Điểm tham chiếu của người Việt

in Cộng Đồng

Trong các gia đình Việt Nam ngày xưa và thậm chí ngày nay, nhiều bậc cha chú luôn nói “chúng mày thời nay sướng hơn bọn tao nhiều.” Điều này đúng vì tăng trưởng kinh tế trong hơn hai thập kỷ qua đã cải thiện dịch vụ sống, giảm đói nghèo đặc biệt trong tầng lớp dân cư thành thị nên người Việt rất lạc quan và vui vẻ. Đó là lý do tại sao, Việt Nam luôn nằm trong tốp các nước hạnh phúc nhất thế giới.

Người Việt hạnh phúc vì mong đợi quan trọng nhất của mình là có cơm ăn áo mặc và cuộc sống yên bình đã được đáp ứng. Nhiều người luôn so sánh cuộc sống hiện tại với sự nghèo khó của thời bao cấp và thấy rằng cuộc sống của mình ngày càng tốt hơn. Hàng hóa đầy chợ, siêu thị sang trọng liên tục mọc lên khác hẳn với việc xếp hàng dài từ lúc mờ sáng để mua vài cân gạo và thực phẩm thời bao cấp. Bữa cơm hàng ngày có thịt có cá khác với ngày xưa phải đợi đến Tết để được thỏa mãn sự thòm thèm. Cuộc sống thời kinh tế tập thể làm theo còi, ăn theo kẻng, cơ hội công việc chỉ là nông dân trong hợp tác xã hay công nhân trong nhà máy thật tù túng so với nền kinh tế thị trường đa thành phần. Khi so sánh với quá khứ đói nghèo, chiến tranh và loạn lạc thì cuộc sống sau đổi mới là cuộc sống thật sự hạnh phúc, an bình, và luôn luôn cải thiện. Và người Việt tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản vì thấy mong đợi “có cơm ăn áo mặc” của mình đã được đáp ứng.

Cuộc sống hiện tại cho người Việt tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Nhiều người đã trải nghiệm trực tiếp cuộc sống ở châu Âu, Mỹ, Úc khi đi học, công tác, du lịch hoặc gián tiếp qua phim ảnh, internet và truyền hình. Đó là những nước không chỉ giàu về vật chất nhưng tự do về tư tưởng và dân chủ trong đời sống chính trị. Người Việt cũng hiểu hơn về các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, và Hàn Quốc để thấy ước mơ giàu có về kinh tế dân chủ trong chính trị gần gũi với mình hơn. So sánh với các nước này người Việt thấy mình nghèo hơn “vì chiến tranh, vì cấm vận và vì các thế lực thù địch chống phá.” Nhưng với tốc độ kinh tế tăng trưởng cao, thị trường bất động sản bùng nổ, các “kỷ lục” luôn luôn bị phá vỡ làm người Việt tin rằng chắc chắn cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn và tự do và dân chủ sẽ là điểm đến tất yếu.

Nhưng mấy năm gần đây kinh tế khủng hoảng đã nhanh chóng bào mòn sự lạc quan của người Việt. Kinh tế suy xụp làm hiện lên một xã hội với tham nhũng lan tràn và bất bình đẳng đang tăng cao; sự xuống cấp của đạo đức, an toàn xã hội với nạn cướp giật công khai, giết người vô cớ và thậm chí là sự lộng quyền của một bộ phận công an và quan chức. Giới trẻ phải đối mặt với nạn thất nghiệp, chất lượng giáo dục thấp, sinh viên phải học những môn xa rời thực tế không có ích cho công việc sau này. Người Việt đã và đang tự đặt ra những câu hỏi để lý giải tại sao Việt Nam lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn này?

Người Việt giờ đây đã từng có một quá khứ tốt đẹp và lạc quan khi kinh tế liên tục tăng trưởng và cuộc sống người dân liên tục được cải thiện. Điều này đồng nghĩa với điểm tham chiếu không chỉ còn là sự loạn lạc của thời chiến tranh và sự đói nghèo của thời bao cấp nữa. Song song với những hiểu biết về tự do, dân chủ và nhân quyền, người Việt càng ngày càng mong đợi nhiều hơn và họ càng đòi hỏi chính quyền đáp ứng nhiều hơn. Và nếu sự đáp ứng của chính quyền thấp hơn sự mong đợi của người dân, chắc chắn sẽ dẫn đến sự không hài lòng, thậm chí là bất bình trong dân chúng.

Chính quyền cần lắng nghe và thấu hiểu những mong đợi quan trọng và chính đáng của người dân để biến thành ưu tiên của quốc gia. Không nên hạn chế ước mơ của nhân dân vì chỉ khi mong ước lớn thì thành công mới lớn. Đừng lo ước mơ của nhân dân vượt quá khả năng đáp ứng của chính quyền thì sẽ gây ra bất ổn vì điều này chỉ đúng khi chính quyền giữ quyền “ban phát” cho nhân dân. Nếu ước mong của nhân dân và chính quyền trùng khớp thì thiếu hụt đó không còn nữa. Việt Nam đã từng trải nghiệm điều này khi cả dân tộc mong ước giải phóng đất nước và đồng hành cùng chính quyền thực thi thắng lợi ước mơ vĩ đại của mình.

Mỗi người Việt ở trong vị trí của mình phải tạo ra những ước mơ lớn trong ước mơ chung của dân tộc. Sinh viên hãy ước mơ trở thành Ngô Bảo Châu hay Steve Jobs để tạo cảm hứng vô tận cho mình trong học tập và sáng tạo. Đừng tự giới hạn trong ước mơ vì tự do ước mơ là quyền cơ bản nhất của con người. Đừng e dè khi thể hiện ước mơ vì khi đó cảm hứng mới được truyền đạt và ước mơ mới được kết nối giữa người với người.

Doanh nhân cần như Đặng Lê Nguyên Vũ ước mơ Trung Nguyên có thể vượt qua Starbucks và lãnh đạo café thế giới. Ước mơ này là chính đáng và cần khuyến khích vì đó chính là động lực để cán bộ nhân viên Trung Nguyên làm việc và chiến thắng. Nếu doanh nhân nào cũng khiếp đảm trước các tập đoàn thế giới và hài lòng với việc làm thầu phụ cho họ thì không bao giờ trở thành người đi đầu.

Các nhà trí thức Việt Nam cần có điểm tham chiếu là sự thật vì sự thật là thức ăn thiết yếu cho xã hội. Một dân tộc có lầm đường hay không phụ thuộc vào bản lĩnh nói thẳng nói thật của trí thức. Nếu không, những giá trị nhân bản và những định hướng quốc gia sẽ bị bóp nghẹt bởi sự giả dối và hèn yếu mà thôi.

Và cuối cùng, các nhà chính trị cần có điểm tham chiếu là tự do của nhân dân và thịnh vượng cho dân tộc. Lãnh đạo cần phục vụ lợi ích của dân tộc chứ không lấy điểm tham chiếu là ý thức hệ, tính giai cấp hay chủ nghĩa lịch sử nào. Ước mơ của họ phải là ước mơ của toàn thể nhân dân và đi từ nhân dân mà ra. Và điều song trùng này chỉ có thể khi quyền bầu lãnh đạo của nhân dân được bảo vệ và thực thi trong các cuộc bầu cử công bằng, cạnh tranh và minh bạch.

Cần hành động bằng việc gỡ bỏ những hạn chế trong ước mơ của mình. Đừng bao giờ coi mình là thấp kém mà lấy điểm tham chiếu thấp hơn các dân tộc khác. Hãy nhìn về phía trước và hướng tới chân trời tự do và hạnh phúc cho dân tộc!

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*