Lý thuyết về thuế thừa kế, cho tặng và bình đẳng xã hội

in Thu hẹp khoảng cách

Trích lại từ hai báo cáo “Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) (2018) thực hiện dưới sự tài trợ của Oxfam Việt Nam

Học thuyết về công bằng cơ hội

Sự ra đời của học thuyết công bằng về cơ hội được khởi xướng bởi John Rawls đã đặt nền móng cơ sở lý luận để biện hộ cho các loại thuế có tính chất tái phân phối và nhà nước phúc lợi. Trong tác phẩm Theory of Justice (Lý thuyết về Công bằng), Rawls rút ra hai nguyên lý của một xã hội công bằng: (i) Nguyên lý tự do tối đa, và (ii) Nguyên lý bù trừ. Nguyên lý đầu tiên cho rằng, tất cả các cá nhân, bất kể thuộc sắc tộc, văn hóa, giới tính, điều kiện kinh tế… nào đều được hưởng quyền tự do ở mức tối đa như nhau với điều kiện người này không được xâm phạm quyền tự do của người khác. Nguyên lý thứ hai cho rằng bất bình đẳng thu nhập trong xã hội có thể được chấp nhận với hai điều kiện: thứ nhất, công bằng về cơ hội được đảm bảo: các cá nhân cần phải được trao cơ hội như nhau để đạt được vị thế trong xã hội, và thứ hai, bất bình đẳng mang lại lợi ích lớn nhất cho những người có vị thế thấp nhất trong xã hội.

Trong tác phẩm Capitalism in the 21st century [Chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ XXI, 2013] Thomas Piketty tính toán các số liệu trong lịch sử về tốc độ tăng trưởng và lợi tức của vốn và đi tới kết luận nguồn gốc của bất bình đẳng trong phân phối thu nhập là do tốc độ gia tăng lợi tức nhanh hơn tốc độ tăng trưởng. Hay nói cách khác, những ngành tập trung nhiều vốn hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và giải thích phần lớn cho mức độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong khi những ngành cần tới ít vốn hơn thường có tốc độ tăng trưởng rất thấp hoặc không tăng trưởng, thậm chí có mức tăng trưởng âm. Qua thời gian, tốc độ gia tăng thu nhập từ vốn ngày càng vượt xa tốc độ gia tăng thu nhập từ lao động. Hệ quả là, nhà tư bản ngày càng tích lũy được nhiều tài sản hơn so với phần còn lại của thế giới, khiến khoảng cách bất bình đẳng ngày càng khó để thu hẹp. Thêm vào đó, các tài sản tích lũy của nhà tư bản sẽ được truyền lại từ đời này sang đời khác, tạo ra tình trạng bất bình đẳng dai dẳng.

Piketty cho rằng, tình trạng bất bình đẳng thu nhập cực đoan – do hệ quả của việc tích lũy tài sản của nhà tư bản – sẽ quay trở lại ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Xuất phát điểm ở các tầng lớp khác nhau không chỉ ảnh hưởng tới cơ hội thực tế mà cả niềm tin của các cá nhân vào khả năng thành công của họ trong xã hội. Điều này tạo ra nguy cơ phần lớn các vị trí quan trọng trong nhà nước được nắm giữ bởi tầng lớp thu nhập cao, thúc đẩy sự hình thành của chủ nghĩa tư bản thân hữu, trong đó, các nhà tư bản tạo lập các mối quan hệ thân thiết với các chính trị gia để được ban phát các đặc quyền đặc lợi.

Điểm mấu chốt trong lý thuyết công bằng về cơ hội là quan niệm về công bằng trong phân phối thu nhập của lý thuyết này. Phân phối thu nhập được xem là công bằng khi đó kết quả của nỗ lực của các cá nhân được trao cho các cơ hội ban đầu như nhau. Từ đó, hệ quả của phân phối thu nhập sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi người. Điều này đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có cơ hội bình đẳng để đạt được các vị thế khác nhau trong xã hội, làm giảm khoảng cách thu nhập và tình trạng bất bình đẳng dai dẳng qua các thế hệ.   

