Việt nam nên là cái kho của thế giới

in Cộng Đồng

Nhân đọc bài viết của tác giả Bình Lê trên Diễn Ngôn với tiêu đề “Việt Nam nên là cái bếp của thế giới”, Tôi chú ý đến hai luận điểm đó là Trung Quốc hiện đang là “Công xưởng” của thế giới và liệu Việt Nam có nên trở thành cái “Bếp” của Thế giới hay không. Theo tìm hiểu qua các nguồn tài liệu thì hiện tại Thailand đang đi theo con đường phát triển để trở thành một cái bếp của Thế giới. Như vậy với lợi thế cạnh tranh hiện tại (trong rất nhiều lĩnh vực như GDP, nguồn nhân lực, hay đầu tư cho nghiên cứu khoa học v.v.), Việt Nam rất khó có thể thay thế Thailand trong tương lai gần với vai trò đầu bếp của một nhà hàng toàn cầu. Hơn nữa, chúng ta cũng không nên đảm nhiệm vai trò này khi mà Thailand đã một phần nào định hình được “Thương hiệu” của họ trong lĩnh vực này. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần phát huy thế mạnh gì và nên đi theo con đường nào để tạo dựng nên một ‘Nhận diện Quốc gia” trên trường Quốc tế mà không phải sử dụng đến quá khứ hào hùng của một dân tộc trong các cuộc chiến trước đây. Câu hỏi đó đã thôi thúc tôi đi tìm lời giải, và hôm nay tình cờ tôi đã có được vài gợi mở.

Khi một ai đó sản xuất được nhiều lương thực, người đó sẽ sử dụng một phần để nuôi sống bản thân và gia đình mình, sau đó phần còn lại có thể được chế biến phục vụ các thực khách trong nhà hàng, hoặc cũng có thể dự trữ để đợi khi giá cao hơn thì đem ra bán để có được lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt hơn nữa nếu những sản phẩm này được cất giữ có chiến lược, trong một mối liên minh vững chắc (để kiểm soát nguồn hàng, thị trường và giá cả v.v.) thì một nhóm người nào đấy có thể kiểm soát thì trường bằng việc dữ trữ hàng hóa trong kho và phân phối ra thị trường khi nguồn hàng khan hiếm hay có khủng hoảng xảy ra trên phạm vi rộng (mất mùa, thiên tai v.v). Trở lại vấn đề của Việt Nam, với ưu thế về sản xuất và xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới (năm 2012 xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo), sản lượng cà phê chỉ đứng sau Brazin, sản lượng hồ tiêu đứng đầu thế giới cùng với cao su, chè và nhiều sản phẩm thủy sản khác, chúng ta hoàn toàn có thể tự quyết định vai trò của mình trong việc điều tiết thị trường toàn cầu cho các sản phẩm nêu trên, nếu tạo dựng đước một chiến lước đúng đắn và các bước đi hiệu quả. Để làm đước điều này, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau:

1.     Xây dựng các quy chuẩn và tuân thủ quy chuẩn trong sản xuất nông nghiệp để có thể sản xuất ra các mặt hàng nông nghiệp đủ quy chuẩn và có tính cạnh tranh cao trên trường Quốc tế. Công việc này đã và đang thực hiện, nhưng cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

2.      Xác định các lĩnh vực ưu tiên chính trong sản xuất nông nghiệp và huy động nguồn lực đầu tư sâu vào các lĩnh vực ưu tiên này. Thế mạnh về gạo, cà phê, điều, hồ tiêu và cá Basa cần được quan tâm. Vấn đề này còn liên quan chặt chẽ với nguồn tài nguyên đất dành cho sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa có phần thiếu kiểm soát và thiếu minh bạch, một phần lớn đất nông nghiệp dạng “bờ xôi, ruộng mật” đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng và hậu quả là trong khi nhiều người dân mất đất canh tác thì lại có rất nhiều khu đô thị bị bỏ hoang và các khu công nghiệp chỉ lấp đầy 20 đến 30% theo thiết kế.


3.     Xây dựng các liên kết liên minh trong khu vực và thậm chí trên toàn thế giới cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam nhằm xác lập nên cái gọi là “Liên minh đầu cơ” cho các sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại Thailand đang muốn liên kết với Việt Nam trong vấn đề này để tìm cách thâu tóm và điều phối việc xuất khẩu gạo của thế giới. Trung Nguyên Cafe đang nỗ lực đi theo hướng này để Việt Nam có thể quyết định giá bán cho cà phê do chính mình làm ra thay vì một nhà đầu tư nào đó ở tận London xa xôi.


