Đừng chỉ tiêm thuốc giảm đau cho người nghèo

in Cộng Đồng

Theo kết quả đánh giá nghèo 2012 công bố ngày 24 tháng 1 năm 2013 do Ngân Hàng Thế Giới thực hiện, Việt Nam còn 20,7% người nghèo theo chuẩn nghèo 653,000 đồng/tháng (2.25USD theo 2005 PPP). Tỉ lệ người nghèo cao nhất ở vùng Tây Bắc (60.1%), Đông Bắc (37,7%) và Tây Nguyên (32,8%). Tuy nhiên, số người nghèo chủ yếu sống tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long do mật độ dân cư cao. Nói cách khác, nghèo ở Việt Nam mang đậm tính nông thôn và miền núi và thu nhập của người nghèo chủ yếu từ hoạt động nông nghiệp.

Theo báo cáo “Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành – thành tựu giảm nghèo của Việt Nam và các thách thức mới”, càng ngày Việt Nam càng khó xóa nghèo cho vùng “lõi” vì cơ sở hạ tầng thiếu, điều kiện tiếp cận dịch vụ công, trình độ giáo dục và kỹ năng nghề nghiệp của người nghèo thấp. Bên cạnh đó, bất bình đẳng về thu nhập và chi tiêu giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư ngày càng nghiêm trọng gây ra những bất ổn xã hội. Ví dụ, tỉ lệ nghèo của dân tộc thiểu số còn rất cao ở mức 66,3% so với 12,9% của người đa số và người dân tộc thiểu số chiếm 47% tổng số người nghèo năm 2010 so với 29% năm 1998.

Bức tranh  không mấy sáng sủa của việc xóa đói giảm nghèo đặt ra câu hỏi lớn đó là tại sao các chương trình chính sách lớn của  nhà nước như 30a, 135 hay trợ giá trợ cước cho người nghèo không giải quyết được tình hình? Phải chăng các chương trình này không hiệu quả và không có ích cho người nghèo?

Lùi lại một bước và suy ngẫm thì có thể thấy phần lớn tỉ lệ nghèo đói giảm trong mấy thập kỷ qua là do phát triển kinh tế mang lại là chính. Khi nền kinh tế mở cửa, mọi người được tự do làm ăn tạo ra của cải và giúp người dân thoát nghèo. Các chương trình xóa đói giảm nghèo có tác dụng ngắn hạn, hỗ trợ là chính. Nói cách khác, các chương trình cho người nghèo chỉ là thuốc giảm đau cho bệnh nhân mà thôi. Nếu muốn khỏi bệnh, bệnh nhân phải được phẫu thuật hoặc chữa trị và các chương trình phát triển kinh tế có ích cho người nghèo chính là toa thuốc cần thiết.

Nói cách khác, chính sách phát triển kinh tế đúng đắn mới giúp nhân dân giàu lên và số người nghèo giảm đi.

Như vậy, Việt Nam cần lựa chọn triết lý phát triển cho giai đoạn mới để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa giúp xóa đói giảm nghèo. Từ cuộc khủng hoảng hiện tại và nhìn vào tiềm năng phát triển của Việt Nam, đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn là một lựa chọn thực tế và thông minh.

Như bài viết “Việt Nam nên là cái bếp của thế giới” nông nghiệp và nông thôn chính là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, là nền tảng để Việt Nam phát triển. Hơn nữa, đa số người nghèo đang sống ở nông thôn và miền núi, thu nhập của họ chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính là đầu tư trực tiếp cho nhóm đối tượng này. Nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ phát triển sẽ mở ra cơ hội việc làm cho họ. Người nghèo và người dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội cao hơn khi làm việc trong những ngành liên quan đến sản xuất và chế biến nông sản vì nó gần gũi với kiến thức và kỹ năng sẵn có của họ.

Bên cạnh đó, các chính sách phát triển kinh tế ở vùng nông thôn đặc biệt là miền núi nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống phải lấy lợi ích của người dân bản địa làm trọng. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã ồ ạt cấp phép cho các công ty khai thác khoáng sản, làm thủy điện vừa và nhỏ, phá rừng trồng cây công nghiệp tàn phá nặng nề cơ sở sinh kế của người dân. Ô nhiễm môi trường, đổ vỡ  văn hóa và chia rẽ cộng đồng là những hậu quả tai hại ảnh hưởng đến cơ hội phát triển lâu dài của họ. Chính vì vậy, chính sách của nhà nước phải dứt khoát và cương quyết loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, tham nhũng để cứu vãn cơ hội phát triển đặc biệt của người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, những “lệch lạc” về đầu tư đều xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa đó là thiếu sự tham gia thực sự của người dân, của xã hội dân sự trong quá trình giám sát hoạt động đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp. Nói cách khác, những người nông dân nghèo, người dân tộc thiểu số hay phụ nữ chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi tiếng nói của họ được lắng nghe. Điều này chỉ có được khi họ có quyền lập hội và bầu lãnh đạo đại diện của mình để tìm ra được người thực sự có tâm, có tài truyền tải được tiếng nói của họ cho nhà nước và chính phủ. Đây cũng chính là cách đảm bảo chính sách có trách nhiệm và công bằng hơn cho những người yếu thế, thiệt thòi.

Như vậy các chương trình xóa đói giảm nghèo là cần thiết cho người nghèo giống như thuốc giảm đau cho bệnh nhân phải mổ. Nhưng để thoát  nghèo, thể chế phải được cải tổ để nhân dân có thể quyết định và giám sát điểm đến của nguồn lực như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản, công nghệ và thông tin. Nếu chỉ dựa vào các chương trình giảm nghèo mà không cải tổ thể chế thì người nghèo sẽ mãi nghèo cũng giống như bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau mà mãi không được mổ. Và thực tế là khi dùng thuốc giảm đau nhiều người bệnh sẽ nghiện giống như người nghèo ở Việt Nam đang tranh nhau nghèo để được hưởng lợi từ hỗ trợ của nhà nước. Tất nhiên, khi đó bệnh tình chỉ nặng thêm mà thôi!

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*