Philanthropy (thiện nguyện) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp và có nghĩa là “love of people/humanity – tình yêu con người”. Như vậy, gốc rễ của từ philanthropy làm cho chúng ta nghĩ đến mục đích của các tổ chức từ thiện là thể hiện tình yêu con người thông qua các hành động tốt. Còn philanthropist (người làm thiện nguyện) là những người có tình yêu con người và sẵn sàng giúp đỡ người khác, đặc biệt những người gặp hoạn nạn và kém may mắn. Trong thời hiện đại, philanthropy thường được hiểu như là hoạt động quyên góp, cứu trợ hoặc làm tình nguyện, còn philanthropist thường được nghĩ đến như là những người giàu có, có thể cho đi rất nhiều tiền. Điều này làm hẹp nghĩa ban đầu của từ philanthropy vì ai cũng có thể có trái tim có tình yêu con người và đều có thể hành động vì người khác. Ở Mỹ, từ philanthropy giờ còn được hiểu như là một tổ chức, một Quỹ chuyên đi quyên tiền, hoặc mọi người còn phát triển thành văn hóa gây quỹ (culture of philanthropy) hoặc như một nghề nghiệp (she works in philanthropy). Dù từ philanthropy đã được sử dụng khác với nghĩa ban đầu, nhưng cần hiểu nguồn gốc của nó để không đi chệch khỏi cốt lõi là “love of people” của từ này[1].
Bài viết cùng chủ đề:
Từ trước đến nay các nhà triết học thường giải thích hành vi đóng góp từ thiện dựa trên lòng trắc ẩn (altruism) và tính vị kỷ/tư lợi (egoism). Lòng trắc ẩn được định nghĩa như là hành động vì lợi ích của người khác, còn tính vị kỷ thì được hiểu như lợi ích cá nhân như là nguyên tắc chi phối của hành động từ thiện.
Lòng trắc ẩn được cổ vũ bởi các tôn giáo khác nhau, ví dụ như thiên chúa giáo thì nhấn mạnh tình yêu và từ thiện là biểu hiện của niềm tin vào chúa. Đạo hồi thì cho rằng từ thiện dù là tự nguyện hay bắt buộc đều là hành động thỏa mãn mong đợi của đức Allah. Đạo phật nhấn mạnh đến việc tiết chế lòng tham cá nhân và sự giúp đỡ chúng sinh. Còn đạo Do thái thì tôn vinh hành vi hào hiệp và các hoạt động vì cộng đồng. Khác với tôn giáo, chủ nghĩa nhân đạo thì dựa vào lý trí để khuyến khích hành vi từ thiện. Đối với những người theo chủ nghĩa nhân đạo thì việc giảm nỗi đau của người khác là một hành động có ý nghĩa với cá nhân, tạo ra cảm giác hạnh phúc, và đóng góp vào lợi ích chung.
Khi một hành vi nhân đạo được thực hiện mà không liên quan gì đến lợi ích cá nhân thì được các nhà triết học giải thích một cách khác nhau, thậm chí trái ngược. Với Aristotle, Rousseau và một số nhà tâm lý học gần đây như Carl Rogers và Abraham Maslov thì cho rằng bản chất của con người là giúp đỡ người khác qua khỏi đau khổ, hoặc con người có tính hy sinh cho lợi ích của cộng đồng. Điều này có nghĩa nếu một ai đó không thực hiện hành vi giúp đỡ người khác trong nguy khốn thì đó là biểu hiện của sự thoái hóa đặc tính người. Ngược lại, Machiavelli, Hobbes và Freud thì cho rằng bản tính con người là ích kỷ, tư lợi. Theo quan điểm này thì các hành vi từ thiện không xuất phát từ bản tính người mà do cấu trúc xã hội áp đặt hành vi này lên con người. Một trong biểu hiện rõ nhất đó là trừng phạt những ai vi phạm luật lệ của xã hội.
