Để người bán hàng rong tạo ra sự thịnh vượng

in Cộng Đồng

Khi nhiều người ra đường đến công sở đã thấy những quán hàng nhỏ  chen nhau trong từng khoảng trống trên vỉa hè. Từ mờ sáng, cuộc sống ngoài phố đã nhộn nhịp như một tổ ong với những chiếc xe máy vun vút trên đường đầy ắp hàng hóa, rau cỏ, thịt thà, từ các chợ đầu mối vào thành phố, xuống các khu chợ bán lẻ và những người bán hàng rong. Những rổ chuối nhỏ, những túi cam hay các loại hoa quả được bày bán khắp nơi, bám lấy từng góc phố đông đúc. Những người bán hàng rong với mọi thứ sản phẩm có thể tưởng tượng được đang thực hiện công việc làm ăn của mình để mưu sinh.

Đến chiều, hoạt động có giảm đi nhưng không chấm dứt hẳn. Những người bán rong đã về nhà. Nhưng phố xá lại được trang điểm bằng những cột khói mỏng từ vỉa than đang nướng thịt hay xúc xích. Nếu đi dọc phố sau khi trời đã tối, những người bán thức ăn vây quanh người đi đường mời mọc vào quán.

Những người bán hàng rong là một phần năng động của đời sống ở nhiều thành phố. Nhưng họ cũng thường bị lên án vì hàng quán chiếm hết vỉa hè. Dường như mỗi ngày rác thải của họ thải ra ngày càng nhiều. Và khó có thể đi bộ trên vỉa hè vì ngày càng có thêm những người bán hàng rong.

Rõ ràng, nỗ lực mưu sinh của người này lại trở thành khó chịu đối với người khác. Khi đời sống thay đổi, việc thực thi quy định của chính phủ về bán hàng rong cũng thay đổi theo. Thời gian đầu chính phủ ủng hộ những người bán hàng rong và không đưa ra quy định nào hết. Nhưng sau một thời gian, nhiều khu phố buôn bán đã trở nên quá tải và gây phiền toái cho mọi người. Nhưng dù những người bán hàng rong bị gán những tội lỗi gì đi nữa thì họ có thật sự đáng bị phê phán không? Lúc này, dường như chính quyền lúng túng không biết nên đối xử với hàng rong như thế nào. Vỉa hè là để dành cho người đi bộ chứ không phải cho hàng quán. Nhưng vỉa hè cũng là nơi mưu sinh của nhiều triệu người.

Tranh cãi kiều này  sẽ còn tiếp tục, ngay cả khi vỉa hè được coi là tài sản công hay là “của chung”. Các nhà kinh tế hoặc gọi đó là “bi kịch của tài sản chung” và đây là một ví dụ nữa của việc tài sản chung bị “khai thác” quá mức, đến nỗi trở thành có hại cho tất cả mọi người.
Có hai giải pháp cho loại xung đột này, một là tư nhân hóa tài sản chung, hai là dùng lực lượng công an và dân phòng phạt và tịch thu.
Trong một thành phố đông đúc thì mọi cố gắng nhằm ngăn chặn việc chiếm đoạt vỉa hè đều không đem lại kết quả vì khi lực lượng cưỡng chế vừa ra đi là những người bán hàng rong lại chiếm lấy càng nhiều chỗ càng tốt. Người đi bộ buộc phải nhường bước xuống đường.
Vậy biện pháp tư nhân hóa có giải quyết được vấn đề?

Thế giới của hàng rong không có quyền sở hữu đối với chỗ đặt quầy hàng và biết rằng họ có thể bị đuổi đi hoặc tịch thu hàng hóa bất cứ lúc nào. Kết quả là người bán hàng không quan tâm tới việc đầu tư vào hàng quán và tiếp tục hành động vì lợi ích cá nhân của mình, gây hại cho cư dân vì không người nào có quyền sở hữu cái tài sản (hè và đường phố) mà người đó đang sử dụng.

Xung đột là không tránh khỏi và vấn đề không được giải quyết.

Như vậy, giải pháp tư nhân hóa bằng cách bảo đảm cho người ta quyền sở hữu khu đất mà đằng nào người ta cũng sử dụng nên được xem xét.

Việc thiết lập quyền sở hữu làm thay đổi hành vi của những người bán hàng rong. Ví dụ rác cũng là vấn đề của sở hữu chung. Nếu lưu ý một chút, có thể thấy rằng vứt rác chỉ xảy ra ở những nơi thuộc tài sản công mà thôi. Rác cũng thường bị ném vào những chỗ thuộc tài sản riêng nhưng được mở ra cho mọi người cùng sử dụng – như siêu thị, sân thể thao, rạp chiếu phim. Nhưng ở những chỗ đó, người chủ sở hữu không quá bực mình, mà đưa người tới dọn dẹp. Dọn dẹp là một phần của việc kinh doanh vì đó là tài sản riêng của họ.

Thiết lập quyền sở hữu cũng khuyến khích người ta cải thiện công việc kinh doanh của chính họ. Nó tạo điều kiện cho người ta đầu tư và tối ưu hóa việc sử dụng. Một quầy hàng có thể được sử dụng bởi nhiều người khác nhau, có nghĩa là một người có thể sử dụng vị trí vào buổi sáng, còn người khác thì sử dụng vào buổi chiều. Không có gì bất thường khi thấy một chỗ mà sáng sớm có người bán đồ điểm tâm, đến 9 hay 10 giờ thì lại có người bán cơm trưa, sau đó khoảng 4 giờ chiều lại được thay bằng người bán đồ ăn tối. Việc thiết lập quyền sở hữu còn tạo ra một thị trường chuyển nhượng vị trí, người dân có thể thu xếp việc sử dụng vị trí phù hợp với giá trị kinh tế cuả nó.

Tiếp cận bằng quyền sở hữu đem lại không chỉ sự uyển chuyển mà còn hiệu quả hơn trong việc giữ gìn trật tự trong khu vực buôn bán. Ban quản lí tại chỗ biết rõ khu vực của mình và có thể giúp giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa những người bán hàng. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố có thể thu thuế tăng ngân sách đầu tư cho các công trình công cộng và an ninh chung.

Buôn bán trên đường phố có thể trở thành nơi ươm mầm cho những doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng và đầy sức sống. Cả một tầng lớp doanh nhân có thể được hình thành, với tất cả những lợi ích mà họ có thể cống hiến cho xã hội. Tại nhiều nơi trên thế giới, chính quyền thành phố đã phải công nhận rằng cấm buôn bán trên hè phố là việc làm vô ích. Những người bán hàng rong đại diện cho cái gọi là “cuộc trường chinh” tới chủ nghĩa tư bản. Nếu bị chính quyền cản trở và quấy rầy thì quyền sở hữu không thể phát triển được. Nhưng nếu chính phủ lại hành động như là người bảo vệ quyền sở hữu thì việc buôn bán trên đường phố sẽ là bước khởi đầu trên con đường dẫn tới thịnh vượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*