Tinh thần công dân thúc đẩy lòng yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc mù quáng?

Tinh thần công dân thúc đẩy lòng yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc mù quáng?

in Cộng Đồng

Tinh thần công dân có thể được gắn với các giá trị mang tính cá nhân như khoan dung, tôn trọng, biết ơn, trách nhiệm (Anheier 2007; Calhoun 2000; Forni 2002; Shils 1997), hoặc các hành động liên quan đến quản trị địa phương, quyền con người, hoặc vận động chính sách (Marshall’s 1950). Nó nhấn mạnh đến hành động tham gia của người dân vào các việc có lợi ích công, từ mức độ cộng đồng cho đến chính sách quốc gia. Còn lòng yêu nước thì được hiểu gồm hai khía cạnh, một là tình yêu với đất nước và hai là khả năng phê phán các vấn đề của đất nước (Huddy 2007; Davidov 2009).

Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa tinh thần công dân và lòng yêu nước. Các nghiên cứu về tâm lý chính trị cho rằng khi người ta yêu nước thì người ta sẽ tham gia vào công việc chung và có tinh thần công dân cao hơn (Schatz 1999). Ngược lại, các nghiên cứu về vốn xã hội cho rằng chính sự tham gia của người dân vào hoạt động vì lợi ích công mới là cội nguồn để người ta yêu nước (Putnam 1993; Halpern 2005).

Hiểu về mối quan hệ này rất quan trọng vì có nhiều tranh luận khác nhau về tác động của môn giáo dục công dân, học tập dựa vào cộng đồng (service learning) hoặc các nỗ lực tăng sự tham gia của người dân vào việc chung có thể dẫn đến chủ nghĩa dân tộc (Mitchell, 2008). Nhiều người cho rằng nên để cho công dân phê phán hệ thống nhà nước hơn là đẩy họ vào các chương trình giáo dục công dân để rồi trở thành người theo chủ nghĩa dân tộc mù quáng (Pompa, 2005). Tương tự như vậy, trường phái tâm lý chính trị cũng phê phán ảnh hưởng tiêu cực của các chương trình giáo dục công dân, những nỗ lực thúc đẩy tinh thần công dân vì nó thường làm cho người ta không còn biết phê phán hệ thống nhà nước nữa (Cohen 1996;  MacIntyre 1995)

Tuy nhiên, các khái niệm hiện đại cho rằng những người theo chủ nghĩa yêu nước tích cực vẫn có thể vừa phê phán các hành động, chính sách của nhà nước, nhưng vừa có lòng yêu nước nồng nàn. Những người yêu nước tích cực vẫn thúc đẩy và ủng hộ một nền chính trị dân chủ và nêu cao tinh thần công dân tham gia vào các hoạt động vì lợi ích công (Schatz 1999) Trong nghiên cứu của mình, Sean Richey (2011) đã chứng minh được mối quan hệ nội sinh, nhân quả giữa lòng yêu nước tích cực và tinh thần công dân tham gia vào  hoạt động vì lợi ích công. Theo ông, lòng yêu nước tích cực khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động cộng đồng, và ngươc lại sự tham gia vào hoạt động cộng đồng làm tăng lòng yêu nước của người dân. Tương tự, lòng yêu nước mù quáng, cực đoan làm giảm sự tham gia của những người vào hoạt động vì cộng đồng, và sự tham gia vào hoạt động vì cộng đồng có tác động làm giảm chủ nghĩa dân tộc mù quáng.

Cũng theo Sean Richey (2011), sự tham gia và lòng yêu nước được xây dựng dựa trên hai khía cạnh cơ bản sau. Thứ nhất, các tương tác trực tiếp và tinh thần cộng đồng sẽ tạo ra cảm xúc tích cực về xã hội (Ikeda 2009). Theo nghĩa này, sự tham gia của  người dân vào hoạt động chung đã tạo ra chuẩn mực mang tính “có đi có lại” làm cho cá nhân biết mình sẽ được đối xử tử tế và công bằng. Như vậy, sự tham gia đã tạo ra ảnh hưởng đầu tiên lên lòng yêu nước đó là sự quan tâm đến xã hội và sự sẵn sàng tình nguyện hỗ trợ người khác. Khía cạnh thứ hai của sự tham gia là tạo ra kiến thức, hiểu biết về các vấn đề của xã hội. Bản thân nhiều sự tham gia cũng để góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội. Nói cách khác, trong quá trình này người dân phát triển được tinh thần phê phán xã hội vì họ hiểu được nguyên nhân của các vấn đề xã hội. Như vậy, sự tham gia tạo ra cả tình yêu nước lẫn sự phê phán các vấn đề của quốc gia. Hơn nữa, khi tham gia và hiểu đất nước luôn có vấn đề cần giải quyết sẽ giúp người dân thực tế hơn, giúp họ sẽ hiểu về những tuyên truyền giả dối (rằng đất nước rất tươi đẹp) hoặc những thói đạo đức giả của các chính khách. Khi đó, sự tham gia đã làm giảm nguy cơ của tinh thần dân tộc cực đoan.

Như vậy, thúc đẩy lòng yêu nước chính là thúc đẩy tinh thần công dân, tinh thần tham gia vì lợi ích của cộng đồng, của quốc gia. Chỉ khi đó thì lòng yêu nước của người dân mới dựa trên sự tỉnh táo, phê phán, và không rơi vào bẫy cực đoan của chủ nghĩa dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*