Với việc tập trung vào việc xây dựng các nguyên lý tổng quát cho xã hội công bằng, bản thân Rawls không gắn lý thuyết của ông vào bất kỳ hệ thống hoặc sắc thuế cụ thể nào. Tuy nhiên, từ các nguyên lý này có thể suy ra được đặc điểm của những loại thuế thỏa mãn hoặc không tương thích với một xã hội công bằng. Từ nguyên lý đầu tiên cho rằng tất cả các cá nhân đều được hưởng các quyền tự do cơ bản tối đa như nhau, Rawls ủng hộ một “nền dân chủ về sở hữu tài sản” [property-owning democracy]. Ông cho rằng sự thiên lệch về sở hữu tài sản sẽ dẫn tới sự bất bình đẳng trong việc đạt được các vị trí cao trong xã hội hoặc bộ máy nhà nước. Vì vậy, hệ thống thuế cần phải được thiết kế để phân tán tài sản và ngăn cản hiện tượng tài sản tập trung vào một nhóm nhỏ. Nguyên lý thứ hai cho rằng, kết quả của hành động cần tương ứng với những nỗ lực, tài năng của cá nhân, thay vì được quyết định bởi các yếu tố mà cá nhân đó không thể kiểm soát. Từ đó, nguyên lý này phản đối các loại thuế tài sản làm giảm động lực lao động. Từ điều kiện thứ hai của nguyên lý bù trừ – bất bình đẳng phải mang lại lợi ích lớn nhất cho những người có vị thế thấp nhất – các loại thuế có tính lũy thoái, hoặc các mức thuế cao áp dụng với người nghèo sẽ đi ngược lại với nguyên lý này. Ngược lại, một hệ thống thuế có tính lũy tiến cao và duy trì được mức tăng trưởng tốt sẽ có lợi cho những người có thu nhập thấp và do đó tương thích với nguyên lý Bù trừ.

Xét trên góc độ hiệu quả kinh tế của học thuyết công bằng về cơ hội đề xuất bởi Piketty, thuế cần phải được sử dụng như một công cụ để làm giảm tình trạng bất bình đẳng do phân phối tài sản không đồng đều. Dựa trên việc chỉ ra nguồn gốc kinh tế của bất bình đẳng là do lợi tức từ tư bản luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, Piketty cho rằng nếu để nền kinh tế tự do vận hành thì tình trạng bất bình đẳng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, học thuyết này ủng hộ thuế tài sản ròng áp dụng với tổng tài sản, bao gồm cả tài sản hữu hình và phi hữu hình trên tất cả các quốc gia để làm giảm sự tập trung của cải vào số ít của xã hội.

Thuế thừa kế, cho tặng đối với bình đẳng xã hội

Thuế thừa kế, thuế chuyển nhượng là một trong những loại thuế giúp đạt được công bằng và phù hợp với nguyên lý bù trừ do Rawls đề xuất. Tài sản thừa kế là một trong những rào cản chính tạo ra cách biệt lớn và dai dẳng về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội, khiến các cơ hội phát triển thường chỉ xoay quanh các nhóm có thu nhập cao. Ví dụ, giả sử trong một xã hội công bằng, hai cá nhân bắt đầu với xuất phát điểm như nhau và được trao cơ hội như nhau. Tuy nhiên với nỗ lực khác nhau, một người tích lũy được nhiều hơn tài sản so với người còn lại. Trong trường hợp không có thuế thừa kế, lượng tài sản này lại tiếp tục được chuyển sang thế hệ sau và tạo ra sự khác biệt về xuất phát điểm của những người ở thế hệ sau. Bất bình đẳng do đó sẽ tiếp tục được tích lũy và duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Về cách thức đánh thuế thừa kế, Rawls ủng hộ thuế thừa kế áp dụng với người được hưởng thừa kế. Những người được hưởng thừa kế sẽ chỉ được miễn thuế thừa kế một lần duy nhất trong đời, những thừa kế tiếp theo sẽ bị đánh thuế. Mục tiêu của loại thuế này không phải để làm tăng ngân sách mà để làm giảm tình trạng tích tụ của cải. Ông cho rằng, việc đánh thuế vào người nhận sẽ tạo khuyến khích để người làm di chúc phân chia tài sản cho nhiều người hơn, thay vì chỉ trao lại tài sản cho một người thừa kế. Tuy nhiên, trừ khi thuế thừa kế được đánh ở mức 100%, tài sản thừa kế vẫn có khả năng chỉ được trao cho một số người nhất định có quan hệ gần gũi nhất với người để lại di chúc. Trường hợp này rất có khả năng xảy ra nếu người để lại di chúc chỉ mong muốn để lại tài sản của mình sau khi chết cho một số người. Vì vậy, với bất kỳ mức thuế thừa kế nào nhỏ hơn 100%, tài sản vẫn có thể được tích tụ ở một nhóm nhỏ và tạo ra các điều kiện ban đầu khác nhau giữa những người trong cùng một thế hệ.

Việc tăng cao mức thuế thừa kế cũng sẽ khuyến khích người dân tìm những cách khác nhau để trốn thuế như giao lại tài sản khi còn sống, di chuyển tài sản của mình sang các địa phương hoặc quốc gia khác. Để áp dụng nguyên lý về công bằng cơ hội tại thời điểm ban đầu được một cách triệt để, nhà nước sẽ cần phải đánh thuế 100% đối với tất cả các loại tài sản thừa kế, cho tặng. Tuy nhiên, như đã phân tích, mục đích của việc đánh thuế này nhằm tạo ra công bằng xã hội chứ không phải vì tăng nguồn thu cho ngân sách, đặc biệt khi ngân sách thiếu minh bạch, dễ bị trục lợi như tình hình hiện tại ở Việt Nam. Một động thái tăng nguồn thu này cần đi kèm với cam kết giảm thuế lũy thoái tương ứng và nâng cao hiệu quả ngân sách mới có thể tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*