Dù gái hay trai chỉ hai là đủ
Tranh cố động cho sinh đẻ có kế hoạch (nguồn: internet)

Chính sách không thể chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng

in Chính Sách

Câu chuyện số 1

Trong chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình quốc gia, kiểm soát tỉ lệ sinh luôn là một mục tiêu quan trọng. “Mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc và được áp dụng triệt để ở các địa phương thông qua giáo dục, tuyên truyền, kỷ luật và phạt hành chính. Hệ thống chính trị địa phương được khen ngợi vì đạt được mục tiêu kiểm soát sự gia tăng của dân số và góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế và xã hội đất nước. 

Câu chuyện số 2

Công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Tranh cố động chính sách Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (nguồn: internet)

Công nghiệp hóa hiện đại hóa là khẩu hiệu quen thuộc trong các văn kiện của Đảng và nhà nước. Nó thể hiện tư duy coi công nghiệp hóa hiện đại hóa là chìa khóa thành công của phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng các nhà máy cơ khí, đóng tàu, sản xuất xi măng, sắt thép càng nhiều càng tốt. Tỉ trọng sản xuất công nghiệp tăng là chỉ số thành công của chính quyền địa phương cũng như sự hiện đại văn minh của quê nhà. Chính vì vậy, chính quyền tạo mọi điều kiện về vốn, đất đai, nhân công cho mục đích “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Câu chuyện số 3

Chỉ số GDP
Tổng sản phẩm quốc nội, tức chỉ số GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm) (nguồn: internet)

Việt Nam đã tự hào trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong suốt hai thập kỷ qua. Chiến lược phát triển của chính phủ trung ương và chính quyền địa phương luôn đặt tăng trưởng GDP là mục tiêu tối thượng. Mọi chính sách đều xoay quanh câu hỏi có đóng góp cho sự tăng trưởng GDP hay không. Tốc độ tăng trưởng GDP được coi là chỉ số của thành công của chính quyền nên trong báo cáo dù ở tỉnh nghèo nhất GDP vẫn tăng trên dưới 10% cao hơn tốc độ tăng GDP quốc gia.

Trong câu truyện thứ nhất, chỉ số mà chính quyền quan tâm là không có gia đình sinh con thứ ba. Toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở tập trung thực hiện mục tiêu này bất chấp những sức ép lên gia đình và xã hội. Kết quả của sự tương tác giữa chính sách “mỗi gia đình chỉ nên có hai con” và truyền thống “trọng nam khinh nữ” trong xã hội Việt Nam đã dẫn đến sự chênh lệch giới tính khi sinh tới mức báo động, nhiều địa phương vượt mức 120 bé trai trên 100 bé gái. Hậu quả của sự thành công là có rất nhiều chàng trai trưởng thành sau này không thể lấy vợ. Ngoài ra còn có các hậu quả khác như nạo phá thai bé gái, rượu chè và bạo lực ở các gia đình không sinh được con trai, và tình trạng buôn bán trẻ em gái và phụ nữ do bất cân bằng giới tính tạo ra. Những thông tin này không xuất hiện trong các báo cáo kết quả của chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Trong các hội nghị tổng kết chỉ có các tràng pháo tay cho các địa phương kiểm soát thành công “không có gia đình sinh con thứ ba”.

Trong câu chuyện thứ hai chiến lược “công nghiệp hóa hiện đại hóa” được đong đo bằng số nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp được xây dựng ở địa phương. Tư tưởng này dễ dàng giúp chính quyền lấy đất nông nghiệp để phát triển nhà máy hoặc các khu đô thị mới. Những dự án đầu tư cho nông nghiệp được coi là không ưu tiên vì nó không tạo ra GDP công nghiệp, và như vậy không phải là một chỉ số phát triển tốt cho địa phương. Hậu quả là nhiều địa phương chạy theo phong trào, đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp không có lợi thế cạnh tranh, ví dụ như xi măng, sắt thép, đóng tàu. Việc đầu tư vào công nghiệp tràn lan cũng dẫn đến những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tiêu tốn nguồn lực của đất nước. Trong khi đó, nông nghiệp là một thế mạnh thì bị bỏ rơi, và nông dân phải tràn ra thành phố và các khu công nghiệp kiếm việc làm dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội khác.

Trong câu chuyện thứ ba, chỉ số tăng GDP được đặt làm trung tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động khai thác tài nguyên như gỗ, khoáng sản, hay thủy điện được cấp phép tràn lan bất chấp vấn nạn môi trường vì nó đóng góp cho sự tăng trưởng GDP. Các hoạt động đầu tư ồ ạt vào thị trường chứng khoán, bất động sản, hoặc kinh doanh ngoài ngành đã tạo ra nhiều rủi ro về kinh tế vĩ mô. Chạy theo tăng trưởng, các khoản đầu tư mang tính nền tảng như giáo dục, y tế, công nghệ và sáng tạo bị coi nhẹ. Tất cả những điều này đẩy Việt Nam vào nguy cơ phát triển không bền vững, ăn sổi và rơi vào bẫy quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Cả ba câu chuyện trên đều có điểm chung đó là phát triển được quy thành những chỉ số cụ thể, phải đong đo đếm được. Các chỉ số này được coi là đích đến và toàn bộ hệ thống chính trị lao vào thực hiện bất chấp những rủi ro, thậm chí hậu quả nó tạo ra.

Rõ ràng, phát triển xã hội không chỉ đơn giản là các con sốvà có mục đích duy nhất. Xã hội giống như một cánh rừng nguyên sinh, có cây gỗ, cây bụi, cây leo, và rong rêu. Nếu mục tiêu của các nhà quản lý là khai thác gỗ thì họ sẵn sàng bỏ qua cây bụi, cây leo, và rong rêu mặc dù chúng đóng vai trò quan trọng trong chức năng giữ nước, giữ ẩm và duy trì hệ sinh thái rừng. Cực đoan hơn, các nhà quản lý còn có thể tiến tới phát cây bụi, độc canh cây lấy gỗ để đạt được mục tiêu của mình. Điều này dẫn đến xói mòn đất, khô hạn hoặc thậm chí biến đổi khí hậu về lâu dài. Đây chính là bản chất của chính sách kế hoạch hóa gia đình, công  nghiệp hóa, và lấy tăng trưởng GDP là chỉ số thành công mà chưa tính tới các yếu tố quan trọng khác.

Việc có chỉ số để phát triển rất quan trọng, nhưng chọn chỉ số nào là điều quan trọng hơn. Phát triển xã hội suy cho cùng là phát triển con người và không thể chỉ đong đo đếm bằng các chỉ số như tỉ lệ sinh, số nhà máy được xây hay tăng trưởng GDP. Phát triển con người đòi hỏi có những chỉ số hài hòa cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Ngoài yếu tố vật chất, các yếu tố về văn hóa, tinh thần, tâm linh, tự do, bình đẳng, hay tham gia và thể hiện mình cũng cần phải coi trọng. Có như vậy, chúng ta mới tránh được việc phát triển duy ý chí, chỉ tập trung vào các chỉ số cơ học mà quên mất các yếu tố nền tảng tạo ra hạnh phúc của người dân. Nói cách khác, chính sách phát triển không thể chỉ nhìn thấy cây mà phải lấy sự phát triển của rừng để đảm bảo sự bền vững và lợi ích cho tất cả mọi người.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*