Làm thế nào để khi chữa bệnh không phải rút tiền ra trả?

in Thu hẹp khoảng cách

Khám, chữa bệnh mà không phải rút tiền ra trả có phải là một ước mơ, một điều không tưởng vì thực tế mỗi lần đến bệnh viện đều tốn rất nhiều tiền, thậm chí nhiều người nghèo phải “buông xuôi” khi mắc phải bệnh hiểm nghèo?

Chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Healthcare Coverage – UHC) không chỉ là một ước mơ mà là một ý tưởng đã thành hiện thực ở nhiều quốc gia. Nó có  mục đích giúp mọi người không phân biệt điều kiện kinh tế, sắc tộc, hay nhu cầu khám chữa bệnh đều được chăm sóc y tế khi cần. Không  những thế, chất lượng dịch vụ y tế họ được đáp ứng có chất lượng tốt, hiệu quả. Nói cách khác, UHC giúp mọi người được tiếp cận dịch vụ y tế bình đẳng, có chất lượng mà không bị bần cùng hóa vì phải chữa bệnh.

Nhưng câu hỏi là ai sẽ trả tiền cho việc này?

Hãy tưởng tượng UHC như là một cái Quỹ chung. Quỹ chung này được đóng góp từ các nguồn khác nhau như ngân sách nhà nước (thu được từ thuế do doanh nghiệp và người dân đóng), từ bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện. Quỹ chung này được duy trì trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro, làm sao để người giàu chia sẻ với người nghèo, người khỏe mạnh chia sẻ với người đau ốm, và người trẻ chia sẻ với người già. Chúng ta đều biết không “ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” hoặc không ai “trẻ mãi không già”, vì vậy việc mọi người đều đóng góp vào Quỹ chung này chính là để giúp mỗi người đều có thể khám chữa bệnh khi cần.

Để có được UHC phát triển bền vững tất cả mọi người đều có trách nhiệm tham gia và đóng góp.

Đối với người dân ngoài việc đóng thuế và mua bảo hiểm y tế, việc thực hành chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao đều đặn cũng giúp phát triển UHC. Điều này là do một cộng đồng thực hành lối sống khỏe mạnh không những giúp giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh mà còn làm tăng nguồn thu thông qua hoạt động kinh tế. Ngược lại, một cộng đồng nhiều người ốm sẽ làm việc ít hơn, đóng góp vào quỹ ít hơn nhưng lại sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn nên sẽ gây ra tình trạng “vỡ quỹ”.

Nhưng quan trọng hơn là vai trò của nhà nước trong việc xây dựng và duy trì Quỹ chung để có được UHC. Thứ nhất, nhà nước phải hoạt động hiệu quả và công bằng trong việc thu thuế để đảm bảo nguyên tắc chia sẻ: người giàu hỗ trợ người nghèo. Thuế phải đảm bảo người có thu nhập cao hơn đóng tỉ lệ thuế cao hơn. Thứ hai, nhà nước phải tăng thêm ngân sách chi cho y tế vì hiện tại chi từ ngân sách mới chiếm 32% tổng chi y tế trong khi người dân đang phải trả từ tiền túi 41%.  Thứ ba, nhà nước cần đảo ngược một số chính  sách “xã hội hóa/thương mại hóa” y tế công, bệnh viện tự chủ, hoặc đồng chi trả vì nó đi ngược lại nguyên tắc của UHC. Các chính sách này không chỉ duy trì gánh nặng chi trả lên người dân mà còn đẩy bác sĩ và y tá ra khỏi mục đích nhân đạo của nghề y vì thu nhập của họ phụ thuộc vào sự chi trả của bệnh nhân.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là cơ chế quản lý hệ thống y tế cần được cải cách nhằm đảm bảo sự minh bạch và trong sáng của hệ thống. Một ví dụ là chính sách “xã hội hóa” đang tạo ra “dịch vụ tự nguyện” hoạt động theo cơ chế thị trường ngay trong bệnh viện công. Thiếu minh bạch trong việc sử dụng tài sản công cho các mục đích tư không những dẫn đến tham nhũng mà còn tạo ra sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa bệnh nhân nghèo và bệnh nhân giàu, bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế với bệnh  nhân tự trả tiền cho “dịch vụ tự nguyện”. Như vậy, một hệ thống y tế công minh bạch và trong sáng là điều kiện cần để đảm bảo cả tính nhân đạo của nghề y lẫn sự hiệu quả và công bằng trong việc sử dụng nguồn lực.

Điều này không có nghĩa là Việt Nam cần loại bỏ bệnh viện tư hoặc các phòng khám tư mà nhà nước phải biết giới hạn của dịch vụ tư chỉ dành cho những người có tiền. Hơn nữa, các cơ sở y tế tư nhân nên được tách biệt với bệnh viện công (cả về cơ sở vật chất và nhân lực) để đảm bảo sự minh bạch, chống tham nhũng. Cả lý thuyết kinh tế và thực tế cho thấy một quốc gia dựa quá nhiều vào y tế tư nhân và thị trường để chăm sóc sức khỏe cho người dân thì kết quả y tế toàn dân sẽ kém hơn.

Như vậy, việc khi đi khám, chữa bệnh không phải rút tiền ra trả là có thật và có tính khả thi. Để biến nó thành hiện thực ở Việt Nam thì mỗi cá nhân cần thực thi trách nhiệm công dân của mình như đóng thuế và bảo hiểm y tế; thực thi quyền của mình như giám sát việc chi tiêu ngân sách nhà nước; thực hành lối sống khỏe mạnh qua thực dưỡng và tập luyện thể thao. Còn với Nhà nước, cần xây dựng một hệ thống Quỹ chung bằng việc tăng ngân sách cho y tế, tăng độ che phủ mua bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện sao cho Quỹ chung càng bao trùm, càng nhiều người tham gia càng tốt. Ngoài ra, nhà nước cần chỉnh sửa các chính sách thuế lũy thoái (người nghèo có tỉ lệ đóng thuế cao hơn người giàu), thương mại hóa dịch vụ y tế công, chính sách bệnh viện tự chủ, và đồng chi trả. Các chính sách này đang đi ngược lại nguyên tắc của UHC, đang khiến người dân phải chi trả cao khi chữa bệnh, phải xét nghiệm và mua các loại thuốc đắt tiền không cần thiết, và gây hại cho sự bền vững của Quỹ bảo hiểm y tế và mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Giải quyết các điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được chăm sóc sức khỏe toàn dân, xây dựng một xã hội khỏe mạnh, ít bức xúc, và có lòng tin xã hội và lòng tin chính trị cao.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*