4.      Khi đã tạo được các mối liên kết cùng với các quy định chặt chẽ trong các quyết định về giá bán, thời điểm bán, đối tượng bán, chúng ta có thể thu mua, chế biến, dữ trữ trong các “kho lương thực” và chủ động bán, cung cấp các sản phẩm này ra thị trường khi muốn với lợi nhuận tối ưu, đồng thời giảm bớt các khâu trung gian của các nhà tài phiệt đến từ các nước phát triển nhằm tiết kiệm chi phi (để làm các việc có ích khác) đồng thời biến mình thành các ‘kho lương thực” cho thế giới.


5.     Song song với các chính sách này, cần củng cố và nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm nhà kho, bến bãi, đường sá và cảng biển cùng với việc đầu tư nhiều hơn cho công nghệ chế biến vào bảo quản sau thu hoạch để làm sao đó sản phẩn nông nghiệp của chúng ta có giá trị thặng dư cao hơn và dễ dàng đến được với người tiêu dung trên toàn thế giới.

Như ông chủ của Trung Nguyen Café Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Một đại cục, mà một quốc gia muốn phát triển phải có những con người có khát vọng lớn, phải có những thương hiệu hàng hóa lớn, phải có đội quân doanh nhân là chủ lực và được đặt ở vị trí, vai trò của lịch sử. Một đại cục, ở đó bất cứ ai có ý tưởng mới, lớn lao, đầy khát vọng cao đẹp sẽ được cả dân tộc chung tay biến thành hiện thực. Một đại cục mà mỗi thương hiệu quốc gia làm nên sự phát triển quốc gia phải được bảo vệ như tài sản vô giá của cả quốc gia” (nguồn: ceovn.com), chúng ta cần hơn những con người có thể làm nên đại cục, nhưng bên cạnh đó để đại cục có thể thành hiện thực, chúng ta cần nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ và định hướng của Chính phủ trong vấn đề xây dựng thương hiệu Quốc gia. Cụ thể hơn trong vấn đề này, Chính phủ Việt Nam nên khẩn trương hỗ trợ các việc sau đây:

1.      Xây dựng và ban hành chiến lược Quốc gia về “tạo dựng thương hiệu Quốc gia” với các lĩnh vực ưu tiên và cụ thể cho ngành nông nghiệp. Lồng ghép việc thực hiện chiến lược này với đề án “Tam Nông” của ngành NN&PTNT.


2.      Thành lập quỹ hỗ trợ công tác xây dựng thương hiệu Quốc gia, giao cho Bộ Công Thương điều phối. Huy động đóng góp từ các thành phần kinh tế khác nhau và đặc biệt từ các tập đoàn kinh tế lớn.


3.      Thực hiện các đề án hỗ trợ công tác nhận diện và xây dựng thương hiệu Quốc gia. Lấy sản phẩm nông nghiệp làm nền tảng. Đưa công tác này trở thành nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành và mỗi địa phương.


4.      Ưu tiên hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ bảo quản và chế biến nông sản, hoàn thiện các tiêu chuẩn về mẫu mã và kho chứa.


5.      Lựa chọn nâng cấp và làm mới các nhà kho, tuyến đường, hải cảng và cơ sở hạ tầng chế biến, vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo.

6.      Và trên hết, thông qua việc sửa đổi Luật đất đai lần này, đệ trình Quốc hội xem xét luật hóa việc ưu tiên quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp bằng cách cấm chuyển đổi diện tích gần 4 triệu ha đất nông nghiệp (được bản đồ hóa) hiện có sang bất kỳ hình thức sử dụng nào khác.

Những vấn đề nêu trên, có thể có nhiều người biết, nhưng rất khó thực hiện. Để trở thành cái gọi là “kho lương thực” của thế giới, chúng ta cần phải tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp để loại bỏ bớt các đầu tư dàn trải, tập trung ưu tiên cho các sản phẩm thế mạnh của mình; tăng cường các mối liên kết thị trường, các định chế tài chính, các nhà khoa học với nông dân, doanh nghiệp với nông dân với mong muốn các sản phẩm trữ trong kho lương thực này có đủ số lượng, đáp ứng chất lượng, và độ tin cậy góp phần phục vụ hàng tỷ người trên hành tinh của chúng ta được bảo đảm về an ninh lương thực cùng chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Và cuối cùng, giống như những gì tôi đã trao đổi với người chủ trì Đề án Tam Nông tại một cuộc hội thảo về các lĩnh vực ưu tiên cho ngành nông nghiệp, “Bên cạnh sự đầu tư của Chính Phủ, sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu Quốc gia, thì việc huy động sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc Tế, các tổ chức Phi Chính Phủ và Dân sự Xã hội cùng với kinh nghiệm Quốc Tế, chính là một thành tổ cơ bản để giúp Việt Nam chúng ta trở thành một cái “Kho Lương Thực” của thế giới,, đóng vai trò như là nhận diện Quốc gia trong một môi trường canh tranh mạnh mẽ và đang bị toàn cầu hóa như hiện nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*