẽ tạo thuận lợi rất nhiều trong quá trình thảo luận sau đó.
2. Ngược lại bên trên, được cho là “người trong cuộc”, từ đó tin vào mọi quan điểm nói ra. Đây là phản tác dụng của việc tiếng nói người trong cuộc được đương nhiên chấp nhận là đúng, được dẫn lại bởi người ngoài với lập luận “chính họ đã nói như vậy.” Trong quá trình làm việc, tôi nghe nhiều ý kiến của người ngoài cho rằng người đồng tính thường đến với nhau chỉ vì tình dục, không có tình yêu thực sự, và khẳng định lại bằng lập luận “chính nhiều người đồng tính đã nói với tôi như vậy.” Ở đây chúng ta cần phân biệt rõ đâu là quan điểm, đâu là kiến thức. Quan điểm bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó phần lớn là từ trải nghiệm cá nhân hoặc hệ giá trị hình thành qua quá trình sống, tích lũy. Nó phản ánh sự thật của một người, nhưng không nhất thiết cũng là sự thật với những người khác.
Để giải quyết tình huống này, khi làm việc, nếu là quan điểm cá nhân của mình thì hãy khẳng định rõ điều đó, đồng thời cũng có thể phân tích thêm các quan điểm khác nếu có của những người trong cộng đồng khác.
3. Nạn nhân hóa vấn đề của mình. Sự nạn nhân hóa này đặc biệt xảy ra với những nhóm vốn đã và đang chịu nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử. Điều này làm giới hạn sự tự tin và khả năng tự thân vận động của tổ chức cộng đồng, mà hy vọng trách nhiệm đó sẽ được đặt vào tay một ai đó có vị thế cao hơn.
Giải pháp cho vấn đề này tự ý thức mục đích của từng câu chữ mình đang nói, mình nói điều này để làm gì, người ta sẽ cảm nhận nó như thế nào, nó có giúp ích cho tình hình không? Việc rèn luyện ngôn ngữ sẽ dần dần giúp người trong cộng đồng nhìn vào vấn đề với lăng kính “giải pháp” hơn là lăng kính “bi kịch.”
4. Quan liêu hóa. Một thực tế là nhiều tổ chức cộng đồng dần dần trở nên “xa rời quần chúng”, không còn gắn với lợi ích hay đại diện cho cộng đồng mà mình đang làm việc nữa. Tệ hơn, tổ chức đó có thể trở thành bộ máy kiểm soát các thảo luận, quan điểm trong cộng đồng. Lời khuyên để tránh quan liêu hóa là cần luôn bám lấy các giá trị cốt lõi đã tạo thành tổ chức, không thỏa hiệp với lợi ích của cộng đồng, thường xuyên nuôi dưỡng các mối quan hệ, chăm sóc mạng lưới cộng đồng, tôn trọng sự đa dạng trong cộng đồng mình, và đừng bao giờ quên bản thân mình đã và đang là một thành viên của cộng đồng. Điều này đôi lúc cần người làm việc phải gạt đi tư cách chuyên gia để nghe tiếng nói cộng đồng từ chính mình và những người khác.
5. Dễ bị tổn thương, nhạy cảm, tự kỳ thị. Là một người công khai làm trong tổ chức cộng đồng, chắc hẳn nhiều lần bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương bởi chính những sự kỳ thị mà mình đang đấu tranh xóa bỏ. Càng làm nhiều, sự kỳ thị mà bạn đối mặt hàng ngày sẽ càng lớn. Điều này có thể cải thiện bằng sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm, dần dần bạn sẽ có kỹ năng quản lý những sự kỳ thị từ bên ngoài tốt hơn, và biến nó thành những bài tập thú vị để áp dụng các phương pháp đối thoại, thay đổi nhận thức.
Kết luận
Cuối cùng, là một tổ chức cộng đồng, có thể bạn sẽ nhận sự phản đối từ chính cộng đồng của mình. Người ta có thể nghi ngờ năng lực, sứ mệnh của tổ chức, hay khả năng đại diện, lãnh đạo của những con người trong đó.
Cũng có thể đặt câu hỏi nếu một người ngoài cộng đồng lại hiểu giá trị cộng đồng hơn người trong cộng đồng thì sao? Giá trị là do cộng đồng quyết định. Lợi thế của một người trong cộng đồng là đỡ tốn thời gian để học và trải nghiệm những giá trị đó. Lịch sử đã chứng kiến những nam giới đấu tranh nữ quyền xuất sắc, những người da trắng nhiệt thành đấu tranh cho người da màu, những người dị tính vận động hết mình cho quyền của người đồng tính. Chìa khóa cuối cùng là ở việc gắn được bản thân mình vào các giá trị của cộng đồng để hiểu và làm với nó. Vì vậy, trước khi một người bất kể trong hay ngoài cộng đồng làm việc trong một tổ chức, hãy học trước khi làm về cộng đồng đó.
Huy Lương
Nguồn dienngon.vn