TS Phùng Đức Tùng

Nhà nước cần đầu tư nâng cao chất lượng cho các trường công

in Nhân Vật/Thu hẹp khoảng cách

Tiến sĩ (TS) đã tiến hành nhiều nghiên cứu về giáo dục Việt Nam, theo TS thì vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục ở Việt Nam đang được thể hiện ở những khía cạnh nào?

Báo cáo mới nhất về Nghèo đa chiều ở Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho thấy Tỷ lệ trẻ em được đến trường rất cao. Điều này cho thấy bức tranh chung về khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em ngày càng tăng và Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nhập học đúng tuổi cấp tiểu học trên 95%, trung học cơ sở trên 85% và trung học phổ thông vào khoảng 70%. Không có khác biệt lớn về tỷ lệ nhập học giữa thành thị và nông thôn, giữa nữ và nam, giữa các vùng ở các cấp học tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, vẫn còn sự khác biệt lớn ở cấp trung học phổ thông (cấp 3) giữa các vùng. Những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nhập học đúng tuổi của học sinh cấp 3 thấp hơn rất nhiều so với các vùng còn lại. Các dân tộc ít người (trừ Tày, Hoa, Mường, Nùng) đều có tỷ lệ học sinh nhập học cấp 3 thấp hơn rất nhiều so với dân tộc Kinh.

Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, trẻ em đến trường và thời gian học ở trường (đặc biệt ở cấp 1 và 2)  không còn là vấn đề lớn nữa. Vấn đề lớn đối với Việt Nam là trẻ học được gì ở trường, chất lượng giáo dục và khác biệt về chất lượng giáo dục nhận được giữa các học sinh mới là điều cần lưu ý. Dựa trên kết quả đánh giá chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học của 651 trường (số liệu của Dự án giáo dục của Ngân hàng Thế giới) trên toàn quốc cho thấy kết quả môn thi Toán và Tiếng Việt của học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 ở các tỉnh thuộc Miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng ½ so với kết quả thi của học sinh các vùng còn lại, đặc biệt chỉ bằng 1/3 so với học sinh vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Điều này cho thấy Bất bình đẳng về chất lượng giáo dục đã xảy ra ngay ở cấp tiểu học thì học sinh ở các vùng kém phát triển này khó có thể có cơ hội học tập ở cấp giáo dục bậc cao (Cao Đẳng, Đại học).

Trong tiếp cận giáo dục phổ thông, đặc biệt ở cấp 3 thì tỉ lệ học sinh người dân tộc thiểu số thấp hơn hẳn tỉ lệ học sinh người kinh. Theo TS thì đâu là những nguyên nhân của hiện tượng này?

Thực ra không phải học sinh tất cả các dân tộc thiểu số đều có tỷ lệ nhập học cấp 3 thấp hơn dân tộc Kinh. Học sinh của các dân tộc Hoa, Tày, Mường và Nùng đều có tỷ lệ nhập học cấp 3 rất cao và không thấp hơn nhiều so với học sinh dân tộc Kinh. Nguyên nhân đầu tiên như tôi đã nói ở trên đó là chất lượng giáo dục ngay ở cấp 1 đã rất thấp ở các khu vực có học sinh dân tộc thiểu số nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc học sinh ở khu vực này có thể theo học ở các bậc học cao hơn. Nguyên nhân thứ 2 là khi bước vào độ tuổi 15-17 thì trẻ em đã có khả năng lao động nên rất nhiều gia đình dân tộc thiểu số do điều kiện kinh tế khó khăn cần lao động để đảm bảo sinh kế đã bắt các em nghỉ học. Điều này thể hiện qua số liệu Điều tra Mức sống dân cư là tỷ lệ lao động trẻ em ở các hộ dân tộc thiểu số rất cao. Nguyên nhân thứ 3 theo tôi là do khó khăn về mặt địa hình, các trường cấp 3 ở các khu vực này thường rất xa nhà, khó có thể đi học hàng ngày, thường là các trường nội trú dẫn đến các em học sinh không muốn sống xa gia đình sẽ khó theo học tiếp cấp 3. Nguyên nhân thứ 4 theo tôi đó là rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Rất nhiều học sinh dân tộc chưa nói được thành thạo tiếng Việt nên việc học cao sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân thứ 5 do các hộ gia đình ở khu vực khó khăn chưa nhìn thấy lợi ích rõ ràng từ việc đi học nên thiếu động lực cho các hộ và học sinh theo học ở các cấp học bậc cao. Điều này cũng có thể do thị trường lao động phi nông nghiệp chưa phát triển ở các vùng này. Ngoài ra, các em gái người dân tộc thiểu số thường bị chi phối bởi yếu tố văn hóa và thường sẽ lập gia đình sau khi học xong cấp 2.

Liệu nhà nước cần có chính sách gì để tăng tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học cấp 3 không?