Tuy nhiên, nhiều người trong đó có Franklin Gamwell[2] cho rằng tư lợi có thể được hiểu bao gồm cả lợi ích của người khác dẫn đến một hành vi có thể được diễn đạt như là có lòng trắc ẩn với người này và xuất phát từ tư lợi với người kia. Từ góc nhìn này, Dwight L Burlingame[3] cho rằng cả lòng trắc ẩn lẫn tính tư lợi đều tồn tại song song trong một con người làm cho họ có tinh thần hợp tác. Mọi hành vi của con người không chỉ có động cơ vì người khác hoặc chỉ vì lợi ích của mình, mà bao gồm cả hai. Nhà triết học giáo dục Dewey[4] từ đó cho rằng điều quan trọng trong giáo dục không phải là cân bằng hai động cơ này mà là làm sao để phát triển cái tôi mà ở đó các hành vi có lợi cho xã hội được coi trọng.
Một quan điểm chính khác cho rằng các hành vi vì lợi ích của người khác thường xuất phát từ lòng thấu cảm hay năng lực nhận thức được tình cảnh của một người và có cảm xúc với hoàn cảnh của người đó. Clary và Snyder dựa vào đây để phát triển ra một khung giải thích tại sao một người lại tình nguyện làm việc thiện. Theo mô hình này thì hành vi từ thiện có năm chức năng đó là (i) khẳng định giá trị – đó là thể hiện sự quan tâm cho người khác, hành động một cách vị tha; (ii) có tính thích nghi xã hội – hành động vì là thành viên của một nhóm; (iii) bảo vệ cái tôi – làm giảm cảm giác tội lỗi và giúp cá nhân cảm giác tốt; (iv) tri thức – học hỏi về một điều gì đó; (v) thực dụng – có thêm kỹ năng hoặc thông tin vì mục đích nghề nghiệp. Như vậy hành vi tình nguyện có cả động cơ cá nhân lẫn động cơ xã hội.
Theo Dwight L Burlingame thì việc chỉ dựa vào lòng trắc ẩn để giải thích cho hành vi từ thiện là không đầy đủ thậm chí còn phản tác dụng vì hai lý do. Lý do thứ nhất, mọi hành vi từ thiện đều có hai động cơ hoạt động cùng nhau. Lý do thứ hai, việc chỉ viện dẫn lòng trắc ẩn sẽ nâng người cho lên cao và hạ người nhận xuống thấp, và trong trường hợp đó nó sẽ phản tác dụng về mặt đạo đức. Theo William Dean[5] thì việc lòng trắc ẩn ca ngợi người cho vì họ có thể cho mà không đòi hỏi phải đáp trả, còn làm thấp người nhận vì họ nhận mà không cần phải suy tư. Để giải quyết nghịch lý này, Robert Payton[6] đưa ra khái niệm “hành động tự nguyện vì lợi ích công”. Theo khái niệm này, thì các hành động từ thiện bao gồm việc cho và nhận (tiền, vật dụng) một cách tự nguyện dựa trên lợi ích công sẽ có giá trị đạo đức trung tính. Theo Mike Martin[7], khi đó thì việc phán xét đạo đức sẽ phụ thuộc vào vụ việc cụ thể. Trong từng vụ việc cụ thể, vấn đề đạo đức chỉ xuất hiện khi có xung đột về lợi ích giữa người cho và người nhận.
Tài liệu tham khảo:
[1] Kim Klein (2016). Fundraising for Social Change, Seventh Edition.
[2] Franklin I. Gamwell (1991). Egoism and Altruism: the modern problem. Unpulished paper.
[3] Dwight L Burlingame. Altruism and philanthropy: definitional issues. Indiana University Centre for Philanthropy.
[4] Dewey, John (1978). “Altruism and egoism”, reprinted in John Dewey: the middle works, 1899-1924, v.6, Southern Illinois Unviersity Press, pp.368-369.
[5] Dean, William (1992). Personal correspondence.
[6] Payton, Robert L (1988). Philanthropy: voluntary action for the public good. ACE/Macmillan, Newyork.
[7] Martin, Mike W (1991). Philanthropy, virtue, and responsibility. Unpublished paper.