Cộng đồng chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được sinh ra tự nguyện

Ai sở hữu tổ chức cộng đồng?

in Cộng Đồng

Trong bài “Vai trò của tổ chức cộng đồng trong việc bảo vệ quyền con người”, Huy Lương có bàn đến tính đại diện của tổ chức cộng đồng. Thông thường, một tổ chức cộng đồng của người khuyết tật sẽ đại diện cho người khuyết tật tốt hơn, hoặc một tổ chức của người đồng tính sẽ đại diện cho người đồng tính tốt hơn. Điều này không đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân không thuộc cộng đồng thì không bảo vệ tốt cho quyền lợi của cộng đồng, hoặc tổ chức của/có người của cộng đồng thì đại diện tốt cho cộng đồng.

Bài này sẽ thảo luận sâu thêm một khía cạnh quan trọng của các tổ chức cộng đồng, đó là tính sở hữu. Nói cách khác, ai sở hữu tổ chức cộng đồng? 

Thông thường các tổ chức cộng đồng được thành lập bởi những người trong cộng đồng để thỏa mãn một nhu cầu hoặc giải quyết một vấn đề mà từng cá nhân riêng lẻ không thể làm, hoặc không thể làm tốt bằng. Ví dụ, ở nông thôn có các Nhóm chơi hụi, nghĩa là 10-30 người có nhu cầu tiết kiệm để có khoản tiền lớn đầu tư hoặc mua trang thiết bị đắt tiền cùng nhau thành lập Nhóm hụi. Họ tự thống nhất mức đóng tiền hàng tháng, nguyên tắc xoay vòng nhận tiền, loại bớt hoặc kết nạp thêm thành viên. Khi nhận tiền hụi về, họ toàn quyền sử dụng theo nhu cầu của mình. Như vậy, toàn bộ việc thành lập, phương cách hoạt động hoặc giải tán đều do các thành viên quyết định, không phải xin phép ai. Nói cách khác, các thành viên của các Nhóm chơi hụi sở hữu tổ chức cộng đồng của mình.

Tương tự như vậy, những người đồng tính có nhu cầu chia sẻ thông tin, kết bạn và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đã tập hợp thành các Diễn đàn, ví dụ như Táo Xanh hoặc Bạn gái Việt Nam. Các Diễn đàn này tập hợp được đông đảo thành viên là người đồng tính, và hoạt động theo một bộ quy tắc được xây dựng bởi người sáng lập, có điều chỉnh theo góp ý của thành viên, và công bố công khai trên mạng. Diễn đàn được quản lý bởi một Ban điều hành cũng là những người trong cộng đồng. Việc tổ chức các hoạt động thường do Ban điều hành khởi xướng, hoặc được gợi ý bởi các thành viên. Chính vì vậy, Diễn đàn chỉ tập trung vào những việc phục vụ cho nhu cầu của thành viên, và họ có toàn quyền tự quyết làm cái gì, không làm cái gì. Tương tự như Nhóm chơi hụi, các Diễn đàn này được sở hữu bởi cộng đồng người đồng tính, nhiều người đồng tính coi Diễn đàn là ngôi nhà của mình.

Bên cạnh những tổ chức cộng đồng thành lập bởi cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của thành viên thì cũng có những tổ chức cộng đồng được thành lập bởi dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Ví dụ, các NGO hoạt động về lĩnh vực tài chính vi mô sẽ xuống địa phương, đánh giá nhu cầu, và tập hợp những người phụ nữ nghèo, có nhu cầu vay vốn thành các Nhóm tín dụng. Tuy nhiên, NGO nắm quyền quyết định mức vốn được vay, mục đích sử dụng vốn là gì (thường là đầu tư sản xuất), lãi xuất bao nhiêu, và thời hạn vay vốn bao lâu. Các nhóm tín dụng này được giám sát bởi cán bộ dự án để đảm bảo hoạt động đúng mục đích (của dự án). Ngoài việc cho vay vốn, vì NGO có sứ mệnh thúc đẩy bình đẳng giới, biến đổi khí hậu nên các khóa tập huấn, trao đổi về chủ đề này cũng được lồng ghép vào hoạt động của các nhóm vay vốn. Như vậy, các phụ nữ nghèo có nhu cầu vay vốn được “thưởng” thêm các hoạt động khác nhằm mang lại quyền bình đẳng và cũng như sứ mạng chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu, mà các NGO cho rằng rất quan trọng.