Việc nâng cao tỷ lệ nhập học cấp 3 của học sinh dân tộc thiểu số là một thách thức rất lớn và cần cam kết của nhà nước. Nhà nước cần có các ưu đãi, trợ cấp đủ lớn cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn và vùng xa có con trong độ tuổi đi học; có các chính sách ưu đãi đặc biệt đối giáo viên khu vực này nhằm thu hút được giáo viên chất lượng cao. Nhà nước đầu tư để dạy song song tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ ngay trong các trường mẫu giáo để học sinh khi vào lớp 1 có thể nói tiếng Việt thành thạo và không mất tiếng mẹ đẻ. Nhà nước cũng cần đầu tư nâng cấp các trường học và trang bị tốt hơn các cơ sở vật chất. Về chính sách vĩ mô khác, Nhà nước cần khuyến khích phát triển kinh tế để tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, hoặc tháo bỏ các rào cản về định kiến văn hóa, thủ tục hành chính, hoặc chính sách đối xử công bằng với lao động di cư để người dân tộc thiểu số có thể xin việc ở các khu công nghiệp dễ dàng, tăng lựa chọn việc làm hơn khi học xong cấp 3. Ngoài ra, việc khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình phát triển giáo dục ở các vùng sâu vùng xa cũng là việc Nhà nước nên làm.

Vấn đề bất bình đẳng về chất lượng giáo dục có vẻ nổi cộm nhưng ít được nói đến, theo TS thì nó có phải là vấn đề quan trọng không và làm sao khắc phục được sự bất bình đẳng này?  

Giáo dục là vấn đề hàng đầu mà cả xã hội Việt Nam luôn luôn quan tâm. Hiện nay chất lượng giáo dục là vấn đề được nhắc đến nhiều nhất và là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Một trong những hạn chế hiện nay là chúng ta đang thiếu cơ sở dữ liệu khách quan, độc lập và trung thực để đánh giá chất lượng giáo dục ở các cấp học và từ đó có thể nhìn thấy được Bất bình đẳng về chất lượng giáo dục. Đây là lý do mà vấn đề này ít được nói đến.

Bất bình đẳng trong giáo dục là vấn đề cực kỳ quan trọng vì sự khác biệt về chất lượng giáo dục giữa các học sinh sẽ dẫn đến Bất bình đẳng về cơ hội và do vậy sẽ dẫn đến chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, mức sống của các thế hệ sau ngày càng giãn rộng và mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không để ai bỏ lại phía sau khó thực hiện.

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới về Bất bình đẳng chất lượng giáo dục ở Việt Nam cho thấy 60% nguyên nhân là do sự khác biệt giữa các học sinh học trong cùng một trường và 40% còn lại là do sự khác biệt giữa các học sinh học ở các trường khác nhau. Điều này cho thấy việc tổ chức các lớp chọn, lớp chuyên trong một trường và các trường chuyên dẫn đến Bất bình đẳng về chất lượng giáo dục. Theo tôi cần loại bỏ các loại hình trường chuyên, lớp chọn này để đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên và nguồn lực được phân bổ đồng đều giữa các trường, lớp từ đó tạo điều kiện cho các học sinh đều được tiếp cận với dịch vụ giáo dục công có chất lượng tương đối đồng đều.

Gần đây có chính sách xã hội hóa giáo dục. Theo TS, việc tham gia của tư nhân vào giáo dục có ảnh hưởng gì đến bất bình đẳng trong giáo dục không?  

Theo tôi việc tư nhân đầu tư vào giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình giàu là một điều tốt, nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho họ. Lý do là khi có nhiều trẻ em thuộc các hộ gia đình có điều kiện học ở khu vực giáo dục tư thì nguồn lực của nhà nước đáng ra phải dành cho những học sinh thuộc các hộ gia đình này sẽ được chuyển cho các học sinh còn lại. Từ đó, nhà nước có nhiều nguồn lực hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục công và kết quả là học sinh nghèo và không có điều kiện học ở các trường tư sẽ được hưởng lợi, chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện. Do vậy chưa chắc Bất bình đẳng về chất lượng đã gia tăng và nếu có thì cũng không phải là vấn đề quan ngại. Vấn đề quan ngại là Bất bình đẳng về chất lượng giáo dục trong khu vực công khi mà mọi công dân phải đều có quyền tiếp cận và nhận được một dịch vụ với chất lượng như nhau.

Vậy theo TS thì vai trò của nhà nước là gì trong việc đảm bảo mọi người dân dù nghèo hoặc sống ở vùng xa vẫn có thể được tiếp cận được giáo dục và hạn chế bất bình đẳng trong giáo dục ở Việt Nam?

Điều này thì quá rõ rồi. Nhà nước phải đảm bảo cung cấp dịch vụ giáo dục ở các trường công với chất lượng tương đối giống nhau. Để đạt được mục tiêu này thì nhà nước cần đảm bảo trước hết là các cơ sở vật chất của các trường như nhau, chất lượng giáo viên ở các trường là tương đối đồng đều. Việc thu hút được giáo viên có chất lượng lên các vùng sâu, vùng xa giảng dạy là thách thức lớn nhất do vậy các chính sách ưu đãi phải đủ lớn và cần có cam kết về luân chuyển giáo viên. Ngoài ra, nhà nước cũng cần phải xây dựng và áp dụng công cụ đo lường (KPI) hiệu quả công việc của các trường, giáo viên một cách công khai và minh bạch dựa trên đánh giá chất lượng học sinh một cách độc lập, khách quan và minh bạch.

Cảm ơn Tiến sĩ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*