Tương tự như vậy, có nhiều tổ chức NGO hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV có tiền triển khai dự án cũng tập hợp các đối tượng nguy cơ cao, ví dụ như người tiêm chích ma túy, người hoạt động mại dâm, hoặc nam quan hệ tình dục cùng giới (MSM) thành các Câu lạc bộ phòng chống HIV. Các thành viên Câu lạc bộ được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV để bảo vệ cho bản thân cũng như tuyên truyền cho các thành viên trong cộng đồng của mình. Các hoạt động của Câu lạc bộ được dự án trả tiền, các thành viên tham gia tuyên truyền cũng được dự án trả thù lao. Như vậy, các tổ chức cộng đồng này được thành lập bởi dự án, triển khai các hoạt động của dự án, phụ thuộc vào nguồn lực của dự án. Chính vì vậy, khi dự án kết thúc các tổ chức cộng đồng này cũng tan rã vì sứ mệnh tồn tại của họ gắn liền với sứ mệnh của NGO. Nói cách khác, họ được sinh ra để phục vụ mục đích triển khai dự án.

Như vậy, các tổ chức của cộng đồng được thành lập bởi cộng đồng có vẻ đẹp riêng của tính tự chủ, tính sở hữu và tính tự nguyện. Tuy nhiên, họ thường không có nhiều nguồn lực tài chính và kỹ thuật như các tổ chức NGO. Chính vì vậy, hoạt động của họ thường hạn chế trong cộng đồng của mình. Điều này là tự nhiên, và là mục đích ra đời của họ. Tuy nhiên, nhiều tổ chức của cộng đồng nếu có thêm nguồn lực thì họ có thể làm thêm được nhiều việc cho thành viên của mình.

Đây chính là điều mà các NGO cần suy nghĩ. Liệu NGO có nên thành lập các tổ chức cộng đồng “của mình” để triển khai dự án “của mình” hay NGO nên tìm kiếm và hợp tác với các tổ chức của cộng đồng có sẵn, hỗ trợ họ phát triển, và làm công việc của họ tốt hơn?

Để làm được điều này, NGO phải thay đổi chỉ số thành công của mình. Thay vì các chỉ số như “dự án thành lập được bao nhiêu tổ chức cộng đồng” thì nên là “dự án hỗ trợ được bao nhiêu tổ chức của cộng đồng có sẵn” để họ làm công việc của họ tốt hơn.

Nhưng điều quan trọng hơn đó là quan hệ quyền lực giữa cán bộ của NGO và tổ chức cộng đồng. Việc áp đặt ý tưởng và cách làm của mình thường hấp dẫn hơn việc lắng nghe và tôn trọng ý tưởng và cách làm của người khác, đặc biệt của những người từ cộng đồng thường bị xem là yếu thế hơn, dễ bị tổn thương hơn. Nếu không kiểm soát được điều này, NGO có thể vẫn làm với các tổ chức của cộng đồng có sẵn, nhưng thay vì hỗ trợ họ, lại áp đặt ý mình lên họ (vì mình có tiền và phải tiêu tiền đúng ý mình), và biến tổ chức cộng đồng của cộng đồng thành tổ chức cộng đồng của dự án. Các tổ chức cộng đồng này có thể cung cấp cho NGO một tính chính danh vì làm cùng các tổ chức cộng đồng, nhưng khi dự án kết thúc, những tổ chức cộng đồng cũng đổ vỡ, vì họ đã chuyển sang phục vụ dự án, không còn là một phần của cộng đồng nữa. Và khi chưa có dự án thì có tổ chức cộng đồng phục vụ cộng đồng, khi có dự án thì mất tổ chức cộng đồng để phục vụ cộng đồng.

Tính sở hữu rất quan trọng trong quá trình phát triển của tổ chức cộng đồng. Nếu họ bị tước mất quyền ra quyết định (vô tình hay hữu ý) bởi NGO (hay bất cứ đối tượng có tiền nào khác), thì khả năng tồn tại bền vững của họ cũng sẽ mất theo. Khi đó họ phục vụ dự án hơn là phục vụ cộng đồng. Đây chính là một chỉ số quan trọng mà các NGO khi làm việc với các tổ chức cộng đồng cần lứu ý để tránh hậu quả của việc áp đặt ý tưởng, cũng như quyền lực của mình, dẫn đến phá hủy thể chế cộng đồng cũng như tính tự chủ, độc lập và tự nguyện của tổ chức cộng đồng.

Lê Quang
Theo dienngon.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*